Đăng nhập

Cổng TTĐT Thị trấn Lai Cách - Huyện Cẩm Giàng

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Thị trấn Lai Cách

​​

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

ĐẢNG BỘ THỊ TRẤN LAI CÁCH

*

***

 

 

 

 

 

 

LỊCH SỬ

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN THỊ TRẤN LAI CÁCH

(1930-2015)

 

 

 

           

 

 

 

 

 

 

BCH ĐẢNG BỘ TT LAI CÁCH KHÓA XXI

TÁI BẢN, THÁNG 11 - 2017

 

SƠ THẢO LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ XÃ LAI CÁCH

 (1945-1990), Xuất bản năm 1993

 

* Chỉ đạo biên soạn:

 Ban Thường vụ Đảng ủy xã Khóa XV (1991-1993)

 

* Chịu trách nhiệm xuất bản:

Đ/c Mai Công Thái, Bí thư Đảng ủy

 

* Sưu tầm tư liệu gồm các đồng chí:

Nguyễn Đức Lược, Nguyễn Đình Bình, Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Trọng Diên, Nguyễn Thái Long, Nguyễn Văn Hy, Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Quang Vận, Lưu Văn Hiên,

 Vũ Trọng Huân, Nguyễn Thanh Bảo

 

* Biên soạn gồm các đồng chí:

 Nguyễn Đức Lược, Lưu Văn Hiên, Vũ Trọng Huân

 

 

LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN

THỊ TRẤN LAI CÁCH (1930 - 2015)

Tái bản, Tháng 11 -2017

 

   *Chỉ đạo biên soạn:

Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn  Khóa XXI (2015-2020)

 

* Chịu trách nhiệm xuất bản:

            Đ/c Nguyễn Trọng Thanh, Bí thư Đảng ủy

 

* Chịu trách nhiệm nội dung:

Ban Thường vụ Đảng ủy khóa XXI, Thường trực HĐND, Lãnh đạo UBND, Thường trực MTTQ

 

 

* Sưu tầm tư liệu và biên soạn gồm các đồng chí:

Nguyễn Trọng Thanh, Nguyễn Đình Hưng, Nguyễn Đức Thắng , Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Trọng Mạc, Trần Quang Hường, Nguyễn Trọng Ky, Vũ Văn Tĩnh, Vũ Thị Thuấn, Hoàng Văn Tuyên, Lưu Xuân Hinh, Lưu Văn Thùy, Nguyễn Đức Tương, Lê Văn Sảnh, Nguyễn Văn Khuê

 

 

 

 

 

 

 

 

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Thực hiện Chỉ thị số 15- CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thông báo số 1121-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng về việc ''Nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ các cấp''.   Ban chấp hành Đảng bộ xã Lai Cách  khóa XV (1991-1993) đã tổ chức khai thác tư liệu, biên soạn"Sơ thảo Lịch sử Đảng bộ xã Lai Cách, 1945-1990" in, phát hành năm 1993.

  Đây là cuốn sách quí để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã nghiên cứu học tập, phát huy truyền thống. Tuy vậy, lần đầu Đảng bộ tổ chức nghiên cứu biên soạn sách lịch sử nên không tránh khỏi những hạn chế; Mặt khác cuốn sách mới biên soạn đến năm 1990, từ năm 1991 đến nay (gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng), đất và người Lai Cách có rất nhiều thay đổi cần phải được bổ sung.

Nhận thức được tình hình trên và thực hiện Thông báo số 1180-TB/TU ngày 02 tháng 6 năm 2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương về việc "Biên soạn, tái bản Lịch sử Đảng bộ các cấp". Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn Lai Cách họp ngày 09/3/2017 quyết định bổ sung, chỉnh lý, biên soạn, tái bản sách "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Lai Cách, gia đoạn 1930-2015".

 Biên soạn, tái bản sách lần này, Ban biên soạn có chỉnh sửa một số từ ngữ, lỗi chính tả và chuyển hầu hết nội dung chú thích ở các trang lên nội dung chính,   còn tất cả  nội dung các sự kiện lịch sử trong cuốn Sơ thảo lịch sử Đảng bộ xã Lai Cách phát hành năm 1993 vẫn giữ nguyên.Ban biên soạn khai thác tư liệu, biên soạn tiếp thời kỳ 1991-2015 và bố cục lại các chương, các mục và chỉnh lại các tiêu đề cho phù hợp với tiến trình lịch sử đã diễn ra trong toàn quốc nói chung, Lai Cách nói riêng từ xã hội Thực dân - Phong kiến đến năm 2015.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chi bộ xã Lai Cách, nay là Đảng bộ thị trấn Lai Cách (28/11/1947-28/11/2017), Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn tổ chức phát hành cuốn sách "Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Lai Cách, giai đoạn 1930-2015" tới cán bộ, đảng viên, nhân dân thị trấn và bạn đọc gần xa.

Với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng rất phong phú của Đảng bộ và nhân dân Lai Cách,, nhưng do khả năng của Ban biên soạn có hạn, nên cuốn sách không thể tránh khỏi thiếu sót. Rất mong bạn đọc gần xa thứ lỗi và tiếp tục cho ý kiến để khi có điều kiện tái bản vào lần sau được hoàn chỉnh hơn.

Ban chấp hành Đảng bộ thị trấn Lai Cách chân thành cảm ơn các cơ quan ban ngành của tỉnh và huyện; cảm ơn các đồng chí cán bộ, đảng viên và nhân dân thị trấn - nhất là các đồng chí cán bộ chủ chốt các thời kỳ đã nhiệt tình cung cấp tư liệu, tham gia góp ý để cuốn sách phát hành đúng kế hoạch.

 

 

 

T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ

Bí thư

 

Nguyễn Trọng Thanh

 

 

 

 

Chương mở đầu

 

KHÁI QUÁT VỀ TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ, KINH TẾ, VĂN HÓA- XÃ HỘI Ở LAI CÁCH  DƯỚI  XÃ HỘI THỰC DÂN -  PHONG KIẾN

 

I. CỘI NGUỒN VỀ ĐẤT VÀ NGƯỜI LAI CÁCH

Thị trấn Lai Cách là vùng đất được hình thành từ thời Hùng Vương. Những người đầu tiên về đây khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp cách ngày nay  hàng nghìn năm. Khi mới mở đất, chỉ có một số hộ về đây sinh sống. Sau đó nhiều hộ thuộc các dòng họ ở mọi miền đất nước lần lượt về lập ra các trại ấp, làng xã. Đến ngày nay thị trấn Lai Cách có nhiều dòng họ khác nhau sống trong một cộng đồng cư dân, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, chiến đấu.

Thời Thực dân - Phong kiến thị trấn Lai Cách  còn là hai xã: Cách Chỉ Trang và Vân La Xã thuộc tổng Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Sau đó xã Cách Chỉ Trang đổi thành xã Lai Cách, xã Vân La Xã đổi thành xã Vũ Xá. Xã Lai Cách có 6 thôn: Thôn An Nghĩa, thôn Bản Hoá “Gồm có 6 xóm: Lẻ, Gạch, Doi, Bầu, Bễ" (Khải đễ); thôn Đìa (Trung Đàm), thôn Năm, thôn (Ngũ Lộc), thôn Ngọ (Ngũ Mã), thôn Lỗ Măng ([1]). Xã Vũ Xá có 5 thôn: Thôn Trằm (Nhu Trạch), thôn Trụ (Thiên Trụ), thôn Tiền, thôn Hoàng Đường (Làng Vàng), thôn Hương Phú (Làng Nội)([2]).

 Cách mạng tháng 8/1945 thành công, căn cứ vào tình hình đặc điểm, dân số, ruộng đất của xã Lai Cách và xã Vũ Xá, Chính phủ quyết định sáp nhập hai xã Lai Cách và Vũ Xá thành một xã, lấy tên là xã Lai Cách. Khi mới sáp nhập, xã Lai Cách có diện tích tự nhiên khoảng 10 km2, phía Đông giáp xã Tứ Minh, phía Nam giáp xã Cẩm Đông và xã Cẩm Đoài, phía Tây giáp xã Tân Trường, phía Bắc giáp xã Cao An và xã Cẩm Định.

 Cuối năm 1968, huyện lỵ Cẩm Giàng chuyển từ thị trấn Cẩm Giàng về xã Lai Cách. Từ đó xã Lai Cách trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả huyện Cẩm Giàng. Được Huyện ủy, HĐND, UBND và các ngành đoàn thể trong huyện quan tâm, xã Lai Cách có điều kiện phát triển trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng.

Ngày 24/9/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 74-NĐ/CP về việc thành lập thị trấn Lai Cách trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Lai Cách là đô thị loại V nằm ven quốc lộ số 5 và đường 394. Thị trấn Lai Cách, phía Đông giáp thành phố Hải Dương, phía Tây giáp xã Tân Trường, phía Nam giáp xã Cẩm Đoài và Cẩm Đông, phía Bắc giáp xã Cao An và xã Cẩm Định.

 Đến năm 2017, diện tích tự nhiên của thị trấn Lai Cách còn 750 ha, có 3.800 hộ, 14.000 khẩu; Cư trú ở 13 thôn: Đìa, Năm, Ngọ, Bễ, Bầu, Gạch, Doi, Lẻ, An Nghĩa, Hoàng Đường, Tiền, Trụ, Trằm và 7 khu dân cư là: 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20.

Về đường xá, sông ngòi: Từ xa xưa vùng đất này đã có con đường cái quan từ cầu Cẩm Khê (Tứ Minh) chạy qua cửa chùa thôn Trụ, cửa đình thôn Hương Phú (Làng Nội), cửa chùa vàng (Hoàng Đường), thôn An Nghĩa về quán Xanh, đến bờ giếng thôn Đìa vòng lên Cống Mỏ. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, người Pháp bắt dân ta làm 2 con đường chiến lược nối thành phố Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội: Đường quốc lộ số 5 nằm trên địa phận xã Lai Cách dài hơn 4 km và đường xe lửa nằm ở phía bắc xã. Sau đó người Pháp bắt dân ta làm thêm 2 con đường chạy ngang qua xã: Một đường nối từ bến Cậy chạy qua quốc lộ số 5 đến xã Cẩm Vũ (gọi là đường 194) và một đường từ quốc lộ số 5 nối với ga Cao Xá. Các làng, xóm trong xã đều có đường qua lại nối với quốc lộ số 5 và đường xe lửa, việc đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn.

 Lai Cách còn có 3 con sông nhỏ nối với sông Thái Bình và sông Cậy đó là sông Đìa, sông Cầu Gỗ, sông Trụ. Đây là nguồn nước tưới cho đồng ruộng và sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Do bình diện địa lý ở Lai Cách không bằng phẳng và không đều nhau, nên có khu cao, khu trũng. Về mùa mưa khu trũng thường bị ngập úng phải đi thuyền, đi mảng như thôn Trằm, thôn Trụ. Do vậy ngày xưa nhân dân địa phương có câu ca “Trăm cái tội không bằng cái lội làng Trằm".

Về sản xuất nông nghiệp: Diện tích gieo trồng hàng năm hầu hết là đất thịt pha cát, chân ruộng 2 vụ lúa rất ít, chủ yếu chỉ gieo cấy vào vụ mùa dựa vào nước mưa. Vì vậy khi vào mùa mưa bão hay bị úng ngập, có năm mất tới 50% diện tích hoặc có thu hoạch cũng không đáng kể, mỗi sào chỉ thu được từ 30 kg đến 40 kg. Còn vụ chiêm chỉ cấy được một số diện tích, đa số phải bỏ hoang vì không có nước.

Về dân số: Lai Cách là một xã có số dân đông. Năm 1930 mới có 624 hộ và 2.534 khẩu, năm 1945 có 725 hộ và 3.404 khẩu, năm 1998 (thành lập thị trấn) tăng lên 2.938 hộ, 11.693 khẩu, đến năm 2017 thị trấn Lai Cách đã có 3.929 hộ, 14.162 khẩu. Nhân dân trong xã đa số là dân tộc Kinh, trên 90% số dân theo đạo phật, số dân theo đạo thiên Chúa ở xóm Ngọ Ngoài khoảng 1.5%. Nguồn sinh sống chính của nhân dân xã Lai Cách chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, gieo trồng lúa, mầu và một số ngành nghề phụ như: Trồng dâu nuôi tằm, đan chài lưới, đánh bắt cá.

II. NHÂN DÂN LAI CÁCH  DƯỚI CHẾ ĐỘ THỰC DÂN - PHONG KIẾN

Dưới chế độ Thực dân - Phong kiến, người dân Lai Cách và Vũ Xá bị bóc lột, đói rách, cơ cực tối tăm. Trong những năm dài dưới ách đô hộ của Thực dân Pháp, người dân nghèo đã đói rách, ngày càng đói rách hơn. Về văn hoá, chúng dùng chính sách ngu dân làm cho nhân dân ta dốt nát mê muội để chúng dễ bề cai trị và bóc lột.

Mặt khác bọn thực dân Pháp ra sức mua chuộc bọn quan lại phong kiến để làm tay sai cho chúng. Sự cấu kết đó được thể hiện rõ nhất là tên Vũ Xuân Lãng một tên địa chủ cường hào làm con nuôi tên Macsimi (Công sứ Pháp). Lãng đã dựng bia ghi công đức của mình (Nhà bia này đã bị nhân dân ta đập phá khi đứng lên giành chính quyền).

Dựa vào thực dân Pháp, bọn quan lại trong và ngoài xã đã thâu tóm ruộng đất vào tay mình. Theo số liệu điều tra trong cải cách ruộng đất, trong xã có 20 tên địa chủ với 129 khẩu bằng 3,4% dân số, ruộng đất chúng chiếm 44% diện tích = 684 mẫu 5 sào Bắc Bộ (246,4 ha). Riêng tên địa chủ Vũ Xuân Lãng chiếm 156 mẫu Bắc Bộ (56,1 ha); 9 hộ phú nông có 73 khẩu bằng 2,1% dân số, chiếm 74 mẫu 6 sào Bắc Bộ (26,8 ha) bằng 4,8% diện tích; 130 hộ trung nông có 661 khẩu chiếm tỷ lệ 19,5% dân số, ruộng đất có 399 mẫu 6 sào Bắc Bộ bằng 11,7% diện tích. Ngược lại 566 hộ bần cố nông có 2.541 khẩu chiếm 75% dân số trong xã mà ruộng đất chỉ có 180 mẫu 7 sào Bắc bộ bằng 11,7% diện tích. Bên cạnh đó còn ruộng công điền, quan điền chiếm 210 mẫu 9 sào Bắc Bộ, bằng 13,6% diện tích. Địa chủ xã khác xâm canh 223 mẫu 1 sào Bắc Bộ bằng 14,3% diện tích toàn xã; Trong khi đó 296 hộ cố nông với 1.223 khẩu không có ruộng và 108 hộ không có cả đất ở phải ở nhờ vào đình, điếm, quán chợ…

Ruộng đất phân chia như vậy nên 75% dân số trong xã có ít ruộng hoặc không có ruộng. Con đường sống duy nhất là phải làm thuê, cấy mướn, cấy tô, cấy rẽ, đi ở biến mình thành tôi tớ cho bọn địa chủ trong xã. Cuộc sống của họ đói rách khổ cực trăm chiều. Dựa vào cảnh khốn cùng của người nông dân, bọn địa chủ trong làng, trong xã cấu kết với thực dân Pháp chúng bầy ra lệ làng, hủ tục lạc hậu để vơ vét, bóc lột và đầu độc nhân dân ta để làm giầu cho gia đình chúng.

Dã man hơn chúng đặt ra thuế thân, còn gọi là sưu nam giới từ 18 tuổi đến 60 tuổi đều phải đóng. Bọn lý trưởng, chánh tổng trong xã bắt người 17 tuổi cũng phải đóng thuế thân để chúng bỏ túi. Chỉ tính riêng năm 1945 toàn xã có 698 xuất đinh mỗi xuất nộp 2,5 đồng và 5 hào phụ thu, thành ra mỗi xuất phải nộp 3 đồng. Tổng số tiền thuế thân chúng thu năm 1945 của nhân dân ở đây là 2094 đồng. Ngoài thuế thân là thuế ruộng đất,  từ 3 thước trở lên phải nộp mỗi sào 2 đồng, cộng 6 hào phụ thu; có năm toàn xã phải nộp 4.162 đồng 6 hào. Giá thóc thời điểm đó là 5 đồng 1 tạ thì phải đóng 83.250 kg. Chỉ riêng 2 thứ thuế trên đã làm cho bao gia đình khổ sở phải bán ruộng, bán con để lo đóng thuế. Ngoài ra bọn địa chủ trong làng, trong xã còn đặt ra nhiều thứ thu khác...Trong mỗi kỳ thu thuế bọn tri huyện sai lính tráng về làng thúc giục, hạch sách đàn áp những người thiếu thuế. Những người thiếu thuế bị chằng trói đánh đập, cùm kẹp hoặc phải bỏ làng mà đi. Những năm 1944-1945 bọn phát xít Nhật còn bắt dân ta đóng thuế luỹ tiến đó là một thứ thuế rất nặng. Chúng đã thu của xã ta hàng trăm tấn thóc nhập vào kho để phục vụ chiến tranh, mặt khác chúng bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay, trồng thầu dầu để phục vụ mưu đồ xâm lược của chúng. Chỉ trong vòng 15 năm từ 1930-1945 toàn xã đã có 118 gia đình phải bỏ làng đi tha phương, cầu thực để kiếm sống. Nhiều gia đình không trở về quê hương.

Dưới chế độ thực dân phong kiến, nạn cho vay nặng lãi là nguồn lợi lớn của bọn địa chủ, 100% người dân nghèo ở đây đều phải dấn thân vào con đường vay mượn, cầm cố. Bọn địa chủ còn đặt ra nhiều hình thức cho vay. Lãi ngày, lãi tháng; lãi mẹ đẻ lãi con, con nợ không trả được thì lãi chồng chất lên. Vì vậy nhiều gia đình trong xã phải bán hết ruộng vườn để trả nợ hoặc không có ruộng vườn thì phải nai lưng làm công rẻ mạt cho chúng. Trong xã có 12 gia đình phải bán con để trả nợ hoặc gán con vào ở đợ không công. Cá biệt có ông Ngần ở thôn Nghĩa, ông Bung ở xóm Gạch đi ở hết cả đời lúc chết phải bó chiếu để chôn.

Ngoài ra chúng còn phát canh, thu tô (tức) cao. Mức tô chúng thu thường tới 75% sản lượng. Nhiều gia đình nộp tô xong không còn một hạt thóc, phải quay lại vay nặng lãi.

Tất cả các hình thức bóc lột trên, chúng còn bầy đặt ra lệ quà biếu vào các ngày giỗ, ngày tết.  Ai không có lễ vật thì chúng không cho cấy, không cho vay hoặc tính tô, tính lãi nặng hơn.

Ngoài thủ đoạn bóc lột về kinh tế, trong lĩnh vực văn hoá xã hội chúng bầy ra nhiều hủ tục lạc hậu đồi truỵ để đầu độc nhân dân như: đăng cai tế đám, mua chức xã, chức lý, chức hương, chức tiên chỉ, chủ văn, chủ tế. Chúng đặt ra khao danh vọng ở chốn đình chung. Vì vậy có nhiều người mua được chỗ ngồi ở chốn đình chung phải bán ruộng vườn, nhà cửa để trang trải nợ nần…

Bọn địa chủ phong kiến ở địa phương đã bầy đặt ra những hủ tục tại đình làng, tệ hại nhất là lệ đăng cai tế đám. Đối với nam giới đến tuổi 18 phải có lễ vật ít nhất là một mâm xôi và một con gà làm lễ xin vào đám. Còn lệ tế đám nam giới từ 18 tuổi đến 60 tuổi mỗi người phải một lần lo cai đám, xôi thịt đều phải đủ để dân làng ăn. Với tục lệ này làm cho bao người phải bán hết ruộng vườn để lo cai đám, đau khổ hơn là những người không có ruộng vườn để bán phải bỏ làng ra đi.

Một tệ nạn khác khá nguy hiểm là cờ bạc và nghiện hút. Bọn thực dân phong kiến đã không ngăn ngừa, chúng còn khuyến khích. Trong xã đã có tới 48 hộ có bàn đèn làm 65 người lâm vào cảnh nghiện hút, có gia đình cả vợ chồng và con cái đều mắc nghiện hút. 10 người không còn gì đã bỏ làng ra đi.

Tục lệ ma chay, cưới xin tốn kém, phiền phức đã làm cho 8 gia đình điêu đứng, lo tang xong cho bố mẹ phải bán hết ruộng vườn để trả nợ, 30 người khác phải bỏ làng ra đi vì công nợ.

Với quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", “trọng nam, khinh nữ, trọng phú, khinh bần, đa thê" đã được xã hội phong kiến khuyến khích. Đồng thời chúng còn ra sức tuyên truyền kích động, chia rẽ lương và giáo; trai, gái lương, giáo không được kết hôn.

Bọn chúng đã biến đình, chùa, miếu, đền làm nơi mê tín hoặc người dân lương thiện làm nghề bói toán, cô đồng, bà cốt v.v…Đến năm 1945 Lai Cách có 17 ngôi đình, 14 ngôi chùa, 30 ngôi điện, 63 cái ban và ngôi miếu. Có 14 ông thầy cúng, 7 người làm nghề phù thuỷ và 2 người làm nghề thầy xem bói, xem tướng, 14 người làm nghề đồng thuộc.

Do cuồng tín, nhiều người mắc bệnh đã chạy theo cúng lễ, nhiều gia đình mất hết tài sản vì cúng bái để mong khỏi bệnh hoặc cầu con.

Về trình độ văn hoá của người dân Lai Cách càng thấp kém. Năm 1945 xã mới có một trường tổng sư, với 3 lớp, gồm 35 học sinh, nhưng hầu hết học sinh là con nhà giàu. Toàn xã lúc này mới có 81 người có bằng sơ học yếu lược, 3 người có bằng Sectipica, 1 người đỗ Díp lôm ([3]), 91 người biết đọc biết viết, còn hơn 95% là những dân nghèo trong xã đều mù chữ.

 Sống trong cảnh bóc lột dã man hà khắc của thực dân Pháp, Phát xít Nhật và giai cấp phong kiến địa chủ ở địa phương, người dân Lai Cách cũng trong tình hình chung của cả nước thường gặp phải những dịch bệnh hoành hành. Ở Lai Cách đã có nhiều người chết do bệnh sốt rét và hàng trăm người chết bị bệnh đậu mùa. Việc sinh đẻ chỉ trông vào mấy bà đỡ vườn, vì vậy từ năm 1930 đến năm 1945 đã có 56 người mẹ bị chết khi sinh đẻ.

Tháng 3 năm Ất Dậu (3-1945), nạn đói khủng khiếp đã xẩy ra, tiếp đó nạn dịch tả lại hoành hành, làm cho 172 người dân trong xã bị chết đói, 196 người bị chết vì dịch tả, có gia đình bị chết gần hết như gia đình ông Cầu ở thôn Ngọ có 17 người chết 16 người.

Thảm cảnh chết đói và chết dịch tả tháng 3 năm 1945 là một tội ác, một bản cáo trạng đối với Phát xít Nhật, thực dân Pháp và bọn địa chủ mà muôn đời nhân dân Lai Cách còn ghi hận.

Sự bóc lột, bần cùng hoá nhân dân ta của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật và bọn địa chủ phong kiến đã gây ra mối thù giai cấp gay gắt giữa mọi tầng lớp nhân dân lao động trong xã với bọn thực dân, phát xít và địa chủ phong kiến nó thúc đẩy mọi người dân Lai Cách không còn con đường nào khác là đứng lên theo Đảng đấu tranh để giành quyền sống cho mình.

III. TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA VÀ ĐẤU TRANH CỦA NHÂN DÂN LAI CÁCH

Là mảnh đất có bề dầy lịch sử và sự phát triển liên tục về mặt văn hoá. Tính kế thừa luôn luôn được tôn trọng. Nhiều danh nhân tiền bối ân cao đức trọng như Quận Công Mai Công Triều, Mai Công Cán, Mai Phúc Nghị, Mai Xuân Uyên, Nguyễn Đức Thuỳ, Vũ Văn Hoàn, Nguyễn Quang Tiếp… tiếng thơm còn được mãi mãi lưu truyền. Quê hương với những danh nhân và danh thắng. Nhiều công trình kiến trúc tinh xảo thể hiện bàn tay khéo léo của cha ông như đình thờ đức thánh Cả có nhiều công trình điêu khắc đá như:  voi đá, ngựa đá, sập đá và nhiều văn bia ghi sự tích công trạng được chạm khắc công phu. Chính truyền thống ấy đã hun đúc tinh thần dân tộc và khi cần nó được bùng lên mạnh mẽ.

Khi thực dân Pháp mới xâm lược nước ta, nhân dân Lai Cách đã hướng theo các phong trào Cần Vương, Văn thân tham gia khởi nghĩa. Nhiều nho sĩ yêu nước của Lai Cách đã hăng hái tham gia phong trào Văn Thân như cụ Nguyễn Đức Thuỳ, Mai Xuân Uyên, Vũ Xuân Hoàn.

Tiếp đó là phong trào Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật tổ chức năm 1985. Thanh niên trai tráng Lai Cách đã tìm đến tham gia nghĩa quân như ông Thống Tụng ở Ngọ, ông Xuất Khái ở Đìa, ông Lãnh Đông ở Hoàng Đường vv...

  Ở xã ông Tiền Tiếp (Nguyễn Quang Tiếp) đã đứng lên tổ chức hàng trăm thanh niên trai tráng tham gia luyện tập chuẩn bị quân binh sẵn sàng phối hợp với nghĩa quân Bãi Sậy chống thực dân Pháp.

Trận phục kích đầu tiên tại Mả Đàm, Quán Táo, Mả Nôm xã Lai Cách dưới sự chỉ huy của cụ Tiền Tiếp tuy với lực lượng nhỏ, vũ khí thô sơ nhưng đã dũng cảm chiến đấu làm cho bọn thực dân Pháp phải bỏ cuộc hành quân tiến đánh Bãi Sậy mà quay lại Thị xã Hải Dương. Tiếp đó phối hợp với các đội nghĩa quân trong huyện tiến đánh quân Pháp ở thị xã Hải Dương làm cho quân Pháp bị động đối phó. Sau đó là trận tấn công huyện lỵ Cẩm Giàng. Đội quân của cụ Tiền Tiếp đã bắt sống tên tri huyện Bùi Thục đem về giam ở xóm Gạch. Ngoài ra còn gửi tối hậu thư để răn đe tri huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ.

Phong trào hoạt động của cụ Tiền Tiếp và nghĩa quân Lai Cách kéo dài được 3 năm làm cho bọn thực dân Pháp và bọn tay sai nhiều phen mất ăn, mất ngủ. Nhưng do lực lượng ít, vũ khí thô sơ; mặt khác có kẻ phản bội làm nội phản vì vậy cụ Tiền Tiếp và một số nghĩa quân đã bị thực dân Pháp bắt và đàn áp phong trào.

 

 

 

 

 

Chương I

CÓ ĐẢNG LÃNH ĐẠO, NHÂN DÂN LAI CÁCH  XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG, KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN VÀ CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN (1930-1946)

I. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG

Ngày 03/2/1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Có Đảng lãnh đạo, những năm 1930-1935 nhiều tỉnh thành đã xây dựng được các tổ chức cách mạng và thành lập được chi bộ Đảng. Ở Cẩm Giàng nói chung, Lai Cách nói riêng thời kỳ này ánh sáng của Đảng chưa lan tới, do đó chưa thành lập được các tổ chức quần chúng cách mạng và chi bộ Đảng

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đế quốc Pháp tham chiến, Đông Dương bị đẩy vào vòng khói lửa. Năm 1940 Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương. Trước nguy cơ phát xít, nguy cơ chiến tranh, Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 6 tháng 11-1939 có chủ trương chĩa mũi nhọn vào kẻ thù của dân tộc là chủ nghĩa đế quốc và phát xít; quyết định chuyển hướng đấu tranh chống đế quốc, thành lập mặt trận dân tộc thống nhất phản đế, thay cho Mặt trận dân chủ. Hướng hoạt động chuyển từ thành thị về nông thôn.

Đến hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương họp tháng 5-1941 xác định rõ Cách mạng Việt Nam trước mắt là giải phóng dân tộc. Các lực lượng cách mạng tập trung mũi nhọn vào bọn phát xít xâm lược Nhật - Pháp; Mặt trận Việt Minh ra đời đã thu hút mọi lực lượng xung quanh mặt trận. Tiếp đó là các Hội cứu quốc được thành lập và hoạt động mạnh mẽ.

Cuối năm 1943 đầu năm 1944, ở huyện Cẩm Giàng đã xây dựng được một số cơ sở Việt Minh bí mật. Đến cuối năm 1944 cơ sở Việt Minh đã phát triển ra nhiều xã trong huyện. Xã Lai Cách và xã Vũ Xá lúc này là vùng địch kiểm soát rất chặt chẽ, cho nên chưa xây dựng được cơ sở Việt Minh. Đến đầu năm 1945 ngọn lửa cách mạng mới được nhen nhóm lên ở Lai Cách và Vũ Xá

Cuối tháng 5-1945 tại thôn Trạm Nội xã Cẩm Văn, Hội nghị cán bộ Việt Minh huyện Cẩm Giàng đã phân tích tình hình hoạt động của địch và phong trào Việt Minh các xã, hội nghị chủ trương:

- Phải nhanh chóng mở rộng mặt trận Việt Minh.

- Vận động quần chúng chống sưu, thuế, mua thóc tạ, thóc thương đoàn của Nhật.

- Phát động phong trào phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân.

- Xây dựng lực lượng vũ trang, phát động phong trào tập luyện quân sự, mua sắm vũ khí và tịch thu vũ khí của bọn quan lại hào lý.

Tinh thần nội dung hội nghị của huyện bộ Việt Minh ở Trạm Nội đã tạo ra một chuyển biến mới của phong trào cách mạng trong huyện nói chung và xã Lai Cách nói riêng. Tháng 6/1945, cán bộ Việt Minh của huyện về Lai Cách tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và cuối năm 1945 xây dựng được cơ sở Việt Minh ở thôn An Nghĩa, thôn Bễ và thôn Hoàng Đường gồm có: ông Mai Xuân Đựng, ông Trần Quang Sĩ, ông Đỗ Văn Luận, ông Nguyễn Văn Cứ, ông Vũ Văn Được. Đầu năm 1946 có Ban chủ nhiệm Việt Minh xã, Chủ nhiệm là ông Vũ Văn Vân, Phó chủ nhiệm là ông Nguyễn Đình Giản và ông Nguyễn Văn Lục. Việt Minh ở đây với nhiều hình thức tuyên truyền đã thu hút được khá nhiều người tham gia. Việt Minh đã quyên góp tiền, gạo để giúp đỡ người nghèo, tuyên truyền đường lối chủ trương của Việt Minh vận động nhân dân đấu tranh chống phát xít Nhật nhổ lúa, hoa mầu để trồng đay, thầu dầu. Bí mật dán khẩu hiệu, rải truyền đơn, vận động nhân dân tham gia phá kho thóc của Nhật. Từ đó phong trào Việt Minh ngày càng phát triển mở rộng ra các thôn trong xã. Thời kỳ này Việt Minh xã còn xây dựng được đội tự vệ với 40 người, trong đó có cả phụ nữ. Tự vệ thường xuyên luyện tập võ nghệ tay không, đánh gậy, côn, kiếm.

Mặt trận Việt Minh xã và đội tự vệ của xã ra đời đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của phong trào.

 

II. KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN

Ngày 17-8-1945 dưới sự chỉ đạo của xã bộ Việt Minh; hàng trăm quần chúng nhân dân giương cao băng cờ, biểu ngữ, gậy, gộc, giáo, mác cùng với lực lượng nhân dân các xã trong huyện tiến về thị trấn Cẩm Giàng vào huyện đường thu vũ khí, sổ sách, triện bạ. Sau khi giành chính quyền huyện, đoàn quân khởi nghĩa kéo về thôn Nga Hoàng mừng thắng lợi.

Trước khí thế sối sục cách mạng của quần chúng, ngay từ sáng sớm ngày 17-8-1945 tên tri huyện Nguyễn Thiện Thuật hốt hoảng xuống một chiếc thuyền đánh cá ở sông Ghẽ để lẩn trốn, nhưng y mới đến khúc sông Phiên Thành (Tân Trường) đã bị lực lượng cách mạng bắt sống.

Sáng ngày 20-8-1945. Cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị trấn Cẩm Giàng. Cán bộ Việt Minh, lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân Lai Cách đội ngũ chỉnh tề về địa điểm dự mít tinh mừng chính quyền cách mạng. Ủy ban lâm thời của huyện do đồng chí Nguyễn Văn Thụ làm Chủ tịch sau đó cán bộ Việt Minh và Ủy ban cách mạng lâm thời huyện tỏa về các xã lãnh đạo nhân dân địa phương thành lập chính quyền cách mạng.

Dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Việt Minh và Ủy ban cách mạng lâm thời huyện, xã bộ Việt Minh Lai Cách và Vũ Xá đã tổ chức cuộc mít tinh lớn ở đình Cả và đình Hoàng Đường (đình Cả nay là Trường trung học cơ sở Lai Cách) để cử ra Ủy ban cách mạng lâm thời của 2 xã .

Hàng nghìn quần chúng nhân dân dưới sự hướng dẫn của xã bộ Việt Minh đã giương cao băng cờ, biểu ngữ, vũ khí thô sơ nô nức tiến về địa điểm dự mít tinh, bọn hào lý chức dịch đã xin từ chức nộp triện bạ. Toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai từ thôn đến xã bị lật đổ. Chính quyền cách mạng lâm thời ở 2 xã Lai Cách và Vũ Xá được thành lập. Ủy ban cách mạng lâm thời xã Lai Cách có 7 thành viên gồm: Chủ tịch ông Nguyễn Đức Thiều, Phó chủ tịch ông Mai Xuân Lùng; Ủy viên thư ký ông Trần Quang Sĩ; Các ủy viên: ông Nguyễn Văn Thanh, bà Nguyễn Thị Lịch, ông Nguyễn Đình Sớp, ông Đỗ Văn Luận. Ủy ban cách mạng lâm thời xã Vũ Xá có 3 thành viên: Chủ tịch ông Vũ Văn Được, phó Chủ tịch ông Vũ Văn Bốc, ủy viên thư ký ông Nguyễn Văn Xước. Chính quyền cách mạng lâm thời của 2 xã đã công bố xóa bỏ mọi thứ thuế mà trước đây chính quyền thực dân đã cưỡng bức bắt nhân dân đóng góp. Đồng thời công bố các chính sách của chính phủ lâm thời ban hành như: Tôn trọng quyền tự do dân chủ, bình đẳng, quyền đi lại, quyền học hành, hội họp của mọi công dân…

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945 thực sự là một cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân lao động đập tan mọi xiềng xích nô lệ, đè bẹp sự phản kháng của kẻ thù. Đây là bước ngặt lịch sử trọng đại đối với dân tộc Việt nam nói chung và nhân dân Lai Cách nói riêng.

Cách mạng tháng 8-1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đã đem lại cho người dân Lai Cách một cuộc đời mới từ người dân nô lệ trở thành người làm chủ quê hương, làng, xóm và làm chủ đời mình.

Nhân dân Lai Cách tiến hành Cách mạng tháng 8 năm 1945 thắng lợi là sự kết hợp chặt chẽ giữ phong trào nông dân trong xã và sự chỉ đạo của Mặt trận Việt minh huyện, của tỉnh và của tổng bộ Việt minh. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công thực sự đã trở thành ngày hội của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cùng với niềm tự hào phấn khởi chung của cả nước, nhân dân Lai Cách tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến, quyết tâm đoàn kết xung quanh Mặt trận Việt Minh và chính quyền cách mạng lâm thời của xã, ra sức thi đua xây dựng cuộc sống mới, bảo vệ chính quyền cách mạng sẵn sàng đập tan mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù.

III. CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN, XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ MỚI VÀ CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN (8/1945-12/1946)

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công trên cả nước. Ngày 2-9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trong buổi mít tinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt nam Dân chủ Cộng Hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân hai xã Lai Cách và xã Vũ Xá vô cùng phấn khởi lần đầu tiên từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ quê hương, quyền sống, quyền làm người đã được Đảng cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh đem lại đó là nền độc lập tự do. Giành chính quyền về tay quần chúng nhân dân là vấn đề khó khăn phức tạp, có chính quyền rồi việc giữ vững và củng cố lại càng khó khăn phức tạp hơn. Chính quyền cách mạng lâm thời của hai xã được thành lập phải đương đầu với bao khó khăn trở ngại ảnh hưởng của nạn đói, nạn dịch tả tháng 3-1945 còn đang đè nặng thì lại xẩy ra mưa lũ làm úng ngập lớn, nước các triền sông lên to có nguy cơ gây ra nạn lụt ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng. Hủ tục văn hóa lạc hậu do chế độ thực dân phong kiến để lại còn nặng nề. Hơn 90% dân số trong xã bị mù chữ, các tệ nạn xã hội như nghiện hút thuốc phiện, cờ bạc, mê tín dị đoan, trộm cắp vẫn còn.

Giữa lúc đó quân Tàu-Tưởng núp dưới danh nghĩa quân đồng minh vào tước vũ khí của quân đội Nhật, chúng đi qua lại trên đường quốc lộ số 5 vào cướp trâu bò, lợn, gà của nhân dân hai xã; Chúng bắt chính quyền cách mạng lâm thời phải giao nộp lương thực cho chúng.

Chính quyền cách mạng lâm thời mới thành lập việc tổ chức quản lý địa phương còn lúng túng, bỡ ngỡ, nhưng được quần chúng ủng hộ. Ủy ban cách mạng lâm thời 2 xã Vũ Xá và Lai Cách đã tổ chức nhân dân nhanh chóng hoàn thành những nhiệm vụ cấp bách thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch là: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm".

Xã Lai Cách và xã Vũ Xá đã thành lập ban cứu tế để vận động nhân dân trong xã với tinh thần lá lành đùm lá rách đã tiết kiệm được hàng trăm kg gạo để giúp các gia đình quá khó khăn. Chính quyền cách mạng lâm thời xã đã chia 103 mẫu 3 sào ruộng công điền cho 854 người không có ruộng, phong trào gieo trồng lúa, mầu ngắn ngày được tiến hành khẩn trương ở các thôn, xóm trong xã, những diện tích hoang hóa được phục hồi, nhờ đó nạn đói từng bước được đẩy lùi.

Công tác văn hóa, giáo dục, y tế cũng được chính quyền cách mạng lâm thời  quan tâm nhất là thanh toán nạn mù chữ. Phong trào học chữ quốc ngữ được tổ chức rộng rãi, các lớp học được mọc lên ở đình, chùa, nhà dân vào buổi tối, buổi trưa, già, trẻ, gái, trai cùng nhau cắp sách đến lớp học. Xã đã mở được 26 lớp có 586 người học. Sau đó số người đi học đã nâng lên, hàng trăm người đã đọc thông viết thạo thoát được nạn mù chữ. Các bệnh tật cũng được đẩy lùi, các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút bị nghiêm cấm. Bài trừ mọi hình thức mê tín, dị đoan. Xóa bỏ những tục lệ xã hội cũ. Phong trào văn hóa văn nghệ rất sôi nổi ở các thôn, xóm.

Thực hiện sắc lệnh ngày 1-9-1945 về xây dựng “Quỹ độc lập" và “Tuần lễ vàng" của Chính phủ, hàng trăm người dân trong xã đã tiết kiệm trong sinh hoạt, dành từng hào, từng cân gạo để xây dựng “Quỹ độc lập" hưởng ứng “Tuần lễ vàng" đã có 9 gia đình ủng hộ được 1 lạng 6 đồng cân vàng ([4]). Ngoài nhiệm vụ tổ chức cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong xã, chính quyền cách mạng lâm thời còn quan tâm đến việc củng cố xây dựng lực lượng vũ trang. Đơn vị tự vệ gồm những người trẻ, khỏe từ 18 tuổi đến 45 tuổi được tổ chức tới các thôn, xóm. Phong trào tập luyện quân sự được quan tâm, coi trọng. Chính quyền cách mạng lâm thời đã vận động nhân dân quyên góp và trích quỹ công mua được 8 khẩu súng và 20 quả lựu đạn để trang bị cho đơn vị tự vệ.

Lực lượng vũ trang địa phương đã tổ chức tốt việc canh gác, tuần phòng giữ gìn an ninh trong thôn, xóm nhờ đó mà địa phương được ổn định.

Ngày 06 tháng 01 năm 1946 lần đầu tiên trong lịch sử; nhân dân Lai Cách và nhân dân Vũ Xá cùng nhân dân cả nước làm tròn nghĩa vụ của mình, được cầm lá phiếu thực hiện quyền làm chủ của người công dân để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng Hòa đầu tiên.

Căn cứ vào tình hình đặc điểm cụ thể của 2 xã (Lai Cách, Vũ Xá), tháng 02 năm 1946 Chính phủ quyết định sáp nhập hai xã Lai Cách và Vũ Xá thành một xã lấy tên là xã Lai Cách.

Ngày 26 tháng 4 năm 1946 ngày bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và xã được tiến hành, 100% cử tri xã Lai Cách tham gia bỏ phiếu. Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và xã đã giành được thắng lợi, bầu được 17 đại biểu vào cơ quan quyền lực của xã. Do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng lúc đó, Hội đồng nhân dân xã còn bao gồm các thành phần: Địa chủ 6 đại biểu, phú nông 3 đại biểu, trung nông 5 đại biểu, bần cố nông 3 đại biểu. Hội đồng nhân dân xã đã họp phiên đầu tiên bầu ra Ủy ban hành chính xã gồm có 5 người: Chủ tịch ông Nguyễn Đức Thiều, Phó chủ tịch ông Lưu Văn Phác, Ủy viên thư ký ông Trần Quang Sĩ, 2 ủy viên là ông Đỗ Văn Luận và ông Nguyễn Đức Hậu.

Song song với việc củng cố chính quyền, mặt trận Việt Minh và các đoàn thể quần chúng cách mạng của xã Lai Cách như: Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân cũng được củng cố, bầu ra ban lãnh đạo của ngành mình.

 Trước - sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, xã lai Cách đã trải qua một thời kỳ thử thách đầy khó khăn gian khổ, nhiều lúc tưởng chừng không vượt qua, nhưng dưới sự chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh và Ủy ban cách mạng lâm thời đã động viên nhân dân trong xã phát huy khí thế cách mạng xây dựng cuộc sống mới có tính ưu việt hơn gấp nhiều lần xã hội cũ, đã đẩy lùi được nạn đói khủng khiếp và xóa được nạn mù chữ cho hàng trăm người trong xã. Quyền tự do dân chủ của nhân dân được thiết lập, chính quyền dân chủ nhân dân không ngừng được củng cố, mọi phong trào quần chúng được phát triển cả bề rộng và bề sâu; Mặt trận Việt Minh không ngừng được mở rộng, xã mới và chính quyền mới được thành lập.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương II

CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN XÃ LAI CÁCH RA ĐỜI LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC

(12/1946 - 10/1954)

I. THÀNH LẬP CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN XÃ LAI CÁCH VÀ NHỮNG NĂM ĐẦU CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN(12/1946 - 12/1949)

Với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ngày 20-11-1946 chúng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn. Ngày 18-12-1946, chúng gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ ta ở thủ đô Hà Nội. Đêm ngày 19-12-1946 chiến tranh lan ra toàn quốc. Trước tình hình đó, ngày 19-12-1946, Hồ Chủ Tịch đã ra lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến". Trong lời kêu gọi Bác nói rõ “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa". “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".

  Đáp lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ Tịch, cùng với việc chuẩn bị chiến đấu bảo vệ quê hương nhân dân Lai Cách đã tiễn đưa 3 con em của mình vào đoàn quân Nam Tiến để vào Nam chiến đấu giết giặc là: Nguyễn Đức Mùi, Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Ngọc Hùng.

Cùng với tiếng súng của toàn quốc, đêm 19-12-1946 quân và dân Hải Dương đã đồng loạt nổ súng tiến công các vị trí của quân Pháp ở thị xã Hải Dương.

Lai Cách là một địa bàn có vị trí vô cùng quan trọng nằm trên 2 tuyến đường giao thông huyết mạch từ cảng Hải Phòng đi thủ đô Hà Nội. Chiến tranh bùng nổ thì Lai Cách cũng là nơi đụng độ quyết liệt ngay từ đầu. Do nhận thức đúng vị trí địa bàn của xã, được sự chỉ đạo của Huyện uỷ Cẩm Giàng, của Mặt trận Việt Minh huyện, xã bộ Việt Minh Lai Cách và Uỷ ban hành chính xã đã chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đối phó khi địch đánh tới.

Việc đầu tiên chính quyền xã triển khai là củng cố đội tự vệ xã, vạch ra kế hoạch biện pháp để kháng chiến lâu dài, động viên anh em ở độ tuổi từ 18 đến 45 vào lực lượng tự vệ. Mặt khác chính quyền xã còn vận động tổ chức cho nhân dân đi tản cư, thực hiện triệt để chủ trương “Vườn không nhà trống" và khẩu hiệu “Tiêu thổ kháng chiến". Xã đã tổ chức cho các cụ già, em nhỏ tản cư sang các xã của huyện Bình Giang. Còn lực lượng tự vệ ở lại địa phương đào đường, đắp ụ làm vật cản trên đoạn đường số 5, đã tháo gỡ nhiều thanh ray trên đường xe lửa. Tự vệ xã còn phá chiếc cầu gỗ trên đường số 5 để cản bước giặc. Huy động hàng trăm cây tre để rào sông Cậy chặn ca nô địch. Các đình chùa đều đục phá tường để địch không làm địa điểm đồn trú quân. Tài sản, thóc lúa đều được  chôn cất chu đáo.

Thực hiện phương châm bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài của Đảng. Sau khi tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận sinh lực của địch ở trong thị xã Hải Dương, bộ đội ta đã rút khỏi thị xã để làm nòng cốt chiến tranh du kích ở các địa phương. Sau khi thực dân Pháp kiểm soát được thị xã Hải Dương, ngày 25-12-1946 chúng bắn đại bác xuống các xã xung quanh thị xã nhằm phân tán lực lượng của ta, đồng thời cho máy bay trục thăng ném lựu đạn xuống chợ Lai Cách để thăm dò và uy hiếp nhân dân ta.

Ngày 26-12-1946 địch từ thị xã Hải Dương chia làm 2 mũi: Một mũi đi theo đường xe lửa đánh chiếm ga Cao Xá; một mũi đi theo đường quốc lộ số 5 đến Cầu Gỗ, ta phá cầu, địch ùn lại. Tự vệ của xã phối hợp với bộ đội chủ lực, bố trí ở các luỹ tre làng Ngọ, làng Nghĩa và xóm Gạch đồng loạt nổ súng đánh địch, bọn địch không qua được cầu phải quay lại thôn Hoàng Đường đốt phá rồi rút về thị xã.

Ngày 27-12-1946 chúng bố trí lực lượng đông hơn để tiến đánh Lai Cách. 10 giờ sáng chúng tới Cầu Gỗ. Tự vệ Lai Cách phối hợp với bộ đội chủ lực nổ súng chiến đấu, chúng bị thương vong một số. Nhưng do lực lượng địch đông hơn ta gấp bội cả về sinh lực lẫn hoả lực nên ta đã rút quân để bảo toàn lực lượng. Địch không thấy ta ngăn chặn, chúng đã tràn vào các thôn xóm ven đường quốc lộ 5 để càn quét, đốt phá. Một số cụ già, em nhỏ và phụ nữ chưa kịp đi tản cư bị chúng bắt đánh đập, hãm hiếp và giết hại. Trận càn này chúng đốt phá của Lai Cách 116 ngôi nhà bằng 574 gian, trong đó có 10 nhà ngói; đốt 3 ngôi đình 14 gian, trong đó có ngôi đình Cả là ngôi đình lớn và đẹp nhất xã, 2 ngôi chùa 8 gian và chúng đốt 127 tấn thóc. Sau trận càn chúng lại rút về thị xã Hải Dương vì  chưa lập được đồn bốt.

Với âm mưu đánh nhanh thắng nhanh hòng kiểm soát được 2 con đường chiến lược Quốc lộ 5 và đường xe lửa để khống chế đàn áp cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đối với ta một vấn đề lan rải đặt ra lúc này là tổ chức nhân dân tiếp tục tản cư hay cho hồi cư.

Thực dân Pháp cậy vào thế mạnh về quân sự để uy hiếp đồng bào ta. Đi đôi với việc càn quét, bắn phá chúng còn dụ dỗ mua chuộc kêu gọi đồng bào tản cư quay về, chúng còn dỡ nhà của các gia đình đi tản cư để làm áp lực đối với đồng bào ta.

Đứng trước tình hình khó khăn và sự o ép của giặc, cộng với số lương thực dự trữ cạn dần khiến đời sống của các gia đình tản cư rất khó khăn. Trước tình hình đó, Huyện uỷ Cẩm Giàng có chủ trương và chỉ đạo xã tổ chức cho nhân dân về hồi cư, cán bộ, du kích về bám đất bám dân. Song vấn đề đặt ra là: Phương thức đấu tranh quân sự, đấu tranh chính trị thế nào? Để giải quyết vấn đề này, đầu tháng 4-1947 Đảng bộ tỉnh Hải Dương mở Đại hội đại biểu lần thứ II tại Triều Dương (Thanh Miện), Đại hội đã nghiên cứu đường lối kháng chiến của Đảng, phân tích tình hình cụ thể thực tế địa bàn tỉnh, đề ra nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của cuộc kháng chiến. Thực hiện Nghị quyết của đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ II. Cuối tháng 4 năm 1947 Huyện uỷ Cẩm Giàng đã mở hội nghị ở Lương Xá, huyện Lương Tài (Hà Bắc) để quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và đánh giá phong trào kháng chiến của huyện qua những tháng đầu chiến đấu chống địch. Trên cơ sở nhận định và đánh giá tình hình, hội nghị có chủ trương:

1- Phải quán triệt sâu sắc cho mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về Chỉ thị kháng chiến của Trung ương đảng và lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ Tịch Hồ Chí Minh.

2- Tăng cường công tác xây dựng cơ sở, đẩy mạnh mọi hoạt động, vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất ổn định đời sống.

3- Phát triển và củng cố lực lượng vũ trang, trừ gian diệt phản động, phá tề.

4- Tích cực phát triển Đảng, xây dựng lực lượng trung kiên.

5- Có kế hoạch giúp dân khi hồi cư về mọi mặt, nhất là phát động tinh thần yêu nước của mọi gia đình, giúp dân tổ chức cuộc sống kháng chiến, canh gác cho nhân dân sản xuất.

Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Cẩm Giàng, tháng 6 năm 1947 chính quyền xã đã tổ chức cho nhân dân hồi cư; đồng thời cán bộ, du kích cùng về bám đất, bám dân xây dựng cơ sở, tổ chức nhân dân kháng chiến. Được nhân dân che chở đùm bọc, cán bộ, du kích xã đã hoàn thành nhiệm vụ. Một số du kích còn được tổ chức cử vào hoạt động trong hàng ngũ của địch nắm tình hình cung cấp ra cho lực lượng cách mạng.

Do bản chất phản động, một số hào lý ở khu Vũ Xá, khi nhân dân về hồi cư đã tự kéo cờ trắng lên đồn giặc xin lập tề đã được bọn địch thưởng công và trang bị cho 5 khẩu súng để về đàn áp nhân dân. Bọn này càng ngày càng bộc lộ bộ mặt phản động. Sau nhiều lần ta cử cán bộ về giáo dục để họ quay về với nhân dân, nhưng họ không nghe vẫn rắp tâm làm hại dân, hại làng, xóm, nên một số tên cầm đầu ta đã bắt đưa đi cải tạo và thu 5 khẩu súng để trang bị cho du kích của xã.

Các khu khác trong xã tuy bị lập tề, nhưng ta vẫn kiểm soát, nên các cơ sở và phong trào kháng chiến vẫn được giữ vững, nhiều cuộc đấu tranh hợp pháp với địch như chống bắt lính, bắt phu đều giành kết quả, đặc biệt ta đấu tranh không nộp 5.580 đồng Đông Dương tiền thuế đã giành thắng lợi.

Trước yêu cầu phát triển của cách mạng, nhiệm vụ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp rất nặng nề. Huyện uỷ Cẩm Giàng chủ trương phát triển Đảng và xây dựng cơ sở Đảng ở các xã.

Tháng 9-1947, Chi bộ ghép Vĩnh Giang được thành lập (Chi bộ ghép Vĩnh Giang có 4 xã: Tân Trường, Cẩm Đông, Lai Cách, Tứ Minh)

Quá trình giáo dục, tuyên truyền và thử thách Lai Cách đã phát triển được 2 đảng viên. Xuất phát từ tình hình cụ thể, căn cứ vào sự phát triển đảng viên của các xã, Huyện ủy chỉ đạo cho tách Chi bộ ghép để các xã được thành lập Chi bộ. Do đặc thù xã Lai Cách mới phát triển được 2 đảng viên tại xã, Huyện ủy đã cử đồng chí Nguyễn Văn Tần người thôn Bễ là cán bộ Đảng vụ của huyện tăng cường về xã để thành lập Chi bộ. Ngày 28/11/1947, tại nhà cụ Hoán thôn Buộm, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc huyện ủy Cẩm Giàng đã Quyết định thành lập chi bộ đầu tiên của xã Lai Cách.  Chi bộ Lai Cách có 3 đảng viên là Nguyễn Văn Tần (cán bộ huyện tăng cường), Vũ Văn Chiêm và Lưu Văn Hoạt (đảng viên ở xã Lai Cách); đồng chí Nguyễn Văn Tần được chỉ định làm Bí thư. Trong hội nghị thành lập, Chi bộ đã căn cứ vào Nghị quyết của Huyện uỷ và tình hình cụ thể của địa phương đề ra những nhiệm vụ trước mắt như:

1- Khẩn trương, tăng cường xây dựng củng cố bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân và các đoàn thể quần chúng của xã.

2- Tích cực giáo dục, tuyên truyền phát triển đảng viên mới ở các thôn, xóm trong xã.

3- Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị với địch, xây dựng lực lượng dân quân du kích chờ thời cơ đấu tranh quân sự.

4- Lãnh đạo quần chúng tăng gia sản xuất, ổn định đời sống, đồng thời vận động nhân dân hăng hái tham gia đóng góp cho kháng chiến…

Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam xã Lai Cách ra đời đánh dấu bước ngoặt lịch sử của xã. Từ đây Lai Cách đã có một tổ chức Đảng tiền phong để lãnh đạo phong trào kháng chiến. Chi bộ xã ra đời là kết quả của quá trình vận động cách mạng trong xã và những năm, tháng kháng chiến khó khăn gian khổ đã rèn luyện thử thách những hạt nhân tích cực đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương.

Thực hiện Nghị quyết của chi bộ, tháng 01/1948 Uỷ ban hành chính xã sáp nhập với Uỷ ban bảo vệ xã, lấy tên là Uỷ ban hành chính kháng chiến xã Lai Cách; đồng chí Vũ Xuân Tráng làm Chủ tịch.

Từ năm 1945 đến năm 1947, các đoàn thể quần chúng cũng được củng cố tăng cường. Chi đoàn Thanh niên cứu quốc do anh Nguyễn Văn Te làm Bí thư; Hội phụ nữ cứu quốc năm 1945 có 2 đại biểu bà Hoàn (Vũ Xá), bà Nhân (Lai Cách) lần lượt làm Chủ tịch; Xã đội trưởng là ông Nguyễn Văn Cứ, chính trị viên xã đội là ông Nguyễn Văn Liên; Ban Bình dân học vụ do ôngTrần Văn Sĩ phụ trách. Để phát triển lực lượng vũ trang đánh địch, xã đã thành lập một trung đội du kích bán thoát ly gồm 45 cán bộ chiến sĩ, vũ khí có 5 khẩu súng và một số lựu đạn; sinh hoạt do nhân dân đóng góp, còn lại anh em tự túc. Trung đội du kích được luyện quân ở xã Cổ Bì, huyện Bình Giang, ban đêm về phối hợp với lực lượng du kích bí mật của các thôn để hoạt động.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ xã. Trung đội du kích bán thoát ly của xã đã hoạt động mạnh mẽ làm cho địch mất ăn mất ngủ nhiều lần; nhiều trận đánh mìn trên quốc lộ 5 và đường xe lửa đã giành thắng lợi lớn. Điển hình là trận ngày 3-4-1948, du kích Lai Cách đã dùng quả đại bác của địch được cải tiến làm địa lôi đã đánh đổ chuyến tàu quân sự gồm 01 đầu máy, 12 toa và 52 tên bị chết, bị thương; trên đoạn đường xe lửa cách ga Cao Xá khoảng 500m. Đây là trận đầu tiên mở màn cho phong trào du kích Cẩm Giàng đánh địa lôi trên đường xe lửa. Lực lượng đánh trận ngày 3-4-1948 gồm có: Chỉ huy ông Nguyễn Văn Liên; đội viên ông Nguyễn Văn Mậu, ông Nguyễn Văn Thành; Trực tiếp đặt địa lôi là ông Phạm Phú Tráng, bà Nguyễn Thị Phụ khiêng địa lôi vào trận đánh; làm nhiệm vụ cảnh giới có ông Nguyễn Quang Vận, ông Nguyễn Văn Chuyền, ông Nguyễn Văn Phong, bà Nguyễn Thị Nhẫn, bà Nguyễn Thị Hựu. Với chiến công vừa lập được, du kích và nhân dân Lai Cách đã được Đảng và Chính phủ tặng Huân Chương chiến công hạng nhất.

 Phát huy thành quả trận đầu, với phương châm lấy ít đánh nhiều, du kích Lai Cách nêu cao tinh thần dũng cảm, mưu trí sáng tạo, vừa độc lập vừa phối hợp tác chiến. Trong 2 năm 1948-1949, dưới sự lãnh đạo của chi bộ và sự giúp đỡ của nhân dân, du kích Lai Cách đã tổ chức 11 trận đánh mìn trên quốc lộ số 5 từ đoạn cầu Cẩm Khê đến Cống Mỏ và trên đường xe lửa đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng. Ngoài các trận đánh mìn, du kích Lai Cách còn quấy rối đồn bốt của địch trong khu vực, đào phá, đắp ụ, làm vật cản trên đoạn đường quốc lộ số 5, tháo thanh ray, tà vẹt trên đoạn đường xe lửa, cắt đứt đường dây điện thoại của địch, bảo vệ tốt hành lang tuyến đường liên lạc; đưa đón cán bộ, bộ đội qua lại an toàn. Đường giao liên từ  Bắc Giang về qua thôn Bễ, thôn Đìa để sang Bình Giang.

Phối hợp với Mặt trận quân sự, chi bộ đã lãnh đạo quần chúng đứng lên phá tề, trừ gian diệt những tên phản động đầu sỏ. Trong 2 năm 1947-1948, nhân dân Lai Cách đã 3 lần đứng lên diệt tề với quy mô lớn, giải tán các ban tề ở thôn xóm, tiến tới tổng phá tề trong toàn xã; một số tên phản động cầm đầu bị trừng trị; hàng chục tên khác bị đưa đi cải tạo. Nhờ vậy cơ sở các thôn vẫn được giữ vững. Kết hợp với phá tề chi bộ còn trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch bắt phu, bắt lính, chống địch cướp phá tài sản, phá lúa hoa mầu để lập vành đai trắng.v.v…Điển hình là tháng 6 năm 1948, chống địch bắt phu cho bốt An Lại và bốt An Tĩnh. Chúng chủ trương gọi phu 6 tháng liền, mỗi ngày phải có 40 người. Nhân dân ta đấu tranh mỗi ngày chỉ đi 20 người, chúng phải nhượng bộ, đấu tranh chống địch cướp phá và chúng trả lại 13 con trâu; không phá lúa, hoa màu để lập vành đai trắng. Về đấu tranh chống địch bắt lính; có đợt chúng định bắt ở xã một trăm thanh niên đi lính, nhân dân đã kiên quyết đấu tranh cuối cùng chúng chỉ bắt được hơn chục người, số anh em bị bắt đã được tuyên truyền giáo dục, đã tìm mọi cách để bỏ hàng ngũ địch trở về với gia đình.

Nhân dân trong xã còn đấu tranh đòi mở các lớp học văn hoá cho con em học tập, ta đã mở được 5 lớp học. Cùng lớp học văn hoá vừa là nơi học chữ quốc ngữ và là nơi tuyên truyền đường lối của Đảng.

Do nhiệm vụ cách mạng và yêu cầu của cuộc kháng chiến ngày càng phát triển, đòi hỏi sự lãnh đạo của chi bộ phải được tăng cường mọi mặt. Chi bộ xã thực hiện chủ trương của trên về công tác “Thi đua phát triển Đảng". Qua thử thách trong đấu tranh với giặc, các đồng chí trung kiên đã được chi bộ xét, đề nghị  cấp trên ra quyết định kết nạp:

- Năm 1947 chi bộ mới có 3 đảng viên

- Năm 1948 đã kết nạp được 19 đảng viên.

- Năm 1949 đã kết nạp được 37 đảng viên.

Tổng số đảng viên của chi bộ tính đến cuối năm 1949 đã có 59 đồng chí, trong đó có 8 đồng chí nữ; hầu hết các thôn xóm và các đoàn thể trong xã đã có đảng viên hoạt động.

Trong thời gian này tỉnh và huyện đã điều 2 đảng viên của chi bộ đi công tác khác và 2 đảng viên đi bộ đội. Việc kiện toàn cấp uỷ luôn được coi trọng. Từ khi thành lập đến cuối năm 1949 chi bộ đã tổ chức 3 kỳ Đại hội, bầu ban chi ủy mới; Trong công tác phát triển Đảng, chi bộ đã trú trọng đến thành phần giai cấp cơ bản. Tổng số 59 đảng viên, có 42 đồng chí là thành phần bần, cố, trung nông; 2 đồng chí là thành phần công nhân.

Chi bộ đã cử các đồng chí đảng viên, cấp uỷ viên đi học các lớp ngắn ngày do huyện mở để bồi dưỡng lý luận chính trị và phương pháp công tác….

Quá trình đấu tranh cách mạng, đội ngũ đảng viên, cấp uỷ của chi bộ đã được thử thách, rèn luyện, chất lượng được nâng lên rõ rệt, khắc phục khó khăn gian khổ, thiếu thốn để bám cơ sở, xây dựng, giữ vững phong trào. Có đảng viên bị sa vào tay giặc, mặc dù bị địch tra tấn cực hình nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không hề xưng khai để bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở…

Trong công tác phát triển Đảng, chi bộ còn bộc lộ nhược điểm là cảm tình nể nang, rủ rê, kéo cánh, phát triển tuỳ tiện, chưa nắm vững nội dung “Thi đua phát triển Đảng" của trên, chưa chú trọng đến thủ tục và chưa chú ý đến lập trường giai cấp. Do vậy một số đảng viên khi gặp tình thế gay go phức tạp thì cầu an, bỏ hàng ngũ Đảng, cá biệt còn đầu hàng địch phá vỡ cơ sở…

Công tác phát triển Đảng của chi bộ Lai Cách tuy có một số nhược điểm, nhưng nhìn chung vai trò lãnh đạo của chi bộ đã là lực lượng tinh thần cho phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của những năm đầu kháng chiến ở địa phương đã giành được những thắng lợi vẻ vang được nhân dân tin tưởng. Đó là điều kiện để chi bộ lãnh đạo nhân dân vươn lên hoàn thành nhiệm vụ trong những năm sau này.

II. KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, GIỮ VỮNG PHONG TRÀO, PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG KHÁNG CHIẾN (1950-1951)

Đã hơn 2 năm thực hiện cuộc bình định khu vực đồng bằng Bắc Bộ nhưng chúng chưa mở rộng được địa bàn, lực lượng lại bị tiêu hao. Để cứu vãn tình thế, đầu năm 1949 chính phủ Pháp cử tướng Rơ-Ve (REVERS) Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp sang Đông Dương.

Sang Đông Dương, Rơ -Ve đề ra kế hoạch là: “Bắc Bộ là chiến trường chính, tăng quân cho Bắc Bộ". “Mở rộng chiếm đóng đồng bằng và trung du…". Chính sách chủ yếu của Rơ-Ve là: Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh". Rơ-Ve chú trọng phát triển quân nguỵ, sử dụng quân nguỵ làm lực lượng chiếm đóng; Tập trung quân Âu –Phi xây dựng lực lượng cơ động, đẩy mạnh càn quét, đánh phá chiến tranh du kích của ta, củng cố đề cao nguỵ quyền...

Tỉnh Hải Dương nằm trong vùng trọng điểm của kế hoạch đó. Do vậy địch tập trung lực lượng tiến ra vùng tự do, đánh phá vùng tranh chấp; ráo riết củng cố vùng tạm chiếm; xây dựng bốt boong ke, chăng dây thép gai, dùng vôi quét đường xe lửa để làm cho ta khó tiếp cận đánh phá giao thông.

Cuối tháng 3-1949, địch xây dựng lại quận Trung Nghĩa (Cao Xá) thành một ổ chống phá cách mạng kiểu mới do tên Lương Văn Thân (quan 3 phòng nhì Pháp) làm quận trưởng.

Có lực lượng quân nguỵ chính quy (Bảo chính đoàn) và lính địa phương (Địa phương quân); Chúng còn dựng ở đây một trại kiểm “Chiêu hồi" để lung lạc, mua chuộc làm mất chí khí một số cán bộ của ta.

Lai Cách nằm trong địa bàn quận Cao Xá, chúng đã mở hàng trăm trận càn ra xung quanh để bắt cán bộ, phá cơ sở ở các thôn, xóm và cướp tài sản của nhân dân. Chúng đã lập vành đai trắng bằng hệ thống đồn bốt tháp canh để bảo vệ tuyến đường quốc lộ số 5 và đường xe lửa. Ở Lai Cách ngoài bốt Hương dũng ở Đình Tiền chúng lập trước đây, nay chúng dựng thêm bốt Tháp Canh ở Phố Lai, bốt Thanh Niên ở Chùa Cả và chúng đóng chốt ở Hoàng Đường để o ép nhân dân địa phương và kiểm soát đường quốc lộ số 5.

Mặt khác tên Quận Thân đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc để mua chuộc, dụ dỗ những người trong tổ chức của ta, chúng tung mật thám, chỉ điểm về các thôn, xóm để dò la; Chúng thành lập các tổ chức phản động như “Nữ Bảo Hoàng", “Thanh niên Đại Việt", “Quốc dân đảng" để hoạt động chống phá cách mạng.

Chúng còn dùng thủ đoạn cưỡng bức những gia đình có người đi kháng chiến, bắt họ gọi chồng, con, em về với chúng. Nếu không gọi về sẽ bị chúng đánh đập, cướp phá tài sản hoặc bị bắt giam. Do đó cơ sở ở các thôn Trằm, Trụ, Tiền và Hoàng Đường một số cán bộ của ta đã bị bắt.

Về kinh tế, chúng cấm nhân dân không được sản xuất gần hai bên đường quốc lộ số 5, đường xe lửa và gần đồn bốt của chúng; chúng cướp hàng chục con trâu, bò đồng thời tăng thuế ruộng, thuế chợ… Mặt khác để mị dân chúng đã tung hàng công nghệ phẩm mang nhãn hiệu Mỹ vào và xây một số giếng nước và phun thuốc trừ ruồi, muỗi ở các thôn xóm để mỵ dân.

Về văn hoá xã hội, chúng đã khôi phục lại những tục lệ, hủ bại cũ như: Cờ bạc, nghiện hút, đồng bóng cúng lễ, mê tín dị đoan và tung những sách báo đồi truỵ để mê hoặc nhân dân ta nhất là lớp trẻ.

Với những thủ đoạn dã man tàn bạo của địch, trong vòng một năm trời chúng đã càn đi, quét lại các thôn xóm trong xã hàng chục lần. Chúng đã bắt của ta 11 đảng viên, 11 du kích và 9 cán bộ quần chúng trung kiên của Đảng và 20 người dân. Trong đó chúng đã giết 8 người, 23 người chúng mang đi mất tích. Chúng cướp đi của Lai cách 29 tấn thóc và 20 con trâu, bò và đã bắt 64 người đi lính cho chúng (33 người lính quận dũng, 31 người lính hương dũng).

Trước sự đàn áp dã man tàn bạo của địch, phong trào của xã đã vấp phải những trở ngại khó khăn nhất định, một số gia đình cơ sở không dám để cán bộ trong nhà; cán bộ du kích phải đào hầm ngoài đồng để ẩn nấp ban ngày, đến tối lại về hoạt động. Phong trào của các đoàn thể quần chúng cũng lắng xuống. Cuối năm 1950, Chi bộ Lai Cách có 87 đảng viên, nhưng quá trình hoạt động một số lớn bị hy sinh, bị giặc bắt, một số cầu an bỏ Đảng và đầu hàng giặc, nên chi bộ chỉ còn 13 đồng chí. Đây là giai đoạn thử thách lớn của chi bộ Lai Cách. Trước tình hình đó, Huyện uỷ Cẩm Giàng đã cử đồng chí Đệ - Huyện uỷ viên về trực tiếp làm Bí thư. Cơ sở hoạt động của xã lúc này chỉ còn các thôn: An Nghĩa, Bễ, Đìa, Ngọ.

Mặc dù chính sách khủng bố tàn bạo của thực dân Pháp và bọn tay sai có gây tổn thất  lớn cho phong trào cách mạng của xã, nhưng không làm nhụt ý khí đấu tranh của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Những cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên khi bị địch bắt đã giữ vững khí tiết, hy sinh một cách anh hùng như hành động của chính trị viên xã đội Nguyễn Văn Liên và thôn đội trưởng dân quân Nguyễn Đức Úc ở thôn Bễ bị địch cuốc hầm đã dùng vũ khí chiến đấu chống địch và tự sát không để rơi vào tay chúng. Xã đội phó Nguyễn Văn Thơm bị chúng bắt, tra tấn rất dã man nhưng không hề khai báo, giữ trọn khí tiết cách mạng. Nhiều đồng chí khác bị địch bắt tra khảo, cầm tù nhưng vẫn một lòng trung thành với lý tưởng, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng. Gia đình, vợ con các đồng chí bị địch tàn sát nhưng đã nén đau thương để bám phong trào, bám cơ sở hoạt động. Nhiều đồng chí khác không ngại hy sinh, gian khổ, ăn đói, mặc rách nhưng vẫn thể hiện được phẩm chất cao quý của người đảng viên để hoạt động. Có nhiều bà mẹ đã bảo vệ cơ sở, bảo vệ thi hài liệt sĩ. Tiêu biểu như bà Hoàng Thị Nhể (bà Mận) cất giấu thi hài đồng chí Nguyễn Văn Truyền không để giặc phát hiện mang đi; Bà Xã Nhị đậy nắp hầm bảo vệ cán bộ về hoạt động; Ông Nguyễn Văn Lẩn, Nguyễn Sỹ Ca là người trung kiên bảo vệ cán bộ, du kích của ta hoạt động.

Trước tình hình đó, Chi bộ Lai Cách đã họp, đánh giá tình hình và đề ra Nghị quyết với nội dung:

1- Bằng bất kỳ giá nào dù khó khăn đến mấy cũng phải tìm mọi cách để bám dân, giữ đất, giữ cơ sở.

2- Củng cố chính quyền, tăng cường lực lượng công an, du kích và các đoàn thể quần chúng cách mạng.

3- Phát động quần chúng tinh thần yêu nước, căm thù giặc; đẩy mạnh phong trào thanh niên tòng quân và đi dân công phục vụ hoả tuyến.

4- Phát động quần chúng đứng lên phá bốt, phá tề, trừ gian, chống thuế, chống địch bắt phu, bắt lính, chụp ảnh làm thẻ và ghi biển số nhà.

5- Tuyên truyền, vận động quần chúng tin tưởng vào thắng lợi, khắc phục khó khăn gian khổ ác liệt đấu tranh đẩy mạnh sản xuất thực hành tiết kiệm và đóng góp cho kháng chiến.

Nghị quyết của chi bộ đã được tổ chức thực hiện. Đội ngũ cán bộ đảng viên, quần chúng trung kiên của Đảng đã nêu gương sáng; thuyết phục giáo dục và giác ngộ quần chúng để nhân dân trong xã nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của giặc và những tội ác của chúng. Để xây dựng lòng yêu nước, yêu quê hương của mỗi người. Do vậy, lúc này mọi phong trào hoạt động của địa phương lại được khơi dậy; cán bộ, du kích được nhân dân đùm bọc che trở, cơ sở các thôn bị mất lại được khôi phục, Chi bộ giữ được mối quan hệ với quần chúng. Do làm tốt công tác binh vận, một số người trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền đã lập công trở về với cách mạng một số anh em còn làm nội ứng cho việc phá bốt và diệt những tên phản động.

Giữa lúc phong trào kháng chiến ở địa phương đang bị địch khủng bố, tỉnh ủy Hải Dương đã chỉ đạo các địa phương phải giữ vững cơ sở, khôi phục phong trào. Trong hội nghị Đèo Voi ngày 01/5/1950 và Hội nghị Dồi Son ngày 10/8/1950, Tỉnh ủy  đã cử cán bộ xuống từng khu vực để chỉ đạo.

Huyện ủy Cẩm Giàng đã lĩnh hội Nghị quyết của Tỉnh ủy, họp, nhận định: Kẻ địch thua to sau chiến dịch biên giới Thu Đông 1950, chúng rút vào thế phòng ngự, bình định đồng bằng. Ở Cẩm Giàng địch tăng cường đàn áp càn quét phong trào kháng chiến, xây dựng hệ thống tề ngụy. Huyện ủy chủ trương đưa cán bộ về bám đất bám dân và cử huyện ủy viên trực tiếp lãnh đạo phong trào ở cơ sở

Thực hiện chủ trương bám đất, bám dân để giữ vững cơ sở, lãnh đạo phong trào. Cán bộ, đảng viên xã Lai Cách đã được nhân dân trong xã bảo vệ an toàn. Một bộ phận của Huyện uỷ và công an huyện về đóng ở thôn Đìa để chỉ đạo hoạt động. Các cơ sở trong xã đã được khôi phục. Nhiều gia đình đã đào hầm trong nhà để cán bộ, du kích ở bám đất hoạt động thực hiện chủ trương của huyện. Xã đã bố trí một số quần chúng trung kiên vào bộ máy nguỵ quyền ở các thôn và xã. Ta còn lợi dụng hình thức tề để duy trì cơ sở lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Xã còn bố trí một số đảng viên, du kích vào lính hương dũng ở xã để nắm tình hình. Công tác trừ gian vẫn tích cực hoạt động; các thôn trong xã, nhân dân đều giữ được bí mật phòng gian.

Trong thời kỳ 1950-1951 là giai đoạn “Đen tối" nhất đối với chi bộ và nhân dân Lai Cách. Địch đã càn quét, đàn áp dã man, nhiều thôn trong xã bị mất cơ sở. Nhưng nhờ tinh thần bền bỉ bám đất, bám dân, xã ta đã dần dần khôi phục lại được phong trào vào cuối năm 1951.

Trong bối cảnh khó khăn gian khổ, nhiều cán bộ đảng viên đã kiên trung, tận tuỵ với cơ sở, với phong trào; nhân dân vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi, vẫn là “Rừng" để che chắn cho cán bộ đảng viên và du kích trong xã hoạt động và cũng vẫn là “Rừng" để bao vây quân thù. Trong giai đoạn này nhân dân trong xã đã động viên, tiễn đưa 80 người là chồng, con, em của mình lên đường vào bộ đội.

Bên cạnh những thắng lợi đã đạt được trong giai đoạn 1950-1951, xã Lai Cách cũng còn bộc lộ một số nhược điểm:

- Việc xây dựng cơ sở kháng chiến, công tác tuyên truyền, vận động giác ngộ quần chúng nhân dân, tổ chức giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, thôn, xóm làm còn yếu, còn thiếu sót so với yêu cầu nhiệm vụ.

- Công tác giáo dục phát triển đảng làm chưa sâu, chưa làm tốt công tác kiểm tra, quản lý đảng viên thường xuyên. Do vậy khi có tình huống phức tạp, gặp khó khăn ác liệt đã bộc lộ rèn luyện kém dẫn đến thoái hoá biến chất, đầu hàng giặc làm hại đến cơ sở, phá hoại phong trào. Trong giai đoạn này có 9 đảng viên đầu hàng giặc, Nguyễn Văn Ân đã bị xử lý.

Tuy có một số nhược điểm trên, nhưng nhìn lại trong thời gian từ cuối năm 1949 đến cuối năm 1951, Chi bộ và nhân dân Lai Cách đã thể hiện tinh thần quyết tâm khắc phục mọi thử thách lớn do địch gây ra.

Chỉ trong vòng 2 năm xã ta luôn bị địch o ép càn quét. Nhưng chúng đã không khuất phục được cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhân dân vẫn tin vào Đảng, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến. Mối liên hệ giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân được giữ vững; sự ủng hộ kháng chiến của nhân dân trong xã ngày càng cao.

Những thắng lợi của xã nhà giành được trong 2 năm (1950-1951) là bước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đi vào giai đoạn mới.

III. ĐẨY MẠNH CHIẾN TRANH DU KÍCH, CHỦ ĐỘNG TIẾN CÔNG ĐỊCH GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (1952-1954)

Địch bị thất bại nặng trên chiến trường Hoà Bình, chúng đã quay về Bình Định đồng bằng nhằm tiếp tục thực hiện âm mưu đánh phá “Vựa người, vựa của" để hạn chế thắng lợi của ta. Ở Hải Dương địch mở chiến dịch “Lạc Đà" đã bị ta phá vỡ.

Xuất phát từ tình hình trên các chiến trường, đặc biệt trên địa bàn Hải Dương, Huyện uỷ Cẩm Giàng đã đề ra chủ trương:

1- Kiện toàn tổ chức đảng từ huyện đến cơ sở; kiên quyết đưa số đảng viên thoái hoá biến chất ra khỏi đảng. Thời kỳ này đưa đảng viên ra khỏi đảng bằng cách không cho sinh hoạt.

2- Củng cố lực lượng vũ trang, bán vũ trang đẩy mạnh công tác đánh địch, đi đôi với vũ trang tuyên truyền, địch vận, củng cố lực lượng dân quân du kích xã.

3- Động viên nhân dân đẩy mạnh sản xuất ổn định đời sống.

4- Các xã tạm bị chiếm có đồn bốt thì đẩy mạnh công tác đấu tranh từ hợp pháp, đến nửa hợp pháp, khi không có điều kiện thì đấu tranh không hợp pháp với địch.

Thực hiện chủ trương của trên. Chi bộ Lai Cách đã đi sâu củng cố cơ sở, khôi phục phong trào của xã, lực lượng du kích đã hoạt động mạnh.

 Đêm ngày 15-2-1952 bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang của huyện đã phá tan bốt Văn Thai, tiêu diệt, bắt sống và thu toàn bộ vũ khí của một đại đội địch. Với chiến công mở đầu đó đã cổ vũ quân dân Lai Cách phối hợp với bộ đội của huyện phá bốt Thanh niên ở Chùa Cả thu toàn bộ vũ khí. Tiếp đó ta lại phá bốt Hương Dũng ở Đình Tiền, tên phó xếp bốt Trần Văn Mạnh phải đền tội. Giặc ở bốt tháp canh Phố Lai hoảng sợ đã bỏ chạy. Như vậy những ngày đầu năm 1952 các bốt của địch trong xã đã bị ta quét sạch; các ban tề ở các thôn: Trằm, Trụ, Tiền, Hoàng Đường cũng bị giải tán. Cơ sở của 4 thôn này lại được khôi phục. Trong thời gian này ta đã vận động 13 thanh niên là lính bốt Hương Dũng quay về hoạt động trong lực lượng du kích của xã.

Với thắng lợi của quân dân Lai Cách giành được đã cổ vũ và gây được niềm tin trong quần chúng nhân dân trong xã, các cơ sở được củng cố và khôi phục, lực lượng chiến đấu đã được tăng cường phát triển tới 83 đồng chí, có 32 nữ. Vũ khí trang bị ngày càng khá. Đó là bước ngặt chuyển tình thế đấu tranh với địch từ chính trị sang quân sự, chuyển từ vùng tạm chiếm hậu địch trở thành vùng du kích.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ xã; các thôn trong xã đều tiến hành rào làng, canh gác, đào hầm hố bí mật, đào hào giao thông để sẵn sàng đánh địch.

Để ngăn cản địch vận chuyển lương thực và vũ khí từ Hải Phòng lên Hà Nội; du kích của xã liên tục phá đường trên đoạn quốc lộ số 5 và phá thanh ray trên đoạn đường xe lửa, cắt dây điện thoại. Tiếng súng, tiếng mìn của du kích Lai Cách đêm ngày lại vang lên trên 2 đoạn đường chạy qua xã làm cho kẻ địch phải bị động đối phó.

Để tiến hành đấu tranh quân sự thắng lợi; một mặt chi bộ xã lãnh đạo củng cố lực lượng, mặt khác chỉ đạo các thôn xóm vận động các cụ già, cháu nhỏ, phụ nữ có con mọn tạm thời tản cư sang vùng tự do để tránh tổn thất khi chiến sự xẩy ra.

Để trừng trị tên ác ôn phản động khét tiếng. Ngày 7-4-1953 du kích Lai Cách đã phối hợp với bộ đội huyện bố trí đánh mìn để diệt tên Lương Văn Thân (Quận Thân), ở đoạn đường phía tây thôn Tiền vào Cao Xá cách đường 5 khoảng 200m. Quận Thân tên tay sai đắc lực, gian ác của giặc Pháp có nhiều âm mưu thâm độc, xảo quyệt tàn bạo chống phá cách mạng từ năm 1947 đã phải đền tội.

Tin tên Thân phải đền tội đã lan rất nhanh làm cho bọn phản động ở quận Cao Xá và các đồn, bốt xung quanh hoang mang lo sợ. Nhân dân trong xã và các khu vực lân cận phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai của cách mạng.

  Cùng với đấu tranh trên mặt trận quân sự; chi bộ xã còn lãnh đạo nhân dân chống địch bắt lính, bắt phu, chống thuế, chống địch dồn làng đuổi dân, đấu tranh đòi vét sông để lấy nước cày cấy. Huyện uỷ chỉ đạo chi bộ Lai cách, Cẩm Đông, Tân Trường vận động nhân dân đấu tranh với địch ở bốt Đống An để nhân dân nạo vét con sông từ Chiều Giêng qua bốt Đống An về Cầu Mỏ lấy nước chống hạn và đấu tranh đòi đi hộ đê chống lụt. Tháng 8-1953, nước lũ sông Thái Bình lên cao, chi bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch để hàng trăm người và hàng trăm cây tre lên đê Văn Thai hộ đê.. Những cuộc đấu tranh của nhân dân ta đều giành được thắng lợi.

Căn cứ vào thế và lực của quân và dân ta, tháng 9-1953 Bộ Chính trị ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II họp bàn thông qua kế hoạch tác chiến Đông xuân 1953-1954.

Từ ngày 10 đến ngày 12-9-1953; Tỉnh uỷ Hải Dương đã họp hội nghị mở rộng để quán triệt kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Chính trị đối với mặt trận sau lưng địch. Tại hội nghị này đã xác định nhiệm vụ của tỉnh là: “Tích cực chuẩn bị phá mọi cuộc càn quét của địch trong khu vực vành đai bảo vệ đường số 5. Vận động toàn dân tích cực phá hoại làm tê liệt tuyến vận chuyển của địch, tạo điều kiện để tiêu diệt chúng. Chủ động tiến công địch, đẩy mạnh du kích chiến, tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận địch, bồi dưỡng lực lượng ta. Vận động nguỵ binh đào, giải ngũ, phá âm mưu thành lập địa phương quân của địch, tranh thủ xây dựng lực lượng…"

Thực hiện nhiệm vụ của hội nghị Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Cẩm Giàng đã ra chỉ thị chuyển hướng đấu tranh. Biến vùng địch tạm chiếm thành khu du kích, phá hoại giao thông cản trở địch vận chuyển vũ khí, lương thực và lực lượng của chúng tiếp viện cho chiến trường chính. Chi bộ đã lãnh đạo hàng trăm nam, nữ thanh niên lên đào hố, đắp ụ đoạn đường 5 và bóc hàng trăm mét thanh ray đường xe lửa, hàng tuần địch không vận chuyển được.

Chi bộ Lai Cách lãnh đạo nhân dân trong xã đồng loạt đứng lên tổng phá tề, phá tan bốt tháp canh Phố Lai. Du kích Lai Cách đã mưu trí, táo bạo bất ngờ tiến công 50 tên lính Âu Phi đi tuần ở đường 5 đoạn ngang thôn Tiền giữa ban ngày, chúng hoảng sợ chạy tán loạn, đáp cả vũ khí xuống sông, ta đã thu được. Trận tiến công bất ngờ này đã làm cho bọn lính đóng ở Hoàng Đường không dám phản ứng và từ đó chúng đã hạn chế đi tuần nhất là vào ban đêm.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, du kích xã còn dũng cảm chiến đấu chống càn ở thôn An Nghĩa  giữa ban ngày, đánh bọn lính ở đồn An Tĩnh do tên phó xếp bốt chỉ huy phải bỏ chạy về đồn. Du kích xã còn đánh mìn trên đường 5 ở đầu thôn Năm làm tan xác 3 xe quân sự địch.

Tháng 4-1954, du kích xã đã phối hợp với một đơn vị thuộc trung đoàn chủ lực 42 phục kích ở Cầu Mỏ, tiêu diệt gọn một đơn vị Âu Phi, bắt sống 72 tên trong đó có 1 quan hai, thu nhiều vũ khí.

Trong 3 năm (1952-1954), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ và sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân sự trong khu vực, du kích Lai Cách đã độc lập tác chiến và hợp đồng tác chiến tiến công địch 32 trận, trong đó phục kích 10 trận, đánh mìn 14 trận, chống càn 4 trận, độn thổ 1 trận, mật tập 3 trận bắt sống 123 tên (Có 72 Âu Phi) tiêu diệt 34 tên, bị thương 16 tên, thu 51 súng các loại, cùng nhiều đạn dược, quân trang, quân dụng.

Kết hợp với đấu tranh quân sự, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân trực tiếp đấu tranh chính trị với địch, điển hình là cuộc đấu tranh chống địch dồn dân lập đồn của lính Âu Phi ở thôn Hoàng Đường tháng 3-1954 ròng rã 1 tháng, chúng đã phải trả lại 20 tấn thóc, 12 con trâu và một số tài sản. Ngày 16-4-1954 chúng phải bỏ chốt ở thôn Hoàng Đường rút về thị xã Hải Dương. Kết hợp đấu tranh chính trị, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân làm tốt công tác binh vận, địch vận. Bố trí gọi loa tuyên truyền chính sách khoan hồng của Đảng, Chính phủ kêu gọi binh lính quay về với chính nghĩa, với làng xóm quê hương vào các đêm ở ngay chân hàng rào các đồn bốt giặc. Mặt khác chi bộ còn vận động tổ chức các gia đình trong xã có chồng, con, em bị bắt đi lính lên tận đồn bốt địch đòi chồng, con. Kết quả 22 anh em đã rời bỏ hàng ngũ địch về làm ăn với gia đình. Trong đó có  một số anh em đã xin đi bộ đội, hoặc xin vào du kích để giết giặc lập công.

Tháng 4-1954, nhân dân thôn Trằm và thôn Trụ đã vận động được 36 nguỵ quân ở bốt Cao Xá đem theo vũ khí về với cách mạng, đã chỉ cho họ đường ra vùng tự do và về quê hương.

Để ổn định đời sống nhân dân và đóng góp cho công quỹ kháng chiến, Chi bộ đã lãnh đạo nhân dân trong xã đẩy mạnh sản xuất, vận động thực hiện giảm tô, giảm tức, hoãn nợ và thực hiện sắc lệnh tạm chia tạm cấp 164 mẫu ruộng công và vắng chủ cho nông dân không có ruộng để cấy cày.

Lãnh đạo nhân dân đấu tranh với bọn địa chủ đòi thoái tô, hoãn nợ và giảm mức nộp. Trước chúng phát canh thu tô 400kg một mẫu, ta đấu tranh chỉ nộp 100 kg; có thôn chỉ nộp 40kg hoặc 60 kg thóc một mẫu. Điển hình là cuộc đấu tranh với tên địa chủ Vũ Xuân Lãng ở xóm Đình Nghĩa, y đã phải nhận giảm tô cho nông dân mà chỉ được thu bằng 1/3 tổng mức thu của y. Thắng lợi của nhân dân Lai Cách, nhất là giai cấp nông dân đã đấu tranh đòi giảm tô, giảm tức, hoãn nợ đạt kết quả, sản xuất được mở rộng, dần dần đã ổn định được một phần cuộc sống và đã tham gia đóng góp công quỹ kháng chiến, thực hiện chính sách thuế nông nghiệp của Đảng và Chính phủ. Năm 1952 mới có 3 thôn (Đìa, Năm, Ngọ ) đóng thuế nông nghiệp bằng thóc, còn các thôn khác mới tạm vay, hoặc thu bằng tiền được 23.750 đồng, vận động nhân dân trong xã mua công phiếu kháng chiến và ủng hộ gạo để nuôi cán bộ, du kích hoạt động. Kết quả, 267 hộ mua công phiếu kháng chiến được 15.530 đồng Đông Dương và mỗi gia đình trong xã ủng hộ 10 kg gạo để nuôi cán bộ, du kích, một số gia đình nấu cơm cho cán bộ, bộ đội huyện ăn. Phát động phong trào “áo mùa đông" cho binh sĩ, các đoàn thể phụ lão, phụ nữ đã hăng hái tham gia. Kết quả: 496 hộ mua công trái được 20.450 đồng, để mua áo gửi ra tiền tuyến và 382 hộ ủng hộ 9620 kg thóc.

Cùng với đấu tranh quân sự, chính trị và phát triển sản xuất ổn định đời sống. Chi bộ còn lãnh đạo nhân dân chăm lo đến văn hoá – xã hội. Các thôn đã mở lại các lớp bình dân học vụ, phong trào ca hát, sinh hoạt, học tập của các đoàn thể sôi nổi, đã sáng tác được hàng chục bài ca dao, thơ, hò vè để động viên nhân dân chiến đấu và sản xuất, các hủ tục tệ nạn xã hội ngày một giảm, sức khoẻ của nhân dân được đảm bảo.

Giữa lúc nhân dân Lai Cách đang thi đua chiến đấu thắng lợi, giữ vững địa bàn, liên tục tiến công địch thì được tin, ngày 7-5-1954 chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ý chí xâm lược của bọn thực dân Pháp đã bị đè bẹp.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định đình chiến tại Giơnevơ.

Theo tinh thần hiệp định Giơnevơ hai bên Việt Nam và Pháp sẽ ngừng bắn. Để tạo điều kiện cho quân Pháp có thời gian chuyển quân rút về nước. Hội nghị Trung Giã đã quy định cụ thể khu vực trú quân và thời gian trú quân của thực dân Pháp.

Lai Cách là địa bàn địch trú quân 100 ngày. Do vậy thời gian này có nhiều lính  Pháp về tạm trú và một số đồng bào công giáo ở các nơi theo địch di cư vào Nam cũng về đây. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ Hải Dương và trực tiếp là Huyện uỷ Cẩm Giàng đã có chủ trương: lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch đòi chúng phải thi hành hiệp định, tuyên truyền vận động đồng bào công giáo chống cưỡng ép di cư vào Nam, đấu tranh ngăn chặn mọi hành động phá hoại của địch, nói rõ chính sách của Đảng và Chính phủ để đồng bào giáo dân các nơi yên tâm trở lại quê hương làm ăn.

 

*           *

*

Hơn 8 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Cách đã giành được những thắng lợi to lớn.

  Để ghi nhận những chiến công đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tặng thưởng nhiều huân chương cao quý và các bảng vàng danh dự, bảng gia đình vẻ vang cho tập thể, cá nhân và các gia đình trong xã. Trong đó: tặng huân chương chiến công hạng nhất cho du kích xã; Huân chương kháng chiến hạng nhất cho cán bộ; nhân dân xã, Huân chương kháng chiến cho 6 gia đình; Huy chương kháng chiến cho 53 gia đình; Bảng vàng danh dự cho 3 gia đình có 3 con tòng quân (ông Nguyễn Đức Thành, ông Nguyễn Đức Xe, ông Nguyễn Văn Kỷ); Bảng gia đình vẻ vang cho 178 gia đình; Bằng khen của Chính phủ cho 49 gia đình; Bằng tổ quốc ghi công cho 39 liệt sĩ; 187 cán bộ chiến sĩ được thưởng Huân, Huy chương các loại. Hơn 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Cách đã giành được những thắng lợi nhưng cũng vấp phải những tổn thất lớn. Mỗi thắng lợi hoặc tổn thất đều có những nguyên nhân của nó. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm đó là:

1- Cán bộ, đảng viên gắn bó với nhân dân; chi bộ tin dân, bám đất, bám dân hoạt động; nhân dân tin Đảng đấu tranh bền bỉ anh dũng bất khuất.

Sống, chiến đấu ở một địa bàn địch phong tỏa, o ép và càn quét liên tục cán bộ, đảng viên trong xã luôn luôn được nhân dân đùm bọc bảo vệ. Cán bộ, đảng viên đã bám đất, bám dân để hoạt động, bền bỉ chịu đựng gian khổ, không ngại hy sinh đổ máu giữ vững khí tiết cách mạng, một lòng trung thành với Đảng với dân tổ chức, hướng dẫn cho nhân dân trực tiếp đấu tranh với kẻ thù. Được nhân dân tin, nghe theo và hành động giành thắng lợi

2- Cán bộ, đảng viên, nhân dân Lai Cách nêu cao ý chí cách mạng tiến công, khắc phục gian khổ khó khăn, bám đất đấu tranh giành thắng lợi.

Tư Tưởng và ý chí cách mạng tiến công của cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Cách bắt nguồn từ đường lối kháng chiến của Đảng và truyền thống đấu tranh của nhân dân trong xã.

Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, trực tiếp là chi bộ Đảng; Nhân dân Lai Cách đã quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công vào trong mọi hành động đấu tranh với địch. Không lùi bước trước khó khăn ác liệt nhất là những năm “đen tối". Trong những lúc hiểm nghèo, Chi bộ bám dân, dân bám đất để đấu tranh tiến công địch, đánh địch mọi lúc, mọi nơi, bằng mọi hình thức với mọi điều kiện quyết tâm giành thắng lợi.

3- Nêu cao tinh thần đoàn kết giữa Đảng với nhân dân, các đơn vị của trên và các xã bạn để chiến đấu, chiến thắng kẻ thù.

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta. Trong chiến đấu chống kẻ thù, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Cách luôn phát huy tinh thần đoàn kết chia ngọt, sẻ bùi giúp nhau trong lúc khó khăn; gian khổ cùng nhau chịu, thắng lợi cùng nhau vui.

Sự đoàn kết của cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Cách đã tạo ra sức mạnh to lớn góp phần đánh bại mọi âm mưu của kẻ thù.

4 – Coi trọng xây dựng lực lượng, tăng cường xây dựng đảng để có đủ năng lực lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến giành thắng lợi.

Mọi thắng lợi của xã Lai Cách giành được trong hơn 8 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược là có sự lãnh đạo của Huyện uỷ Cẩm Giàng, trực tiếp là chi bộ Lai Cách. Để có đủ năng lực lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, Chi bộ Lai Cách đã chú trọng tăng cường phát triển Đảng. Thực hiện Chỉ thị “Thi đua" phát triển Đảng của những năm 1948-1949, Chi bộ Lai Cách đã phát triển được một đội ngũ đảng viên đông đảo để tăng cường sức mạnh lãnh đạo của chi bộ. Nhưng quá trình phát triển Đảng chi bộ chưa chú ý chất lượng mà có lúc chạy theo số lượng, do vậy đã có một số đảng viên khi gặp khó khăn, gian khổ thì giao động bỏ Đảng có một số ít đảng viên đã phản bội Đảng đầu hàng địch làm hại cơ sở, phá hoại phong trào. Từ thực tiễn đó, được sự giúp đỡ của Huyện uỷ Cẩm Giàng. Chi bộ Lai Cách đã tự kiểm điểm rút ra bài học để xây dựng Chi bộ ngày càng vững mạnh, đủ năng lực để lãnh đạo nhân dân đấu tranh, chiến đấu chống địch giành thắng lợi. Song song với xây dựng đội ngũ đảng viên, Chi bộ Lai Cách đã chú ý tăng cường xây dựng các tổ chức quần chúng trong xã và lực lượng dân quân du kích địa phương trở thành nòng cốt trong chiến đấu và sản xuất.

 

CHƯƠNG III

CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN LAI CÁCH THỰC HIỆN  NHIỆM VỤ KHÔI PHỤC KINH TẾ, CẢI TẠO XHCN, THỰC HIỆN  KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT (1955-1960)

I- KHÔI PHỤC KINH TẾ SAU CHIẾN TRANH VÀ TIẾN HÀNH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (1955-1957).

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã giành thắng lợi hoàn toàn. Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Bắc cơ bản hoàn thành, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 5-9-1954, Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá II họp quyết định: Phải nhanh chóng phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân và tiến hành cải cách ruộng đất nhằm hoàn thành nốt phần việc còn lại của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên miền Bắc.

Lai Cách là địa bàn có 100 ngày tập kết của địch, cho đến cuối tháng 11-1954 tên địch cuối cùng mới rút khỏi Lai Cách. Sau chiến tranh hậu quả còn để lại cho nhân dân trong xã những khó khăn phức tạp như mìn, đạn, dây thép gai còn ngổn ngang. Hàng trăm mẫu ruộng bị bỏ hoang hoá trong vành đai của giặc trước đây. Chúng gài lại bọn tay sai lén lút hoạt động dụ dỗ đồng bào công giáo ở xóm Ngọ di cư vào Nam và tìm cách phá hoại ta. Trong sản xuất thì bị hạn úng, đời sống khó khăn, bệnh tật phát sinh….

  Trước tình hình đó chi bộ đã quán triệt Nghị quyết của Bộ chính trị họp tháng 9-1954. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ Cẩm Giàng, Chi bộ đã họp ra Nghị quyết chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ trước mắt ở xã .

Thực hiện Nghị quyết của chi bộ, dân quân du kích đã gỡ được 1.700 kg dây thép gai và hàng trăm quả mìn, giải phóng hàng chục ha đất để nhân dân sản xuất; lực lượng công an kịp thời trấn áp bọn phản  động tuyên truyền và tay chân của địch gài lại; nhân dân tích cực khai hoang phục hoá, nạo vét sông ngòi lấy nước chống hạn; nhân dân trong xã đã tương trợ giúp đỡ nhau xây dựng lại nhà cửa, trồng rau màu ngắn ngày để ổn định đời sống.

Về văn hóa, cả xã đã mở được 27 lớp bình dân học vụ cho 251 người học, do ông Nguyễn Trọng Hoàn phụ trách. Tháng giêng năm 1955 (sau 3 tháng hoà bình lập lại) Lai Cách đã có trường phổ thông cấp 1. Cấp trên đã cử ông Nguyễn Thanh Quang về làm hiệu trưởng, còn giáo viên là ông Nguyễn Đức Hậu, ông Mai Xuân Hạp, ông Nguyễn Đức Cường là người của xã cử ra. Trường đã có 5 lớp vỡ lòng và 3 lớp cấp 1 (lớp 4 có cả học sinh xã Tứ Minh đến học). Tổng số học sinh là 350 em. Thời kỳ này cả xã đã có 13 đội văn nghệ, thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân. Các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được xoá bỏ, đám cưới được tổ chức theo đời sống mới tiết kiệm, vui tươi lành mạnh. Mạng lưới y tế của xã cũng được tổ chức gồm có các ông Vũ Trọng Liêm, ông Lưu Văn Hải, bà Vũ Thị Thời để chăm lo sức khoẻ của nhân dân.

Thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng, cuối năm 1955 nửa đầu năm 1956, cuộc vận động cải cách ruộng đất ở xã được tiến hành. Nhận rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc cải cách ruộng đất là “đổi đời" cho giai cấp nông dân. Chi bộ xác định nhiệm vụ cải cách ruộng đất là vấn đề cơ bản của địa phương trong giai đoạn trước mắt, trong đó đánh đổ bọn địa chủ, chia ruộng đất cho dân cầy là vấn đề then chốt.

Cuối năm 1955 đội cải cách về xã, đội dựa vào thành phần bần, cố nông đoàn kết với trung nông, liên hiệp với phú nông để đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ. Nông dân Lai Cách dưới sự hướng dẫn của đội cải cách ruộng đất đã vùng lên đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ ở trong xã. Hai tên địa chủ có nhiều tội ác đã phải nhận bản án tử hình. Cải cách ruộng đất thắng lợi đã vĩnh viễn xoá bỏ quyền sở hữu ruộng đất của bọn địa chủ, ruộng đất đã trở về tay nông dân. Kết quả: 970 mẫu 2 sào ruộng đất đã chia cho 620 hộ nông dân; 98 hộ nông dân được chia nhà ở; 236 hộ nông dân được chia quả thực (gồm trâu bò, dụng cụ sản xuất, thóc lúa….)

Ngày 5-4-1956 ngày hội lớn của nông dân Lai Cách được Đảng, chính quyền cách mạng chia cấp ruộng cho các gia đình nông dân. Hàng nghìn người già, trẻ, trai, gái, vợ chồng con cái hồ hởi ra đồng cắm thẻ nhận ruộng. Từ nay trở đi người nông dân Lai Cách mới thực sự làm chủ đồng ruộng của mình.

Thắng lợi của cải cách ruộng đất còn làm chuyển biến tư tưởng của mọi cán bộ, đảng viên thêm kiên định về lập trường giai cấp, chi bộ có thêm thành phần cơ bản, tổ chức chính quyền và các đoàn thể quần chúng được củng cố vững chắc hơn.

Nhưng trong quá trình tiến hành cải cách ruộng đất; cán bộ cải cách chưa quán triệt kỹ chủ trương của Đảng; phương pháp làm việc của đội quá máy móc, thiếu dân chủ, độc đoán, quan liêu, sử dụng quyền hạn quá phạm vi quy định; bỏ rơi số lớn đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được thử thách trong kháng chiến; xây dựng tổ chức không bồi dưỡng, không xét năng lực mà giao việc dẫn đến một số cán bộ mới không hoàn thành nhiệm vụ.

Đứng trước những sai lầm trong cải cách ruộng đất, Đảng và Bác Hồ đã kịp thời phát hiện và chỉ thị tiến hành sửa sai. Ngày 18-8-1956 Hồ Chủ Tịch đã gửi thư cho nông dân có đoạn viết. “..Toàn Đảng toàn dân đoàn kết phát huy thắng lợi cuộc cải cách ruộng đất, sửa chữa sai lầm, củng cố tổ chức, đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống sinh hoạt trong nhân dân". Chi bộ và nhân dân Lai Cách đã nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ và quán triệt quan điểm sai thì sửa, không để nhầm để sót, một số gia đình bị quy sai thành phần được sửa lại thành phần và đền bù tài sản đã bị tịch thu, trưng thu. Kết quả: hạ thành phần cho 6 hộ địa chủ và quy lại 2 hộ từ phú nông lên địa chủ. Thành phần giai cấp sau sửa sai của Lai Cách: 566 hộ bần cố nông; 130 hộ trung nông, 9 hộ phú nông, 20 hộ địa chủ; một số cán bộ, đảng viên bị xử lý oan được phục hồi;

Bên cạnh đó chính quyền địa phương còn giải quyết những xích mích cá nhân, ổn định trật tự trị an, củng cố khối đoàn kết toàn dân, làm cho nhân dân yên ổn tăng gia sản xuất.

Dựa vào những sai lầm trong cải cách ruộng đất khi sửa sai một số con cái địa chủ, nguỵ quân, nguỵ quyền cũ đã có những hành động chống đối như: Vụ cắt đuôi trâu ở thôn Hoàng Đường, đe doạ đánh cán bộ ở thôn Trằm và những vụ nhỏ khác nhưng đã được chính quyền giải quyết kịp thời.

Nhờ có chủ trương đúng và kịp thời của Đảng; chi bộ và nhân dân Lai Cách đã thực hiện triệt để; Với sự giúp đỡ của huyện, cho nên sau một thời gian ngắn, tình hình trong xã đã đi vào thế ổn định. Số cán bộ đảng viên cũ, mới đã thực sự đoàn kết.

 II. CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ĐƯA NÔNG DÂN VÀO LÀM ĂN TẬP THỂ, BƯỚC ĐẦU PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA - XÃ HỘI (1958-1960).

Sau khi thực hiện thắng lợi cải cách ruộng đất và hoàn thành công tác sửa sai, Đảng ta chủ trương tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nền kinh tế cũ, kết hợp với việc xây dựng nền kinh tế mới.

Tháng 11-1958, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 (khoá II) khảng định: “Đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân…Đồng thời mở mang xây dựng cơ bản, tăng cường lực lượng của thành phần kinh tế quốc doanh".

Dưới ánh sáng đường lối chung của Đảng. Tỉnh uỷ Hải Dương chủ trương: Nhanh chóng cải tạo nền nông nghiệp cá thể, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn (1958-1960), lấy việc xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp là khâu chính để thúc đẩy toàn bộ công cuộc cải tạo và xây dựng xã hội, xã hội chủ nghĩa.

Huyện uỷ Cẩm Giàng đã chỉ thị cho các cấp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, cải tạo tư tưởng trong nông dân, nhằm đưa chủ trương của Đảng vào thực hiện có hiệu quả.

Quán triệt tinh thần nghị quyết, chỉ thị của trên. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện uỷ Cẩm Giàng, Chi bộ Lai Cách đã mở đợt sinh hoạt chính trị để toàn Đảng, toàn dân trong xã học tập, nhằm quán triệt đường lối của Đảng về xây dựng hợp tác xã.

Khi bước vào công cuộc cải tạo nền nông nghiệp, Lai Cách nằm trong điều kiện nền sản xuất độc canh, nông cụ thiếu thốn, thô sơ, sức kéo thiếu, trình độ thâm canh non kém. Để giải quyết được những tồn tại đó chỉ có con đường là tổ chức làm ăn tập thể theo đường lối chủ trương của Đảng với bước đi từ thấp đến cao thì nền kinh tế nông nghiệp của Lai Cách mới vươn lên được.

Cuối năm 1956, tổ đổi công đầu tiên ở thôn Bầu do ông Vũ Tư Sửu làm tổ trưởng; có 7 hộ, 25 khẩu gồm 13 lao động chính, với 8 mẫu canh tác (trong đó có 4 mẫu 2 sào cấy 2 vụ); có 2 + 1/2 con trâu. Qua vụ đầu sản xuất nhờ tập trung sức người đổi công cho nhau; nên gieo trồng đã kịp thời vụ, năng xuất thu được cao hơn, đời sống được nâng lên khá hơn các hộ cá thể.

Với kết quả đó chi bộ phát động và tổ chức triển khai trong toàn xã. Cuối năm 1957 trong xã đã thành lập được 34 tổ đổi công,với 440 hộ tham gia gồm 1.895 khẩu; diện tích canh tác 754 mẫu 9 sào 12 thước trong đó có 308 mẫu 4 sào, 7 thước cấy 2 vụ và 116 mẫu trồng mầu, có 133 +1/2 con trâu.

Phong trào xây dựng tổ đổi công trong xã là bước tập rượt ban đầu để người dân Lai Cách quen dần với lề lối làm ăn tập thể.

Thực hiện chủ trương của trên, được Huyện uỷ Cẩm Giàng chỉ đạo. Chi bộ lãnh đạo nhân dân từ tổ đổi công qua một thời gian khảo nghiệm từng bước để tiến lên hợp tác xã nông nghiệp. Người nông dân Lai Cách sau khi được học tập đã tự nguyện góp ruộng đất, trâu bò, nông cụ, giống vốn để đi vào con đường làm ăn tập thể.

Tháng 10-1958 hợp tác xã nông nghiệp thôn Bầu từ tổ đổi công đi lên là hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của xã. Ban quản trị hợp tác xã nông nghiệp thôn Bầu gồm có: Chủ nhiệm ông Mai Xuân Làm, kế toán ông Nguyễn Văn Tấn; ông Nguyễn Đức Doanh, ông Vũ Tư Sửu và ông Mai Xuân Thính là ủy viên. Hợp tác xã có 27 hộ gồm 84 khẩu (43 lao động); góp ruộng đất 62 mẫu, 5 sào, 6 con trâu; chia làm 2 đội sản xuất, năng xuất bình quân 1 vụ 1.000 kg/ mẫu; giá trị chia ngày công lao động 7,5 kg một công. với tổ chức sản xuất mới này đã có nhiều mặt thể hiện được tính hơn hẳn so với hình thức sản xuất ở tổ đổi công; Kế hoạch sản xuất và điều hành lao động phù hợp với tính chất và trình độ sản xuất hiện tại, bình công, chấm điểm, phân phối hưởng thụ theo tính chất lao động của mỗi người, đời sống của người lao động đã được nâng lên tạo cho mọi người phấn khởi làm chủ đồng ruộng, làm chủ hợp tác xã.

Qua kinh nghiệm tổ chức, điều hành sản xuất của hợp tác xã thôn Bầu, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân toàn xã phát triển từ tổ đổi công lên hợp tác xã thôn và xã.  đến đầu năm 1959 toàn xã đã xây dựng được 15 hợp tác xã nông nghiệp:

1 - Hợp tác xã thôn Bầu có: 11 hộ, diện tích 42 mẫu, 5 sào, 4+1/2 con trâu; chủ nhiệm là ông Mai Xuân Làm, kế toán là ông Nguyễn Văn Tấn

2 - Hợp tác xã thôn Đìa có: 19 hộ, diện tích 20 mẫu, 1 sào 5 thước, trâu có 3+1/2 con, chủ nhiệm là ông Vũ Trọng Nghi, kế toán là ông Vũ Trọng Liêm.

3 - Hợp tác xã Nghĩa Đông có: 18 hộ, diện tích 27 mẫu, trâu có 6 +1/2 con, Chủ nhiệm ông Nguyễn Đình Dần, Kế toán ông Toàn.

4- Hợp tác xã Nghĩa Giữa có: 19 hộ, diện tích 25 mẫu 1 sào, trâu có 5 con, Chủ nhiệm ông Vũ Xuân Hành, Kế toán ông Nguyễn Sĩ Tâm.

5- Hợp tác xã thôn Năm có: 13 hộ, diện tích 15 mẫu 5 sào, trâu có 3 con, Chủ nhiệm ông Vũ Hữu Thẳng, Kế toán ông Nguyễn Văn Mậu.

6- Hợp tác xã thôn Ngọ Trong có: 18 hộ, diện tích 34 mẫu, trâu có 5+1/2 con, Chủ nhiệm ông Phạm Văn Lợi, Kế toán ông Nguyễn Trọng Thưởng.

7- Hợp tác xã thôn Ngọ Ngoài có: 16 hộ, diện tích 19 mẫu 7 sào 1 thước, trâu có 4+1/2 con, Chủ nhiệm ông Nguyễn Trọng Điền, Kế toán ông Tiến.

8- Hợp tác xã thôn Bễ có: 11 hộ, diện tích 17 mẫu 6 sào, trâu có 4 con, Chủ nhiệm ông Nguyễn Văn Thành, Kế toán ông Nguyễn Văn Dương.

9- Hợp tác xã thôn Lẻ có: 20 hộ, diện tích 31 mẫu, trâu có 6,+1/2 con, Chủ nhiệm ông Nguyễn Văn Hội, Kế toán ông Vũ Đình Sùng.

10- Hợp tác xã thôn Doi có: 12 hộ, diện tích 16 mẫu 7 sào 4 thước, trâu có 3 con, Chủ nhiệm ông Hoàng Văn Dền.

11- Hợp tác xã thôn Gạch có: 27 hộ, diện tích 37 mẫu, trâu có 8 con, Chủ nhiệm ông Vũ Đình Quỳnh, Kế toán ông Hoàng Văn Tá.

12- Hợp tác xã thôn Hoàng Đường có: 29 hộ, diện tích 48 mẫu 4 sào 5 thước, trâu có 8 con, Chủ nhiệm ông Vũ Văn Toàn, Kế toán ông Vũ Xuân Dũng.

13- Hợp tác xã thôn Tiền có: 13 hộ, diện tích 19 mẫu 2 sào, trâu có 5 con, Chủ nhiệm ông Nguyễn Văn Hách, Kế toán ông Vũ Văn Hiệu.

14- Hợp tác xã thôn Trụ có: 13 hộ, diện tích 18 mẫu 3 sào 9 thước, trâu có 3 con, Chủ nhiệm ông Lưu Văn Hoạt, Kế toán ông Lưu Văn Lũng.

15- Hợp tác xã thôn Trằm có: 12 hộ, diện tích 18 mẫu 9 sào 1 thước, trâu có 3+1/2 con trâu, Chủ nhiệm ông Trần Văn Phương, Kế toán ông Vũ Văn Bịch.

(Trong đó có 2 thôn tổ chức 2 hợp tác xã là thôn An Nghĩa và thôn Ngọ). Tổng số hộ vào hợp tác xã là 254 hộ, gồm 1.054 khẩu, trong đó có 551 lao động chính; tổng diện tích canh tác là 391 mẫu 10 thước, trong đó có 197 mẫu 1 sào cấy 2 vụ và 74 mẫu 5 sào trồng mầu, tổ chức thành 18 đội sản xuất, số trâu bò có 73 con.

Đến năm 1960 toàn xã có 586 hộ vào Hợp tác xã. Số hộ phát triển:  thôn Bầu thêm 10 hộ, thôn Đìa 50 hộ, thôn Ngọ trong 22 hộ, thôn Ngọ Ngoài 28 hộ, thôn Năm 15 hộ, thôn Bễ 20 hộ, Xóm Lẻ 25 hộ, Xóm Doi 12 hộ, thôn Gạch 14 hộ, thôn Tiền 70 hộ, thôn Trụ 46 hộ, thôn Trằm 20 hộ.

Năm 1960, hai hợp tác xã nông nghiệp của thôn Nghĩa hợp nhất lại thành một hợp tác xã. Chủ nhiệm là ông Dần.

Tổng diện tích của các hợp tác xã trong xã là 1.311 mẫu, có 170 con trâu; năng xuất bình quân các hợp tác xã đã đạt 1.200 kg một mẫu bắc bộ một vụ; giá trị ngày công có hợp tác xã đã đạt được 12 kg thóc một công; hợp tác xã đạt thấp nhất cũng đạt 2,5 kg thóc một công. Năng xuất bình quân chung so với năm 1959 đã tăng 77%.

Sau gần 2 năm các thôn trong xã cơ bản đã xây dựng được hợp tác xã nông nghiệp; đã thu hút được hơn 50% số hộ nhân dân trong xã tự nguyện vào làm ăn tập thể. Con đường tập thể hoá sản xuất nông nghiệp đã được các hợp tác xã nông nghiệp trong xã thực hiện. Trong sản xuất đã được cải tiến công cụ bước đầu như dùng cầy 51 thay chiếc cày chìa vôi lâu đời, dùng guồng lấy nước hiệu xuất cao hơn tát nước bằng gầu, dùng cào cỏ Nghệ An, cào cỏ cải tiến. Bước đầu đi vào thâm canh mạnh dạn thay thế bằng các giống lúa mới và ứng dụng kỹ thuật như hồ phân rễ mạ, cấy dầy.v.v…

Chi bộ còn chỉ đạo chính quyền tổ chức nhân dân làm các công trình thủy lợi như đào sông trung, tiểu thuỷ nông để lấy nước từ hệ thống công trình Bắc Hưng Hải về tưới cho đồng ruộng, đưa diện tích cấy 2 vụ trong năm từ 30% lên 50%.

Phong trào chăn nuôi cũng được quan tâm, toàn xã đã có gần 70% hộ gia đình chăn nuôi lợn so với năm 1957 vượt 20%, bình quân xuất chuồng 45kg/ con.

Cùng với phát triển hợp tác xã nông nghiệp, chi bộ còn lãnh đạo nhân dân thực hiện cùng một lúc xây dựng thành công hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng của xã.

Hợp tác xã mua bán của xã được thành lập vào tháng 10-1958, do ông Mai Xuân Thính làm chủ nhiệm, Kế toán ông Nguyễn Văn Thưởng, uỷ viên ông Nguyễn Văn Sách, ông Nguyễn Văn Mậu, ông Vũ Trọng Thanh. Ban đầu vận động nhân dân góp vốn cổ phần xây dựng cửa hàng mua bán, số hộ góp vốn còn ít nhưng sau thấy tác dụng thực tế nhiều người tự nguyện góp vốn cổ phần, tính đến cuối năm 1960 đã có gần 80% số hộ trong xã vào hợp tác xã mua bán; hình thức hoạt động chủ yếu làm nhiệm vụ do hệ thống thương nghiệp quốc doanh uỷ thác để phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Song song với việc xây dựng hợp tác xã mua bán. Xã tiến hành xây dựng hợp tác xã tín dụng. Ban quản lý hợp tác xã tín dụng: Chủ nhiệm ông Nguyễn Đình Hào, Phó chủ nhiệm ông Hoàng Văn Tuý, Kế toán ông Vũ Hữu Hởi, Thủ quỹ ông Nguyễn Văn Tần nhằm huy động số tiền nhàn rỗi của nhân dân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp trong xã. Bước đầu đã huy động được 1.523 đồng của 803 hộ trong xã.

Đi đôi với việc lãnh đạo cải tạo sản xuất, phát triển kinh tế trong xã. Chi bộ Lai Cách còn quan tâm công tác phát triển Văn hoá, giáo dục, phong trào học bổ túc văn hoá vẫn được duy trì ở các thôn, học sinh phổ thông ngày càng phát triển. Trường lớp bàn ghế đồ dùng học tập được uỷ ban xã quan tâm, đội ngũ giáo viên cũng được tăng cho xã cả số lượng và chất lượng. Đình chùa lúc này được tạm thời sử dụng làm lớp học cho học sinh học tập.

Phong trào y tế, vệ sinh phòng bệnh cũng được chi bộ quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Ban y tế xã được củng cố, (xã đã cử 2 người đi học trung cấp và 4 người đi học sơ cấp). Xã đã phát động phong trào “Sạch làng tốt lúa", trong thanh, thiếu niên. Tiêm phòng cho 80% nhân dân trong xã, phòng bệnh dịch tả và bệnh đậu mùa. Cuối năm 1960 đoàn chuyên gia y tế Liên Xô đã về xã khám, điều trị bệnh mắt hột cho 3.252 người.

Trong 3 năm thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu xây dựng phát triển kinh tế văn hoá xã hội ở địa phương đã làm thay đổi sâu sắc cung cách làm ăn, cách nghĩ và đời sống của người dân trong xã, mọi phong trào hoạt động của địa phương đã từng bước có sự phát triển mới.

Nhân tố quyết định những thắng lợi mà nhân dân Lai Cách trong 3 năm đã giành được là có sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, Chi bộ đã thực sự là cầu nối giữa Đảng với quần chúng nhân dân.

Do nhận thức đúng vai trò của công tác xây dựng đảng, nên sau khi sửa sai, để chỉnh đốn tổ chức, chi bộ đã không ngừng chăm lo củng cố đội ngũ cán bộ đảng viên với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng 3 ngọn cờ hồng (Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã mua bán, Hợp tác xã tín dụng). Được sự chỉ đạo trực tiếp của huyện uỷ Cẩm Giàng.

Chi bộ Lai Cách luôn chăm lo đến công tác tư tưởng. Từ giữa năm 1960, Chi bộ tiến hành thảo luận đề cương báo cáo chính trị của đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các hợp tác xã nông nghiệp. Chi bộ đã chú ý đến công tác phát triển đảng ở các thôn để mỗi thôn tiến tới có đảng viên, có tổ đảng để lãnh đạo quần chúng, thực hiện nhiệm vụ sản xuất trong hợp tác xã và phong trào của thôn xóm.

Trong 3 năm (1958-1960), Chi bộ thường xuyên quan tâm đến công tác củng cố chính quyền, bố trí cho cán bộ Uỷ ban hành chính xã đi tập huấn ở huyện.

Đầu năm 1959 cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đã đạt được kết quả tốt và đến ngày 8-5-1960 nhân dân trong xã đã nô nức đi bầu cử quốc hội khoá II của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Năm 1958 lần đầu tiên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ban hành luật nghĩa vụ quân sự. Chi bộ đã lãnh đạo các ngành trong xã, nhất là phụ nữ, thanh niên, xã đội tổ chức cho thanh niên đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Đợt đầu tiên xã có 17 thanh niên đã lên đường vào các đơn vị bộ đội thường trực. Chi uỷ còn chỉ đạo lực lượng dân quân trong xã thường xuyên luyện tập quân sự; Lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân trong xã thực hiện nghiêm chính sách thuế nông nghiệp, đã giao nộp đủ thóc thuế theo quy định.

Các tổ chức quần chúng như: Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội, Mặt trận đều được củng cố và đã phát huy tác dụng.

Ba năm thực hiện nhiệm vụ cải tạo và bước đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa, nhân dân Lai Cách dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là chi bộ xã đã tạo được khả năng thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).

III. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH 5 NĂM LẦN THỨ NHẤT THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG TOÀN QUỐC LẦN THỨ III (1961-1965).

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng cộng sản Việt Nam (9-1960) đã khảng định: Đây là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong đó cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển của toàn bộ cách mạng Việt Nam. Đại hội đã định ra đường lối chung cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là: Thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, từng bước xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, làm cho nền kinh tế nước ta thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961 Đại hội đại biểu tỉnh Hải Dương lần thứ IV đã họp và Quyết định phương hướng thực hiện kế hoạch 5 năm (1961-1965) “Phát triển phong trào hợp tác xã nông nghiệp… phát huy mọi thuận lợi của Hải Dương để phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc".

Để bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ IV. Chi bộ Lai Cách được  Tỉnh ủy Hải Dương cho phép thành lập Đảng bộ. Ngày 15- 8-1960, Đảng bộ Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ nhất (I) để đánh giá kết quả sự lãnh đạo của chi bộ thực hiện nhiệm vụ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, thực hiện 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở trong xã, bàn phương hướng lãnh đạo thực hiện kế hoạch 5 năm (1961-1965) và bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 9 đồng chí: Bí thư là đồng chí Mai Xuân Làm, đồng chí Lưu Văn Hoạt và đồng chí Hoàng Văn Nhã là ủy viên Ban Thường vụ.

Đại hội đảng bộ xã nhận định: Từ hoà bình lập lại đến nay; Trong khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh tuy có vấp phải những khó khăn nhất định. Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là sự chỉ đạo của Huyện uỷ Cẩm Giàng, với sự quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã vươn lên hoàn thành được mọi nhiệm vụ của địa phương.

Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp đã đạt kết quả tốt: 88% số hộ nông dân trong xã đã tự nguyện đi vào con đường làm ăn tập thể; tính ưu việt của làm ăn tập thể đã hơn hẳn làm ăn cá thể trước đây.

Đại hội chủ trương: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển một cách toàn diện, trên cơ sở đó tiến hành củng cố hợp tác xã nông nghiệp, đưa các hợp tác nhỏ bậc thấp lên quy mô hợp tác xã liên thôn bậc cao cho phù hợp với yêu cầu sản xuất, mở rộng các ngành nghề phụ trong hợp tác xã nông nghiệp và phát triển chăn nuôi ở cả khu vực tập thể và gia đình. Năm 1961 Đảng bộ chỉ đạo hợp nhất 13 hợp tác xã ở thôn thành 3 hợp tác xã liên thôn: HTX Vũ Trụ (Tiền, Trằm, Trụ, Hoàng Đường); HTX An Hoá ( Bầu, Bễ, Lẻ, Gạch, Doi, An Nghĩa); HTX Ngũ Trung (Đìa, Năm, Ngọ). Phấn đấu thực hiện 3 mục tiêu, 5 cao điểm trong sản xuất nông nghiệp ([5]) ,không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân trong xã trên các mặt kinh tế, văn hoá – xã hội.

Như vậy, cuối năm 1961 xã Lai Cách đã có 875 hộ vào hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 86% số hộ trong xã) với 4.011 khẩu trong đó có 1.966 lao động. Diện tích gieo cấy tổng là 1.311 mẫu bắc bộ, trâu bò cầy kéo có 202 con. Năng xuất bình quân đạt 723kg/ mẫu một vụ, tổng sản lượng thu được 1.502 tấn 790kg; làm nghĩa vụ với nhà nước được 422 tấn. Trị giá ngày công bằng tiền là 0,63đ.

 Kết quả các Hợp tác xã:

- Hợp tác xã Vũ Trụ có 223 hộ bằng 1.026 khẩu trong đó có 525 lao động chính diện tích gieo trồng 321 mẫu 9 sào, trâu cầy kéo có 49 con chia 7 đội sản xuất. Năng xuất bình quân năm 1961 là 720kg/mẫu 1 vụ, tổng sản lượng đạt trên 400 tấn; làm nghĩa vụ với nhà nước gần 90 tấn, trị giá ngày công 0,75đ; Chủ nhiệm ông Vũ Văn Toàn.

- Hợp tác xã An Hoá có 444 hộ bằng 1.917 khẩu trong đó có 936 lao động chính, diện tích gieo trồng 633 mẫu 2 sào, trâu cầy kéo có 93 con chia 11 đội sản xuất. Năng xuất bình quân là 740kg/mẫu 1 vụ, tổng sản lượng đạt gần 700 tấn; làm nghĩa vụ với nhà nước hơn 200 tấn, trị giá ngày công 0,76đ; Chủ nhiệm ông Mai Xuân Làm.

- Hợp tác xã Ngũ Trung có 208 hộ bằng 1.068 khẩu trong đó có 505 lao động chính diện tích gieo trồng 356 mẫu 4 sào, trâu cầy kéo có 60 con chia 6 đội sản xuất. Năng xuất bình quân là 723kg/mẫu 1 vụ, tổng sản lượng gần 400 tấn; làm nghĩa vụ với nhà nước hơn 100 tấn trị giá ngày công 0,53đ; Chủ nhiệm ông Nguyễn Trọng Điền.

Đi đôi với trồng trọt, chăn nuôi bước đầu đã phát triển. Mỗi đội sản xuất có một chuồng trại chăn nuôi lợn tập thể từ 3 đến 5 gian nuôi từ 30 đến 50 con. Toàn xã năm 1961 đã nuôi lợn tập thể 565 con. Hợp tác xã Ngũ Trung đã xây dựng được chuồng có 10 ô theo kiểu K50 cùng với phát triển chăn nuôi tập thể. Đàn lợn của các gia đình năm 1961 có 1.121 con. Đàn gia cầm các loại 15.691 con, diện tích ao hồ thả cá toàn xã có 44 mẫu 8 sào.

Cùng với phát triển cây trồng, chăn nuôi, Đảng bộ đã có chủ trương lãnh đạo các hợp tác xã phát triển nghề phụ. Các hợp tác xã nông nghiệp đều tổ chức làm gạch: Hợp tác xã An Hoá mỗi năm ra lò từ 50 vạn đến 60 vạn viên. Hợp tác xã Đìa Năm mỗi năm ra lò từ 30 đến 35 vạn viên.

Qua một năm Đảng bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đã đạt được nhiều kết quả: Bước đầu củng cố các hợp tác xã nông nghiệp (hợp nhất thôn) đi vào làm ăn đúng hướng. Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng và tổ chức các hợp tác xã (nông nghiệp, mua bán, tín dụng) đã được ổn định.

Tuy nhiên, khi bước vào tổ chức đưa các hợp tác xã nông nghiệp lên quy mô liên thôn có nơi chưa làm tốt công tác tư tưởng, chưa bồi dưỡng kịp thời trình độ quản lý cho cán bộ cơ sở. Do vậy, đầu năm 1962. Hợp  tác xã Ngũ Trung tách ra làm 2 hợp tác xã nông nghiệp: Hợp tác xã nông nghiệp thôn Đìa - Năm; Hợp tác xã nông nghiệp thôn Ngọ. Như vậy đầu năm 1962 trong xã có 4 hợp tác xã nông nghiệp (Vũ Trụ, An Hóa, Năm - Đìa, Ngọ).

Để thực hiện 3 mục tiêu, 5 cao điểm trong sản xuất nông nghiệp. Đảng bộ đã lấy cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật làm then chốt để lãnh đạo, hướng dẫn, tổ chức các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện các biện pháp liên hoàn trong quá trình tổ chức sản xuất. Đảng bộ đã chú trọng công tác thuỷ lợi coi đó là biện pháp hàng đầu (nhất nước) để thâm canh tăng vụ. Trong 2 năm 1961-1962 toàn xã đã đào đắp được 19 máng cấp 1 và 14 máng cấp 2, khoanh 5 bờ vùng chống úng. Đảng bộ còn chỉ đạo việc kết hợp giữa làm thuỷ lợi nội đồng với làm giao thông nông thôn; Toàn xã đã đào đắp mở 13 con đường liên thôn, đường ngoài đồng; Lai Cách đã phải bỏ ra 150.000 ngày công đào đắp 145.420 m3. Đồng thời xã cùng kết hợp với nhà nước để xây dựng 2 trạm biến thế và trạm bơm điện ở Phố Lai và Đình Tiền có 13 vòi bơm, với công xuất hàng chục nghìn m3/giờ để phục vụ cho đồng ruộng của xã. Để chỉ đạo thâm canh, tăng vụ. Đảng bộ xã còn lãnh đạo các hợp tác xã nông nghiệp từng bước thay đổi dần một số giống lúa phù hợp với đồng ruộng trong xã cho năng suất cao hơn. Các biện pháp kỹ thuật cũng được tổ chức áp dụng như: chọn giống, hồ giống (3 sôi, 2 lạnh) trước khi gieo mạ, cấy dầy vừa phải, cấy thẳng hàng, làm phân xanh. Các nông cụ cũng được trang bị cải tiến như cày 51, cào cỏ 64A, cào cỏ Nghệ An và đã mua được 8 máy nước bơm dầu.

Để quy hoạch lại đồng ruộng, từ năm 1961 các hợp tác xã nông nghiệp đã tập trung lực lượng phá bờ tiểu  nông manh mún, khoanh vùng nội đồng thành vùng, có bờ thửa ngang, dọc các cánh đồng. Việc quy hoạch lại đồng ruộng là biểu hiện của tính hơn hẳn của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, nó góp phần quan trọng để các hợp tác xã nông nghiệp cải tạo đồng ruộng, thâm canh, đưa năng suất cây trồng ngày một tăng.

Lần đầu tiên trong khâu làm đất, các hợp tác xã nông nghiệp trong xã đã sử dụng máy cày bừa 50% diện tích. Nhờ có làm thuỷ lợi và quy hoạch đồng ruộng cùng với sự hỗ trợ làm đất bằng máy, nên diện tích cấy chiêm trong xã đã được mở rộng so với năm 1960 tăng được 168% diện tích . Năm 1960 diện tích cấy chiêm toàn xã 335 mẫu, đến năm 1963 đã đưa lên 890 mẫu. Việc kiến thiết xây dựng các công trình cơ bản và mua sắm các công cụ sản xuất cũng được xúc tiến. Xây 13 nhà kho, 19 sân phơi, 31 giàn ủ phân; mua 15 quạt hòm, làm 14 trục lúa bằng đá, 145 xe cút kít và xe ba gác; mua 1 máy xay sát, 1 máy nghiền thức ăn gia súc, 172 cào cỏ 64A, 85% cầy cải tiến; xây 2 lò thúc mầm, 7 khu trại chăn nuôi lợn tập thể với 70 gian, 24 gian để nuôi trâu; 6 nhà trẻ mẫu giáo.

Theo hướng dẫn của ban tổ chức Huyện ủy, ngày 18-01-1963 Đảng bộ xã Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ II. Đại hội đánh giá hoạt động của Đảng bộ nhiệm kỳ thứ nhất (1960-1962), đề ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ II (1963-1966), bầu Ban chấp hành mới. Đồng chí Lưu Văn Hoạt làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Trọng Điền và Hoàng Văn Nhã là Ủy viên Ban Thường vụ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ II, UBHC xã vận động nhân dân đi khai hoang để phát triển kinh tế văn hoá ở miền núi. Bước đầu còn cắt phen, cử lượt, đến năm 1963 vận động bà con định cư, có cán bộ đảng viên đi làm nòng cốt để động viên nhân dân phấn khởi ra đi. Đảng uỷ đã chỉ đạo các hợp tác xã phải thanh toán đầy đủ và đầu tư giúp giống, vốn để bà con yên tâm xây dựng vùng quê mới. Năm 1963 toàn xã đã có 46 hộ, gồm 235 khẩu (hai gia đình cán bộ đảng viên) đi định cư ở xã Thanh Hải, Huyện Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc. Đồng chí Hoàng Văn Nhã đảng uỷ viên được đảng uỷ cử đi phụ trách.

Phong trào thi đua đạt 3 mục tiêu, 5 cao điểm đã được các hợp tác xã nông nghiệp trong xã đồng tình hưởng ứng. Năm 1962 đã có hai hợp tác xã nông nghiệp đạt 3 mục tiêu và 5 cao điểm đầu tiên của xã gồm. Hợp tác xã An Hoá và Hợp tác xã Vũ Trụ. Phát triển sản xuất năm 1962 so với năm 1961 diện tích gieo trồng toàn xã đã tăng 402 mẫu, diện tích cấy lúa 2 vụ tăng 39%. Diện tích trồng mầu cộng cả cây mía, đỗ, lạc tăng 39%, tổng sản lượng tăng 118%, năng xuất bình quân tăng 102,9%, giá trị ngày công tăng 9%, làm nghĩa vụ với nhà nước tăng 113%. Mức ăn bình quân đạt cả năm đạt 198kg.

Về chăn nuôi đàn trâu tăng 23%, đàn lợn khu vực tập thể tăng 10%, đàn lợn gia đình xã viên bình quân 1,7 con một hộ.

Cùng với lãnh đạo phát triển sản xuất, Đảng bộ còn lãnh đạo tổ chức nhân dân thực hiện lời kêu gọi và phát động phong trào trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nhân dân trong xã hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch bằng hành động cụ thể; đã biến các bờ vùng, bờ máng, đường giao thông lớn nhỏ trong làng, ngoài đồng, trong vườn của mỗi nhà thành đường cây, vườn cây làm xanh mát cho đường đi và có cây để làm nhà cửa, có quả để ăn. Trong xã đã có 4 tổ chuyên trách phụ trách 5 vườn ươm giống để tự túc cây trồng trong xã. Hàng vạn cây lấy gỗ và cây ăn quả đã được trồng ở trong xã. Ngoài ra xã còn tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ hàng cây trên đường quốc lộ số 5 chạy qua địa bàn của xã. Song song với việc lãnh đạo, củng cố hợp tác xã nông nghiệp, phát triển sản xuất ở địa phương; Đảng bộ còn chỉ đạo hợp tác xã mua bán thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả. Năm 1965 hợp tác xã mua bán của xã là một trong 5 hợp tác xã điểm của tỉnh. Với nhiệm vụ quản lý trong 3 khâu: thương nghiệp, thủ công nghiệp và vận tải để phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương và phục vụ nhu cầu thiết yếu đời sống hàng ngày của nhân dân. Năm 1965 hợp tác xã mua bán đã có 1.388 cổ phần, số vốn có 19.920 đồng, có 1 cửa hàng trung tâm, 3 cửa hàng khu vực. Tổ chức các tổ dịch vụ: tổ rèn, mộc, sửa xe cải tiến; tổ đúc đồng, chì; tổ làm dép lốp; tổ sửa chữa đồ điện; tổ hàn xì; mạ kền đánh bóng; tổ máy khâu; tổ cắt tóc; tổ xe bò kéo vận chuyển; tổ phục vụ xay sát (có 2 máy); tổ sản xuất vôi gạch. Số lao động làm ngành nghề là 90 người, có 1 chi bộ để lãnh đạo. Đảng uỷ đã cử một đồng chí Thường vụ Đảng uỷ trực tiếp làm bí thư kiêm chủ nhiệm của hợp tác xã.

Cùng với củng cố kiện toàn hợp tác xã mua bán, Đảng uỷ đã chỉ đạo củng cố kiện toàn hợp tác xã tín dụng để hợp tác xã thực hiện tốt chức năng tiếp vốn, cho vay và thu nợ nhằm thúc đẩy ngành sản xuất nông nghiệp. Năm 1965 hợp tác xã tín dụng đã có 876 người tham gia, số vốn lên tới 70.005 đồng; tiết kiệm ngắn hạn, dài hạn, không kỳ hạn có 48.000 đồng, bình quân 34 đồng/người. Tổ chức hũ gạo tiết kiệm ở các gia đình, đã có 672 hũ thu được 490 kg. Tiếp vốn cho tập thể và xã viên vay để phát triển sản xuất. Năm 1965 cho 178 hộ vay mua 236 con lợn giống, 9 hộ sửa chữa nhà, 16 hộ chữa bệnh. Cho tập thể vay để mua 230 tấn vôi, 100 cày bừa, 172 cào cỏ; cho hợp tác xã mua bán vay 64.500 đồng để mua máy khâu, dụng cụ sản xuất tiểu thủ công nghiệp ngành nghề; Trạm xá xã vay 3.750 đồng để mua thuốc và y cụ. Đi đôi với nhiệm vụ tiếp vốn, cho hợp tác xã tín dụng vay, còn thực hiện thu hồi nợ và quản lý tiền mặt cho hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã mua bán theo đúng thủ tục quy định và vận động nhân dân giử tiền tiết kiệm bằng mọi hình thức để thu hút đồng tiền nhàn rỗi. Có hộ đã hoãn mua xe đạp để gửi 400 đồng; hoãn xây sân gửi 50 đồng, hoãn làm nhà gửi 120 đồng, có gia đình gửi tre, gỗ trị giá 100 đồng, có hộ gửi cả con lợn 50kg trị giá 140 đồng.v.v…Do vậy số dư tiết kiệm trong xã ngày càng tăng, vượt được chỉ tiêu giao. Hợp tác xã tín dụng của xã đã được Uỷ ban hành chính tỉnh Hải Dương tặng cờ luân lưu và Bằng khen.

Khi đời sống vật chất của nhân dân trong xã từng bước được cải thiện thì các mặt hoạt động văn hoá – xã hội cũng ngày một phát triển.

Về sự nghiệp giáo dục: Ngoài trường phổ thông cấp 1 được xây dựng năm 1965, tháng 9-1960 xã đã thành lập trường phổ thông nông nghiệp cấp 2. Trường có 2 lớp, gồm 89 học sinh, Hiệu trưởng là thầy Hứa Văn Huân, giáo viên Phạm Văn Thái. các lớp học ở đình, chùa vừa bồi dưỡng kiến thức văn hoá và bồi dưỡng khoa học nông nghiệp. Đến năm 1962 trường không làm nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức khoa học nông nghiệp nữa trở thành trường phổ thông cấp 2 cơ sở. Đến năm 1965, trường phổ thông cấp 1 và trường phổ thông cấp 2 được xây tập trung vào điểm trung tâm của xã . Cấp 1 có 6 phòng học lợp ngói, 11 lớp, 502 học sinh: Cấp 2 có 3 phòng học lợp ngói, 7 lớp 345 học sinh. Số học sinh lên lớp đạt 99 %, thi tốt nghiệp đạt 95%. Hai khối trường hàng năm đều đạt trường tiên tiến.

Phong trào học bổ túc văn hoá được duy trì. Trong xã có 5 lớp, 95 học sinh (có 56 đồng chí cán bộ, đảng viên còn là đoàn viên thanh niên). Về hoạt động y tế, phong trào phòng, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân luôn được thường xuyên chú ý. Năm 1962 xã đã thành lập ban y tế và xây dựng trạm y tế xã. Ban y tế xã có: Trưởng ban là ông Nguyễn Sĩ Hoá; nhân viên là bà Mai Thị Siều,  ông Lưu Văn Hải. Trạm xá có 3 gian nhà xây lợp ngói. Có các phòng hộ sinh, khám bệnh đông y. Năm 1964 xây dựng thêm trạm xá ở khu Vũ Trụ. Trạm xá có tổ đông y gồm các lương y của xã như: Cụ Mai Xuân Đựng, cụ Mai Công Liễu, cụ Nguyễn Đức Hậu bắt mạch, cắt thuốc chữa trị cho nhân dân phong trào vệ sinh phòng bệnh được duy trì đều trong nhân dân.

Cuộc vận động xây dựng “3 công trình vệ sinh" (giếng nước, nhà tắm, hố xí) được phát động thường xuyên. Hợp tác xã nông nghiệp đã bao cấp gạch, xi măng và công điểm, tổ chức đội chuyên xây dựng để làm cho từng thôn, từng đội sản xuất; khẩu hiệu: “Khai tử hố xí cầu; không dùng nước ao hồ để ăn uống" đã được mọi gia đình trong xã hưởng ứng. Kết quả toàn xã đã xây dựng được 631 hố xí 2 ngăn, 125 nhà tắm, 406 giếng khơi. Để bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân mạng lưới vệ sinh viên ở mỗi thôn vẫn được duy trì và được trang bị một túi thuốc để dùng chữa bệnh thông thường, ở từng gia đình có túi thuốc riêng, hàng năm xã còn tổ chức tiêm phòng để phòng ngừa các bệnh dịch.

  Đảng bộ và nhân dân Lai Cách luôn ghi nhớ lời dạy của Bác Hồ là phải “Trồng người". Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng cùng với các hợp tác xã nông nhiệp trong xã đã thường xuyên chăm lo quan tâm đến thế hệ tương lai của xã. Ở các hợp tác xã đều tổ chức lớp mẫu giáo, nhà gửi trẻ.  Đến năm 1965 toàn xã có 16 nhóm trẻ, giữ 82 cháu ở độ tuổi từ 3 tháng đến 3 năm và 3 lớp mẫu giáo có 57 cháu. Đội ngũ nuôi dậy trẻ lúc đầu còn sử dụng các bà, các chị có kinh nghiệm nuôi dậy trẻ thơ, sau đó đã cử đoàn viên thanh niên đi học bồi dưỡng phương pháp nuôi dậy, quản lý theo chương trình thống nhất ở huyện, ở tỉnh về thay dần các bà, các chị.

Xã còn tổ chức tốt mạng lưới thông tin truyền thanh đến các thôn, xóm trong xã. Lúc đầu mới có 30 loa công cộng, đến năm 1965 toàn xã đã có 250 loa bắc theo đường dây truyền thanh của tỉnh. Các thôn, xóm còn xây bảng tin và sử dụng các bức tường của nhà kho, nhà dân để viết khẩu hiệu, vẽ tranh cổ động, tuyên truyền các sự kiện chính trị của đất nước và của địa phương. Văn nghệ quần chúng được duy trì, hợp tác xã An Hoá và hợp tác xã Vũ Trụ tổ chức đội văn nghệ để phục vụ nhân dân. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, mê tín dị đoan đều được xoá bỏ, các hủ tục ăn uống trong đám ma, đám cưới không còn. Tổ chức đám tang thì trang nghiêm, tổ chức đám cưới vui tươi tiết kiệm.

Chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và công tác khen thưởng được làm thường xuyên. Các gia đình thuộc diện chính sách được ưu tiên điều hoà lương thực. Những việc làm đó đã có ý nghĩa lớn, động viên thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Lực lượng dân quân thường xuyên được luyện tập quân sự, lực lượng công an đã giữ gìn trật tự, trị an trong thôn, xóm và ngăn chặn các vụ trộm cắp để thôn, xóm an toàn.

*

*      *

Để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo chính trị ở trong xã. Đảng bộ xã Lai Cách đã hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Hàng năm Đảng bộ đã tổ chức học tập chính trị cho đảng viên. Qua các cuộc sinh hoạt chính trị, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ trình độ được nâng lên, thực sự trở thành hạt nhân lãnh đạo quần chúng. Thực hiện cuộc vận động xây dựng Đảng bộ, chi bộ, tổ đảng và đảng viên 4 tốt. Đảng bộ đã tổ chức quán triệt, đăng ký phấn đấu hàng năm. Tỷ lệ chi bộ, đảng viên đạt 4 tốt ngày càng tăng.

Kết quả phấn đấu: Đảng bộ có 4 chi bộ đăng ký 4 tốt thì đều đạt được 4 tốt cả 4 chi bộ. Có 13 tổ đăng ký thì 7 tổ đảng đạt khá, 5 tổ đảng trung bình, 1 tổ yếu. Số đảng viên đăng ký 4 tốt đạt 87%. Công tác phát triển đảng viên mới cũng được Đảng bộ xã thường xuyên quan tâm. Trong 5 năm (1961-1965), đảng bộ đã bồi dưỡng được 57 quần chúng cảm tình của Đảng, kết quả đã phát triển được 51 đồng chí vào Đảng. Đảng bộ đã cử 7 đồng chí đi học sơ cấp nông nghiệp và 4 đồng chí đi học trung cấp nông nghiệp để về phục vụ các hợp tác xã nông nghiệp trong xã. Xã còn cử 3 đồng chí đi học lớp y sĩ và 5 đồng chí đi học lớp y tế của tỉnh để về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân trong xã.

Cùng với công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ cũng chỉ đạo sát sao mọi hoạt động của chính quyền và các đoàn thể quần chúng trong xã giúp các tổ chức này làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Kết thúc kế hoạch nhà nước năm năm lần thứ nhất (1961-1965), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ mọi phong trào họat động trong xã đều được đẩy mạnh: kinh tế, văn hoá – xã hội phát triển, đời sống nhân dân từng bước được ổn định, các chỉ tiêu nhà nước giao làm nghĩa vụ đều hoàn thành, tinh thần nhân dân phấn khởi. Đó là cơ sở để Đảng bộ và nhân dân Lai Cách bước tiếp vào chặng đường mới.

Thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965), Đảng bộ và nhân dân Lai Cách giành được những kết quả trên. Đảng bộ đã rút ra những nguyên nhân được và những mặt còn hạn chế:

- Thường xuyên có sự chỉ đạo của Đảng cấp trên, trực tiếp là Huyện uỷ Cẩm Giàng đã hướng dẫn chỉ đạo giúp đỡ Đảng bộ thực hiện các nghị quyết chủ trương của trên.

- Trong Đảng bộ có sự đoàn kết nhất trí cao, thống nhất hành động và giữ nghiêm ý thức tổ chức kỷ luật của mọi đảng viên, mỗi chi bộ trong đảng bộ.

- Có đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện thử thách trong đấu tranh cách mạng, giữ vững lập trường giai cấp, trung thành với Đảng, nêu cao vai trò tiền phong gương mẫu, được quần chúng tín nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Thường xuyên củng cố chính quyền, các tổ chức đoàn thể quần chúng; chỉ đạo mọi phong trào hoạt động của các đoàn thể quần chúng, phát huy hiệu lực của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã để thực sự là cơ quan quyền lực và quản lý hành chính trong xã. Chỉ đạo các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng thực sự là ba ngọn cờ hồng, để đưa nền kinh tế địa phương phát triển, ổn định dần từng bước được nhân dân tin tưởng đồng tình.

Bên cạnh những thắng lợi đạt được. Đảng bộ cũng đã tìm ra một số mặt còn hạn chế làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo và phong trào của địa phương cụ thể:

- Công tác tư tưởng, công tác tổ chức của Đảng bộ chưa đáp ứng với sự phát triển của phong trào ở địa phương.

- Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ nữ chưa làm được thường xuyên.

- Năng lực, trình độ quản lý của cán bộ còn hạn chế,  nhất là quản lý lao động, quản lý tài chính, vật tư của cán bộ hợp tác xã nông nghiệp.

- Xây dựng cơ bản còn có tính chất dàn mỏng ít tác dụng, kém hiệu quả. Có công trình vừa làm xong đã phá đi gây lãng phí tiền của, sức lao động của nhân dân.

- Còn tình trạng cục bộ địa phương khi đưa các hợp tác xã lên quy mô liên thôn. (Có hợp tác xã sáp nhập một thời gian rồi lại phải tách ra).

Sau 10 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã ghi được những dấu ấn mà trước đó không thể có được. Từ một nền sản xuất lạc hậu, cá thể đã thiết lập được một nền sản xuất mới; nền sản xuất hợp tác hoá nông nghiệp. Chế độ người bóc lột người ở trong xã cơ bản được xoá bỏ, gần 90% số hộ gia đình nông dân cùng với ruộng đất, trâu bò, công cụ đã tự nguyện vào con đường làm ăn tập thể. Văn hoá xã hội trong xã đã có nhiều khởi sắc. Giáo dục mầm non, phổ thông được mở rộng, bổ túc văn hoá được duy trì; phòng, chữa bệnh bảo vệ sức khoẻ nhân dân được chăm lo chu đáo; các chính sách xã hội đối với gia đình liệt sĩ, thương binh luôn luôn thực hiện tốt; công tác quốc phòng an ninh luôn được coi trọng; đội ngũ cán bộ, đảng viên, tư tưởng luôn vững vàng, năng lực được phát triển đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Phong trào văn hoá, văn nghệ được đẩy mạnh. Mọi tập tục mê tín dị đoan được xoá dần, đã thiết lập nếp sống mới văn minh, lịch sự. Mỗi làng xóm trong xã từng bước đổi thay. Đời sống kinh tế dần dần được ổn định, mỗi gia đình không quá chênh lệch nhau. Nạn thiếu ăn lúc giáp hạt đã hạn chế được một bước.

10 năm khôi phục, cải tạo và bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã có những cơ sở tiền đề để rút ra những kinh nghiệm bước vào giai đoạn cách mạng mới.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương IV

ĐẢNG BỘ LAI CÁCH LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG VỪA XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI  VỪA KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC (1965 - 1975)

Đế quốc Mỹ bị thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam. Để cứu vãn tình thế, chúng đã gây chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân ở miền Bắc nước ta. Đứng trước tình hình cả nước có chiến tranh, từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 3 năm 1965, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp hội nghị lần thứ 11 (khóa III) Quyết định: Tiếp tục xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; kết hợp xây dựng kinh tế với quốc phòng, kiên quyết đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của địch.

Thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Đảng bộ xã Lai Cách đã tiến hành triển khai để toàn thể đảng viên trong Đảng bộ và nhân dân trong xã nắm vững để chuyển hướng sản xuất từ thời bình sang thời chiến.

Ngày 25-11-1966, Đảng bộ Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ III. Đại hội đánh giá hoạt động của Đảng bộ nhiệm kỳ II (1963-1966), đề ra nhiệm vụ cho nhiệm kỳ III (1966-1969) và bầu Ban chấp hành mới. Đồng chí Nguyễn Đình Dần làm Bí thư, đồng chí Vũ Văn Toàn và Mai Xuân Diến là Ủy viên Thường vụ.

Đại hội III nhận định đặc điểm của xã nằm giữa 2 con đường giao thông chiến lược là Quốc lộ số 5 và đường xe lửa, bên cạnh có phà Cậy và ga Cao Xá; Lai Cách lại gần thị xã Hải Dương. Trong địa bàn của xã có nhiều cơ quan, kho tàng của nhà nước, của tỉnh, của huyện sơ tán về, ngoài ra còn có các trận địa tên lửa, pháo cao xạ sẵn sàng chiến đấu. Do vậy Lai Cách là xã có vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn địch sẽ tiến hành đánh phá ác liệt.

Đảng bộ đã triển khai các chủ trương của cấp trên để mọi đảng viên và nhân dân  trong xã nắm vững. Đảng bộ cho rằng phải làm chuyển biến nhận thức của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Vừa làm nhiệm vụ địa phương lớn; vừa làm nhiệm vụ tiền tuyến đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Phương châm lãnh đạo của Đảng bộ là quán triệt các quan điểm lãnh đạo của Đảng, các Nghị quyết của tỉnh ủy Hải Dương và của huyện ủy Cẩm Giàng vừa xây dựng kinh tế, tiếp tục củng cố Hợp tác xã; vừa sẵn sằng chiến đấu, phục vụ chiến đấu thắng lợi.

Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Cẩm Giàng, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã mau lẹ chuyển phương án từ thời bình sang thời chiến. Đảng bộ khẳng định: Phải làm tốt công tác phòng tránh, bảo vệ an toàn tuyệt đối lực lượng lao động để sản xuất chiến đấu, bảo vệ tính mạng, tài sản của tập thể và nhân dân. Xây dựng nếp sống quân sự hóa cho lực lượng dân quân tự vệ và nhân dân; đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân trong xã và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đồng thời đẩy mạnh các mặt hoạt động xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn trong xã hội.

  Để chiến đấu và phục vụ chiến đấu tốt, Đảng bộ đã chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của xã. Ban chỉ huy xã đội đã được củng cố và tăng cường. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã trực tiếp làm chính trị viên xã đội. Các bí thư chi bộ, chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp là ủy viên. Lực lượng dân quân của xã đã được biên chế tới 500 nam, nữ; trong đó 45% là nữ, đảng viên có 10,4% . Năm 1967 Đảng bộ có 76 đảng viên thì 52 đảng viên tham gia dân quân xã. Lực lượng dân quân của xã được biên chế thành 3 đại đội; mỗi đại đội có một trung đội cơ động mạnh để làm nhiệm vụ trực chiến và hợp đồng chiến đấu với các đơn vị bộ đội. Trong xã đã tổ chức mạng lưới phòng không và bố trí lực lượng để sẵn sàng đánh địch khi chúng cho máy bay vào bắn phá địa bàn của xã. Toàn xã  có 8 chốt săn bắn máy bay bằng súng bộ binh, 4 chòi quan sát bằng mắt phát hiện máy bay và báo động để nhân dân phòng tránh. Ngoài các trung đội cơ động chiến đấu, xã còn bố trí các tổ cứu sập, cứu hỏa gồm 288 người, tổ tải thương 42 người, tổ công binh phá gỡ bom đạn 45 người, tổ quan sát 8 người, tổ giao thông liên lạc 9 người.

Ngoài ra xã còn cử 6 đồng chí dân quân tham gia đơn vị trực chiến của huyện. Nhân dân trong xã đã đóng góp hàng vạn ngày công để đào đắp, xây dựng các trận địa tên lửa, trận địa pháo cao xạ; xã còn huy động hàng trăm thanh niên đi tham gia sửa đường ở cầu Phú Lương và cầu Lai Vu. Nhân dân Lai Cách còn đóng góp hàng nghìn bó rào tre để lót đường cho xe kéo pháo vào trận địa.

Đảng bộ luôn quán triệt tinh thần Nghị quyết của cấp trên là: Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra, có 2 nhiệm vụ “Đánh địch và tránh địch". Hai nhiệm vụ đó đều có tầm quan trọng như nhau, không thể coi nhẹ mặt nào. Trên tinh thần đó, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong xã tích cực đào hầm hố ở nơi công cộng và ở mỗi gia đình.

Yêu cầu trong nhà, ngoài đồng và nơi công cộng đều có hố cá nhân và hầm phòng tránh. Tổ chức cho trường phổ thông cấp I, cấp II của xã và nhân dân ở gần các trận địa sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh và nhân dân. Xã còn phát động phong trào toàn dân trong xã đan mũ rơm và phong trào thi đua đào hầm hố. Kết quả: 100% học sinh và 95% nhân dân đã có mũ rơm, nùn rơm. Có đợt không đầy 1 tháng toàn xã đã đào được 1.890 hố cá nhân ngoài đồng, 1.369 hố ở đường giao thông, 1003 hố ở đường làng, 3206 hầm các loại mà chủ yếu là hầm kèo ở gia đình; 480 hầm kèo ở trường học, 7.500 mét giao thông hào.

Cho phù hợp với tình hình thời chiến, Đảng bộ xã phát động nhân dân thực hiện nếp sống quân sự hóa. Các hợp tác xã nông nghiệp đều có kẻng báo động. Toàn xã đã dấy lên phong trào: “tay cày, tay súng" và các phong trào thi đua: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", “phong trào 3 sẵn sàng" của thanh niên, phong trào “Ba đảm đang" của phụ nữ, “ Bạch đầu quân" của phụ lão, “Làm nghìn việc tốt" của thiếu nhi.

Nhất là phong trào “3 sẵn sàng", thanh niên tòng quân lên đường chống Mỹ, cứu nước; có thanh niên là Lê Văn Trung thôn Trằm đã lấy máu 3 lần để viết đơn tình nguyện lên đường chiến đấu vì chưa đến tuổi.

Lai Cách là địa bàn có trận địa tên lửa, pháo cao xạ lại nằm cạnh nhà ga, bến phà, đó là những mục tiêu địch tập trung lực lượng đánh phá. Đúng như nhận định mà Đảng bộ. Ngày 20-6-1967 đế quốc Mỹ đã cho máy bay bắn phá trận địa tên lửa của ta ở thôn Ngọ. Chúng đã ném xuống đây 56 quả bom phá, 3 quả bom bi, bắn 10 quả tên lửa và 11 quả rốc két làm chết 2 người (trong đó có 1 em bé), bị thương 5 người; cháy 6 ngôi nhà gồm 26 gian; 17 ngôi nhà bị đổ, bị cháy 1733 kg thóc gạo. Đến ngày 03-11-1967, chúng lại cho máy bay đánh phá vào thôn Trằm và thôn Trụ giữa lúc nhân dân ta đang sản xuất ở ngoài đồng. Chúng đã dùng bom bi và bom cháy bắn phá hủy diệt làm chết 13 người, bị thương 42 người, bị cháy 31 gian nhà, 16 gian bếp, chết 2 con trâu.

Trong thời gian này chúng đã tập trung lực lượng đánh liên tục vào các mục tiêu quân sự và dân sự trong xã, đánh cả ban ngày lẫn ban đêm hòng uy hiếp tinh thần của nhân dân ta. Năm 1972 chúng còn dùng cả bom khoan với bom bi để phá các loại hầm hố của ta và giết hại nhân dân ta.

  Đứng trước những thủ đoạn tàn bạo của giặc Mỹ, Cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Cách vẫn trụ vững, kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu dũng cảm, tổ chức phòng tránh tốt.

  Trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, cán bộ, đảng viên, nhân dân Lai Cách không quản gian khổ, không sợ hy sinh vượt qua bom đạn của địch để tiếp đạn tải thương cho bộ đội. Có nữ dân quân thôn Ngọ bản thân bị thương đã tự băng bó cho mình rồi lại lao vào chữa cháy cứu tài sản cho nhân dân. Nữ cứu thương thôn Trụ đã vượt qua làn mưa bom đạn lửa, một mình đã băng bó cứu 9 thương binh. Có cô giáo cấp 1 đã bình tĩnh dẫn 40 em học sinh lớp 1 xuống hầm an toàn trong lúc mái trường bị trúng bom; có bà mẹ ở thôn Nghĩa đưa liệt sỹ vào trong nhà để lau rửa, khâm liệm. Dân quân Lai Cách phát huy truyền thống du kích đường 5 quật khởi năm xưa, nay đã dùng răng bừa cũ để tháo gỡ bom nổ chậm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân . Người tháo bom nổ chậm là các đồng chí:  Nguyễn Văn Tất, Nguyễn Thị Bé, Lưu Thị Dịp, Vũ Thị Thắm. Sau trận chiến đấu, Đảng ủy đã họp để rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo chiến đấu, phục vụ chiến đấu và phòng tránh.

  Năm 1967 là năm địch tập trung đánh phá với cường độ cao. Nắm chắc quy luật đánh phá của địch, Đảng ủy chỉ đạo các hợp tác xã tránh giờ cao điểm từ sáng 7 giờ đến 8 giờ, chiều từ 15 giờ đến 16 giờ. Lực lượng thanh niên, dân quân, có thời kỳ phải làm cả ban đêm để cày, tát nước làm thủy lợi cho kịp thời vụ.

Tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã vẫn vững vàng. Đến cuối năm 1967, hợp tác xã nông nghiệp trong xã đã phát triển thêm các hộ nông dân trước chưa vào và những hộ phú nông, địa chủ vào hợp tác xã nâng tỷ lệ các hộ vào hợp tác xã, nông nghiệp của xã lên 99,5%.

Lúc này Đảng ủy chỉ đạo Hợp tác xã Đìa - Năm và hợp tác xã Ngọ sáp nhập vào một hợp tác xã lấy tên là hợp tác xã Liên Trung. Như vậy đến năm 1967 Lai Cách có 3 hợp tác xã nông nghiệp (Vũ Trụ, An Hóa, Liên Trung).

Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tổ chức phòng tránh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Lai Cách vẫn giành được thắng lợi trên mặt trận sản xuất và chăn nuôi, đã đạt được “3 mục tiêu" và “5 cao điểm" trong sản xuất nông nghiệp. Năm 1967 toàn xã đã đạt 5 tấn thóc/1ha gieo trồng, là năm đạt cả về diện tích, năng suất và tổng sản lượng, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước cả lương thực, thực phẩm. Nghĩa vụ lương thực năm 1967 so với năm 1965 tăng 2,3%; nghĩa vụ thực phẩm năm 1967 được 25 tấn

Mặc dù bị chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, các công trình của xã như cầu cống, hệ thống thủy nông, nhà kho, sân phơi, nhà mẫu giáo, nhóm trẻ, các công cụ sản xuất cải tiến vẫn được phát triển, đồng ruộng được chăm sóc cải tạo và đưa giống mới vào gieo cấy. Các hợp tác xã trong xã đã cử hàng trăm người sang huyện Kinh Môn mua vôi và sang sông Thái Bình lấy đất phù sa về cải tạo đồng ruộng - là năm đầu giống lúa nông nghiệp 8 được đưa vào đồng ruộng Lai Cách.

Trong khi nhân dân ta phải đương đầu đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt của giặc Mỹ, thì thiên tai lại liên tiếp ập đến. Tháng 8 năm 1968, đê Nhị Châu bị vỡ, nước sông Thái Bình đổ về làm cho ¾ diện tích lúa mùa của hợp tác xã nông nghiệp Vũ Trụ bị ngập hoàn toàn, nhà cửa bị đổ. Đứng trước hoàn cảnh đó, Đảng bộ Lai Cách đã động viên mọi người đoàn kết giúp nhau khắc phục thiên tai. Hợp tác xã nông nghiệp An Hóa và Liên Trung đã mang trâu bò, mạ sang giúp hợp tác xã Vũ Trụ khi nước rút để gieo cấy phủ kín diện tích và lực lượng lao động để tập trung sửa chữa nhà cửa, các công trình công cộng để xã viên và hợp tác xã nông nghiệp Vũ Trụ nhanh chóng khắc phục hậu quả sau nạn lụt, ổn định sản xuất.

Ngày 12-01-1969, Đảng bộ xã Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ IV ([6]). Đại hội đánh giá hoạt động của Đảng bộ nhiệm kỳ III (1966-1969), đề ra nhiệm vụ nhiệm kỳ IV (1969-1970), bầu Ban chấp hành Đảng bộ mới; đồng chí Vũ Văn Toàn được bầu làm Bí thư.

Trong khi nhân dân trong xã đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IV, nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh người cha già của dân tộc đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969. Bác Hồ mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta. Ngày 9-9-1969, Đảng bộ và toàn dân trong xã đã tổ chức lễ truy điệu Bác. Nghiêng mình thề trước anh linh Bác, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách biến đau thương thành hành động cách mạng, tập trung phục hồi kinh tế, xây dựng quê hương và chi viện cho tiền tuyến lớn giết giặc.

Tháng 8-1971, nước sông Thái Bình lên cao làm cho đoạn đê Nhất Trai huyện Gia Lương (Hà Bắc) bị vỡ. Nước tràn về làm cho toàn bộ xã bị ngập chìm trong biển nước kéo dài hơn một tháng. Những đồng lúa thời kỳ con gái không còn, trâu bò, lợn, gà bị trôi; vật tư, tài sản của tập thể và của nhân dân tưởng chừng mất sạch. Đứng trước muôn vàn khó khăn đó, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã đã kịp thời chỉ đạo cho các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán và các đoàn thể của xã tổ chức lực lượng di chuyển tài sản của tập thể, của cá nhân không để bị ngập nước, đồng thời có kế hoạch bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân và của tập thể. Thanh niên là lực lượng xung kích trong công việc di chuyển tài sản của tập thể và giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh và gia đình bộ đội, gia đình neo đơn; đã làm được 127 chiếc bục, chằng chống 56 ngôi nhà, chuyển kê cao 5.560 kg thóc và di chuyển tài sản của tập thể, của nhà nước đến nơi an toàn; Đưa 6810 kg thóc giống, 305 con lợn và 460 kg đạm của tập thể đến nơi an toàn. Huy động thuyền mảng chuyển 12780 kg thóc giống lúa cấp 1 của tỉnh về nơi khô ráo, 16500 cuốn sách giáo khoa trong kho của huyện về nơi an toàn. Đồng thời làm tốt công tác trật tự trị an để bảo vệ nhân dân không để kẻ gian lợi dụng xâm phạm.

Qua trận lụt này đã gây thiệt hại nặng cho nhân dân trong xã. Mất trắng 1200 mẫu lúa, trôi mất hàng trăm con lợn, chết hàng trục con trâu, các vùng cá bị mất, nhiều nhà cửa bị đổ, cây cối bị hỏng. Mọi đe dọa do cái đói, cái bệnh tật đã ám ảnh trong nhân dân. Nhưng được Đảng và nhà nước quan tâm đến vùng bị lụt. Lai Cách là địa bàn cũng được nhà nước quan tâm đặc biệt đó: Toàn xã được vay 518 tấn lương thực (thóc, gạo, bột mỳ), trong đó có 67.800 kg để phục hồi chăn nuôi lợn. cho hàng nghìn mét giấy dầu để lợp nhà, cấp phát thuốc men để phòng chống bệnh, cấp phát đường, sữa, quần áo cho người già và trẻ em; mặt khác nhà nước còn cho xã khoản tiền 60.500 đồng vay để mua sắm vật tư chi phí cho sản xuất vụ mùa bị mất không phải thanh toán. Các địa phương không bị lũ lụt đã hỗ trợ cho Lai Cách rơm, cỏ khô cho trâu bò, thóc giống, các loại cây ăn quả, hạt giống.v.v..

Sau khi nước rút, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong xã khẩn trương khắc phục hậu quả, phát động phong trào giúp nhau để dựng lại 41 ngôi nhà = 118 gian, đắp tường cho 56 gia đình. Đắp 3750 mét đường bị sạt nở; phát động phong trào tổng vệ sinh làng xóm, giếng nước, hố xí phòng ngừa các dịch bệnh.

Mặt khác Đảng ủy, Ủy ban tổ chức cho các hợp tác xã nông nghiệp đẩy mạnh trồng rau màu ngắn ngày để góp phần giải quyết một phần khó khăn trong đời sống hàng ngày của nhân dân. Với chủ trương nước rút cạn đến đâu, tranh thủ trồng rau màu đến đấy, do vậy chỉ trong thời gian ngắn toàn xã đã trồng được hàng trăm mẫu rau màu. Đảng ủy đã chỉ đạo: Nước rút cạn đến đâu các hợp tác xã tổ chức đắp bờ, tu bổ hệ thống thủy nông giữ nước, sửa sang đường sá, trường học, nhà trẻ, nhà mẫu giáo để nhân dân ổn định bắt tay vào sản xuất, học sinh có trường để học tập.

Năm 1972 các hợp tác xã nông nghiệp lại được mùa. Tổng diện tích gieo trồng được 2.221 mẫu 8 sào, năng suất bình quân cả năm đạt 915 kg/mẫu, tổng sản lượng đạt 1.942 tấn 888 kg. So với năm 1965 tăng 164.998 kg; đời sống nhân dân trở lại bình thường; chăn nuôi phát triển, tổng đàn lợn toàn xã có 1.896 con, trong đó đàn lợn tập thể có 613 con.

Bước vào thực hiện kế hoạch nhà nước 3 năm phục hồi và phát triển kinh tế sau chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ (1973 - 1975) đồng thời tiếp tục chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Dưới ánh sáng Nghị quyết lần thứ 19, 20 và 22 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Giàng lần thứ 12. Đại hội Đảng bộ Lai Cách lần thứ VI tháng 01 năm 1973([7]) đã đề ra mục tiêu phấn đấu là: Tiếp tục phấn đấu đạt 3 mục tiêu trong nông nghiệp; đưa chăn nuôi trở thành ngành có thu nhập ngang với ngành trồng trọt, đẩy mạnh chăn nuôi cả 2 khu vực: tập thể và gia đình xã viên, trên cơ sở đó đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, phấn đấu đạt mục tiêu 7 tấn thóc một ha bằng thâm canh tăng vụ. Đồng thời phát triển ngành nghề phụ, nhất là ngành sản xuất vật liệu xây dựng…Trong 2 năm phục hồi kinh tế về sản xuất: Năm 1973 tổng diện tích gieo trồng là: 2.221 mẫu 8 sào, năm 1975 đã quay vòng đưa tổng diện tích gieo trồng lên 2.352 mẫu, 3 sào; năng suất bình quân năm 1973 đạt 923kg/1mẫu/năm, thì năng suất bình quân năm 1975 đã đạt 1.071 kg.

Tổng sản lượng lương thực của năm 1975 trong toàn xã đã tăng hơn 1973 là: 461.939 kg. Mức ăn bình quân của 1 người trong năm 1973 mới đạt 168 kg cả năm, đến năm 1975 đã đạt 204 kg cả năm. Làm nghĩa vụ với nhà nước hàng năm 562 tấn lương thực và 36 tấn thực phẩm. Ngành  trồng trọt phát triển cũng là động lực để ngành chăn nuôi trong xã phát triển. Năm 1973 tổng đàn lợn trong xã có 2.089 con, năm 1975 lên tới 2.313 con, trong đó khu vực tập thể có 700 con. Cùng với nhiệm vụ phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế ở địa phương, hàng năm Đảng bộ đã chỉ đạo việc xây dựng, tu bổ trường lớp nhóm trẻ, mẫu giáo, cấp học phổ thông trong xã, có bàn ghế đầy đủ để học sinh học tập. Trong thời gian này xã đã xây đủ phòng học cho 39 lớp để học sinh cấp I và cấp II học tập và nơi làm việc ăn ở của giáo viên. Tổng số học sinh cả 3 cấp của xã đã lên tới 1.730 em.

Hai khối trường trong xã vẫn phát huy là trường tiên tiến. Phong trào “ 2 tốt" ở nhà trường luôn được duy trì để nâng cao chất lượng dạy và học.

Phong trào nhóm trẻ, mẫu giáo vẫn được giữ vững. Toàn xã có 3 nhà trẻ bán tập trung. Hợp tác xã nông nghiệp cùng với gia đình đầu tư để các cháu ăn 3 bữa. Đã thu hút được 243 cháu từ 1 đến 3 tuổi vào các nhóm trẻ để các bà mẹ yên tâm sản xuất. Trong xã có 5 lớp mẫu giáo với 124 cháu ở độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi đến lớp. Nhóm trẻ thôn Nghĩa và nhóm trẻ thôn Đìa đạt danh hiệu tiên tiến.

Song song với giáo dục phổ thông, phong trào bổ túc văn hóa vẫn được duy trì ở trong xã.

Đảng bộ luôn coi trọng phong trào vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới ở trong xã. Với phương châm phòng bệnh là chính không để dịch bệnh lan tỏa trong xã. Trạm xá xã được biên chế các thày thuốc đông tây y và trang thiết bị cơ sở vật chất đủ điều kiện để khám bệnh và cứu chữa các bệnh thông thường cho nhân dân; phong trào “sạch làng tốt lúa" và 3 công trình vệ sinh (giếng khơi, nhà tắm, hố xí), được nhân dân các thôn, xóm trong xã đồng tình hưởng ứng.

Sau vụ lụt năm 1971 được hợp tác xã nông nghiệp hỗ trợ vật tư, nhiều gia đình trong xã đã xây lại hoặc xây mới giếng khơi, hố xí 2 ngăn. Trong xã có 80% gia đình có giếng khơi. Đồng thời Đảng bộ còn lãnh đạo cuộc vận động “sinh đẻ có kế hoạch". Năm 1975 toàn xã có 35% số chị em phụ nữ ở tuổi sinh đẻ trong xã đặt vòng tránh thai. Là một trong 3 xã của huyện Cẩm Giàng được Ủy ban hành chính tỉnh Hải Hưng tặng cờ luân lưu.

Phong trào xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hóa mới đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt như đám cưới, đám tang được tổ chức trang nghiêm, vui tươi, tiết kiệm; mọi mê tín dị đoan đều không còn, các nạn cờ bạc nghiện hút bị xóa bỏ.

Cùng với nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu phục vụ chiến đấu và bảo vệ tốt an ninh, chính trị, an toàn trật tự trong xã; Đảng bộ và nhân dân Lai Cách còn làm tròn nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Các Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ chính trị thời kỳ này luôn nhấn mạnh: Chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi người. Đảng bộ và nhân dân Lai Cách luôn ý thức được điều đó. Mặc dù vừa sản xuất, vừa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và liên tiếp bị lụt bão xảy ra nhưng Đảng bộ và nhân dân trong xã vẫn thực hiện khẩu hiệu “ tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Nhân dân Lai Cách không tiếc sức người, sức của để chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ. Với khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" đã trở thành hành động cụ thể của Đảng bộ và nhân dân trong xã.

Đảng bộ và nhân dân Lai Cách không chỉ động viên tiễn đưa những người đồng chí, người chồng, con, em của mình lên đường kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà còn thực hiện nghĩa vụ với nhà nước trên 5 ngàn tấn lương thực và hơn 300 tấn thực phẩm.

Để động viên con em ra tiền tuyến giết giặc, người ở hậu phương an tâm sản xuất; Đảng bộ đã chỉ đạo các ngành giới trong xã làm tốt chính sách hậu phương quân đội. Thường xuyên động viên thăm hỏi các gia đình có người thân đi chiến đấu, thực hiện cấp phát trợ cấp hàng tháng, hàng quý cho các gia đình được hưởng chính sách đúng quy định, không bị sai sót. Các gia đình liệt sĩ, anh em thương binh, bệnh binh, gia đình bộ đội đặc biệt khó khăn, hợp tác xã nông nghiệp đã trích quỹ xã hội để trợ cấp thêm lương thực không thu tiền và thường xuyên động viên để các gia đình liệt sĩ nén đau thương, anh, em thương bệnh binh khắc phục yếu đau cùng với nhân dân trong xã xây dựng quê hương.

Trải qua 10 năm vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ quê hương, vừa chống thiên tai ác nghiệt. Đảng bộ xã Lai Cách thông qua các phong trào cách mạng của quần chúng không ngừng phát triển vươn lên đảm nhiệm sứ mạng chính trị, tổ chức nhân dân trong xã thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Nhận thức vai trò chức năng lãnh đạo nhiệm vụ chính trị của địa phương, Đảng bộ Lai Cách thường xuyên chăm lo đến công tác chính trị, tư tưởng, ý thức kỷ luật, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Năm 1965 số đảng viên trong Đảng bộ mới có 68 đồng chí, đến năm 1975 số đảng viên ở các nơi về đã phát triển nâng tổng số đảng viên có 165 đồng chí. Như vậy trong vòng 10 năm Đảng bộ tăng lên 97 đồng chí đảng viên.

Để bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị nhận thức cho đội ngũ đảng viên, năm 1973 Đảng bộ được sự giúp đỡ của huyện đã mở 3 lớp bồi dưỡng lý luận theo chương trình cơ sở cho 126 đồng chí đảng viên học tập và cử đi học lớp lý luận sơ cấp của huyện 10 đồng chí; đến năm 1975, Đảng bộ đã có 35 đồng chí được học hết chương trình sơ cấp lý luận của Đảng.

Cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng viên đủ tư cách theo chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng. Đảng bộ đã tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc. Đã có tác dụng tăng cường sự lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ trong mọi hoạt động của địa phương. Qua cuộc vận động từ tổ đảng, chi bộ đến Ban chấp hành Đảng bộ được củng cố hoàn thiện, 87,5% số đảng viên đủ tư cách.

Để giữ nghiêm kỷ luật của Đảng và làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Đảng bộ đã quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Bộ chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên. Đảng bộ đã tổ chức cho các chi bộ, đảng viên tự kiểm điểm nhất là thực hiện chỉ thị 192 và sau trận lụt năm 1971. Tuyệt đại đa số đảng viên trong Đảng bộ giữ được bản chất cao quý của người đảng viên cộng sản. Song bên cạnh đó còn một số ít đảng viên (12,5%) đã vi phạm phẩm chất cách mạng, không hoàn thành nhiệm vụ được giao đã bị thi hành kỷ luật (Cách chức 2, khiển trách 4, cảnh cáo 5, lưu đảng 1, khai trừ 8) . Đây là một tổn thất của Đảng bộ, nhưng cũng là bài học để Đảng bộ mạnh lên.

Qua đánh giá của Huyện ủy và Đảng ủy xã, các chi bộ trong xã đều đạt trong sạch, hoàn thành nhiệm vụ, không có chi bộ yếu kém.

Sau mỗi lần Đại hội Đảng bộ là một đợt sinh hoạt chính trị và cũng là sự thay đổi về đội ngũ cấp ủy; những đồng chí già yếu, năng lực hạn chế được nghỉ, các đồng chí trẻ, có năng lực được thay thế để lãnh đạo. Đảng bộ còn chú ý bồi dưỡng cán bộ nữ để đưa vào vị trí lãnh đạo trong Đảng.

Công tác xây dựng Đảng luôn gắn với công tác củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Đảng bộ luôn phát huy vai trò tác dụng của các tổ chức quần chúng trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở địa phương và động viên sức người, sức của cho tiền tuyến lớn Miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Phong trào “3 sẵn sàng" của thanh niên; “3 đảm đang" của phụ nữ, “nghìn việc tốt" của thiếu nhi và “tuổi cao, chí càng cao" của các cụ phụ lão trong xã là nguồn động lực lớn để Lai Cách hoàn thành nhiệm vụ chính trị vẻ vang của mình.

Chính quyền và lực lượng vũ trang của xã được Đảng bộ thường xuyên quan tâm để các tổ chức này thực hiện tốt các chức năng của mình. Các khóa Hội đồng nhân dân xã thể hiện tính dân chủ cao. Đảng bộ đã cử những đảng viên có uy tín và trình độ để ửng cử vào Hội đồng nhân dân xã.

Lực lượng vũ trang của xã thường chiếm gần 10% dân số trong xã, là lực lượng lòng cốt của toàn dân đánh giặc, giữ gìn an ninh trật tự địa phương và làm xung kích trên mặt trận sản xuất, chống thiên tai. Hàng năm được tổ chức huấn luyện chính trị, quân sự để đáp ứng với nhiệm vụ được giao.

Trong lúc Đảng bộ và nhân dân Lai Cách tập trung mọi nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, thực hiện nhiệm vụ xây dựng quê hương và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ngày 30-4-1975, miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng làm nức lòng toàn Đảng bộ, toàn dân Lai Cách.

Sau 20 năm xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách giành được những thắng lợi to lớn trên các mặt sản xuất, chiến đấu phục vụ chiến đấu và văn hóa – xã hội.

Hai mươi năm với 2 nhiệm vụ chiến lược to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã hoàn thành là một thời kỳ thử thách vô cùng gian khổ để cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở quê hương, sự hy sinh dũng cảm trong chiến đấu và chi viện hết sức mình cả người lẫn của cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần giải phóng miển Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã động viên tiễn đưa 809 nam, nữ thanh niên  lên đường nhập ngũ và tình nguyện đi giải phóng miền Nam trong đó: Có 24 nữ, có 15 người tại ngũ liên tục 2 thời kỳ; làm nghĩa vụ hơn 5 ngàn tấn lương thực và hơn 300 tấn thực phẩm. Trong xã đã có 127 con, em người thân hy sinh anh dũng nằm yên nghỉ ở các chiến trường được Tổ quốc ghi công, có  gia đình ông Hoàng Văn Long ở xóm Doi 2 cha con cùng chiến hào, gia đình ông Nguyễn Văn Đĩnh xóm Lẻ đã động viên tiễn đưa 4 người con lên đường chiến đấu, toàn xã đã có 65 đồng chí là thương, bệnh binh.

Với những thành tích trong sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 656 huân, huy chương các loại cho tập thể và cá nhân; nhiều người được tặng bằng dũng sĩ diệt Mỹ, diệt cơ giới, nhiều đồng chí được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng; 16 gia đình được tặng thưởng bảng vàng danh dự; 796 gia đình được tặng bảng vàng gia đình vẻ vang; 10 bằng Tổ quốc ghi công. Tập thể được cấp trên trao tặng 37 cờ thưởng cho hoạt động phong trào của xã, 44 bằng khen và 150 giấy khen cho các đoàn thể trong xã.

Hòa bình được lập lại, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách vừa hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo quan hệ sản xuất cũ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, Hải quân của đế quốc Mỹ và chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam để giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Trong sự nghiệp Cách mạng vĩ đại ấy cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Cách đã phấn đấu không mệt mỏi để thực hiện lý tưởng cao đẹp của Đảng của dân tộc. Bao người con em Lai Cách đã quyết tử cho Tổ quốc, quê hương có độc lập tự do, có ấm no hạnh phúc.

Hai mươi năm (1955-1975)  đã trải qua một giai đoạn có nhiều thử thách. Đảng bộ và nhân dân Lai Cách với thành tích đã đạt được luôn tin tưởng, tự hào và phát huy hơn nữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống địa phương để bước vào giai đoạn lịch sử mới - cùng cả nước tiến lên CNXH và bảo vệ tổ quốc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương V

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN XÃ LAI CÁCH CÙNG CẢ NƯỚC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC  (1976 - 1985)

I. KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN SAU CHIẾN TRANH, CÙNG CẢ NƯỚC XÂY DỰNG CNXH VÀ BẢO VỆ BIÊN GIỚI CỦA TỔ QUỐC (1976-1980)

Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

Dưới ánh sáng các Nghị quyết của Đảng và nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ II, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Bình lần thứ XIII.

Quán triệt các Nghị quyết của Đảng cấp trên, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách nhận thức sâu sắc nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới nhằm tập trung thực hiện các mục tiêu xây dựng quê hương mà nhiệm vụ chính trị chủ yếu trong giai đoạn này là đẩy mạnh và phát triển kinh tế, mà nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là mặt trận nông nghiệp, đưa nông nghiệp của xã từ một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, từng bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Qua phong trào cải tiến hợp tác xã nông nghiệp, Đảng bộ và nhân dân địa phương đã quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 208 của Ban bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 206 của Tỉnh ủy Hải Hưng về: "Tổ chức lại sản xuất, đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa".

Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Cẩm Bình, tháng 10-1975 xã đã tổ chức sáp nhập 3 hợp tác xã nông nghiệp khu vực gồm: Hợp tác xã nông nghiệp An Hóa, hợp tác xã nông nghiệp Liên Trung, hợp tác xã nông nghiệp Vũ Trụ thành một hợp tác xã nông nghiệp với quy mô toàn xã, lấy tên là hợp tác xã nông nghiệp Lai Cách. HTX nông nghiệp Lai Cách có 1.270 hộ với 5.430 khẩu, trong đó có 1.823 lao động chính và 405,6 ha đất canh tác, 231 con trâu và 15 con nghé.

Ngày 15/11/1975, Đại hội đại biểu xã viên HTX nông nghiệp toàn xã lần thứ nhất tại đình thôn Nghĩa để bàn phương hướng, mục tiêu các biện pháp sản xuất và bầu ra Ban quản lý, Ban kiểm soát của hợp tác xã dưới hình thức bỏ phiếu kín. Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp toàn xã đã được xã viên bầu gồm 7 thành viên: Ông Nguyễn Đức Lộc được bầu làm chủ nhiệm. Các bộ phận giúp việc, các đội sản xuất nông nghiệp cơ bản, các đội chuyên khâu, chuyên ngành đã được tổ chức sắp xếp lại: Đội giống, đội chế biến phân, đội bảo vệ thực vật, đội nông giang, đội thủy lợi 202, đội cày bừa, đội trồng rau, đội sản xuất chất bột và thức ăn cho chăn nuôi.  Các nhóm ngành nghề cũng được tổ chức để phục vụ địa phương như: thợ mộc, thợ nề và sản xuất gạch ngói

Theo hướng dẫn của Ban tổ chức Huyện ủy, ngày 15-01-1976 Đảng bộ xã Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ VIII. Đại hội đánh giá hoạt động của Đảng bộ nhiệm kỳ VII (1974-1976), đề ra nhiệm vụ nhiệm kỳ VIII (1976-1979). Đại hội bầu 13 đồng chí vào Ban chấp hành, trong đó 3 đồng chí trong Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Văn Mậu được bầu lại làm Bí thư, đồng chí Lưu Xuân Hiên và đồng chí Nguyễn Đức Lộc được bầu lại là Ủy viên Thường vụ.

Vụ chiêm xuân 1976, vụ đầu tiên được quản lý điều hành tập trung thống nhất toàn xã và cũng là vụ thực hiện biện pháp kỹ thuật gieo lúa thẳng theo chỉ đạo của huyện. Lai Cách đã gieo lúa thẳng được 40% diện tích canh tác.

Trong khí thế lao động mới, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách được đón Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị về thăm và nói chuyện ở đình thôn Nghĩa vào ngày mồng một tết năm Bính Thìn(1976). Đến ngày 13-6-1976 Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng về thăm Đảng bộ và nhân dân địa phương. Thủ tướng đến thăm khu đồng gieo thẳng giống nông nghiệp 8 ở cánh đồng con cá của đội xóm Gạch. Thủ tướng xem từng thửa ruộng, từng khóm lúa và động viên khen ngợi phong trào sản xuất nông nghiệp của Lai Cách.

Biện pháp gieo thẳng qua 2 vụ của năm 1976 đã cho năng suất khá, củng cố được lòng tin cho mọi người lao động góp phần đưa nền nông nghiệp Lai Cách năm 1976 đạt được thắng lợi: Diện tích gieo trồng năm 1976 là 855,8 ha, trong đó có 45 ha cây vụ đông. Tổng sản lượng lương thực đạt 2.230.726 kg; làm nghĩa vụ lương thực với nhà nước 678.800 kg và có mức ăn bình quân một nhân khẩu nông nghiệp được 228kg, khá hơn so với các năm trước. Năm 1976 đã ghi tiếp vào truyền thống phát triển nền nông nghiệp, thâm canh cây lúa của Lai Cách theo hướng đi lên.

Bước vào thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ 2 (1976-1980). Đảng bộ và nhân dân Lai Cách được học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Hải Hưng lần thứ II. Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ Lai Cách (tháng 01/1976) ([8]) đã xác định nhiệm vụ chính trị là: tập trung sức lãnh đạo để đưa Lai Cách tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phát triển các mặt kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Nhiệm vụ hàng đầu là đưa nền nông nghiệp Lai Cách theo hướng thâm canh ngày càng phát triển; đảm bảo đời sống nhân dân trong xã ngày càng ổn định và tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Để đưa nền nông nghiệp phát triển, Đảng bộ khẳng định biện pháp đầu tiên là tập trung cải tạo đồng ruộng, xây dựng, tu bổ hệ thống mương máng tưới tiêu nước; cải tạo cơ cấu giống lúa, đưa giống lúa có năng suất cao vào gieo cấy và tổ chức một đội kỹ thuật sản xuất giống để cung cấp cho các đội sản xuất trong xã. Đội sản xuất giống lúa có 40 lao động, 60 mẫu ruộng, một sân phơi, một nhà kho và 16 bể ủ mầm, có 1 kỹ sư nông nghiệp của trên cử về giúp đỡ. Với ý thức: “Lúa tốt về giống, lúa sống về phân, về nước". Khi đã giải quyết được khâu thủy lợi và giống thì khâu phân bón cũng rất quan trọng, do vậy xã đã thành lập đội chế biến phân gồm 120 đoàn viên thanh niên và 40 xe cải tiến để mua phân hữu cơ của xã viên, chế biến cung cấp cho đồng ruộng theo kế hoạch chăm bón. Để làm đất cho kịp thời vụ, hợp tác xã thành lập đội cày bừa, được trang bị 4 máy IZ12, 220 con trâu và 220 cày bừa, đội chia thành các nhóm chủ động giải phóng đất theo kế hoạch và thành lập đội nông giang có 32 lao động, đưa nước từ trạm bơm vào các mương máng về các cánh đồng trong xã; ngoài ra còn có đội thủy lợi 202 đảm nhận làm các công trình thủy lợi tuyến trước theo kế hoạch điều động của huyện và làm nòng cốt phong trào thủy lợi ở địa phương; Đội bảo vệ thực vật làm nhiệm vụ phát hiện và kịp thời tổ chức các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, không để sâu bệnh làm hại cây trồng, đội có 12 lao động, 15 bình phun thuốc, có 1 cán bộ trung cấp nông nghiệp lãnh đạo được quản lý chặt chẽ trong các khâu: sản xuất và chi tiêu không để hiện tượng vung công phóng điểm, chi tiêu sai kế hoạch ở mỗi đội; hạn chế những mặt lãng phí, tham ô và giấu sản lượng..

Cùng với phát triển thâm canh cây lúa,  một vấn đề đặt ra lúc này là: nếu chỉ trông vào gieo cấy 2 vụ lúa nước thì hàng năm đời sống của nhân dân chưa thay đổi được, sự thiếu đói của mỗi gia đình vào lúc giáp hạt “tháng ba, tháng tám vẫn còn". Dân số trong xã lại phát triển, tăng trên 2%/năm, diện tích gieo cấy bị thu hẹp. Những bức xúc đó đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân Lai Cách phải tìm hướng giải quyết. Đồng ruộng của Lai Cách có đủ cơ sở để phá thế độc canh gieo cấy 2 vụ lúa trong năm, mà phát triển tốt cây vụ đông trên đồng ruộng của mình. Hiện tại, hai vụ lúa chính trong năm chưa cân đối được mức lương thực của người dân lao động. Mặt khác, thời gian nghỉ giữa vụ mùa và vụ lúa chiêm xuân quá dài, không phát huy được hiểu quả của đất trồng mà con người vẫn thiếu đói. Cùng với cả tỉnh, Lai Cách đã quyết tâm bắt đất phải quay vòng. Cơ cấu giống cây vụ đông đã đưa về đồng đất của địa phương và nhanh chóng đưa vụ đông thành một vụ sản xuất chính.

Để làm được vụ đông, Đảng bộ đã xác định: Nằm giữa 2 vụ lúa trồng các cây vụ đông.  Chỉ trong vòng trên dưới 3 tháng phải được thu hoạch, nên thời vụ gieo trồng rất khắt khe, do vậy kế hoạch phải sát sao, chỉ đạo chặt chẽ và cơ cấu giống hợp lý.

  Đảng bộ lãnh đạo mở rộng diện tích gieo cấy lúa mùa sớm bằng những giống lúa ngắn ngày để có đất làm vụ đông. Từ thực tiễn hằng năm trong sản xuất cây vụ đông nhân dân đã có nhiều sáng kiến. Ruộng đất ướt thì mượn đất khô lót luống, nhờ vậy dù trời mưa đất ướt nhưng cây vụ đông vẫn xuống ruộng đúng thời vụ. Khẩu hiệu: “lúa lên bờ, khoai xuống ruộng", “ sớm lúa, chiều khoai" đã trở thành hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Diện tích trồng cây vụ đông năm 1976 mới có 11% đến năm 1980 đã đạt 34%, chủ yếu là cây khoai lang và khoai tây. Sản lượng mầu 1980 quy ra thóc đạt 405 tấn.

Hướng đi vào vụ đông của Lai Cách trở thành vụ sản xuất chính với hai nhóm cây: cây màu lương thực và cây thực phẩm. Mục đích vừa tăng thêm nguồn lương thực cho người và có lương thực cho chăn nuôi, có hàng xuất khẩu và có rau quả để phục vụ nhân dân địa phương và bán ra thị trường, tăng nguồn thu cho nông dân. Ngoài 2 vụ lúa và làm vụ đông, Lai Cách còn dành ra 3,5 ha giao cho đội chuyên trồng rau xanh sản xuất rau củ, quả. Hàng năm phục vụ nhân dân trong xã và bán ra thị trường thu về mỗi năm cho tập thể từ 45 ngàn đến 50 ngàn đồng. Hợp tác xã còn tổ chức ươm bèo dâu vụ đông để phủ ruộng, tăng thêm lượng phân bón. Năm 1977 đã xuất bán cho các xã bạn được 10 tấn bèo dâu giống.

Cùng với phát triển cây lúa, làm vụ đông Lai Cách còn đẩy mạnh khâu chăn nuôi gia súc, gia cầm. Xác định đưa chăn nuôi trở thành một ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, sau khi hợp nhất hợp tác xã nông nghiêp toàn xã, Đảng bộ đã chỉ đạo đưa chuồng trại tập thể ở 3 khu vực về một khu tập trung  nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập thể toàn xã và hộ gia đình xã viên; điều chỉnh diện tích sản xuất chất bột để phát triển chăn nuôi từ 5% lên 10% theo chủ trương của trên cho cả khu vực chăn nuôi tập thể và hộ xã viên.

  Thực hiện chủ trương của Đảng bộ, hợp tác xã nông nghiệp đã xây dựng trại chăn nuôi tập thể ở Quán Tiên. Trại chăn nuôi tập thể Quán Tiên xây dựng theo kiểu K54 gạch ngói hóa toàn bộ, có 70 ô nuôi lợn thực phẩm, 24 ô nuôi lợn sinh sản, có khu cách ly lợn ốm, có sân phơi, nhà kho, nhà chế biến thức ăn, nhà thường trực, có máy xay xát, máy nghiền, trại có 126 mẫu ruộng để sản xuất chất bột và rau xanh.

Trại chăn nuôi có chi bộ đảng lãnh đạo, 1 chi đoàn thanh niên gồm 1 tổ chế biến thức ăn, 1 đội sản xuất có 120 lao động sản xuất chất bột và rau xanh. Có 1 kỹ sư chăn nuôi của huyện cử về giúp đỡ. Đồng chí phó chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp phụ trách ngành nghề được phân công quản lý chỉ đạo hàng ngày của trại. Trong trại, giống lợn cũng từng bước được thay đổi, đàn lợn lai kinh tế ngày càng phát triển, đàn lợn Ỷ 4 đốm, 6 đốm, Ỷ (Móng Cái) ngày càng giảm dần. Trại đã thí nghiệm nuôi 105 con lợn lai kinh tế, nhờ được chăm sóc chu đáo nên kết quả sau 10 tháng nuôi, mỗi con tăng trọng từ 15 đến 20kg mỗi tháng.

Để chủ động con giống cung cấp cho trại và cho các hộ xã viên, trại được sự giúp đỡ của huyện đã tuyển chọn được một đàn lợn nái hậu bị có 120 con, trong đó có 20 con lợn nái lai kinh tế. Năm 1979 đã có 101 con đẻ, số lợn con đều đạt tiêu chuẩn kiểm định.

  Phát triển chăn nuôi của Lai Cách ngày càng khá, trở thành xã điển hình trong tỉnh. Tổng đàn lợn của tập thể từ 1976-1980: lợn thực phẩm 4291 con, trọng lượng xuất chuồng 362.955 kg; đàn lợn nái 309 con. Tổng đàn lợn của hộ xã viên năm 1976 mới có 1903 con (cả lợn thực phẩm và lợn nái), đến năm 1980 có 2100 con. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng Ngô Duy Đông về thăm, nhiều hợp tác xã bạn đến thăm quan học tập.

Cùng với phát triển đàn lợn, đàn trâu cày kéo và đàn gia cầm cũng phát triển khá. Đàn trâu năm 1976 mới có 213 con và 12 con nghé, đến năm 1980 đã có 220 con trâu, 29 con nghé. Năm 1980 xã đã có đàn vịt hơn 4 nghìn con. Xã tận dụng mặt nước ao hồ để ươm thả cá, để có cá giống hằng năm xã đã tổ chức đi vớt cá bột ở sông Thái Bình về ương được hàng chục vạn con bổ sung cho các ao hồ. Mỗi năm xã đã thu được gần chục tấn cá thịt cung cấp cho nhân dân. Vào dịp mừng 90 năm ngày sinh Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân địa phương đã đào đắp một ao cá Bác Hồ ở trung tâm xã với khối lượng 2.000m2. Đúng ngày 19-5-1980 “Ao cá Bác Hồ" của Lai Cách được đón cá của Bác về nuôi thả.

  Các nhóm thợ mộc, thợ nề trực tiếp thi công các công trình tập thể của xã  và các công trình của gia đình xã viên. Toàn xã có 13 nhóm thợ mộc gồm 65 lao động và 9 nhóm thợ nề gồm 72 lao động đã xây dựng khu trường phổ thông cấp 1, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, khu trạm xá, nhà thường trực ủy ban nhân dân, ban quản lý HTX nông nghiệp, khu trại chăn nuôi, nhà kho, sân phơi, cầu cống. Xã còn cử nhóm thợ mộc có tay nghề giỏi vào xây dựng khu nhà ở cho nhân dân trong xã đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Gia Lai – Kon Tum. Xã còn thành lập tổ làm gạch có 2 khẩu lò gồm 65 lao động đã phát huy tác dụng, hàng năm cho ra lò hàng chục triệu viên gạch để cung cấp cho tập thể và góp phần ngói hóa, gạch hóa cho 70% số gia đình trong xã.

Quá trình xây dựng phát triển kinh tế địa phương thời kỳ 1976-1980 đã thu được thắng lợi trên nhiều mặt và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần ổn định từng bước đời sống nhân dân và hoàn thành mọi nghĩa vụ với nhà nước.

Năm năm (1976-1980) tổng sản lượng lương thực thu được gần 10.000 tấn, so với năm năm lần thứ nhất (1971-1975) vượt 10%. Làm nghĩa vụ với Nhà nước được trên 3.000 tấn so với năm năm (1971-1975) vượt 23%; Bình quân mức ăn đầu người so với thời kỳ 1971- 1975 tăng 30% mức ăn bình quân của mỗi năm từ 1976 -1980. Toàn xã đã có 12.103 con lợn thực phẩm, trọng lượng xuất chuồng 1.089.270 kg và 413 con lợn nái hàng năm sinh sản gần 1 nghìn con lợn giống: so với năm năm (1971-1975) đàn lợn thực phẩm vượt 32% đầu con và 40% trọng lượng, đàn lợn nái vượt 125% đầu con. Làm nghĩa vụ thực phẩm với nhà nước được 236.000kg, so với 1971-1975 vượt 55%. Số thực phẩm bồi dưỡng phân phối cho nhân dân trong xã (1976-1980) là 129.995kg so với 1971-1975 vượt 234,2%.

Để có được những thắng lợi trên, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã tập trung cao độ sức mình. Mặc dù trong những năm này có lúc vấp phải khó khăn đáng kể như năm 1977 bước vào vụ chiêm xuân thời tiết rất khắc nghiệt rét đậm kéo dài làm chết hơn 100ha lúa  gieo thẳng. Vụ này toàn xã  phải gieo lại và tỉa dặm gần 300ha, năng suất bị giảm sút nghiêm trọng.  Sang làm vụ mùa lại bị mưa to làm ngập úng một số khu đồng trũng của xã, do vậy tổng thu nhập lương thực cả năm 1977 chỉ bằng 79,6% năm 1976.

Vụ sản xuất năm 1980 Lai Cách bị mất mùa do tác hại của sâu bệnh và thiên nhiên gây ra. Tổng lương thực thu được cả năm 1980 chỉ bằng 77,5% năm 1976. Mức ăn bình quân đầu người năm 1980 mới đạt được 51% so với năm 1976. Năm 1980 tuy bị mất mùa lớn nhưng Lai Cách vẫn hoàn thành nghĩa vụ lương thực theo chỉ tiêu của nhà nước giao, so với năm 1976 vượt 3,1%.

  5 năm (1976-1980) nền nông nghiệp trong xã tuy có năm gặp những thăng trầm, nhưng với quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để đưa nền kinh tế của xã đi lên, đời sống nhân dân từng bước được ổn định; kinh tế tập thể đã có tích lũy, cơ sở vật chất không ngừng được bổ sung. Xã đã mua 4 máy công nông IZ 12, một máy xay xát, 1 máy nghiền; xây dựng một đường điện từ phố Lai về quán Tiên để lấy điện phục vụ nghiền thức ăn cho chăn nuôi và là cơ sở để lấy điện phục vụ trạm bơm quán Tiên sau này.

Trong hoạt động kinh tế, xã còn phát huy tác dụng của hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng là 2 tổ chức kinh tế song song với hợp tác xã nông nghiệp. Thời kỳ này hợp tác xã tín dụng đã hoàn thành tốt chức năng giám đốc, quản lý tiền mặt và vận động nhân dân gửi tiền tiết kiệm. Số dư tiết kiệm của nhân dân trong xã ngày càng tăng: Năm 1976 toàn xã mới có 620.000 đồng, đến năm 1980 cả xã đã có số dư tiết kiệm lên 1.560.000 đồng.

Hợp tác xã mua bán thực hiện tốt chức năng nhận hàng của công ty cấp 3 về phân phối cho nhân dân, thực sự là người nội trợ của nhân dân trong xã, đảm bảo cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân và quản lý chặt chẽ tiền, hàng, sử dụng quay vòng chu chuyển đồng vốn, không để tiền hàng ứ đọng, thường xuyên tìm nguồn hàng có nhiều chủng loại để phục vụ nhân dân. Sự phát triển nền kinh tế trong xã cũng là cơ sở để xây dựng phát triển văn hóa - xã hội ở địa phương.

Sau những năm chiến tranh ác liệt, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã động viên tiễn đưa hàng nghìn con, em của mình lên đường giết giặc, nay đất nước hòa bình nhiều người đã hoàn thành nhiệm vụ được trở về quê hương; nhưng cũng còn nhiều con, em ưu tú đã nằm lại trên các chiến trường. Đảng bộ, nhân dân Lai Cách luôn nhận thức rằng khi người đi chiến đấu hy sinh; người chịu khó khăn nhiều nhất là các thân nhân liệt sĩ. Những người vợ liệt sĩ phải nén đau thương thay chồng nuôi con, chăm sóc bố mẹ già. Những bà mẹ, ông bố của liệt sĩ thiếu người con để chăm sóc; những người con của liệt sĩ không còn người bố, người mẹ để dạy dỗ trông nom. Anh, chị, em thương, bệnh binh trở về địa phương sức khỏe bị giảm sút, kinh tế gia đình gặp khó khăn, lại phải tạo lập cuộc sống thì càng khó khăn hơn. Ý thức được điều đó, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã thường xuyên quan tâm chăm lo các đối tượng trên, thực hiện tốt chính sách đối với các gia đình liệt sĩ, anh, chị, em thương, bệnh binh.

Để ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, tháng 3-1979 xã đã chuyển dịch, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ của xã từ khu vực ao Vua về khu đồng Trằm Chi (Nghĩa trang liệt sĩ cũ nằm ở bên cạnh huyện đội Cẩm Giàng ngày nay). Sau 4 tháng xây dựng và quy tập các phần mộ, đúng ngày 27-7-1979, ngày kỷ niệm thương binh, liệt sĩ, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã làm lễ khánh thành trong bầu không khí trang trọng và biết ơn những người con quê hương đã hy sinh cho hòa bình độc tập tự do của đất nước. Để lưu truyền cho các thế hệ con cháu về lịch sử truyền thống của địa phương, Đảng bộ và nhân dân trong xã đã xây dựng phòng truyền thống để lưu giữ các sử liệu và hiện vật quá trình xây dụng quê hương, nhất là từ ngày có Đảng cộng sản Việt Nam và Bác Hồ lãnh đạo đến nay mà Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã tạo dựng lên. Phòng truyền thống có hàng chục tủ để đựng hiện vật, hàng chục palô để trưng bày hình ảnh và biểu đồ của xã nhằm giáo dục truyền thống tốt đẹp với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh Bác Hồ kính yêu (năm 1980) Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã long trọng tổ chức đón đuốc Bác Hồ. Ngọn lửa cách mạng có ý nghĩa đem lại ánh sáng niềm tin và cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mỗi gia đình, làm cho người dân Lai Cách được đổi đời. Buổi đón đuốc Bác Hồ đã trở thành ngày hội của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Ngọn đuốc đã được tỏa ra từ trung tâm của xã về các xóm thôn rồi lại được quy tụ về phòng truyền thống.

Trong nhiều năm, cùng với phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, Đảng bộ tiếp tục vận động nhân dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Với kinh nghiệm xây dựng vùng quê mới ở Lục Ngạn, tỉnh Hà Bắc, sau ngày đất nước thống nhất; lần này Đảng bộ đã cử đảng viên và vận động nhân dân vào xây dựng nông trường Đắc Đoa, tỉnh Công Tum; Đảng bộ còn cử một đội thủy lợi gồm 32 lao động trẻ, khỏe vào xây dựng công trường thủy lợi ở tỉnh Long An.

 Trong sự nghiệp phát triển văn hóa - xã hội, được Đảng bộ quan tâm, nhân dân coi trọng. Những năm chống chiến tranh phá hoại, các lớp học đều phải sơ tán về các thôn xóm. Nay đất nước hòa bình, chủ trương của xã là đưa các lớp học sơ tán về trung tâm của xã bao gồm cả cấp I và cấp II. Phong trào giáo dục trong xã đã kết hợp 3 môi trường gia đình - nhà trường và xã hội thu được kết quả tốt. Nhân dân trong xã đóng góp sức người, sức của vào xây dựng hệ thống trường học đảm bảo đủ điều kiện cho dạy và học; các phòng học thoáng mát, đầy đủ bàn ghế; có nơi ở và làm việc của giáo viên. Phong trào thi đua 2 tốt luôn được phát huy tác dụng trong dạy và học. Hàng năm số học sinh cả 3 cấp cùng gần 2 nghìn em. Chất lượng dạy và học của trường cấp I, cấp II không ngừng được nâng lên. Số học sinh tốt nghiệp hết cấp I và cấp II cùng số học sinh được chuyển học cấp III đạt tỷ lệ khá. Phong trào học bổ túc văn hóa vẫn được duy trì đều đặn. Lai Cách là một trong những địa phương được công nhận xóa mù chữ sớm. Trong tình cảm của mỗi người mẹ, người cha; tình thương yêu trẻ em là tình cảm sâu nặng nhất. Trẻ em chính là tương lai của dân tộc, là hạnh phúc của gia đình. Nhận thức được ý nghĩa đó Đảng bộ, nhân dân Lai Cách luôn quan tâm chăm lo đến nhà trẻ, mẫu giáo.

Từ năm 1976 đến năm 1978 xã có 12 nhóm trẻ gồm 205 cháu ở các thôn xóm. Năm 1980 số nhóm trẻ được quy tụ lại còn 8 nhóm có 405 cháu, có 3 nhóm trẻ làm điểm tổ chức cho các cháu ăn tập trung 3 bữa, được tập thể bao cấp 1 bữa, còn 2 bữa do bố mẹ các cháu góp. Nhóm trẻ thôn Nghĩa, thôn Đìa, thôn Trụ và cũng là 3 nhóm trẻ được công nhận là nhà trẻ tiên tiến của xã.  5 nhóm trẻ duy trì cho các cháu ăn 2 bữa tập trung. Việc chăm sóc sức khỏe cho các cháu cũng được quan tâm, hàng năm đều có tiêm phòng chu đáo. Chất lượng cô nuôi dạy trẻ cũng được chú ý; những năm trước quá nửa là người già, yếu do hợp tác xã nông nghiệp cử ra để trông, giữ trẻ. Nay đội ngũ cô nuôi dạy trẻ chủ yếu là đoàn viên thanh niên được bồi dưỡng, huấn luyện có kiến thức trách nhiệm trong việc nuôi, dạy các cháu.

Các cháu đến độ tuổi đều được ra lớp học. Toàn xã có 10 lớp mẫu giáo, gồm 360 em. Các cô giáo hầu hết được đào tạo qua sư phạm. Các cô đã làm tròn chức năng quản lý, dạy dỗ các cháu đem lại lòng tin và niềm vui cho các bậc cha mẹ có con gửi trẻ và ra lớp mẫu giáo.

Thực hiện: "Nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa mới",  theo Quyết định của Hội đồng Chính phủ ra ngày 18 tháng 3 năm 1975. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong xã thực hiện cuộc vận động lớn này và được mọi người đồng tình hưởng ứng. Các tục lệ mê tín dị đoan đã hạn chế nhiều; khi có người thân từ trần tổ chức tang lễ trang nghiêm, tiết kiệm; tổ chức cưới hỏi vui tươi gọn nhẹ. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút được ngăn chặn kịp thời.

Phong trào xây dựng nông thôn mới văn minh, sạch đẹp đã được mọi người hưởng ứng. Xã đã có hơn 60% gia đình có giếng khơi, nhà vệ sinh, nhà tắm. Hàng năm luôn tổ chức tốt tiêm chủng cho mọi người để phòng chống dịch bệnh. Trạm xá xã thường xuyên được củng cố, điều trị được các bệnh thông thường ở tại chỗ, trạm xá đã có một vườn thuốc nam để kết hợp điều trị cho người bệnh; ngoài ra còn bào chế thành thuốc viên, thuốc nước, rượu thuốc để phục vụ nhân dân.

Cuộc vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng được quan tâm nhằm hạ tỷ lệ phát triển số dân. Trong xã hàng năm hạ tỷ lệ sinh từ 2,5% xuống dưới 2%.

Đất nước vừa thoát ra khỏi hai cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm, nhân dân ta đang bắt tay vào xây dựng lại đất nước thì lại nổ ra cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đáp lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách lại một lần nữa động viên, tiễn đưa hàng trăm con, em, người thân của mình lên đường bảo vệ Tổ quốc. Những con, em của xã đang còn tại ngũ lại chấp nhận có mặt ở tiền tuyến; những con, em đã được phục viên, xuất ngũ về với gia đình, địa phương, nhiều người lại một lần nữa tình nguyện tái ngũ lên đường chiến đấu.

Để chi viện lực lượng cho tuyến trước, 41 anh chị em trẻ khỏe của xã được cử đi xây dựng phòng tuyến Quảng Ninh. Ở địa phương Đảng bộ tổ chức nhân dân trong xã xây dựng làng chiến đấu, lập phương án kế hoạch tác chiến, bảo vệ địa phương và xây dựng lực lượng tổ chức tập luyện quân sự.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Lai Cách có 15 con, em chiến đấu hy sinh anh dũng nằm yên nghỉ ở các chiến trường trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Cùng với nhiệm vụ quốc phòng, xã có phong trào toàn dân giữ gìn trật tự an ninh địa phương. Lực lượng công an địa phương và dân quân thực sự là nòng cốt bảo vệ xóm, thôn cho nhân dân yên tâm sản xuất. Năm 1980 được sự giúp đỡ của huyện, công an và quần chúng nhân dân đã phá vụ mất trộm 32 con lợn giống ở trại chăn nuôi do tên Nguyễn Văn Hiệp người xã Cẩm Văn bắt trộm; đã thu hồi tài sản về cho tập thể.

  Công tác xây dựng Đảng bộ là một khâu then chốt có tính chất quyết định đến phong trào cách mạng ở địa phương, do đó Đảng bộ thường xuyên tiến hành công tác phát triển đảng viên mới, từ năm 1976 đến 1980 đã phát triển được 17 đồng chí. Hàng năm tổ chức kiểm điểm bình xét chi bộ, đảng viên đạt kết quả tốt. Đảng bộ Lai Cách luôn được cấp trên công nhận là đảng bộ vững mạnh. Từ năm 1976-1980, Đảng bộ đã tiến hành 2 lần Đại hội đại biểu để quyết nghị nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng địa phương và bầu Ban chấp hành mới. BCH khóa VIII, nhiệm kỳ 1976 - 1979 có 13 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Mậu được bầu làm Bí thư; BCH khóa IX, nhiệm kỳ 1979 - 1981 bầu 15 đồng chí, đồng chí Nguyễn Văn Mậu làm Bí thư

Đảng bộ Lai Cách được Huyện ủy Cẩm Bình chọn làm điểm để phát thẻ đảng viên. Đúng ngày 3-2-1980, 250 đảng viên của Đảng bộ đã được nhận thẻ Đảng. Cũng nhân dịp này Đảng bộ Lai Cách được Huyện ủy Cẩm Bình trao cờ thưởng do làm tốt công tác phát triển Đảng.

  Ngoài việc chăm lo đến công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ rất quan tâm đến công tác chính quyền và các đoàn thể nhân dân. Thời kỳ 1976-1980, Lai Cách đã tổ chức 2 lần bầu cử Hội đồng nhân dân xã. Nhiệm kỳ hội đồng nhân dân xã khóa 1976-1978 có 35 ông, bà trúng cử. Nhiệm kỳ 1979-1980 có 45 ông, bà trúng cử đều thực hiện đúng nguyên tắc tự do - dân chủ và tự nguyện. Các ông, bà được trúng cử vào hội đồng là những người tiêu biểu của phong trào địa phương. Hội đồng nhân dân cũng như Ủy ban nhân dân xã luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; quyết định những vấn đề thiết thực phục vụ cho sự phát triển của xã. Mặt trận Tổ quốc có nhiều hình thức hoạt động phong phú để vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thực sự là lực lượng xung kích trên mặt trận sản xuất, văn hóa, an ninh, quốc phòng; luôn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; làm nòng cốt các đội chuyên của hợp tác xã nông nghiệp. Hội phụ nữ xã là lực lượng lao động cơ bản chủ yếu ở cơ sở, biết làm chủ trong lao động sản xuất. Trong đời sống gia đình, là những bà mẹ thực hiện nuôi con khỏe, dạy con ngoan, thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

*       *

 *

Thời gian 1976-1980, cùng với nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ hàn gắn những vết thương chiến tranh, thúc đẩy quan hệ sản xuất theo đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa mà nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV vạch ra, Đảng bộ và nhân dân xã Lai Cách đã đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng. Đạt được kết quả trên là do có sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân. Đảng bộ luôn có chủ trương đúng, có phương hướng biện pháp lãnh đạo sát thực, tổ chức thực hiện thắng lợi mọi kế hoạch của từng năm, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.

Đảng bộ và nhân dân trong xã luôn phát huy tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, đẩy lùi những hậu quả khắc nghiệt do thiên nhiên gây ra, hạn chế được những thiệt hại.

Đảng bộ và nhân dân trong xã luôn thực hiện nghiêm chỉnh các nghị quyết, chính sách, chỉ thị của Đảng và Nhà nước, có đội ngũ đảng viên gương mẫu, cán bộ quản lý các ngành có kinh nghiệm nhất định trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Tuy nhiên phong trào của xã vẫn chưa thật đồng đều, vững chắc, còn biểu hiện ở một số mặt hạn chế như: Sản xuất lương thực có tăng nhưng chậm. Mức sống của nhân dân còn thấp chưa ổn định.  Trình độ chỉ đạo, quản lý còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với nhịp độ phát triển của địa phương và những đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng.  Trong khâu quản lý của hợp tác xã nông nghiệp còn để kẻ gian vào trại chăn nuôi bắt trộm lợn giống; có đội sản xuất giấu sản lượng; tình trạng chi công giả để hưởng sản phẩm đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa lao động và hưởng thụ, có lúc gay gắt ở địa phương.

Từ thực trạng tình hình của xã, Đảng bộ Lai Cách đã rút ra được những kinh nghiệm trong thành công và thiếu sót để lãnh đạo nhân dân Lai cách bước tiếp vào chặng đường mới.

II- PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA - XÃ HỘI THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ V CỦA ĐẢNG (1981 - 1985)

Bước vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội (1981-1985), trong điều kiện công cuộc bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam Và biên giới phía Bắc cơ bản đã ổn định. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng đã vạch ra những nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế xã hội tổng quát nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2, các mặt kinh tế, văn hóa xã hội của Lai Cách đã phát triển khá. Đảng bộ có một đội ngũ cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng và tích lũy được một số kinh nghiệm trong chỉ đạo quản lý, điều hành những công việc của địa phương. Nền kinh tế trong xã đã có tích lũy và tập trung để xây dựng cơ sở vật chất cho tập thể. Mức sống của nhân dân đã được nâng dần; bộ mặt của mỗi gia đình và thôn xóm trong xã có sự đổi thay đáng kể, đời sống cả vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng ổn định; thể hiện tinh thần lao động, sự chịu đựng khó khăn của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Song sự giảm sút năng suất cây trồng của năm 1977 và 1980 đã gây khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; Cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trong đời sống và sản xuất vẫn tồn tại, đã kìm hãm sức sản xuất và không phát huy được quyền tự chủ của người lao động.

Trước tình hình đó Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã tìm mọi biện pháp để đưa nền kinh tế văn hóa xã hội trong xã đi lên và chống xuống cấp. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã đã tìm hiểu kinh nghiệm của các nơi, nghiên cứu kỹ các chỉ thị của Đảng và Nhà nước để vận dụng vào thực tiễn ở xã nhằm tháo gỡ khó khăn trong kinh tế và đời sống. Đảng bộ Lai Cách được sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Cẩm Bình đã tổ chức cho đảng bộ nghiên cứu thảo luận Chỉ thị 100 ngày 13-01-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về: "Khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động" cùng với Nghị quyết 22 khóa IV của Tỉnh ủy Hải Hưng và hướng dẫn 05 của Bộ Nông nghiệp.

Trong thời kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng (1981-1985), Đảng bộ xã Lai Cách tổ chức 3 kỳ Đại hội:

Đại hội lần thứ X tháng 8-1981, nhiệm kỳ 1981-1982. Đại hội bầu 13 đồng chí vào Ban chấp hành: Nguyễn Trọng Chén, Hoàng Văn Quyết, Nguyễn Đức Lộc, Mai Công Thái, Nguyễn Thanh Bảo, Trần Ngọc Đang, Lưu Thị Linh, Nguyễn Văn Chính, Vũ Trọng Thọ, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Thị Thận, Hoàng Văn Thiệp, Lưu Thị Chanh; trong đó 3 đồng chí là Ủy viên Thường vụ: Nguyễn Trọng Chén - Bí thư, Hoàng Văn Quyết và Nguyễn Đức Lộc là Ủy viên Thường vụ

Đại hội lần thứ XI tháng 12-1982, nhiệm kỳ 1982-1983. Đại hội bầu 13 đồng chí vào Ban chấp hành: Nguyễn Trọng Chén, Hoàng Văn Quyết, Nguyễn Đức Lộc, Mai Công Thái, Nguyễn Thanh Bảo, Trần Ngọc Đang, Lưu Thị Linh, Vũ Trọng Thọ, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Thị Thận, Hoàng Văn Thiệp, Lưu Thị Chanh; Nguyễn Sỹ Thoi trong đó 3 đồng chí là Ủy viên Thường vụ: Nguyễn Trọng Chén - Bí thư, Hoàng Văn Quyết và Nguyễn Đức Lộc là Ủy viên Thường vụ.

Đại hội lần thứ XII tháng 02-1984, nhiệm kỳ 1984-1986. Đại hội bầu 13 đồng chí vào Ban chấp hành: Nguyễn Trọng Chén, Hoàng Văn Quyết, Nguyễn Đức Lộc, Mai Công Thái, Nguyễn Thanh Bảo, Trần Ngọc Đang, Lưu Thị Linh, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Thị Thận, Hoàng Văn Thiệp, Lưu Thị Chanh; Nguyễn Sỹ Thoi, Mai Công Vạn trong đó 3 đồng chí là Ủy viên Thường vụ: Nguyễn Trọng Chén - Bí thư, Hoàng Văn Quyết và Nguyễn Đức Lộc là Ủy viên Thường vụ.

Qua nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết và hướng dẫn của trên, Đảng bộ đã thảo luận kỹ và tổ chức tọa đàm và thống nhất với chủ trương của trên; có nhiều ý kiến cho rằng đó là "cơ hội" để mở cửa cho nền kinh tế nông nghiệp phát triển.

Bước vào thực hiện  chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng còn một số ít cán bộ, đảng viên vẫn lấn cấn về mặt tư tưởng, cho rằng làm như vậy là mất chủ nghĩa xã hội, đi theo con đường tư bản...

Nhưng thực trạng nền kinh tế của Lai Cách lúc này chưa đẩy lên được, sự trì trệ trong lao động đã nẩy sinh. Đảng bộ, nhân dân Lai Cách đặt ra không thể duy trì phương thức làm ăn thiếu năng động này được nữa mà cần phải đổi mới phương thức lao động sản xuất cho phù hợp với sự phát triển chung.

Đảng bộ tiếp nhận chỉ thị 100 của Ban Bí thư và Nghị quyết 22 khóa IV của Tỉnh ủy và hướng dẫn 05 của Bộ Nông nghiệp. Đảng ủy xã trực tiếp chỉ đạo Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp làm tham mưu từng bước, từng khâu và biện pháp tổ chức thực hiện theo nguyên tắc đề ra là: "tránh khoán trắng cho người nông dân".

Lúc này Lai Cách có 12 đơn vị sản xuất. 10 đơn vị khoán theo chỉ thị 100; còn 2 đơn vị vẫn duy trì khoán "việc" như trước. Để tổ chức thực hiện tốt chủ trương khoán mới trong nông nghiệp, Đảng bộ chỉ đạo phải đạt được 3 mục đích và 5 nguyên tắc là:

* Về mục đích:

- Bảo đảm sự phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, trên cơ sở kích thích người lao động, sử dụng khả năng lao động của mọi người và sử dụng có hiệu quả nguồn đất của địa phương; đẩy mạnh thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên năng suất ngày càng cao hơn.

- Củng cố và tăng cường các quan hệ sản xuất của địa phương theo hướng xã hội xã hội chủ nghĩa.

- Nâng đời sống của nhân dân, tập thể có tích lũy và thực hiện hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước:

  * Về nguyên tắc:

-  Phát huy tác dụng, quản lý chặt chẽ tài sản của tập thể để thúc đẩy sản xuất.

-  Tổ chức và điều hành tốt các khâu sản xuất

- Quy hoạch và có kế hoạch sát thực định mức kinh tế, kỹ thuật trong giao khoán cho người lao động và nhóm lao động.

- Tập thể nắm được sản phẩm, đảm bảo việc phân phối, thực hiện tốt 3 lợi ích mà trực tiếp là lợi ích của người lao động.

- Phát huy quyền tự chủ của tập thể và quyền làm chủ của người lao động.

- Để thực hiện theo chủ trương khoán đến nhóm và người lao động phù hợp với phương thức lao động mới, cơ cấu các đơn vị sản xuất được tách ra cho thích ứng với trình độ quản lý sản xuất của các đội, lúc này toàn xã đã chia ra 19 đội sản xuất cơ bản. Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp căn cứ vào kết quả điều tra về nông hóa thổ nhưỡng, vào điều kiện canh tác và thủy lợi để phân vùng định hạng ruộng đất và xác định sản lượng từng vùng cho hợp lý. Đồng ruộng Lai Cách lúc này được chia làm 4 vùng và khoán trong 5 năm:

- Vùng 1 là chân ruộng đất tốt thuận lợi trong canh tác một năm, quay vòng từ 3 đến 4 vụ.

- Vùng 2 là chân ruộng đất tốt thuận lợi trong canh tác, quay vòng một năm được 3 vụ.

- Vùng 3 là chân ruộng đất trung bình, quay vòng một năm 2 vụ.

- Vùng 4 là chân ruộng đất xấu, một năm quay vòng 2 vụ có khó khăn.

Đối tượng nhận khoán là gia đình xã viên của hợp tác xã nông nghiệp(ngành trồng trọt), các ngành nghề khác do hợp tác xã quản lý được nhận khoán 1 phần. Trong quá trình nhận khoán gia đình xã viên nào không giao nộp đủ sản phẩm cho tập thể theo quy định thì phải rút một phần ruộng.

Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp còn xác định, định mức công điểm và định mức vật tư cho từng vùng ruộng đất để giao khoán; xác định những khâu công việc cụ thể; tập thể đảm nhiệm và gia đình xã viên thực hiện. Tập thể đảm nhiệm quản lý 5 việc sau:

- Tài sản, vật tư, công trình kỹ thuật của tập thể:

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức hướng dẫn thực hiện kế hoạch và kỹ thuật sản xuất thâm canh.

- Quản lý các ngành nghề phụ trong hợp tác xã,

- Thu hồi sản phẩm, làm nghĩa vụ với nhà nước

- Phân phối cân đối chung trong hợp tác xã.

Gia đình xã viên thực hiện 3 việc sau:

- Được quyền sử dụng ruộng đất từ 3 đến 5 năm.

- Chăm sóc, đầu tư thêm, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch giao nộp sản phẩm đầy đủ

- Được hưởng 100% sản lượng vượt khoán.

Các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương binh được nhận ở khu ruộng thuận lợi theo điều kiện canh tác. Số ruộng giao cho các gia đình xã viên theo nguyên tắc không phân tán quá manh mún, đảm bảo cho các gia đình nhận khoán có chân lúa, chân màu, có vùng tốt, vùng xấu, có khu gần khu xa một cách đồng đều.

Để thực hiện phương thức khoán mới ngay từ vụ đầu. Hợp tác xã nông nghiệp đã bảo đảm tốt các khâu: làm đất, thủy lợi, phân hóa học, giống và phòng trừ sâu bệnh. Bắt tay vào thực hiện khoán mới, người lao động phấn khởi đã khơi dậy lại truyền thống lao động cần cù đi sớm về muộn, huy động được mọi sức lao động ra đồng; thực sự làm chủ trên mảnh ruộng nhận khoán của mình.

Qua thử nghiệm thực hiện chủ trương cải tiến quản lý sản xuất theo phương thức mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã giành được những kết quả mới: Sản xuất, phát triển hàng năm đều đạt kế hoạch trên tất cả các mặt: diện tích gieo cấy, năng suất bình quân, tổng sản lượng và làm nghĩa vụ với Nhà nước. Cụ thể, năm 1981 tổng diện tích gieo cấy 842ha, năng suất bình quân 5,17 tấn làm nghĩa vụ cho nhà nước được 563 tấn. Đến năm 1985, diện tích gieo cấy 859,2ha, năng suất bình quân 5.59 tấn, làm nghĩa vụ cho Nhà nước được 716 tấn. Như vậy diện tích, năng suất, tổng sản lượng, nghĩa vụ cho nhà nước năm 1985 đều tăng hơn năm 1981 từ 10% đến 20%.

Đảng bộ khảng định không chỉ thâm canh cấy lúa mà còn phải đẩy mạnh phát triển cây vụ đông, phát huy kết quả gieo trồng cây vụ đông của những năm 1976-1980. Bước vào kế hoạch năm (1981-1985) diện tích phát triển cây vụ đông trong xã ngày càng tăng và chủng loại cây trồng đa dạng.

Năm 1982 Lai Cách phải cắt giao cho trại giống lúa của tỉnh 19,1 ha (53 mẫu Bắc Bộ). Diện tích tuy bị giảm nhưng tổng sản lượng lương thực đã vượt năm 1980 là 20%; bình quân mức ăn toàn xã mỗi đầu người trong năm là 175 kg thóc.Cùng với thâm canh cây lúa, phát triển cây vụ đông. Công tác chăn nuôi trong xã cũng được đẩy mạnh chủ yếu ở hộ xã viên. Những năm trước có lúc thua lỗ trong hạch toán kinh doanh, giá thành đầu vào của một kg lợn hơi cao hơn giá thành khi xuất chuồng. Do vậy Đảng bộ chủ trương chuyển hướng đưa chăn nuôi về các gia đình xã viên và tổ chức khoán chăn nuôi cho hộ xã viên, lợn thực phẩm và lợn sinh sản. Trại chăn nuôi của tập thể chỉ nhập lợn của xã viên từ 40 kg trở lên về vỗ béo để làm nghĩa vụ với nhà nước và bồi dưỡng nhân dân. Làm nghĩa vụ thực phẩm với nhà nước, năm 1981 được 48.000 kg, năm 1982 được 48.000 kg, năm 1983 được 43.700 kg, năm 1984 được 43.700 kg, năm 1985 được 43.700 kg. Bồi dưỡng dân: năm 1981 được 21.000kg, năm 1982 được 20.500 kg, năm 1983 được 26.000 kg, năm 1984 được 18.000 kg, năm 1985 được 18.000 kg.

Năm 1981 toàn xã mới có 1120 hộ, chăn nuôi 1308 con lợn thực phẩm và 377 con lợn sinh sản. Năm 1985 đã có 1320 hộ, chăn nuôi 1620 con lợn thực phẩm và 400 con lợn nái sinh sản. So với năm 1980 thì số hộ chăn nuôi năm 1985 tăng 31% số đầu lợn tăng 19%.

Do công tác chăn nuôi được đẩy mạnh. Trung tuần tháng 8 năm 1983 thực hiện đề án an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc của Sở Nông nghiệp tỉnh Hải Hưng phát động. Huyện Cẩm Bình được chọn làm thí điểm của tỉnh và xã Lai Cách được chọn làm điểm của huyện. Xã đã thành lập Ban thường trực bảo hiểm đàn gia súc của xã gồm 4 người do ông Mai Công Vạn phụ trách; Có 8 thú y viên để tiêm phòng ở các thôn trong xã.

Sau 2 tháng triển khai, toàn xã đã có 85% số hộ chăn nuôi tự nguyện vào Hội bảo hiểm. Số đầu lợn được bảo hiểm là 1768 con. Qua một năm hoạt động của Hội bảo hiểm chăn nuôi, dịch bệnh đã hạn chế ở mức thấp so với các năm trước; Các gia đình yên tâm và đẩy mạnh chăn nuôi.

Cùng với phát triển đàn lợn (lợn thực phẩm và lợn sinh sản), đàn trâu bò cũng được tăng lên, đàn gia cầm cũng được phát triển. Hàng năm, toàn xã có 20.000 đến 21.000 con; diện tích ao, hồ thả cá vẫn được duy trì và phát huy tác dụng, hiệu qủa.

 

Quá trình phát triển kinh tế qua năm năm (1981-1985) để làm giàu cho quê hương. Công tác văn hóa xã hội của xã cũng thường xuyên được Đảng bộ quan tâm.;Nhiều cuộc vận động ở xã như: Chống mê tín dị đoan, xây dựng gia đình văn hóa mới, kế hoạch hóa gia đình và tiết kiệm đã thu được những kết quả đáng kể. Bộ mặt các thôn xóm từng bước được đổi mới, cơ sở hạ tầng không ngừng được củng cố gia đình trong xã có nhà xây mái ngói mỗi năm một tăng. Một số gia đình đã mua sắm được những phương tiện và tiện nghi đắt tiền. Tập thể đã có tích lũy và chuẩn bị cơ sở vật chất để xây dựng các công trình lớn vào các năm tiếp theo.

Công tác giáo dục vẫn được giữ vững và phát triển ở các ngành học phổ thông và mẫu giáo, chất lượng dạy và học ngày càng khá; công tác nhà trẻ vẫn được duy trì và chăm sóc chu đáo. Việc chăm lo sức khỏe nhân dân và thực hiện kế hoạch hóa gia đình là công việc thường xuyên được quan tâm.

Đối với gia đình liệt sĩ, anh chị em thương bệnh binh, người nghỉ hưu, mất sức. Xã đã thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với các đối tượng này. Để động viên mọi người phát huy mọi khả năng xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới. Đối với những người tàn tật, quả phụ không nơi nương tựa xã đã giúp đỡ tận tình chu đáo.

Trên mặt trận an ninh quốc phòng, trong 5 năm (1981-1985): an ninh chính trị được giữ vững, các xóm, thôn an toàn; kinh tế của tập thể và của các gia đình được bảo vệ tốt. Tổ chức thực hiện tốt Luật nghĩa vụ quân sự của Nhà nước (1982). Thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự đều được tổ chức khám sức khỏe. Trong 5 năm (1981-1985) Lai Cách đã động viên tiễn đưa hàng trăm nam nữ thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Thanh niên Lai Cách có mặt ở hầu hết các đơn vị trong toàn quân; nhiều anh em hết nghĩa vụ quân sự được đơn vị quân đội cho đi học đào tạo đã trở thành sĩ quan của quân đội nhân dân Việt Nam và trở thành quân nhân chuyên nghiệp.

Mọi thành quả Lai Cách đã giành được trong 5 năm (1981-1985) bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Đảng bộ Lai Cách. Đảng bộ khẳng định: để tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương một vấn đề mấu chốt là phải xây dựng Đảng bộ vững mạnh, xây dựng chính quyền và các tổ chức quần chúng của xã mạnh; đó là những yếu tố cơ bản để đưa Lai Cách đi lên. Ý thức được những điều cơ bản đó, Đảng bộ thường xuyên coi trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhiều đảng viên trẻ được tín nhiệm cử đi đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, chính trị, nghiệp vụ tại chức ở tỉnh để về làm nòng cốt lãnh đạo ở xã. Số  đảng viên mới được kết nạp được cử đi bồi dưỡng chương trình lý luận sơ cấp ở trường Đảng huyện ngày một nhiều.

Qua mỗi kỳ Đại hội chi bộ, Đảng bộ, chi ủy ở các thôn và Đảng ủy xã đã từng bước được trẻ hóa về tuổi đời. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã và lãnh đạo các ngành tuổi cao đã được xét nghỉ hưởng chế độ hưu  xã. Đại Hội Đảng bộ lần thứ X và lần thứ XI đã đánh dấu bước phát triển mới của Đảng bộ, cấp ủy đã được trẻ hóa, trình độ chính trị, văn hóa đã nâng lên Ban chấp Đảng bộ khóa X và XI, mỗi khóa bầu 13 đồng chí vào Ban chấp hành đồng chí Nguyễn Trọng Chén được bầu lại làm bí thư. Số đảng viên trong Đảng bộ ngày một tăng, trong 5 năm (1981- 1985) Đảng bộ đã kết nạp được 14 đảng viên mới và đã tiếp nhận gần 100 đảng viên ở các đơn vị quân đội, ở các cơ quan, nhà máy, công nông trường xí nghiệp đã hoàn thành nhiệm vụ được nghỉ hưu, mất sức về phục viên, xuất ngũ trở về sinh hoạt tại địa phương.

Để các tổ chức quần chúng và chính quyền cùng các tổ chức kinh tế của xã thực hiện chức năng và hoàn thành nhiệm vụ của mỗi ngành. Đảng bộ đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo và phát huy tác dụng của các tổ chức này.

Ba hợp tác xã (nông nghiệp, mua bán, tín dụng) luôn được kiện toàn, củng cố, nhất là hợp tác xã nông nghiệp sau khi cải tiến quản lý theo phương thức khoán mới; đã được sắp xếp lại bộ máy quản lý từ đội sản xuất đến Ban quản lý hợp tác xã.

Hội đồng nhân dân xã thực sự là cơ quan quyền lực của dân. Ủy ban nhân dân xã thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Mặt trận Tổ quốc là lực lượng đoàn kết toàn dân, làm tốt công tác vận động nhân dân xây dựng quê hương Lai Cách văn minh giàu đẹp; thực hiện nếp sống mới, tiết kiệm; tôn trọng tự do tín ngưỡng, chống mê tín dị đoan. Mặt trận còn tổ chức những người có độ tuổi từ 50 tuổi trở lên ở các thôn, lập hội bảo thọ; tổ chức các cụ hết tuổi lao động vào tổ ươm trồng cây. Hàng năm các cụ đã ươm, trồng hàng nghìn cây. Vườn cây, đường cây của các cụ trong xã trồng cho con cháu thừa hưởng sau này đã có một ý nghĩa lớn. Thực hiện lợi dạy của Bác Hồ: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây...". Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ xã là những đoàn thể có hội viên đông đảo; giữ vai trò lớn trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương; thường xuyên vận động hội viên, đoàn viên của mình thực hiện nếp sống và lối sống văn minh, thực hành tiết kiệm, làm nòng cốt trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và xây dựng các gia đình văn hóa. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh còn trực tiếp giới thiệu những đoàn viên ưu tú với Đảng để Đảng bộ lựa chọn gửi đi học bồi dưỡng và phát triển vào Đảng. Hội nông dân tập thể của xã kế thừa tổ chức nông hội trước đây nay được tổ chức hoạt động trong lĩnh vực vận động phát triển sản xuất, đẩy mạnh kinh tế, ổn định đời sống, chỉ đạo bình xét hưu trí trong nông dân khi mọi nguời hết tuổi lao động và giúp đỡ nhau trong đời sống.

*     *

 *

5 năm (1981 - 1985) thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, Chỉ thị 100 của Ban Bí thư và nghị quyết 22 khóa IV của Tỉnh ủy Hải Hưng. Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã phấn đấu giành được những thắng lợi căn bản sau đây: Tổng sản lượng lương thực thu được năm 1985 so với năm 1980 đã vượt 343 tấn; đời sống kinh tế của nhân dân trong xã tuy còn có khó khăn, nhưng mức sống đã được nâng dần, các gia đình và tập thể đã có tích lũy và đã hoàn thành tốt nghĩa vụ với nhà nước cả lương thực và thực phẩm. Các mặt hoạt động khác cũng có những tiến bộ đáng kể.

Có được những kết quả trong 5 năm (1981 - 1985) là do Đảng bộ và nhân dân trong xã đã thực hiện tốt chủ trương cải tiến quản lý trong phương thức khoán mới trong nông nghiệp. Đảng bộ đã rút ra được những điểm mạnh, yếu trong quá trình thực hiện.

Về mặt mạnh: Thực hiện khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động theo "Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng" có nhiều ưu thế hơn khoán việc trước đây. Khơi dậy được truyền thống cần cù hai sương một nắng của người lao động, phát huy được mọi khả năng lao động; chất lượng lao động cao hơn, định mức lao động sát. Tính thời vụ bảo đảm; năng suất cây trồng phát triển; thực hiện tốt kế hoạch cả diện tích, giống, cây trồng và năng suất. Tổ chức Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp và các đội sản xuất gọn, nhẹ. Đảm bảo tốt 3 lợi ích, lợi ích của người lao động được coi trọng.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, 5 năm 1981-1985 Đảng bộ và nhân dân Lai Cách còn một số khó khăn và tồn tại sau: Chưa đảm bảo được kế hoạch (một vùng một giống, một thời gian). Có vùng gieo trồng 11 loại giống lúa khác nhau làm ảnh hưởng đến tầng sinh trưởng và công tác bảo vệ thực vật. Một số hộ còn đọng nợ sản phẩm, chưa thực hiện tốt việc giao nộp sản phẩm trả tập thể. Việc thu hồi sản phẩm lúc đầu thiếu kiên quyết, do vậy một số gia đình dây dưa, đọng nợ ngày càng lớn. Trong quản lý vẫn chưa khơi dậy hết được tiềm năng tích cực của người lao động. Việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng chưa kịp thời.

Trên chặng đường 5 năm 1981 - 1985, Đảng bộ Lai Cách không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Đảng bộ luôn luôn đặt vấn đề nhìn nhận và đánh giá khách quan, đặc biệt chú trọng tìm hiểu, nắm bắt những nguyên nhân, kết quả trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo, tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị điều kiện bước vào giai đoạn cách mạng mới, thời kỳ thực hiện công cuộc đổi mới.

 

 

 

 

 

Chương VI

ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN LAI CÁCH

THỰC HIỆN  CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG  (1986-2015)

       I. HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT TINH THẦN CÁC CHỈ THỊ, NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀ NHỮNG NĂM ĐẦU THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI  (1986-1990)

Từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 12 năm 1986, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình của đất nước, Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trong đó trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị là tiền đề đảm bảo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Trước đó, tháng 9-1986 Đảng bộ xã Lai Cách đã tổ chức Đại hội lần thứ XIII (nhiệm kỳ 1986-1988)Đảng bộ huyện Cẩm Bình Đại hội lần thứ IV; tháng 10/1986 Đảng bộ tỉnh Hải Hưng Đại hội lần thứ V. Đại hội Đảng bộ xã, huyện, tỉnh kỳ này đều đánh giá  kết quả thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và tham gia đóng góp vào báo cáo dự thảo chính trị của Đảng bộ cấp trên.

Quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng bộ cấp trên, các kỳ Đại hội Đảng bộ xã Lai Cách đều nhận định, đánh giá tình hình ở địa phương đề ra phương hướng, nhiệm vụ và xác định những biện pháp cụ thể.

Lai Cách là một Đảng bộ có truyền thống đoàn kết thống nhất; có đội ngũ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nhân dân trong xã có truyền thống lao động cần cù. Đảng bộ đã tích lũy được một số kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo xây dựng quê hương của những năm trước đó và có sự chỉ đạo, giúp đỡ trực tiếp của Huyện ủy, của các ngành đoàn thể huyện Cẩm Bình, đó là những điều kiện thuận lợi cơ bản để Lai Cách bước vào thực hiện công cuộc đổi mới.

Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII đã chỉ ra những khó khăn trở ngại, nhất là sau năm 1985 bước sang năm 1986 cả nước thực hiện chính sách (giá, lương, tiền). Tình hình xã hội lúc này bị rối ren, phức tạp đã tác động, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế, đời sống của từng gia đình nông dân. Năm 1986 thời tiết diễn biến phức tạp: rét, úng, hạn, sâu bệnh làm hại cây con; vật tư hàng hóa ngày càng thiếu. Trong quản lý nông nghiệp vẫn còn tình trạng lỏng lẻo, giá trị ngày công trong khoán giảm dần, tình trạng người lao động thiếu phấn khởi không muốn nhận ruộng khoán, một số xã viên còn đọng nợ sản phẩm kéo dài. Đại hội xã lần thứ VIII có sự thay đổi về nhân sự; số cán bộ mới nhận nhiệm vụ còn bỡ ngỡ chưa quen công việc; tốc độ phát triển kinh tế năm 1986-1987 của xã thấp; đời sống nhân dân vẫn còn gặp khó khăn; số hộ thiếu đói còn chiếm tỷ lệ cao; 10% số hộ sau vụ thu hoạch xong là hết lương thực phải nhờ vào tập thể, nhà nước cứu trợ, hoặc chịu đọng nợ sản phẩm của tập thể. Xã có gần 40% số hộ thiếu ăn từ 3 tháng đến 4 tháng trong năm.

Ngày 22-8-1986, Đảng bộ xã Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ XIV (nhiệm kỳ 1988-1991). Đại hội nhận thức rõ những khó khăn của địa phương, đề ra phương hướng nhiệm vụ và giải pháp giải quyết cho nhiệm kỳ tới (1).

Trước thực trạng nền kinh tế của cả nước những năm 1980-1985. Cuối năm 1988 Bộ chính trị BCH Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về "Đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp" với nội dung: "... Chuyển mạnh các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật..."

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ chính trị, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng có Chỉ thị số 520 và Sở Nông nghiệp tỉnh có Hướng dẫn số 476 để các địa phương tổ chức thực hiện.

Qua kinh nghiệm tổ chức thực hiện chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Để triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ chính trị, Đảng bộ Lai Cách đã quán triệt các quan điểm của Đảng, chỉ đạo Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp xây dựng phương án, biện pháp, kế hoạch để tổ chức thực hiện. Kế hoạch của Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp đã được Đảng bộ thông qua và tổ chức cho mọi người lao động thảo luận.

Hợp tác xã nông nghiệp điều chỉnh diện tích để giao khoán cho từng hộ; xã viên đảm nhiệm toàn bộ các khâu trong sản xuất, đẩy mạnh thâm canh cây trồng, giao nộp sản phẩm theo quy định và làm nghĩa vụ thuế nông nghiệp với nhà nước. Hợp tác xã chịu trách nhiệm làm dịch vụ cho các hộ xã viên và hướng dẫn kế hoạch sản xuất.

  Ngoài số ruộng chia bình quân cho lao động, hợp tác xã để lại 25% diện tích cho đấu thầu; tăng sản lượng vòng 2 bằng 10% sản lượng khoán để giao thêm cho các gia đình có khả năng thâm canh và thực hiện đúng các quy định của tập thể. Hợp tác xã cũng quy định gia đình xã viên được nhận ruộng khoán mà chây lười, đọng nợ sản phẩm nhiều thì phải rút bớt ruộng giao cho hộ khác.

Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp trong giai đoạn này cũng được tổ chức tinh giảm, gọn nhẹ chỉ còn 1 phó chủ nhiệm phụ trách kế hoạch và 1 phó chủ nhiệm phụ trách ngành nghề, xóa các ban của hợp tác xã mà chỉ có 1 số nhân viên giúp việc; giải thể một số đội chuyên chỉ còn để lại Đội thủy lợi 202 và tổ nông giang, tổ bảo vệ thực vật. Một số tài sản của tập thể như trâu bò, nông cụ cho đấu giá để chuyển nhượng cho các nhóm và hộ gia đình xã viên

Thực hiện nghị quyết 10 của Bộ chính trị và nghị quyết 28 của Tỉnh ủy Hải Hưng về 'Phát triển sản xuất nông nghiệp". Qua 5 vụ gieo cấy lúa và 2 vụ gieo trồng cây vụ đông. Đảng bộ đánh giá phương thức này đã mở cửa giải phóng sức lao động và khơi dậy tiềm năng đầu tư thâm canh sản xuất của mỗi gia đình, phát huy tính năng động của tập thể. Người lao động và tập thể đều quan tâm đến sản phẩm cuối cùng; người lao động đã tính toán lỗ lãi, hạch toán cụ thể để mạnh dạn đầu tư vào phần ruộng khoán của mình.

Cách khoán này đã khơi dậy được tiềm năng của đồng ruộng, diện tích cây vụ đông phát triển; Hàng năm đều đạt trên 50% tổng diện tích gieo cấy để trồng cây vụ đông. So với năm 1985 trồng cây vụ đông trong xã đã vượt 200%. Phát triển cây vụ đông là tăng thêm nguồn lương thực để bổ sung vào bữa ăn của mỗi gia đình và có lương thực để phát triển chăn nuôi.

Năm 1989 sản xuất nông nghiệp ở Lai Cách đã có bước tiến bộ nhảy vọt, là năm có năng suất cao nhất từ trước đến nay và cũng là năm có mức ăn bình quân của mỗi đầu người trong xã đạt được mức cao. Tổng sản lượng năm 1989 cả màu quy thóc là 3.497.200 kg. Bình quân mức ăn đầu người trong năm là 350 kg, so với 1985 vượt 165%.

Thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp năm 1989 đã đánh dấu sự phát triển và tăng trưởng nền kinh tế của địa phương.

Cùng với sản xuất, phát triển kinh tế; công tác chăn nuôi của xã cũng được đẩy mạnh. Sau khi giải thể trại chăn nuôi tập thể, tập trung đẩy mạnh chăn nuôi gia đình. Mặc dù những năm 1986 -1990 giá cả thực phẩm trên thị trường có biến động, có lúc giá thực phẩm xuống quá thấp so với giá lương thực (giá 1 kg lợn hơi chỉ bằng 2 kg thóc, giá một kg lợn giống chỉ bằng 3,5 đến 4 kg thóc). Nhưng đàn lợn trong xã vẫn được duy trì giữ vững. Đàn lợn thực phẩm của gia đình năm 1990 có 2.950 con, 100% giống lai kinh tế và đàn lợn sinh sản có 250 con. Đàn trâu bò vẫn được phát triển, nhiều gia đình đã mua trâu bò riêng để cày kéo; đàn gia cầm của mỗi gia đình ngày một tăng. Năm 1990 toàn xã có gần 2 vạn con gà vịt, trong đó có gần 400 con vịt đẻ

Chăn nuôi lợn của mỗi gia đình ngày càng phát triển tạo ra một lượng phân hữu cơ khá để chăm bón cho đồng ruộng; tạo cho năng suất cây trồng ngày càng tăng. Nhờ có phát triển chăn nuôi, mỗi gia đình trong xã đã tăng nguồn thu nhập để chi tiêu.

Thực hiện kế hoạch năm năm (1986 - 1990), Lai Cách đã có sự phát triển theo chiều hướng tích cực. Quê hương và mỗi gia đình đã có sự đổi thay đáng kể. Nhân dân trong xã đã bỏ ra hàng triệu ngày công để tu bổ đường giao thông trong thôn, xóm, đường liên thôn, liên xã và đường trục ở các khu đồng; làm các công trình thủy lợi ở tuyến trên và củng cố hệ thống mương máng của địa phương...

Tập thể đã có tích lũy để xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và mua sắm vật tư, công cụ để phục vụ sản xuất và văn hóa giáo dục trong xã. Xã đã xây dựng hoàn chỉnh một nhà văn hóa diện tích 880m2 có trang bị nội thất tương đối đủ; xây dựng 2 trạm bơm điện, mỗi trạm có 2 vòi ở Đồng San và Chiều Trụ; xây dựng một cầu kiên cố qua sông Ngọ. Sửa chữa các phòng học, tu sửa đóng mới bàn ghế và nhà ở, nhà làm việc của trường cấp I, chuyển nhượng khu trường đoàn và đóng mới 80 bộ bàn ghế làm cơ sở của trường cấp II, tu sửa các nhà trẻ và củng cố các lớp mẫu giáo trong xã. Tập thể còn mua được 1 máy kéo và hệ thống bánh lồng và hệ thống cày, phay đất trị giá 21.723.000 đồng; hàng năm đã mua hàng trăm tấn phân hóa học các loại để cung cấp cho các hộ gia đình.

Năm 1988 xã đã di chuyển và xây dựng mở rộng khu chợ của xã, có bố trí phân khu từng ngành hàng, từng dãy, ngăn nắp, sạch gọn, đảm bảo cho nhân dân mua bán thuận tiện.

Do kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần của mỗi gia đình trong xã đã có cải thiện; số hộ kinh tế khá ngày càng chiếm tỷ lệ cao, số hộ thiếu đói hàng năm đã giảm, không còn hộ đói phải nhờ vào tập thể, nhà nước cứu trợ như những năm trước.

Trong xã đã có 95% số hộ có nhà xây mái ngói, một số hộ có nhà mái bằng và nhà tầng. Trong các cụm dân cư ở thôn, xóm có hộ đã mua được máy say xát để xát gạo cho nhân dân. 70% số gia đình trong xã đã có xe cải tiến, máy tuốt lúa đạp chân; một số gia đình tự sắm bình phun thuốc để chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; 80% số gia đình đã mua được xe đạp, có gia đình đã mua từ 3 đến 4 xe. Một số người đã mua xe gắn máy đắt tiền. Trong xã số gia đình mua sắm đài cát sét và tiện nghi đắt tiền ngày càng nhiều, một số gia đình đã mua được ti vi...

5 năm (1986-1990) các phong trào hoạt động của địa phương cũng được đẩy mạnh thực hiện lời di huấn của Bác Hồ: "Vì lợi ích trăm năm phải trồng người". Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã thường xuyên chăm lo đến sự nghiệp giáo dục. Mặc dù tình hình kinh tế xã hội trong những năm 1986-1988 còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân trong xã, Trường phổ thông cở sở vẫn được duy trì và giữ vững là trường tiên tiến của ngành giáo dục trong huyện Cẩm Bình; Đội ngũ giáo viên của nhà trường đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện và cấp trường ngày càng tăng; chất lượng dạy và học ngày càng khá, tỷ lệ học sinh lên lớp chuyển cấp đạt tỷ lệ cao. Tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ học sinh chuyển cấp năm sau cao hơn năm trước. Số học sinh cả 3 cấp luôn đạt trên 2 nghìn em đến lớp, riêng học sinh vào lớp một hàng năm số lượng khá cao; số học sinh đang học bỏ dở lớp giảm hẳn. Toàn xã có 6 nhà trẻ nuôi dạy tập trung hơn 100 cháu và 12 lớp mẫu giáo dạy dỗ gần 300 cháu. Đội ngũ cô nuôi giữ trẻ và giáo viên mẫu giáo đều được bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngành nhà trẻ, năm 1989 được tặng một kiện hàng trị giá 1 triệu đồng và 200 kg sữa bột, 25kg mỡ để bồi dưỡng cho các cháu. Ngành mẫu giáo đã đổi mới phương pháp dạy và quản lý các cháu; số cháu hàng năm được chuyển lên học lớp 1 phổ thông tỷ lệ cao.

Để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, trạm y tế xã đã thường xuyên vận động mọi người làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, phát hiện và ngăn chặn không để các ổ dịch xâm nhập lây lan; tổ chức tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ em mỗi năm 3 lần. Trạm xá xã  đã khám, điều trị các bệnh thông thường cho nhân dân; Thường xuyên vận động các gia đình trong xã phát triển củng cố 3 công trình vệ sinh.

Đi đôi với công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, phong trào vận động kế hoạch hóa gia đình đã được Đảng bộ và nhân dân coi đó là nhiệm vụ thường xuyên. Với nhiều biện pháp tuyên truyền, giáo dục đã làm thay đổi tâm lý của nhân dân nhất là nam nữ thanh niên từ; thực hiện tốt luật hôn nhân gia đình, không để xảy ra tệ tảo hôn, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con. Được sự giúp đỡ của phòng y tế và trung tâm sinh đẻ có kế hoạch của huyện Cẩm Bình, cùng với các biện pháp giáo dục văn hóa và với sự vận động của các tổ chức, các đoàn thể quần chúng; tỷ lệ phát triển dân số trong xã bình quân từ năm 1986 đến 1990 chỉ còn tăng có 1,8%.

Cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa mới cũng được tiến hành thường xuyên. Mặc dù trong những năm gần đây tệ nạn ngoài xã hội như: mê tín dị đoan, lợi dụng tự do tín ngưỡng để phục hồi lại những phong tục nhảm nhí, lạc hậu, tệ cờ bạc, nghiện hút, gái mại dâm đã xuất hiện. Đảng bộ đã lãnh đạo các đoàn thể quần chúng và nhân dân làm cuộc vận động, tẩy chay các hủ tục phong kiến; phát hiện, ngăn ngừa và giải tán kịp thời các tụ điểm cờ bạc, nghiện hút, chứa gái mại dâm...; giáo dục những người có hành vi càn quấy, thiếu ý thức tôn trọng luật pháp trở về với con người làm ăn chân chính lương thiện.

Mọi gia đình, mọi người ở trong xã luôn thực hiện có nếp sống văn minh và gia đình văn hóa mới, mình vì mọi người, mọi người vì mình. Trong nhà ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu cháu thảo hiền; vợ chồng hòa thuận; những đạo đức gia phong luôn giữ trọn; thôn xóm sống có tình làng nghĩa xóm, đạo lý phân minh nghĩa tình trọn vẹn sống hòa thuận, đoàn kết giúp nhau những lúc cơ nhỡ khó khăn cả vật chất và tinh thần.

Thực hiện tốt chính sách xã hội đối với các gia đình liệt sĩ, anh chị em thương, bệnh binh. Thực hiện nghị quyết 10 của Bộ chính trị, xã đã ưu tiên giao ruộng cho bố, mẹ, vợ liệt sĩ mỗi người một sào ruộng tốt không phải nộp sản phẩm, chỉ làm nghĩa vụ thuế nông nghiệp và mỗi gia đình liệt sĩ đều được giao 72m2 ruộng làm hương khói; thực hiện trợ cấp theo chế độ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách.

Xã đã xây dựng một ngôi nhà tình nghĩa trị giá 800.000 đồng để tặng mẹ liệt sĩ ở thôn Doi. Xã cùng với gia đình tổ chức đón 1 thương binh nặng 1/4 về sống với gia đình ở địa phương và giúp đỡ để gia đình ổn định cuộc sống. Hàng năm đều tổ chức viếng nghĩa trang và đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sĩ, thương binh. Được sự quan tâm của Đảng bộ và nhân dân trong xã, các gia đình liệt sĩ và anh chị em thương bệnh binh luôn gương mẫu chấp hành các chính sách của Đảng, chủ trương của địa phương, hăng hái sản xuất, công tác. Hàng năm có nhiều gia đình liệt sĩ được công nhận là gia đình cách mạng kiểu mẫu, nhiều anh em thương binh được công nhận là người công dân gương mẫu.

Lực lượng cán bộ, quân nhân, công nhân viên chức được nghỉ hưu, mất sức về sống với gia đình đã được động viên giao nhiệm vụ ở địa phương.

Đối với những người cô đơn, quả phụ, già yếu không nơi nương tựa đều được quan tâm chu đáo. Đảng bộ luôn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và chăm lo đến nhiệm vụ an ninh của địa phương.

5 năm (1986-1990), Lai Cách đã tổ chức cho thanh niên đến tuổi làm nghĩa vụ quân sự đi khám tuyển và động viên tiễn đưa hàng trăm thanh niên đủ tiêu chuẩn và sức khỏe bổ sung cho các đơn vị quân đội thường trực; hàng năm đều tổ chức huấn luyện quân dự bị động viên tại xã.

Thực hiện Chỉ thị 135 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, lực lượng công an và dân quân của xã đã kiên quyết giải tán các tụ điểm, những hàng quán làm trái phép trên hành lang đường 5A thuộc địa bàn của xã; .Giáo dục các đối tượng tiền án, tiền sự và đưa đi cải tạo các đối tượng có hành vi càn quấy, vi phạm pháp luật. Trong 5 năm (1986-1990) đã giáo dục 24 đối tượng có tiền án, tiền sự và đưa đi cải tạo 8 đối tượng. Cùng với cấp trên điều tra truy cứu trách nhiệm vụ mất trộm ở kho đạm, kho thóc của tập thể ở hợp tác xã nông nghiệp, quy trách nhiệm cá nhân phải bồi hoàn trả tập thể.

Lai Cách luôn được công nhận là địa bàn an toàn; các thôn, xóm trong xã luôn được giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Mọi thắng lợi mà Lai Cách giành được trong 5 năm (1986-1990) đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng bộ và hoạt động của các tổ chức quần chúng. Cùng với chính quyền, Đảng bộ đã lãnh đạo để các tổ chức quần chúng  phát huy tác dụng trong công tác vận động và tổ chức thực hiện mọi nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và kế hoạch 5 năm (1986-1990), Đảng bộ Lai Cách xác định phải xây dựng Đảng bộ vững mạnh cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ triển khai học tập Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc làn thứ VI của Đảng, các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, các Nghị quyết và Chỉ thị của Tỉnh ủy Hải Hưng. Đảng bộ đã quán triệt quan điểm đổi mới của Đảng vào nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ; Ở đảng bộ luôn giữ vững chế độ sinh hoạt thường kỳ 3 tháng 1 lần, chi bộ mỗi tháng một lần.

Thực hiện Chỉ thị 23 của Tỉnh ủy Hải Hưng Đảng bộ đã ghép 24 chi bộ thôn và ngành nghề thành 13 chi bộ thôn và 4 chi bộ ngành nghề. Thực hiện chi thị 24 của Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Đảng bộ đã triển khai học tập và tổ chức cho đảng viên tự kiểm điểm, kiểm tra. Kết quả 71,6% tổng số đảng viên của Đảng bộ phấn đấu đủ tư cách; 28,4% số đảng viên chưa đủ tư cách bị thi hành kỷ luật khiển trách, xóa tên 7% và khai trừ 0,7%. Khuyết điểm của số đảng viên chủ yếu là vi phạm chính sách sinh đẻ có kế hoạch, một số bị thoái hóa biến chất, tham ô.

5 năm (1986-1990), BCH Đảng bộ đã cử 13 đồng chí đi học bồi dưỡng lý luận chính trị tại chức . Đảng bộ đã tiến hành Đại hội lần thứ 13 và lần thứ 14. Đại hội đã đề ra chủ trương biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng quê hương và bầu Ban chấp hành Đảng bộ. Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, bầu 19 đồng chí vào Ban chấp hành, đồng chí Nguyễn Đức Lộc làm Bí thư; Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, bầu 15 đồng chí vào Ban chấp hành, đồng chí Mai Công Thái làm Bí thư

Cùng thời kỳ này, đảng bộ Lai Cách luôn giữ vững là một Đảng bộ vững mạnh, được nhân dân trong xã tin tưởng, đưa địa phương vươn lên thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Đánh dấu một bước phát triển mới với truyền thống cách mạng của địa phương trong sự nghiệp cách mạng XHCN của cả nước.

II. TIẾP TỤC THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC (1991 - 2015)

Nhằm tổng kết, đánh giá những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới (1986-1991), từ ngày 24 đến ngày 27-6-1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua cương lĩnh chiến lược ổn định và phát triển kinh tế, xã hội đến năm 2000. Đại hội còn đánh giá Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (còn gọi là khoán 10) ban hành ngày 5-4-1988 và Chỉ thị 100 CT/TW của Ban Bí thư năm 1981.

Trước đó, tháng 4-1991 Đảng bộ xã Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ XV (nhiệm kỳ 1991-1993) đã thảo luận các văn kiện của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI trình Đại hội VII và thông qua phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ 1991- 1993, bầu Ban chấp hành mới (1).

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, Đảng bộ tỉnh Hải Hưng đề ra 4 chương trình kinh tế lớn. Trong 4 chương trình kinh tế lớn, Đảng bộ Lai Cách xác định: Chương trình sản xuất lương thực là trọng tâm. Từ đó chỉ đạo chặt chẽ việc cấp I hóa giống lúa, bố trí cây trồng hợp lý, đưa bộ giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh vào gieo cấy đại trà cả 2 mùa vụ. Đồng thời liên kết với phòng nông nghiệp huyện, Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông dân tiếp cận với các thành tựu công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích vụ đông; chỉ đạo HTX nông nghiệp làm tốt khâu dịch vụ cung ứng vật tư cho các hộ nhận khoán như: thuốc diệt cỏ, thuốc sâu, dầu máy, phân đạm, một số giống mới. Riêng năm 1992, HTX nông nghiệp đã cung ứng cho bà con xã viên 40 tấn phân lân, 22,6 tấn phân đạm, 6.298kg thóc giống, hàng chục kg thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu...

Bằng các biện pháp trên, sản xuất nông nghiệp ở Lai Cách đạt khá cao cả về diện tích, năng suất và tổng sản lượng. Năm 1992, diện tích gieo cấy đạt 101% kế hoạch, năng suất đạt 83,3tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 3.663 tấn, riêng thóc 3.257 tấn.

Cùng với cây lúa, sản xuất vụ động cũng chuyển biến tích cực. Trong đó, cây ngô không chỉ tăng về diện tích, mà nhiều giống mới như: Biôsít, S888, ngô lai số 5, số 6 được đưa vào trồng rộng rãi, nên năng suất, sản lượng tăng lên rõ rệt. Ngoài cây lương thực, một số cây xuất khẩu có giá trị kinh tế cao như: nấm mỡ, dưa chuột cũng được đưa vào trồng thực nghiệm.

Nhìn chung, năm 1992 sản xuất của HTX nông nghiệp Lai Cách có nhiều tiến bộ, các hộ nhận ruộng đều thu nhập cao, nghĩa vụ đối với nhà nước và tập thể được bà con thực hiện đầy đủ, không còn tình trạng nợ đọng sản phẩm như những năm trước đây (1). Với thành tích đã đạt được, năm 1992, HTX nông nghiệp Lai Cách được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng tặng Bằng khen và 500.000 đồng về phong trào sản xuất.

Nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tiến lên một bước cao hơn, ngày 28-4-1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Nghị quyết 03-NQ/TU: "Tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý HTX nông nghiệp" nhằm hoàn thiện khoán 10 của Bộ Chính trị, mà trọng tâm là giao quyền sử dụng đất lâu dài cho người nông dân, đây là nội dung quan trọng nhất để đổi mới trong nông nghiệp.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Bình, tháng 12-1993, Đảng bộ Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 1993-1996). Đại hội đã xác định: Nông nghiệp là mặt trận  hàng đầu, cho nên phải tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa. Về mục tiêu Đại hội đề ra, cụ thể là:

- Về lương thực: Năng suất hai vụ lúa đạt từ 95 đến 100 tạ/ha. Mở rộng diện tích và thâm canh cây vụ đông, trọng tâm là ngô, khoai lang, khoai tây, cây xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 1995, tổng sản lượng lương thực đạt từ 4.200 đến 4.300 tấn, trong đó lúa từ 3.600 đến 3.700 tấn, lương thực bình quân đầu người 550 kg/năm.

- Về thực phẩm: Từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành chính. Đàn trâu, bò duy trì từ 250 đến 300 con; đàn lợn từ 2000 đến 2500 con, trong đó lợn lai F1 chiếm từ 85 đến 90% tổng đàn, đưa sản lượng thịt lên 150 tấn/năm. Đàn gia cầm từ 2,5 đến 3 vạn con; nuôi thả cá đạt từ 6 tấn đến 10 tấn/năm.

Về giải pháp: Trước hết Đảng bộ chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Thường vụ Tỉnh ủy về giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, đồng thời tiếp tục đổi mới tổ chức quản lý HTX nông nghiệp, làm tốt công tác quy hoạch, phân loại quỹ đất chuyên dùng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả; xây dựng kế hoạch sản xuất gắn liền với dịch vụ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đưa các giống lúa mới có năng suất cao vào gieo cấy gắn với bố trí cơ cấu giống lúa, trà lúa phù hợp với đất đai của từng vùng, từng vụ. Đại hội cũng xác định cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế hộ gia đình, mở mang cơ sở sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động, tăng thu nhập xã hội góp phần xóa đói giảm nghèo...

Đại hội XVI đã bầu 15 đồng chí vào Ban chấp hành nhiệm kỳ 1993-1995; bầu 5 đồng chí vào Ban thường vụ, đồng chí Vũ Ngọc Ba được bầu làm Bí thư, các đồng chí: Nguyễn Văn Mùa, Nguyễn Văn Lanh, Trần Xuân Triệu và Hoàng Văn Điển là ủy viên Ban Thường vụ (tháng 12/1994 BCH bầu đồng chí Nguyễn Văn Mùa làm Bí thư).

Sau Đại hội, Đảng ủy chỉ đạo Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện Nghị quyết 03 của Ban thường vụ Tỉnh ủy: Thành lập Ban chỉ đạo,  tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ nghị quyết 03 cũng như Quyết định 721 của UBND tỉnh  và hướng dẫn số 31 của Sở Nông nghiệp Hải Hưng về việc "khoán gọn ruộng đất, ổn định lâu dài 20 năm cho hộ nông dân". Ban chỉ đạo đã tiến hành kiểm kê các loại quỹ vốn, tài sản của HTX, kiểm kê hộ khẩu trước khi điều chỉnh ruộng. Trên cơ sở đó, điều chỉnh ruộng đất của 15/19 đội sản xuất. Cụ thể, toàn xã có 1.871 hộ, tổng khẩu quy 7.620, đất giao khoán 1.066 mẫu 9 sào, bình quân 504m2/đầu người. Ngoài đất giao khoán, còn đất công điền 55 mẫu, đất hương khói 3 mẫu 5 sào 9 thước và 19 mẫu đất lưu không đường quốc lộ số 5.

Cùng với việc giao ruộng, xã còn tiến hành phân loại đàn trâu, bò để chuyển nhượng cho nhóm hộ theo định mức sức kéo, diện tích ruộng.

Sau khi giao ruộng xong, Đảng ủy chỉ đạo chính quyền và HTX nông nghiệp kiểm tra lại toàn bộ diện tích, lập hồ sơ và làm thủ tục đề nghị Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác cho các hộ nông dân (sổ đỏ) .

Thời gian đầu tuy chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác, nhưng được nhận ruộng lâu dài, bà con nông dân Lai Cách rất phấn khởi, có ý thức trách nhiệm với ruộng đất được giao, mọi tiềm năng được khai thác và đầu tư phục vụ cho sản xuất kinh doanh, mà trọng tâm là các công trình thủy lợi, giao thông, đường điện. Được xí nghiệp thủy nông hỗ trợ kinh phí, xã xây mới một cầu, 1 cống tiêu nước trị giá 28.690.750đồng. HTX nông nghiệp đầu tư 200 triệu cùng với nhân dân đóng góp làm 15.000 mét đường giao thông bằng gạch vỉa nghiêng và đá cộn và 60 triệu xây dựng cơ bản, hàng chục triệu đồng củng cố, nâng cấp hệ thống tải điện đảm bảo đủ điện thắp sáng dân sinh và phục vụ cho chế biến lương thực, các cơ sở gò hàn, cưa xẻ...

Nhằm thực hiện cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế hộ gia đình, BCH Đảng bộ đã định hướng cho các cấp, các ngành và UBND xã hướng dẫn, tạo điều kiện về đất đai, vốn để hộ nông dân sản xuất, kinh doanh như: chế biến nông sản, dịch vụ xay sát, dịch vụ vật tư, vận tải, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá, kinh tế vườn... Kết quả: Hàng trăm hộ gia đình  đã được Hội nông dân cho vay 150 triệu đồng, Ngân hàng Nhà nước cho vay trên 20 triệu đồng, nhờ vậy các ngành nghề dịch vụ trong xã phát triển khá mạnh. Đến cuối năm 1995 toàn xã đã có 15 xe công nông, 3 xe ô tô, 17 máy xay xát, 29 lò làm mì, hàng chục cơ sở nghề mộc, cơ khí, hàn xì, xây dựng và các cửa hàng kinh doanh v.v...

Giáo dục phổ thông: Năm học 1992-1993 trường phổ thông cơ sở Lai Cách chia tách thành 2 trường: trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Cả 2 trường luôn chú trọng nâng cao chất lượng toàn diện, số học sinh bỏ học, học sinh cá biệt giảm đáng kể. Tỷ lệ học sinh lên lớp, thi hết cấp hàng năm đạt từ 97 đến 100% và hàng chục em đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Về Y tế: năm 1993 xã Lai Cách đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng trạm xá 2 tầng, có đủ phòng làm việc, phòng khám, phòng điều trị, phòng sản, phòng kế hoạch hóa gia đình, trang thiết bị khám chữa bệnh cũng được mua sắm thêm. Công tác chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm hơn

Đồng thời với đầu tư làm giao thông, thủy lợi; các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp được tích cực thực hiện, trong đó chú trọng đến giống cây trồng, vật nuôi, làm đất bằng máy chiếm 80% diện tích và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Kết quả sản xuất năm 1993, năng suất đạt bình quân 90 tạ/ha, sản lượng thóc xấp xỉ 3.600tấn, lương thực bình quân 530kg/người/ năm. Năm 1993 HTX nông nghiệp Lai Cách được UBND tỉnh tặng Bằng khen và 200.000 đồng vì có thành tích trong phong trào sản xuất, kinh doanh.

Nhằm tiếp tục đổi mới về tổ chức và quản lý HTX nông nghiệp, ngày 4-8-1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng ra Nghị quyết số 21-NQ/TU về "đổi mới tổ chức và quản lý HTX nông nghiệp" (chuyển HTX nông nghiệp sang HTX dịch vụ nông nghiệp). Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Cẩm Bình, Đảng ủy Lai Cách thành lập Ban chỉ đạo với các tiểu ban chuyên môn. HTX dịch vụ nông nghiệp Lai Cách sau thành lập đã tiến hành Đại hội xã viên để thông qua Điều lệ, đề án hoạt động kinh doanh theo thỏa thuận hợp đồng với nông dân các khâu dịch vụ về: thủy nông, phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ đồng ruộng, cơ cấu giống cây trồng, phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật và điện. Đại hội đã bầu Ban quản trị theo tinh thần gọn nhẹ, hiệu quả gồm 1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm, 1 kế toán, 1 kế hoạch và 1 thủ quỹ; Đồng chí Nguyễn Văn Lanh được bầu làm Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp năm 1994-1995, trên địa bàn tỉnh nói chung Lai Cách nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhất là về thiên tai. Trước tình hình đó, Đảng ủy  chỉ đạo UBND xã, Ban quản lý HTX dịch vụ nông nghiệp tìm mọi giải pháp để khắc phục, cung ứng kịp thời giống lúa, thuốc trừ sâu, phân bón và đảm bảo đủ nước tưới, Đồng thời động viên bà con nông dân cấy mạ trên sân, gieo vãi những chân ruộng bị chết, phun thuốc diệt trừ sâu bệnh, đánh bắt chuột và tập trung chăm bón.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, sự điều hành sát sao của UBND xã, sự phục vụ kịp thời của HTX dịch vụ và tinh thần quyết tâm, tích cực lao động của bà con nông dân, nên trong 2 năm 1994-1995 sản xuất của địa phương vẫn được giữ vững. Năng suất lúa năm 1994 đạt 83,3 tạ/ha, năm 1995 tăng lên 97,9 tạ/ha, bình quân cả 2 năm 90,6 tạ/ha, vượt 0,6 tạ/ha so với năm 1993. Tuy nhiên so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ đề ra chưa đạt (đại hội đề ra từ 95-100 tạ/ha).

Ngoài cây lúa là cây màu vụ đông, năm 1994-1995 do mưa nhiều đất bị ẩm ướt đã ảnh hưởng không nhỏ đến cây vụ đông. Nên ngay từ đầu năm, HTX dịch vụ nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất trà lúa 2 vụ hợp lý, cung ứng giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu kịp thời và làm tốt công tác tưới tiêu, nên diện tích cây vụ đông đạt kế hoạch đề ra. Toàn xã đã trồng 10 mẫu 5 sào dưa chuột suất khẩu, cho  giá trị gấp 2 lần cấy lúa, có hộ gấp tới 5 lần. Ngoài dưa chuột,  cây hành tây được trồng ở các thôn và diện tích ngô lai số 5 số 6 tăng nhanh thay dần cho cây khoai lang.

Về chăn nuôi: Nhiều hộ đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà công nghiệp, vịt siêu trứng và nuôi lợn theo công nghệ mới. Do vậy đàn gia súc, gia cầm tăng từ 15% đến 20% so với năm 1992-1993. Thực hiện chủ trương cơ giới hóa đồng ruộng, trên 80% diện tích được làm đất bằng máy, nên đàn trâu giảm nhanh, ngược lại đàn bò lại phát triển ở các thôn.

Ngành nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển đã làm cho bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống nhân dân được cải thiện một bước . Đến năm 1995, toàn xã đã có trên 90% gia đình có nhà ngói, trong đó 26,4% nhà mái bằng, cao tầng, 12,5% số hộ có xe gắn máy, 70% hộ có đài, 25% hộ có ti vi và 100% gia đình dùng điện thắp sáng.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 9-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 15-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng về việc mở Đại hội Đảng cấp huyện và cơ sở. Ngày 10-01-1996, Đảng bộ Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ XVII (nhiệm kỳ 1996 - 2000). Đại hội đã thông qua phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, an ninh, quốc phòng và công tác xây dựng Đảng đến năm 2000. Đại hội bầu 13 đồng chí vào BCH, 3 đồng chí vào Ban thường vụ, đồng chí Nguyễn Văn Mùa được bầu làm Bí thư; đồng chí Vũ Ngọc Ba và Trần Xuân Triệu là Ủy viên Ban Thường vụ.

Ngày 01-4-1997, huyện Cẩm Giàng được tái lập. Ngày 24-9-1998, Thủ tướng Phan Văn Khải ký Nghị định số 74-NĐ/CP về việc thành lập thị trấn Lai Cách trên cơ sở toàn bộ diện tích, nhân khẩu của xã Lai Cách. Thị trấn Lai Cách được thành lập đã khảng định vị thế quan trọng của địa phương là nguồn động viên khích lệ Đảng bộ và nhân dân thị trấn phát huy mọi tiềm năng của mình trong công cuộc đổi mới, xứng đáng là trung tâm chính trị của huyện Cẩm Giàng.

Thị trấn Lai Cách có 4,7km đường quốc lộ 5A, chạy song song với đường 5B, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, là tuyến đường giao thông huyết mạch của Bắc Bộ. Ngoài ra còn có các con đường xóm, liên thôn, liên xã là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế giữa các vùng, các tỉnh trong cả nước.

Khi xã chuyển lên thành thị trấn, thị trấn Lai Cách có diện tích hành chính 753,66 ha, trong đó đất canh tác là 374 ha. Dân số gồm 2.938 hộ với 11.693 nhân khẩu ở 13 thôn, trong đó khẩu nông nghiệp là 8.865 người, phi nông nghiệp 3.320 khẩu, bình quân đất sản xuất nông nghiệp thấp so với các xã trong huyện. Ngoài các cơ quan lãnh đạo của huyện Cẩm Giàng, còn có 21 cơ quan, xí nghiệp, liên doanh nước ngoài của Trung ương và của tỉnh đóng trên địa bàn thị trấn.

Kinh tế thị trấn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng do đặc điểm ruộng đất ít và vị thế có nhiều thuận lợi, nên bên cạnh sản xuất nông nghiệp, thị trấn đã từng bước phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, thị trấn còn gặp không ít khó khăn.

Đứng trước những khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã khắc phục mọi khó khăn, thi đua phấn đấu hoàn thành những mục tiêu đề ra.

Về sản xuất nông nghiệp: Đã đưa được 85% diện tích làm đất bằng máy, tạo điều kiện cho thâm canh quay vòng tăng vụ. Đồng thời tuyển chọn những bộ giống tốt có năng suất cao thay thế cho các giống cũ năng suất thấp; bố trí cơ cấu trà lúa vụ xuân, vụ mùa hợp lý phù hợp với đồng đất từng vùng, đưa tỷ lệ lúa xuân muộn từ 55% năm 1996 lên 83% năm 2000, mùa trung lên 73% là giống thuần Q5, khang dân 18; khuyến khích bón phân NPK cân đối ngay từ đầu vụ; tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật và áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, dịch hại vừa tiết kiệm được tiền bạc, vật tư, bảo vệ môi trường, đem lại hiệu quả cao. Tập thể hỗ trợ tiền và động viên nhân dân nuôi mèo, thực hiện mọi biện pháp để đánh bắt chuột và diệt ốc bươu vàng để bảo vệ mùa màng.

Bằng các biện pháp tích cực trên, tuy diện tích cây lúa năm 1999-2000 có giảm so với năm 1995 - 1996, song năng suất, sản lượng lại tăng. Năm 1999, năng suất lúa bình quân đạt 123,73 tạ/ha, năm 2000 tăng lên 127,5 tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 4.768 tấn, bình quân 590kg/người/năm. Như vậy so với kế hoạch đầu nhiệm kỳ năng suất lúa tăng 19,4 tạ/ha bằng 17,94%.

Cây vụ đông, do nhiều nguyên nhân nên kế hoạch trồng cây vụ đông không đạt được kế hoạch đề ra. Năm 1995-1996, diện tích cây vụ đông trồng 450 mẫu, đến năm 1999-2000 chỉ còn 297 mẫu 5 sào 8 thước, giảm 33,8% so với năm 1996. Cây màu vụ xuân và xuân hè cũng trong tình trạng trên: năm 1996 trồng được 27 mẫu bằng 2,6% diện tích, đến năm 2000 còn 11 mẫu 4 sào, đạt 1,09% diện tích.

Bình quân thu nhập 5 năm (1996-2000) trên ha canh tác đạt 34,14 triệu đồng, trong đó lúa 26,15 triệu đồng, cây vụ đông 7,99 triệu đồng. Hệ số sử dụng đất năm 1996 - 1998 là 2,7 lần, năm 2000 còn 2,4 lần.

Cây ăn quả, thị trấn có 10,5 ha vườn trồng 650 cây vải đã cho thu hoạch. Ngoài cây vải, còn có hàng chục ngàn các loại cây ăn quả khác. Giá trị thu nhập từ kinh tế vườn năm 2000 đạt 520 triệu đồng.

Để đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chính, Đảng ủy, chính quyền thị trấn động viên và tạo điều kiện cho các hộ gia đình đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghiệp, do vậy những năm 1995-2000 đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh. Tính đến năm 2000, tổng đàn lợn trên 1.500 con, sản lượng thịt lợn hơi mỗi năm đạt 270 tấn, cho giá trị 2.330 triệu đồng. Đàn gia cầm hàng năm nuôi từ 27.000 con đến 32.000 con, trong đó 45% là gà, vịt công nghiệp, sản lượng thịt bình quân 101,6 tấn/năm, giá trị thu được từ 1,7 đến 1,8 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên đàn trâu cày tiếp tục giảm, từ 230 con năm 1985 đến năm 2000 còn 130 con, riêng đàn bò sinh sản lại phát triển khá, mỗi năm sinh sản hàng chục bê lai cho thu nhập từ 50 đến 55 triệu đồng.

Phong trào nuôi thả cá được mở rộng ở cả 13 thôn với tổng diện tích 55 ha. Nhiều hộ đã đầu tư xây bờ ao, đi vào nuôi thả thâm canh cho hiệu quả cao hơn phương pháp nuôi quảng canh truyền thống. Do vậy sản lượng tăng nhanh, năm 1996 thu 40 tấn cá thịt, đến năm 2000 đã tăng lên 152 tấn, giá trị thu 1.140 triệu đồng. Nhìn chung, chăn nuôi  chưa thực sự trở thành ngành kinh tế chính của địa phương, song cũng là nguồn thu nhập không nhỏ đối với nhiều hộ gia đình, góp phần vào chủ trương xóa đói giảm nghèo của Đảng bộ.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và kinh tế dịch vụ thương mại: Nhiều hộ đã đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng mở rộng xưởng, mua máy móc, dụng cụ sản xuất. Đến năm 2000 thị trấn có 40 hộ làm rèn, gò, hàn, cơ khí, 10 hộ sửa chữa ô tô,  xe máy, 46 lao động làm miến, mì; hàng chục hộ mở xưởng mộc, 26 hộ chủ thầu xây dựng.... tiểu thủ công nghiệp phát triển đã thu hút trên 650 lao động. Tổng thu nhập hàng năm của sản xuất tiểu thủ công nghiệp từ 4 đến 4,5 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng thu nhập của thị trấn.

Cùng với tiểu thủ công nghiệp, kinh tế dịch vụ thương mại cũng chuyển biến tích cực. Thị trấn có 14 xe ô tô khách và ô tô tải, 14 xe công nông, 17 máy cày nhỏ, 28 máy xay xát, nghiền chế biến lương thực. Thị trấn có 316 hộ mở cửa hàng bán hàng tạp hóa, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, đồ điện dân dụng, lương thực, thực phẩm, hoa quả, bánh kẹo... Ngoài ra, thị trấn còn có 60 lao động  làm nghề bốc vác, xe ôm; 793 lao động làm công nhân ở các Công ty, xí nghiệp. Dịch vụ phát triển, số lao động tăng nhanh: Năm 1996 có 763 lao động đến năm 2000 tăng lên 1.292 lao động. Tổng thu dịch vụ năm 1996 là 9.352 triệu đồng, năm 2000 đạt 18,5 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 1996.

Về xây dựng cơ sở hạ tầng: Đảng bộ đã có Nghị quyết chuyên đề, thành lập Ban chỉ đạo, Ban giám sát chặt chẽ từng công trình. Trong xây dựng, Đảng bộ tập trung đầu tư làm đường giao thông, nâng cấp đường điện, trường học, trạm y tế. Từ năm 1996 đến năm 2000, thị trấn tiếp tục đầu từ 875.052.000 đồng, trong đó nhân dân đóng góp: 193.539.000 đồng, kinh phí địa phương 681.513.000 đồng, làm 26,9 km đường, gồm: đường ghép gạch ở các thôn, 26 tuyến ngoài đồng, rải đá cộn, lu lèn 4 tuyến, sửa chữa nâng cấp, bổ sung đá cấp phối một số tuyến khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Về điện, thị trấn đã đầu tư 136.850.000 đồng xây thêm 2 trạm biến áp ở Hội trường xã và trạm Đồng Đền - chợ, sửa chữa, thay dây mới một số đường điện ở các thôn kinh phí hàng chục triệu đồng.

Là thị trấn trung tâm của huyện, nên việc buôn bán giao lưu hàng hóa diễn ra sôi nổi, nên thị trấn đã quy hoạch chợ, đầu tư 15.559.000 đồng san lấp mặt bằng chợ Ao Bễnh, xây dựng khu vực này thành trung tâm buôn bán của thị trấn.

Thực hiện chủ trương "cao tầng hóa trường học". Từ năm 1996 đến năm 2000, thị trấn đã đầu tư 919.306.000 đồng xây 18 phòng học cho trường trung học cơ sở; 120.313.000 đồng xây 2 nhà cho trường mầm non; 120.468.000 đồng nâng cấp trường tiểu học; bàn ghế, thiết bị đồ dùng cũng được bổ sung phục vụ cho dạy và học, góp phần nâng cao  chất lượng giáo dục toàn diện.

Ngoài Điện - Đường - Trường - Trạm, được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, địa phương còn trích ngân sách và nhân dân đóng góp nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ với số tiền lên tới 547.199.000 đồng. Thị trấn còn đầu tư 61.830.000 đồng xây dựng đài truyền thanh 0 dây 31 loa; san lấp xây dựng sân vận động với kinh phí 90.352.000 đồng và 1 số công trình phúc lợi khác.

Kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng được xây dựng đã góp phần thiết thực nâng cao đời sống nhân dân thị trấn về mọi mặt. Việc ăn, ở, đi lại được cải thiện đáng kể. Năm 2000, thị trấn Lai Cách được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp bằng công nhận là đơn vị không còn nhà tranh tre vách đất; 100% gia đình được dùng điện, nước hợp vệ sinh. Phần lớn các hộ đã có xe gắn máy, phương tiện nghe, nhìn và các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Thị trấn không còn hộ đói, hộ nghèo giảm, hộ giàu tăng nhanh.

Thực hiện Nghị định 28/CP năm 2001 của Chính phủ về chính sách khen thưởng, ưu đãi người có công. Đảng ủy đã thông báo rộng rãi nội dung Nghị định tới quần chúng nhân dân; chỉ đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các thôn, khu dân cư thẩm tra, lập danh sách các đối tượng có công trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đề nghị Nhà nước khen thưởng. Kết quả có 4 bà mẹ được tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 6 du kích được truy tặng liệt sĩ chống Pháp; 4 người được tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp và 118 người được thưởng Huân, huy chương kháng chiến chống Mỹ.

Trong công tác nhân đạo, Mặt trận Tổ quốc thị trấn phối hợp với Hội chữ thập đỏ, các đoàn thể vận động nhân dân quyên góp giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là mở cuộc vận động quyên góp ủng hộ nhân dân Cu Ba anh em được 7.850.000 đồng và đồng bào vùng bị lũ lụt được hơn 10 triệu đồng.

Về giáo dục: Thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa 8) về Giáo dục - Đào tạo, với phương châm "Xã hội hóa giáo dục", đi đôi với tuyên truyền vận động giáo dục để nâng cao nhận thức; Đảng bộ, chính quyền thị trấn luôn quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, thành lập Hội đồng giáo dục do đồng chí Phó Chủ tịch UBND làm chủ tịch và Hội phụ huynh học sinh,  xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để động viên thầy, cô dạy tốt, học tốt, trò học giỏi.

Trường mầm non, số cháu trong độ tuổi vào nhà trẻ, đến lớp mẫu giáo đạt từ 60 đến 70%, riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%. Đội ngũ cô giáo mầm non được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nên chất lượng nuôi dạy trẻ ngày càng tiến bộ. Từ năm 1994 - 1995 trường đạt danh hiệu tiên tiến xuất sắc.

Giáo dục phổ thông những năm 1996-2000: thời kỳ này Lai Cách cũng là một trong những địa phương có số học sinh đỗ cao vào học các trường phổ thông trung học, thi đỗ đại học, cao đẳng tỷ lệ cao trong huyện. Năm 1996 có 94 em, năm 2000 có 146 em thi đỗ vào học trường phổ thông trung học và phổ thông trung học bổ túc; Năm 1996 có 21 em, năm 1999 có 52 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Những số liệu trên đã chứng minh chất lượng giáo dục của thị trấn ngày càng được nâng lên rõ rệt, trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1996-2000, trường trung học cơ sở luôn giữ vững danh hiệu trường tiên tiến.

Công tác y tế - dân số kế hoạch hóa gia đình: Hàng năm trạm y tế thị trấn đều tổ chức tiêm phòng cho trẻ em trong độ tuổi, phụ nữ có thai theo quy định; Tích cực tuyên truyền phòng chống các bệnh  truyền nhiễm, đặc biệt là phòng chống HIV/AIDS, bướu cổ, viêm gan B... công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em đạt kết quả tốt, năm 2000 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thị trấn hạ xuống còn 24% so với 30% trên toàn huyện.

Công tác khám, chữa bệnh: Mỗi năm trạm y tế đã khám và điều trị cho trên 2000 lượt người. Năm 1995, trạm phối hợp với bệnh viện 7 của quân khu 3 khám, chữa bệnh nhân đạo cho 715 người cao tuổi, trong đó có 70 ca chụp phim, cấp thuốc điều trị.

Những năm đầu của thập niên 1990, tỷ lệ phát triển dân số ở thị trấn khá cao. Để khắc phục tình trạng này, Ban dân số thị trấn, trạm y tế phối hợp chặt chẽ với Hội Phụ nữ và các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường công tác truyền thông dân số, vận động những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai, đồng thời có chế độ bồi dưỡng, khen thưởng những người thực hiện tốt các biện pháp tránh thai và xử phạt hành chính những ai vi phạm. Do vậy, số người đẻ dầy, sinh con thứ 3 trở lên đã giảm đáng kể, đến năm 2000 tỷ lệ phát triển dân số hạ xuống còn 0,9% , đạt mục tiêu Đại hội đề ra.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng, phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc", cấp ủy, chính quyền có nhiều biện pháp chỉ đạo thực hiện. Phong trào đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; làng văn hóa; khu dân cư tiên tiến; ông bà mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền, người hội viên gương mẫu... diễn ra sôi nổi. Kết quả: Năm 1997-1998 đã có trên 700 hộ đạt gia đình văn hóa (có 214 cấp tỉnh), năm 2000 là 1236 hộ (có 363 cấp tỉnh), ông bà mẫu mực 152 hộ.

Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cả 13 thôn đều xây dựng các quy chế, quy ước trong việc cưới, việc tang, vệ sinh môi trường, trật tự trị an và lành mạnh trong lễ hội. Thị trấn đã đầu tư kinh phí cho các thôn, khu dân cư xây dựng nhà văn hóa, sân vận động, thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các  buổi văn hóa văn nghệ vui tươi lành mạnh, các kỳ đại hội thể dục thể thao diễn ra sôi nổi. Đi đầu trong phong trào này là Hội Phụ nữ, Hội đã thành lập  8 câu lạc bộ trong đó có câu lạc bộ gia đình không có người mắc các tệ nạn xã hội, câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, câu lạc bộ thơ, hội sinh vật cảnh... Năm 1999, thôn Đìa được công nhận là Làng văn hóa đầu tiên của thị trấn.

Công tác an ninh, quốc phòng: Sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu tan rã, các thế lực thù địch  bằng mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá phong trào cách mạng thế giới, trong đó có nước ta. Trên địa bàn thị trấn tình hình an ninh trật tự cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở các khu vực: Gạch, Ngọ, Nghĩa, Ngã Tư Lai Cách, dọc Quốc lộ 5A, tỉnh lộ 194A, đường 194B từ quốc lộ 5A vào ga Cao Xá. Các dạng tội phạm tệ nạn xã hội như: trộm cắp, đánh nhau, cờ bạc, ma túy, mại dâmv.v... có chiều hướng gia tăng, trở thành những điểm nóng trong khu vực.

Trước tình hình đó, Đảng bộ đã tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng, chống âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ và các thủ đoạn phá hoại của mọi thế lực thù địch, tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ, đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", củng cố lực lượng công an, mở rộng  mạng lưới an ninh trong các khu dân cư, quản lý hộ tịch, hộ khẩu chặt chẽ theo tinh thần Nghị định 51/CP của Chính phủ, bảo vệ từ cơ sở thôn, khu dân cư đến thị trấn, nội bộ nông thôn nhân dân ổn định. Hầu hết nhân dân đã chấp hành  tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật.

Thực hiện chương trình "Quốc gia phòng chống tội phạm", chương trình "Phòng chống ma túy", được quần chúng nhân dân giúp đỡ, lực lượng an ninh thị trấn phối hợp với các  ngành chức năng tấn công truy quét tội phạm, triệt phá các ổ nhóm tệ nạn xã hội, nhất là các  điểm nóng gắn với quản lý, cảm hóa giáo dục những người lầm lỗi và mắc các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Kết quả từ năm 1995 đến năm 2000 Lai Cách đã đưa 32 đối tượng đi cai nghiện tập trung; giải quyết 36 vụ vi phạm, chuyển lên công an huyện giải quyết 50 vụ.

Đảng ủy chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các ban ngành đoàn thể làm tốt công tác hòa giải, chủ động kịp thời giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong khu dân cư trên tinh thần "Tình làng nghĩa xóm"; gắn việc xây dựng khu dân cư an toàn với xây dựng làng văn hóa, khu dân cư tiên tiến. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên tinh thần trách nhiệm cao. Ban công an còn xây dựng chương trình hành động phối hợp với Đoàn thanh niên, các nhà trường để ngăn ngừa các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, ngăn ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.

Thị trấn Lai Cách có nhiều đường giao thông chạy qua, để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra, Đảng bộ, UBND thị trấn đã triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị định, Chỉ thị và Pháp lệnh của Chính phủ, nhất là Nghị định 36/CP "Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và an toàn giao thông đô thị"; Nghị định 106/CP, Pháp lệnh 406/CP "Cấm tàng trữ, vận chuyển buôn bán và đốt pháo". Mặc dù tình hình diễn biến phức tạp, tội phạm về tệ nạn xã hội gia tăng, nhưng với quyết tâm của các cấp, các ngành, sự chung sức chung lòng của nhân dân, tội phạm, tệ nạn xã hội từng bước bị đẩy lùi, trên địa bàn thị trấn an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cuộc sống hòa bình của nhân dân, phải thường xuyên củng cố, tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang từng bước chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước, là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân. Nhận thức rõ điều đó, Đảng bộ, chính quyền thị trấn tăng cường giáo dục ý thức quốc phòng toàn dân; triển khai thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ, Pháp lệnh dự bị động viên của Chính phủ; thành lập chi bộ dân quân thường trực để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng  vũ trang địa phương.

Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và Ban chỉ huy huyện đội Cẩm Giàng, Ban chỉ huy quân sự thị trấn xây dựng lực lượng dân quân thường trực, lực lượng dự bị động viên, trung đội phòng không 12,7 li, thông tin, vận tải, xây dựng các phương án bảo vệ, nhất là bảo vệ nội bộ, bảo vệ khu vực, sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu theo chỉ lệnh và tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn. Hàng năm thị trấn duy trì tốt các đợt huấn luyện quân sự cho dân quân thường trực, dự bị động viên, đưa sĩ quan, chiến sỹ đi huấn luyện binh chủng và tổ chức diễn tập theo phương án A2.

Về khám tuyển nghĩa vụ quân sự, thị trấn đã làm tốt công tác quản lý thanh niên theo độ tuổi và thực hiện nghiêm túc gọi thanh niên đi khám tuyển cũng như nhập ngũ. Nên hàng năm thị trấn đều hoàn thành chỉ tiêu trên giao, đảm bảo cả về quân số,  chất lượng, thời gian giao quân đúng luật. Cùng với công tác tuyển quân, thị trấn luôn thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, chăm lo đời sống cho thương binh, liệt sĩ, người có công, trong đó tổ chức trọng thể việc tiếp nhận và đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang địa phương.

Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, 15 năm qua (1986-2000), Đảng bộ và nhân dân thị trấn Lai Cách đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, đời sống xã hội. Đây chính là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân thị trấn vững bước tiến vào thế kỷ XXI với niềm tin vào thắng lợi lớn hơn để xây dựng thị trấn trở thành một đô thị phát triển toàn diện theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (4-2001) là tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới.

Với niềm tin trên, ngày 19-9-2000 Đảng bộ thị trấn Lai Cách tổ chức Đại hội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2000-2005. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu về kinh tế - xã hội đều tăng so với Đại hội XVII (1996-2000).

Căn cứ vào số lượng đảng viên, Đại hội đã quyết định và bầu 15 đồng chí vào BCH Đảng bộ, trong đó có 5 đồng chí là ủy viên thường vụ. Đồng chí Vũ Ngọc Ba được bầu làm Bí thư, các đồng chí: Trần Xuân Triệu, Vũ Xuân Việt, Nguyễn Văn Lanh và Mai Xuân Lợi là ủy viên Thường vụ.

Để hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi theo hướng kiên cố hóa, được nhà nước hỗ trợ 50%, từ năm 2001 đến 2005, thị trấn đầu tư 1.954.648.558 đồng xây dựng hơn  4,474 km kênh bê tông. Ngoài ra còn nạo vét, tôn cao,  củng cố hệ thống máng tưới nước cho các khu đồng và hệ thống cống tưới tiêu, bờ vùng với khối lượng trên 10.000m3/năm.

Phong trào làm đường giao thông nông thôn được triển khai ở 13 thôn, khu dân cư. Trong giai đoạn I đã làm được 5,35km đường bê tông trị giá 1.636.070.000 đồng, từ tháng 7-2005 tiếp tục triển khai giai đoạn II. Các tuyến đường nội đồng tiếp tục được tu bổ, tôn cao, mở rộng đảm bảo cho xe cơ giới, xe thô sơ vận chuyển hàng hóa, từng bước giải phóng đôi vai cho người lao động.

Theo quy hoạch của thị trấn đến năm 2010. Từ năm 2001 đến tháng 6/2005, thị trấn đã bàn giao cho 37 đơn vị doanh nghiệp, công ty, cơ quan, khu, cụm công nghiệp tổng số 94,45 ha, trong đó đất 2 lúa 82,05 ha, đất thủy lợi, giao thông 12,4 ha.

Việc thành lập các khu dân cư: Căn cứ Quyết định số 1022-QĐ/UBND ngày 25-4-2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc thành lập 7 khu dân cư mới thuộc thị trấn Lai Cách gồm: khu 14, khu 15, khu 16, khu 17, khu 18, khu 19, khu 20. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn, từ cuối năm 2001 cả 7 khu dân cư đều được thành lập và đi vào hoạt động cùng với các thôn của thị trấn.

Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, tháng 8-2003 thị trấn đã hoàn thành việc dồn ô đổi thửa và hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác cho người lao động.

Để giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả cao, giảm chi phí lao động, Ban chấp hành Đảng bộ chỉ đạo đưa cơ giới vào sản xuất đạt 93% diện tích cày bừa bằng máy. Đồng thời xây dựng cơ cấu giống lúa hợp lý, trong đó tập trung tỷ lệ vào xuân muộn, mùa sớm và đưa các giống lúa có năng suất cao, phù hợp với đồng đất địa phương như: Q5 nguyên chủng, giống lúa cấp I, Kháng vằn, Khang dân 18, X 21, Xi 23 vào gieo cấy đại trà, đảm bảo 90% diện tích gieo vãi.

HTX dịch vụ nông nghiệp đã làm tốt các khâu dịch vụ theo thỏa thuận. HTX đã cung cấp đầy đủ giống, phân bón, thuốc trừ sâu đảm bảo chất lượng, kịp thời, giá cả lại thấp hơn thị trường. Ban quản trị còn chủ động liên hệ với các Công ty Giống cây trồng, trạm khuyến nông huyện chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho mỗi loại cây, con gia súc, gia cầm cho nông dân.

Sản xuất của thị trấn các năm 2001 - 2005, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, việc điều hành quyết liệt của UBND, tinh thần tích cực lao động của bà con nông dân, năng suất, sản lượng còn thấp, song nhìn chung trong 5 năm sản xuất nông nghiệp vẫn đạt kế hoạch đề ra. Năm 2004, thị trấn triển khai thực hiện đề án xây dựng cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm của tỉnh ủy Hải Dương tại thôn Bễ và thôn Tiền bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Sản xuất vụ đông: Tuy không đạt kế hoạch về diện tích, song giá trị thu nhập trên sào lại tăng, do thực hiện đề án đưa tiến bộ giống cây và tiến bộ kỹ thuật vào gieo trồng trong sản xuất nông nghiệp của Đảng bộ đề ra và tận dụng lợi thế của thị trường tiêu thụ, góp phần đưa giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt bình quân 42,5 triệu đồng/ha/hăm.

Về chăn nuôi: Bên cạnh việc động viên các hộ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, thị trấn còn làm tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm hạn chế được dịch bệnh xảy ra. Do vậy mà chăn nuôi tăng khá nhanh. Khâu làm đất hầu như do máy móc đảm nhiệm, nên đàn trâu tiếp tục giảm. Riêng đàn bò lại phát triển tốt với tổng đàn hàng trăm con, chủ yếu là bò lai sinh sản, cho thu nhập mỗi năm 40-50 triệu đồng.

Đàn lợn được phát triển, có nhiều hộ nuôi lợn theo phương pháp công nghiệp, mỗi lứa trên 10 con, tốc độ lớn nhanh, mỗi lứa chỉ từ 2,5 đến 3 tháng. Thị trấn có tổng đàn lợn luân chuyển đạt 6.200 con, tăng 1.500 con so với kế hoạch. Đàn lợn giống duy trì 450 con được lai tạo giống F1 và siêu nạc, đảm bảo đủ lượng giống cho chăn nuôi trong địa bàn thị trấn. Hàng năm tổng sản lượng thịt xuất chuồng đạt 487,9 tấn.

Về đàn gia cầm: Nhiều hộ đã đầu tư nuôi gà ta công nghiệp và thả vườn. Đàn gà, ngan, vịt, công nghiệp được chú trọng chăn nuôi cả về số lượng con, số lứa quay vòng/năm. Tổng đàn luân chuyển mỗi năm đạt 6,5 vạn con, vượt 500 con so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, đầu năm 2004 dịch cúm gia cầm lan rộng, dẫn đến số lượng gia cầm công nghiệp giảm.  Chính quyền các cấp thực hiện nhiều biện pháp dập tắt dịch, hướng dẫn các hộ vệ sinh chuồng trại và hỗ trợ thiệt hại, nên từ cuối năm 2004 và năm 2005 chăn nuôi đã được phục hồi. Tổng sản lượng thịt gia cầm đạt 159,9 tấn/năm.

Về nuôi thả cá: Bà con đã tận dụng ao, đầm mặt nước nuôi thả 45 ha. Năm 2003, thị trấn cho chuyển đổi 8,5 ha diện tích vùng trũng sang đào ao thả cá, nên diện tích nuôi thả cá là 53,5 ha. Các hộ nuôi thả cá đã đầu tư xây dựng ao đầm, con giống, thức ăn để tăng số lần nuôi và số lần thu/năm. Bình quân 1 sào ao thu trên 135kg cá/năm. Tổng sản lượng cá nuôi và cá đồng hàng năm đạt 228,5 tấn.

Thị trấn là trung tâm của huyện, giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt là điều kiện để thị trấn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại. Đảng bộ, chính quyền thị trấn thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các ngành dịch vụ thương mại phát triển.

Nhờ những chủ trương đúng đắn, chính sách phù hợp đã thúc đẩy tiểu thủ công nghiệp địa phương phát triển, tổng giá trị hàng năm tăng 12%. Các cửa hàng cơ khí nhỏ được phát triển đa dạng về sản phẩm, nhóm hàng. Các cơ sở chế biến mì, làm mộc, rèn, nhôm kính, đồ gia dụng sản xuất cơ bản bằng máy móc, chất lượng cao, giá thành hạ được giao lưu buôn bán trong cả huyện, được khách hàng ưa chuộng. Có những mặt hàng phục vụ xây dựng trang trí công trình đã vươn ra ngoài huyện và tỉnh, có hợp đồng trị giá trên 100 triệu đồng. Đây là bước tiến lớn của ngành tiểu thủ công nghiệp thị trấn, đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ.

Cũng như sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cũng có bước phát triển tích cực. Toàn thị trấn có 815 hộ mở cửa hàng làm dịch vụ buôn bán vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, thức ăn gia súc, bảo vệ thực vật, lương thực, thực phẩm, điện dân dụng, hàng tạp hóa v.v... Các mặt đa dạng phong phú đã đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong và ngoài thị trấn.

Các hoạt động dịch vụ vận tải, thông tin liên lạc, xay xát, tuốt lúa, ăn uống, cho thuê bàn ghế, bát đĩa, phông bạt phục vụ các đám hiếu hỉ...  đã đáp ứng được yêu cầu thiết yếu của nhân dân. Trên địa bàn thị trấn có một số công ty, xí nghiệp trong và ngoài nước đã mở ra hướng phát triển mới của địa phương, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Song, bên cạnh đó không ít những thách thức về vệ sinh môi trường, tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, tội phạm.v.v... đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền phải có những biện pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trên.

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình là việc làm thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền, trạm y tế, các ngành giới thị trấn. Được nhà nước hỗ trợ kinh phí cùng với ngân sách địa phương thị trấn tiếp tục đầu tư gần 200 triệu đồng xây mới, nâng cấp trạm y tế đảm bảo đủ phòng khám, điều trị, giường bệnh, phòng làm việc, phòng trực của cán bộ, nhân viên cùng các trang thiết bị, máy móc, thuốc men được bổ sung hàng năm, đảm bảo tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tuyến cơ sở.

Nhìn chung, kinh tế, văn hóa - Xã hội ở thị trấn Lai Cách trong 5 năm (2000-2005) tiếp tục phát triển tương đối toàn diện và vững chắc. Tuy nhiên nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế: nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - Dịch vụ, thương mại (43,25-17,9-38,85).

Để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tạo những bước phát triển kinh tế mạnh mẽ của thị trấn, ngày 10 - 9 - 2005, Đảng bộ tổ chức Đại hội lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2005-2010. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cho nhiệm kỳ 2005 - 2010

Đại hội đã bầu 14 đồng chí vào BCH Đảng bộ, trong đó có 5 đồng chí là Ban thường vụ. Đ/c Vũ Ngọc Ba được bầu lại làm bí thư; các đồng chí: Trần Xuân Triệu, Nguyễn Văn Lanh, Nguyễn Trọng Thanh và  Mai Xuân Lợi là ủy viên Ban Thường vụ.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội và quán triệt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng, thực hiện Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa Nông nghiệp - Nông thôn, BCH Đảng bộ chỉ đạo xây dựng chương trình phát triển kinh tế gồm 5 đề án, trong đó đề án cánh đồng đạt trên 50 triệu đồng/ha  đất nông nghiệp/năm. Kết quả thu bình quân 1 ha đạt 108 triệu đồng/năm, hộ cao nhất tới 170 triệu đồng/1 ha/năm. Năng suất lúa bình quân 126,31 tạ/ha, vượt 1,31 tạ/ha so với mục tiêu Đại hội đề ra. Tuy nhiên sản lượng lương thực giảm nhiều so với những năm trước đây vì diện tích canh tác giảm do thị trấn tiếp tục bàn giao 70,32 ha, trong đó có 57,7 ha lúa 2 vụ cho các cơ quan, công ty, doanh nghiệp.

Về chăn nuôi: Những năm gần đây, dịch cúm gia cầm  H5N1, lở mồm long móng đàn trâu bò, dịch tai xanh ở đàn lợn thường xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Để ngăn ngừa dịch bệnh, UBND thị trấn chỉ đạo ban thú y thực hiện nghiêm túc pháp lệnh thú y, tổ chức tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo mùa vụ; hướng dẫn các hộ thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Do vậy trên địa bàn thị trấn không có dịch bệnh lớn xảy ra đối với đàn gia súc gia cầm.

Đàn trâu, bò: tuy đàn trâu giảm, nhưng đàn bò vẫn duy trì trên 70 con. Đàn lợn luân chuyển trong năm từ 5.000 - 5.5000 con, so với kế hoạch đề ra giảm trên dưới 1.000 con, nhưng tổng trọng lượng xuất chuồng lại vượt 74 tấn (kế hoạch đề ra 360 tấn). Đàn gia cầm luôn giữ vững từ 6 đến 6,4 vạn con, sản lượng mỗi năm 160 tấn thịt. Diện tích nuôi thả cá giảm còn 40 ha (năm 2005 là 53,5), thu hàng năm 230 tấn cá thịt.

Sản xuât tiểu thủ công nghiệp: Tăng hàng năm bình quân 15%. Ngoài các ngành nghề cũ được đầu tư mở rộng, trang bị thêm máy móc để sản xuất, một số hộ thành lập doanh nghiệp tư nhân đầu tư hàng chục tỷ đồng để mở rộng cơ sở sản xuất, phát triển thêm một số ngành nghề mới để phục vụ nhân dân địa phương cũng như trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn có thu nhập cao.

Thương mại - dịch vụ: Đã có  1.351 người mở cửa hàng, cửa hiệu buôn bán các loại vật tư, thức ăn gia súc, lương thực thực phẩm, vải vóc, quần áo, hàng tạp hóa... thời kỳ này đã xuất hiện các cửa hàng buôn bán xe máy, vàng bạc đá quý v.v... Về dịch vụ, ngoài các dịch vụ cũ được mở rộng, nhất là các hoạt động vận tải số ô tô ngày một nhiều, thì dịch vụ nhà trọ cho công nhân các công ty, doanh nghiệp, học sinh các trường đóng trên địa bàn thuê ở cũng phát triển khá nhanh. Tại 20 thôn, khu dân cư đã hình thành 4 điểm bán hàng và chợ Lai Cách trở thành cầu nối tiêu thụ hàng hóa cho nhân dân thị trấn và các xã bạn... kinh tế dịch vụ bình quân tăng 20%/năm, vượt 5% so với mục tiêu đề ra.

Nhìn tổng thể kinh tế thị trấn Lai Cách đã có bước phát triển khá lớn so với những năm 90 cuối thế kỷ XX. Song, những năm gần đây do tác động của cơ chế thị trường, sự suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính, tiền tệ đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế nước ta nói chung, thị trấn nói riêng. Mặt khác, thiên tai khắc nghiệt dịch bệnh, giá vật tư, xăng dầu, điện tăng, ngược lại giá nông sản thấp, thị trường tiêu thụ hạn hẹp đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển kinh tế và quản lý xã hội của thị trấn. Trong khi đó công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, quản lý điều hành của chính quyền còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu biện pháp, giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế, trong quản lý nhà nước về đất đai. Do vậy đã lúng túng trước khó khăn, không có giải pháp đồng bộ đưa kinh tế phát triển toàn diện, vững chắc tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Ngày 11-6-2010, Đảng bộ thị trấn Lai Cách tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010-2015). Đại hội tập trung phân tích, chỉ rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan của các mặt hạn chế nhiệm kỳ vừa qua. Thảo luận và thông qua phương hướng, nhiệm vụ, các mục tiêu, giải pháp được thực hiện trong 5 năm tới (2010-2015), quyết tâm tăng tổng sản phẩm xã hội (GDP) lên 11%/năm. Phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế: nông nghiệp - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng là 25% - 30%-45%; cơ cấu lao động trong các ngành nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ đạt: 30% - 30% - 40%; thu nhập đầu người từ 18 đến 20 triệu đồng/năm.

Đại hội đã bầu BCH đảng bộ gồm 16 đồng chí, trong đó có 5 đồng chí là Ủy viên Ban thường vụ. Đồng chí Nguyễn Trọng Thanh được bầu làm Bí thư; các đồng chí: Vũ Ngọc Ba, Nguyễn Văn Lanh, Mai Xuân Lợi và Mai Xuân Quyền là ủy viên thường vụ.

Để thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội đề ra, BCH Đảng bộ đã xác định cơ sở hạ tầng là bà đỡ của nền kinh tế và đời sống xã hội. Vì vậy, từ năm 2005 đến 2015, thị trấn đã lấy phát huy nội là chính, khai thác nguồn thu về đất và sự hỗ trợ của nhà nước, đầu tư 25.141.008.609 đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó tiếp tục bê tông hóa 6.265,5 mét đường bê tông; xây nhà làm việc của Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, các đoàn thể; xây dựng trường học, nhà văn hóa, sân vận động ở các thôn, khu dân cư...

Về sản xuất nông nghiệp. Ngay từ đầu nhiệm kỳ XX, BCH Đảng bộ giao cho Ban quản trị HTX dịch vụ nông nghiệp xây dựng Đề án "Quy hoạch, phát triển vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2010-2015". HTX điều hành dịch vụ làm đất bằng máy đạt trên 95% diện tích canh tác, đảm bảo gieo cấy đúng lịch thời vụ. Xây dựng cơ cấu diện tích từng trà lúa, cây mầu, tập trung chỉ đạo xuân muộn, mùa sớm, thực hiện gieo vãi 95% diện tích. Đồng thời cung cấp đầy đủ lượng thóc giống, phân bón, thuốc trừ sâu; chỉ đạo tổ đánh chuột và đầu tư từ 10-15kg thuốc Rát K2 cho các thôn phối hợp đánh bắt diệt chuột bảo vệ sản xuất lúa, màu. Năng suất lúa bình quân 123 tạ/ha, sản lượng lương thực 1.869,6 tấn, bằng 98% mục tiêu đại hội đề ra.

Nhằm thực hiện mục tiêu "100 triệu đồng/ ha/năm". Đảng ủy, chính quyền chỉ đạo chuyển đổi diện tích cấy lúa sang trồng mầu chuyên canh, luân canh nhiều vụ trong năm như: cây đào ở thôn Tiền; rau màu ở thôn Bễ, thôn Bầu, thôn Ngọ với các loại rau xanh, bí đao, bí ngô... Sản xuất cây rau mầu bình quân hàng năm đạt 12% tổng diện tích canh tác. Giá trị đạt được 1 ha đất nông nghiệp 121 triệu đồng/năm, tăng 21 triệu đồng/ha so với mục tiêu Đại hội đề ra.

Sản xuất nông nghiệp trong các năm 2010-2015 cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, trong đó có những mặt còn vượt kế hoạch. Bên cạnh việc thực hiện cơ cấu mùa vụ, trà lúa hợp lý, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, thị trấn còn làm tốt công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai úng, bão, đầu tư hỗ trợ thủy lợi cho nông dân. Các tuyến mương máng, cống tưới, tiêu nước thường xuyên được tu bổ, nạo vét, mỗi năm đào đắp từ 3000 m3 đến 5.000m3 thủy lợi nội đồng, thủy lợi nhà nước. Địa phương còn tổ chức khoanh cao, đắp trũng tuyến sống Đò Cậy - Tiên Kiều. Nhờ vậy đã đảm bảo đủ nước, kịp thời cho sản xuất.

Ngành chăn nuôi: Những năm trước đây hầu hết các gia đình đều chăn nuôi, nhưng hiện nay chỉ tập trung vào một số hộ. Do vậy, tổng đàn các loại so với trước năm 2005 đều giảm. Đàn trâu bò hiện có 35 con, chủ yếu là bò. Đàn lợn luân chuyển bình quân từ 4000-4500 con lợn thịt, 50 con lợn nái. Đàn gia cầm từ 5 vạn đến 5,5 vạn con. Tổng sản lượng thịt lợn 368 tấn/năm, gia cầm 130 tấn/năm. Diện tích nuôi thả cá cũng giảm, sản lượng thu mỗi năm 184 tấn.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng khá cao, bình quân 14,6%/năm. Dịch vụ thương mại được giữ vững với 1256 lao động tham gia, tăng trưởng bình quân 17,5%/năm. Do tiểu thủ công nghiệp - Dịch vụ phát triển đã làm biến đổi tích cực cơ cấu kinh tế. Năm 2010, nông nghiệp chiếm 37,6%, tiểu thủ công nghiệp bằng 20%, dịch vụ thương mại bằng 42,4%; đến năm 2015 tỉ lệ là: 30,96% - 21,6% - 47,44%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế các năm 2010 - 2015 bình quân 11%/năm; thu ngân sách tăng 5%/năm.

Đánh giá về phát triển kinh tế thị trấn 5 năm (2010-2015), Đại hội Đảng bộ thị trấn Lai Cách lần thứ XXI (18/5/2015) (1) đã chỉ rõ: "Tuy đã đạt được một số thành tựu quan trọng, song vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Đó là: Việc triển khai các chương trình Đề án về kinh tế hiệu quả chưa cao,  chưa khai thác phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về đất đai, vốn, lao động, địa bàn thị trấn. Tiểu thủ công nghiệp - Dịch vụ còn nhỏ lẻ, chợ trung tâm xây dựng  còn nhiều bất cập, chưa đưa vào sử dụng".

Hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp. Dịch vụ về giống, vật tư cho sản xuất còn kém hiệu quả. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cây vụ đông thực hiện chưa đạt yêu cầu so với  kế hoạch. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều; chưa xây dựng được nhiều vùng sản xuất cây có giá trị kinh tế cao, có năng suất, chất lượng. Diện tích bỏ không gieo cấy có chiều hướng gia tăng... Đại hội đã đề ra các giải pháp chính để khắc phục những tồn tại yếu kém, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện, vững chắc, hòa nhập cùng kinh tế chung của đất nước.

Song song với tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ thị trấn luôn coi trọng công tác văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ từ năm 2000 đến năm 2015 đều xác định tầm quan trọng của việc chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục mang tính lâu dài. Thực hiện Đề án "Xã hội hóa giáo dục" và nghị quyết của Đảng bộ về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng giáo dục", BCH Đảng bộ đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) và Nghị quyết Trung ơng 6 (khóa IX) đạt kết quả tốt. Với chủ trương "Cao tầng hóa trường học" trong 15 năm (2001-2015) thị trấn đã huy động các nguồn lực tài chính và nhân dân đóng góp gần 6 tỷ đồng và hàng ngàn công lao động xây dựng thêm 35 phòng học cao tầng, các phòng chức năng, phòng hiệu bộ, phòng làm việc của giáo viên các trường; lát sân trường, xây cổng trường, xây hàng rào bao quanh cho trường trung học cơ sở, 2 trường tiểu học và trường mầm non. Bên cạnh đó còn mua trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, bàn ghế... phục vụ công tác giảng dạy, học tập, vui chơi cho học sinh phổ thông và các cháu mẫu giáo, nhà trẻ trị giá gần 4 tỷ đồng.

Quán triệt sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các trường học ở thị trấn đã chú trọng giáo dục kiến thức văn hóa kết hợp với giáo dục đạo đức và rèn luyện sức khỏe cho học sinh nhằm đáp ứng chương trình cải cách giáo dục. Cả 4 nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao kiến thức, chống chủ nghĩa hình thức, dạy chay. Năm học 2006-2007,  ngành giáo dục thị trấn tích cực thực hiện cuộc vận động: "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" và hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", cuộc vận động: "Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học sinh noi theo" gắn với phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt". Kết quả, chất lượng dạy và học của các trường đã phản ánh đúng thực tế.

Với sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền, MTTQ, các Ngành, đoàn thể; ngành giáo dục thị trấn những năm 1990-2005 đã đạt được những thành tích cao, được UBND tỉnh, Sở Giáo dục - Đào tạo tặng Bằng khen và cờ thi đua; UBND huyện và phòng giáo dục - Đào tạo tặng giấy khen. Đến năm 2015 cả 3 trường (Lai Cách 1, Lai Cách 2 và trường THCS Lai Cách) đều được công nhân là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Chất lượng giáo dục ngày càng tiến bộ. Công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên được các nhà trường quan tâm thường xuyên, đến năm 2015 tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trường tiểu học và trung học cơ sở đạt 100% trường mần non đạt 95%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở thi vào trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông đạt 85%. Số trẻ trong độ tuổi đến trường mầm non hàng năm đạt 70,38%, trong đó trẻ 5 tuổi là 100% và đều đủ điều kiện vào học lớp 1. Số học sinh giỏi các cấp, học sinh đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Trung bình mỗi năm thị trấn có từ 55 đến 70 em vào học các trường đại học, cao đẳng và hàng chục em khác học các trường dạy nghề. Cả 4 nhà trường liên tục đạt danh hiệu trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc, năm học 2014-2015, trường tiểu học I, trường tiểu học II, trường trung học cơ sở luôn giữ vững trường chuẩn quốc gia. Từ năm 2005, thị trấn đã  hoàn thành công tác phổ cập giáo dục Tiểu học, Trung học cơ sở, Mầm non, 13 năm liên tục đạt xã có phong trào giáo dục tiên tiến của huyện. Năm 2004 thị trấn được tặng thưởng Huân Chương lao động hạng Ba về công tác giáo dục.

Công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài được Đảng ủy quan tâm chỉ đạo. Công tác xã hội hóa giáo dục ngày càng đi vào chiều sâu với những hoạt động thiết thực. Hội cha mẹ học sinh vận động nhân dân lao động xây dựng trường lớp, đóng góp mua quạt điện, bóng đèn thắp sáng, trồng cây xanh tạo môi trường giáo dục "Xanh, sạch, đẹp". Các thôn, khu dân cư, dòng họ, trường học, công đoàn có quỹ khuyến học mỗi năm trao thưởng từ 80 đến 85 triệu đồng; thị trấn trao thưởng vào ngày 3/9 hàng năm cho các thầy, cô giáo, học sinh có thành tích trong năm học và học sinh thi đỗ vào trường đại học. Đối với những học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cũng được các cấp, các ngành, hội khuyến học, nhà trường quan tâm giúp đỡ như tặng quần áo, sách vở, xe đạp... để động viên các em vươn lên vượt khó học giỏi. Những việc làm tình nghĩa trên là nguồn động viên to lớn các em say mê học tập để trở thành người có đức, có tài phục vụ đất nước, làm rạng rỡ cho gia đình, dòng họ và quê hương.

Về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thời kỳ này đội ngũ cán bộ, nhân viên của trạm y tế có trình độ chuyên môn cao hơn. Trạm có một bác sĩ, còn lại đều có trình độ trung cấp, cao đẳng y, dược. Trung bình mỗi năm trạm đã khám, điều trị từ Từ 10.000 đến 11.000 lượt người; tư vấn sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách xã hội, đối tượng bảo hiểm y tế, người có công, người nghèo, người cao tuổi, các cháu trường mầm non. Ngoài trạm y tế, chính quyền còn quản lý chặt chẽ các cơ sở  y tế tư nhân đưa các cơ sở này vào hoạt động có hiệu quả, đúng pháp luật chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Đi đôi với khám, chữa bệnh, trạm y tế còn thực hiện đầy đủ các chương trình y tế quốc gia. Tổ chức tiêm phòng vác xin phòng các bệnh, trong đó có bệnh sởi rubela cho trẻ em dưới 60 tháng tuổi, phụ nữ có thai đạt 100%; khám miễn phí và truyền thông về công tác chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ có thai, trẻ em dưới 6 tuổi; các chương trình phòng chống lao, bướu cổ, mù lòa...; chương trình y tế học đường, chương trình chống suy dinh dưỡng ở trẻ em v.v... Đến năm 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thị trấn đã giảm xuống còn 12,2% (năm 2001 là 24%). Cán bộ trạm còn thường xuyên tư vấn cho những người nhiễm HIV sử dụng thuốc uống theo định kỳ. Xây dựng chương trình phòng chống thương tích cho trẻ em.

Trạm thường xuyên phối hợp với đài truyền thanh thị trấn, các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền giáo dục sức khỏe cộng đồng, truyền thông lồng ghép sức khỏe với kế hoạch hóa gia đình; động viên mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường, thường xuyên dọn đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng, khơi thông cống rãnh thoát nước, phòng chống HIV/AIDS, dịch cúm A (H5N1), A (H1N1)... Đến nay một số thôn, khu dân cư đã có vị trí xử lý rác thải, đều có lao động thu gom rác đưa về nơi quy định.

Để thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình Đảng ủy, chính quyền chỉ đạo Ban dân số phối hợp với trạm y tế, Hội phụ nữ, các ban ngành, đoàn thể Chính trị - Xã hội thực hiện công tác tuyên truyền dân số, tổ chức hội thảo, thành lập câu lạc bộ "Không có người sinh con thứ 3 trở lên", tuyên truyền vận động mọi người, nhất là những người trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai, đảm bảo tiêu chí "Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con". Tuy nhiên do công tác tuyên truyền làm chưa thường xuyên, quản lý nhiều khi còn buông lỏng, nên tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên của thị trấn những năm gần đây có chiều hướng gia tăng và không đạt được mục tiêu do Đại hội Đảng bộ đề ra. Năm 2001-2005, tỷ lệ phát triển dân số là 0,94% năm 2010-2015 tăng lên 1,36% (mục tiêu Đại hội là 0,9%).

Đời sống Văn hóa - Xã hội: Đảng bộ và nhân dân thị trấn, trong nhiều năm qua luôn cố gắng thực hiện các chính sách xã hội, trong đó tập trung vào công tác tạo việc làm xóa đói giảm nghèo. Cùng với việc tạo vốn, mặt bằng, khuyến khích các hộ phát triển kinh tế gia đình, chính quyền thị trấn còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tạo điều kiện cho hàng ngàn lao động có việc làm, trong đó 518 người đi lao động, làm việc ở nước ngoài. Nhờ vậy, thu nhập của người dân tăng nhanh, đời sống được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2014 giảm xuống còn 2,55%, năm 2015 đã có 100% các hộ gia đình dùng điện thắp sáng và nước sạch.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Nghĩa trang liệt sĩ được coi trọng giữ gìn, tu sửa để thân nhân liệt sĩ, cán bộ và nhân dân đến thăm viếng, hương khói. Từ năm 2009 đến năm 2015, cứ vào ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân thị trấn tổ chức lễ dâng hương, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Cuộc vận động quyên góp xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được duy trì, quyên góp giúp đỡ những người bị nhiễm chất độc hóa học, tặng sổ tiết kiệm, làm nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Hàng năm đại diện Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gia đình liệt sĩ, anh chị em thương, bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam, người bị địch bắt tù đầy vào dịp tết Nguyên đán, ngày thương binh - liệt sĩ, tạo nên phong trào đền ơn đáp nghĩa sâu rộng trong mọi tầng lớp  nhân dân.

Thực hiện các chính sách và chế độ kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Thị trấn đã xét, đề nghị nhà nước giải quyết chế độ cho bộ đội chống Pháp đã về phục viên, xuất ngũ trước ngày 31-12-1960 theo Quyết định 47/CP; trợ cấp ưu đãi cho những người đã được thưởng huân, huy chương chống Pháp, chống Mỹ và người có công đã từ trần trước ngày 31-12-1994. Xét và đề nghị nhà nước giải quyết chế độ theo Quyết định 142/CP cho 257 quân nhân đã phục viên, xuất ngũ hưởng chế độ, trong đó có 252 đối tượng hưởng trợ cấp 1 lần, 5 đối tượng hưởng chế độ hàng tháng; 217 quân nhân tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới hưởng trợ cấp 1 lần, và hàng chục đối tượng hưởng chế độ theo quyết định 290/CP đối với dân quân tự vệ tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ thời kỳ 1965-1973, những quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ và con của nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/Điôxin.

Đặc biệt ngày 27 tháng 02 năm 2002 thị trấn Lai Cách được Đảng, Chủ tịch nước quyết định phong tặng danh hiệu. Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang, vì có thành tích xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây là niềm vinh dự, tự hào của cán bộ và nhân dân thị trấn, là nguồn động viên to lớn để địa phương vươn lên giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới của Đảng.

Thực hiện cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và đế án "Xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa" tạo sự chuyển biến rõ nét đối với đời sống văn hóa, tinh thần cộng đồng dân cư. Kết quả, 20/20 thôn- khu dân cư có quy ước lành mạnh hóa trong việc cưới, việc tang, hoạt động tôn giáo, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, trật tự an toàn xã hội... Đến năm 2017, thị trấn đã có 12/20 thôn - khu dân cư được công nhận là làng văn hóa (8 thôn: Đìa, Năm, Bễ, Bầu, Doi, Lẻ, Hoàng Đường, Trằm; 4 khu dân cư: Khu 14, Khu 15, Khu 17. Khu 19), khu dân cư văn hóa; số gia đình đạt gia đình văn hóa hàng năm đều tăng. Năm 2005: 75%, năm 2010: 78%, năm 2015 tăng lên 83,6%. Gia đình đạt danh hiệu "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền" hàng năm đạt từ 400 đến 450 gia đình.

Công tác quốc phòng an ninh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và nhân dân thị trấn. Các cấp ủy Đảng thường xuyên giáo dục tinh thần nêu cao cảnh giác, xây dựng  ý thức quốc phòng toàn dân cho nhân dân. Thực hiện Đề án "Củng cố nâng cao sức chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới", Đảng bộ thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ; tổ chức huấn luyện quân sự, diễn tập theo phương án A2, phương án A4, phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; Đồng thời làm tốt công tác tuyển quân, chính sách hậu phương quân đội. Từ năm 2001 đến 2015, thị trấn đã có 291 thanh niên lên đường nhập ngũ, hoàn thành 100% chỉ tiêu hàng năm trên giao.

Thực hiện công tác an ninh - quốc phòng trong tình hình mới tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, nhân dân. Đảng bộ tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, kịp thời nắm bắt diễn biến tình hình, chủ động và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, kích động, lôi kéo các phần tử xấu chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, Nhà nước và các quy định của địa phương. Các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội được cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, thôn, khu dân cư thực hiện nghiêm túc. Lực lượng công an thị trấn được củng cố đủ số lượng, có chất lượng, Ban công an gồm 26 đồng chí (trong đó: 01 đồng chí trưởng công an; 02 đồng chí Phó trưởng công an; 03 đồng chí công an viên thường trực và 20 đồng chí công an viên ở thôn, khu dân cư, Ban công an thường xuyên phối hợp với các lực lượng tuần tra đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tích cực đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm. Trong 15 năm (2001-2015) trên địa bàn đã xảy ra 372 vụ vi phạm,  Ban công an thị trấn giải quyết theo thẩm quyền đạt 50,2%, còn lại chuyển lên công an huyện, công an tỉnh giải quyết.

Nhằm làm cho mọi công dân "sống và  làm việc theo pháp luật", thực hiện có hiệu quả đề án "Làng an toàn khu dân cư an toàn, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự" trên địa bàn thị trấn. Tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân trong đó có sự phối hợp với trung tâm trợ giúp pháp lý của Sở Tư Pháp Hải Dương mở 3 buổi truyền thông tư vấn pháp luật miễn phí cho 276 người. Đồng thời, duy trì đều lịch tiếp công dân, thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, quan tâm và phát huy có hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải, ban thanh tra nhân dân. Xem xét, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, kịp thời phát hiện và giải quyết những mâu thuẫn phát sinh ngay từ thôn, khu dân cư, hạn chế dần đơn thư khiếu kiện tố cáo vượt cấp. Nhìn chung, trong những năm qua tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thị trấn luôn được ổn định, tội phạm, tệ nạn xã hội giảm, Ban công an thị trấn luôn đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng.

III. CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, MẶT TRẬN TỔ QUỐC VÀ CÁC ĐOÀN THỂ NHÂN DÂN

* Công tác xây dựng Đảng: Để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới đạt những thành tựu cao hơn, với quan điểm "Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt", cấp ủy tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức làm hạt nhân lãnh đạo phong trào địa phương đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới.

Trước hết là đổi mới công tác chính trị tư tưởng, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, vai trò, năng lực lãnh đạo, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng; đưa sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ vào nề nếp với nội dung, phương thức sinh hoạt sát thực, nâng cao tính chiến đấu trong phê bình và tự phê bình; thực hiện nghiêm túc các đợt học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Chính trị, của BCH Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Huyện ủy. Đảng ủy luôn chú trọng công tác thông tin hai chiều, báo cáo thời sự, sinh hoạt báo chí, Bản tin nội bộ... không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương đổi mới, đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Số đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ, đảng bộ và học tập Nghị quyết đạt từ 85 đến 90%. BCH Đảng bộ đã xây dựng các chương trình cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, góp phần đổi mới tư duy, tư tưởng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên có lập trường vững vàng, kiên định mục tiêu XHCN, cảnh giác và làm thất bại âm mưu "Diễn biến hòa bình" của các thế lực phản động, xác định rõ vai trò trách nhiệm của người đảng viên, tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW của Bộ Chính trị "Làm trong sạch đội ngũ Đảng, lành mạnh bộ máy nhà nước và các quan hệ xã hội", cấp ủy tổ chức cho Đảng viên học tập, thảo luận. Sau các kỳ Đại hội, Đảng bộ đã kiện toàn đội ngũ cán bộ từ thôn - khu dân cư đến thị trấn, kiên quyết đưa những cán bộ, đảng viên không có năng lực, thoái hóa biến chất ra khỏi Đảng, khỏi các cương vị lãnh đạo. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, trẻ hóa đội ngũ, cử cán bộ, đảng viên đi học các lớp lý luận chính trị sơ, trung cấp, các lớp chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành và các lớp tập huấn về công tác Đảng, công tác quần chúng do huyện, tỉnh mở.

BCH Đảng bộ luôn quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, sâu sát nắm bắt tình hình hoạt động, giúp đỡ cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để các chi bộ hoạt động, thể hiện vai trò là hạt nhân lãnh đạo ở các thôn, khu dân cư; Đồng thời duy trì chế độ báo cáo, giao ban hàng tháng, hàng quý tăng cường kiểm tra, đôn đốc chất lượng hoạt động, không ngừng nâng cao tính chiến đấu của tổ chức Đảng.

Đảng bộ thị trấn triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng; nhằm nâng cao chất lượng công tác Đảng, cấp ủy tổ chức cho quần chúng tham gia góp ý kiến cho từng đồng chí cấp ủy, đảng viên bằng bỏ phiếu kín. Sau hơn một tháng học tập, kiểm điểm phân loại đảng viên, theo tinh thần Chỉ thị 24-CT/TU, Đảng bộ có 350 đồng chí tham dự phân loại, trong đó 145 đồng chí đủ tư cách, 195 đồng chí đủ tư cách nhưng còn hạn chế từng mặt, 10 đồng chí không đủ tư cách phải xử lý. Đảng bộ đã khai trừ 4 đảng viên, xóa tên 6 đảng viên cảnh cáo 2 đảng viên và cho 16 đảng viên rút khỏi tổ chức Đảng.

Tiếp đó, Đảng bộ mở đợt sinh hoạt chính trị học tập và thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) và Kế hoạch 04-KH/TU của Tỉnh ủy Hải Hưng về nâng cao chất lượng đảng viên, đăng ký xây dựng chi bộ Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảng viên gương mẫu, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên cả trong nhận thức cũng như việc thực hiện Điều lệ, Quy chế hoạt động, tính tổ chức, tính kỷ luật và kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao. Qua phân loại năm 1995 đã có 215/394 đảng viên đủ tư cách mức I chiếm 61%, 133 đồng chí đủ tư cách mức II bằng 37%, 2 đồng chí vi phạm bằng 1,3% và 1 đảng viên không đủ tư cách chiếm 0,7%. Về chi bộ: có 10 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 7 chi bộ khá, không có chi bộ yếu kém. Đảng bộ đã xử lý kỷ luật: khai trừ 1 đảng viên, xóa tên 1 đảng viên, cảnh cáo 1 đảng viên và cho rút khỏi tổ chức đảng 2 đảng viên.

Từ năm 1996, theo Điều lệ Đảng sửa đổi, nhiệm kỳ của Đảng bộ cơ sở là 5 năm. Từ Đại hội XVIII, nhiệm kỳ 1995-2000, Đảng bộ có 20 chi bộ gồm: 13 chi bộ thôn, 7 chi bộ chuyên ngành, với tổng số 441 đảng viên, trong đó có 171 đồng chí già yếu, hưu trí, mất sức. Giáo dục chính trị tư tưởng vẫn là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Các đợt sinh hoạt chính trị quán triệt thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên được thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo của Thường vụ huyện ủy.

Gắn liền với giáo dục chính trị tư tưởng là công tác tổ chức, công tác cán bộ. Thông qua các kỳ Đại hội tổ chức Đảng được củng cố, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, BCH Đảng bộ có kế hoạch xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ trước mắt cũng như lâu dài, nhất là cán bộ chủ chốt của Đảng, HĐND, UBND và cán bộ đầu ngành nhờ vậy đã chủ động về đội ngũ cán bộ kế cận, đảm bảo đủ số lượng, trẻ, khỏe, có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm ở những vị trí được giao.

Công tác kiểm tra Đảng là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ, tinh thần trách nhiệm và chất lượng đảng viên. Từ nhận thức đó Đảng ủy đã quán triệt nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên về công tác kiểm tra Đảng. Trong mỗi nhiệm kỳ, hàng năm, hàng tháng BCH Đảng bộ, ủy ban kiểm ta Đảng ủy đều xây dựng kế hoạch, nội dung kiểm tra thường xuyên cũng như kiểm tra chuyên đề, kiểm tra cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Hàng năm, Đảng ủy, ủy ban kiểm tra thực hiện từ 5 đến 10 cuộc kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, chi bộ, đảng viên về việc: Chấp hành Điều lệ Đảng, chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đảng cấp trên, nghị quyết và quy chế hoạt động của Đảng bộ, kiểm tra việc thực hiện chế độ sinh hoạt, xây dựng nghị quyết, thu, chi đảng phí... Ngoài các cuộc kiểm tra, giám sát trên, ủy ban kiểm tra Đảng ủy còn phối hợp với chính quyền, thanh tra nhân dân tham gia làm rõ những vấn đề liên quan tới cấp ủy và đảng viên. Từ năm 1996 - 2000, ủy ban kiểm tra đã phát hiện đề nghị Đảng ủy và cấp có thẩm quyền khai trừ, xóa tên, cho rút khỏi danh sách đảng viên và khiển trách phê bình, xử lý 11 trường hợp.

Công tác phát triển Đảng: Từ năm 1995 trở về trước, công tác này có nhiều hạn chế thường không đạt chỉ tiêu đề ra, trong 5 năm (1991-1995) Đảng bộ chỉ kết nạp được 24 đảng viên. Để khắc phục tình trạng này, BCH Đảng bộ đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển Đảng, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chi bộ, coi đây là nội dung quan trọng để bình xét tổ chức trong sạch vững mạnh và gắn với kiểm tra đôn đốc, kiểm điểm đánh giá từng quý. Do vậy công tác phát triển Đảng từ năm 1996 đến năm 2000 đã có nhiều tiến bộ, trong 5 năm Đảng bộ đã kết nạp được 55 đảng viên mới, bình quân mỗi năm kết nạp được 11 đồng chí. Hầu hết đảng viên được kết nạp là đoàn viên ưu tú, trẻ khỏe, có trình độ, đã phát huy tốt cả về phẩm chất đạo đức và chất lượng công tác.

Thực hiện kế hoạch 03-KH/TW ngày 10/02/1999 của Bộ chính trị và Hướng dẫn của Tỉnh ủy Hải Dương, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban thường vụ huyện ủy Cẩm Giàng, trong 2 năm Đảng bộ thị trấn Lai Cách mở đợt sinh hoạt chính trị phê bình và tự phê bình chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) của BCH Trung ương Đảng (khóa VIII). Đảng bộ đã thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Nguyễn Văn Mùa - Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban.

Ban chỉ đạo đã xây chương trình hành động sát với tình hình thực tế địa phương. Tiếp đó mở hội nghị chi bộ, đảng bộ để quán triệt nội dung, yêu cầu của Nghị quyết và thông qua chương trình hành động, kế hoạch thực hiện cho toàn thể đảng viên. Sau đó tập thể cấp ủy cũng như cá nhân cấp ủy và từng đảng viên làm bản kiểm điểm theo 3 nội dung về tư tưởng, chính trị; đạo đức lối sống; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ban chỉ đạo còn tổ chức lấy ý kiến tham gia đóng góp xây dựng cho cấp ủy, đảng viên thông qua các hội nghị đoàn thể, hội nghị nhân dân và hộp thư góp ý. Những ý kiến đóng góp đều được xem xét bổ sung vào bản kiểm điểm của tập thể cấp ủy, đảng viên để kiểm điểm trước chi bộ, đảng bộ.

Qua đợt sinh hoạt này, cán bộ, đảng viên nhận thức rõ những mặt hạn chế yếu kém về công tác quản lý rèn luyện, học tập nâng cao nhận thức vv... Một số cán bộ, đảng  viên chưa thực sự gương mẫu trước quần chúng, còn bỏ sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, chưa tích cực học tập rèn luyện nên năng lực thấp, không phát huy được vai trò lãnh đạo của người đảng viên. Trong đấu tranh phê bình, tự phê bình còn yếu; việc phát hiện xử lý các vụ việc còn chậm, thiếu kiên quyết đã làm giảm niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Sau khi thực hiện kiểm điểm phê bình, Đảng bộ tiến hành bỏ phiếu kín phân loại đảng viên thể hiện tính dân chủ và phản ánh đúng chất lượng đảng viên. Kết quả phân loại năm 1999 - 2000 như sau:

- Năm 1999: có 436 đảng viên dự phân loại, trong đó đủ tư cách 435 đồng chí, chiếm 99,8%; 1 đảng viên vi phạm tư cách bằng 0,2%. Về chi bộ: 11/20 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, chiếm 55%; 9/20 chi bộ khá bằng 45%.

- Năm 2000: có 441 đảng viên dự phân loại, 440 đảng viên đủ tư cách, chiếm 99,8%; 1 đồng chí không đủ tư cách, bằng 0,2%. Về chi bộ: 16/20 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, bằng 80%; 4/20 chi bộ khá, bằng 20%. Từ năm 1996 đến năm 1999, 4 năm liền Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh được Huyện ủy, Tỉnh ủy khen thưởng.

Phát huy những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ XVIII, Đảng ủy tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong những thập niên đầu thế kỷ XXI. Trước hết, tổ chức cho đảng viên học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (4-2001), lần thứ X (4-2006), lần thứ XI (1-2010); Nghị quyết các kỳ Đại hội tỉnh Đảng bộ Hải Dương lần thứ XVIII (2000-2005), lần thứ XIX (2005-2010), lần thứ XX (2010-2015) và Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Giàng lần thứ 22,23,24 cùng các Nghị quyết của Bộ chính trị, của BCH Trung ương Đảng, của Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác xây dựng Đảng, công  tác  tổ chức cán bộ vv... Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Bộ chính trị về kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh; Quy định 19 điều đảng viên không được làm và Chỉ thị 15-CT/TU của Tỉnh ủy Hải Dương thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Gắn liền với học tập chỉ thị, nghị quyết là tăng cường công tác tự phê và phê bình để làm trong sạch tổ chức Đảng, củng cố khối  đoàn kết thống nhất trong nội bộ.

Ngoài báo chí, bản tin nội bộ; Đảng bộ đã mời báo cáo viên của huyện, của tỉnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về truyền đạt các Nghị quyết Trung ương, thông tin tình hình thời sự trong nước, quốc tế cho đảng viên. Năm 2005, nhân kỷ niệm 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam, Đảng ủy tổ chức cho đảng viên tham gia thi tìm hiểu 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng cộng sản Việt Nam và thị trấn đạt giải 3 của huyện. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, Đảng bộ đã triển khai sâu rộng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" theo tinh thần Chỉ thị 06 của Bộ chính trị. Cuộc vận động đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Đã có 3 tập thể, 2 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được huyện và tỉnh khen. Để phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo Quy định 101 của Trung ương; chỉ đạo chi bộ khu 14 ghi sổ vàng truyền thống, từ đó nhân ra toàn Đảng bộ.

Công tác tổ chức cán bộ ngày càng đi vào chiều sâu, có chất lượng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở cơ sở, có tác dụng tích cực nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Thông qua các kỳ Đại hội, BCH Đảng bộ được kiện toàn gồm các đồng chí trẻ khỏe, có trình độ năng lực uy tín và tình thần đổi mới. BCH Đảng bộ  đã xây dựng quy chế làm việc của cấp ủy ngay từ đầu nhiệm kỳ và duy trì thực hiện theo quy chế. Đồng thời chỉ đạo Đại hội nhiệm kỳ các chi bộ, bầu cấp ủy và xây dựng quy chế làm việc của chi ủy chi bộ; hướng dẫn sơ kết 6 tháng, tổng kết năm, tổng kết nhiệm kỳ, kiểm điểm đánh giá phân loại chất lượng chi bộ, đảng viên hàng năm. Công tác quản lý, rèn luyện đảng viên được chú trọng, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ, đảng bộ được nâng lên, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt từ 83% đến 85%, dự phân loại 98,33%. Đảng bộ thành lập các tổ chuyên đề, phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình và tổ chức thi Bí thư chi bộ giỏi đạt kết quả tốt. Duy trì đều đặn chế độ giao ban hàng tháng để kiểm điểm việc thực hiện quy chế, công tác chính trị tư tưởng, nề nếp sinh hoạt và vai trò lãnh đạo của chi bộ, đảng bộ... Quán triệt sâu sắc quan điểm "Cán bộ là gốc của phong trào, cán bộ tốt thì phong trào tốt", BCH Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên" ngang tầm với nhiệm vụ chính trị. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 - khóa IX (4-2001). Về công tác cán bộ, cấp ủy đã xây dựng quy hoạch cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, trong đó quan tâm đến cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Nhờ vậy lực lượng kế cận đảm bảo, chủ động khi củng cố kiện toàn đủ số lượng và có chất lượng cao.

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ, cấp ủy luôn coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đang công tác cũng như trong quy hoạch. Từ năm 2001 đến 2015, Đảng bộ đã có 20 đồng chí học đại học, 21 đồng chí học trung cấp chính trị, 4 đồng chí học trung cấp chuyên môn, 39 đồng chí học sơ cấp chính trị và 100% đảng viên dự bị sau khi được kết nạp đều được đi học lớp lý luận cơ sở; hàng trăm lượt cán bộ trong hệ thống chính trị từ thị trấn đến thôn, khu dân cư được đi bồi dưỡng công tác chuyên ngành. Hiện nay các đồng chí nguồn BCH Đảng bộ và các chức danh chủ chốt đã và đang học tại chức gồm 8 đồng chí có trình độ đại học, 8 đồng chí trung cấp chính trị.

Phong trào thi đua xây dựng đảng viên gương mẫu, chi bộ, Đảng bộ trong sạch vững mạnh được duy trì, gắn công tác giáo dục nâng cao chất lượng đảng viên với kết quả hoạt động hiệu quả công tác vào nội dung kiểm điểm đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên. Từ kết quả về nhận thức tình hình nhiệm vụ, vai trò gương mẫu, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhất là công tác vận động quần chúng của cán bộ, đảng viên được thể hiện rõ trong những năm qua trước những khó khăn, thách thức ở cơ sở có nhiều tiến bộ. Kết quả phân loại chất lượng đảng viên và tổ chức Đảng qua 3 nhiệm kỳ như sau:

- Nhiệm kỳ XVIII (2001-2005): Đảng bộ có 94,6% tổng số đảng viên dự phân loại. Kết quả 62,87% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ mức I, 36,05% hoàn thành nhiệm vụ mức II, 1,08% hoàn thành mức III; 12/26 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh 5 năm liền; 12/26 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh từng năm và 2/26 chi bộ xếp loại khá. Từ năm 2001 - 2004, liên tục 4 năm liền Đảng bộ giữ vững danh hiệu đơn vị trong sạch vững mạnh, được Tỉnh ủy Hải Dương tặng Bằng khen.

- Nhiệm kỳ XIX (2005-2010) Đảng bộ có 554 đảng viên và 98,33% tổng số đảng viên tham dự phân loại, kết quả 43,7% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó 7,03% hoàn thành xuất sắc 55,17% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ và 1,1% đảng viên vi phạm tư cách; Đảng bộ có tổng số 26 chi bộ, qua phân loại có 16 chi bộ đạt chi bộ trong sạch vững mạnh, 4 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 5 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ, 1 chi bộ yếu từng mặt. Đảng bộ 3 năm hoàn thành nhiệm vụ, năm 2008 xếp loại yếu kém từng mặt.

- Nhiệm kỳ XX (2010-2015) Đảng bộ có 616 đảng viên và 98% tổng số đảng viên dự phân loại. Kết quả có 48,67% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 10,9% hoàn thành xuất sắc, 50,9% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ và 0,43% đảng viên vi phạm tư cách. Trong tổng số có 26 chi bộ, đã có 9 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 10 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, 7 chi bộ hoàn thành nhiệm vụ. Đảng bộ 1 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ, 3 năm hoàn thành nhiệm vụ.

Công tác phát triển đảng viên mới trong 3 nhiệm kỳ được coi trọng nhằm bổ sung đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ năm 2001 đến 2015, Đảng bộ đã giới thiệu 167 quần chúng tích cực đi học lớp bồi dưỡng  về Đảng, đã kết nạp được 124 đảng viên mới, hầu hết là Đoàn viên thanh niên ưu tú, có trình độ văn hóa hết trung học cơ sở trở lên, năng động và nhiệt tình với phong trào, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Tuy nhiên, công tác giáo dục bồi dưỡng, kết nạp Đảng có chi bộ chưa hoàn thành được chỉ tiêu  hàng năm, thậm trí có trường hợp sau khi kết nạp ít được kèm cặp giáo dục, rèn luyện nên không đủ điều kiện để chuyển Đảng chính thức.

Công tác quản lý cán bộ, đảng viên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Đảng được thực hiện nghiêm túc. Hàng năm, Đảng bộ đều xét và đề nghị cấp trên tặng Huy hiệu Đảng cho những đồng chí đủ điều kiện. Năm 2015, Đảng bộ đã có tổng số 362 đồng chí được tặng Huy hiệu từ 30 tuổi Đảng trở lên, trong đó: 65 năm 03 đồng chí, 60 năm 04 đồng chí, 55 năm 05 đồng chí, 50 năm 54 đồng chí, 45 năm 53 đồng chí, 40 năm 45 đồng chí và 30 năm 198 đồng chí.

Thực hiện Chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng về phát đổi thẻ cho đảng viên, Đảng bộ thị trấn Lai Cách được chỉ định làm thí điểm của huyện. Đảng bộ đã bình xét tiêu chuẩn đúng hướng dẫn và xét đổi thẻ đợt 1 cho 182 đồng chí. Đến năm 2004 đã phát đổi thẻ cho 472 đảng viên,  đến năm 2015 đạt 100% đảng viên được phát đổi thẻ. Đồng thời, cấp ủy làm tốt công tác quản lý hồ sơ, bổ sung lý lịch đảng viên hàng năm.

Công tác kiểm tra, kỷ luật đảng được Đảng ủy, Chi ủy quan tâm, xác định là bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. BCH Đảng bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chi bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước; kiểm tra việc thực hiện quy chế làm việc, chấp hành nguyên tắc tập chung dân chủ, đi đôi cá nhân phụ trách, giữ gìn khối đoàn kết thống nhất trong đảng.

Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, chức năng tham mưu giúp Đảng ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát của Đảng ủy và của ủy ban kiểm tra. Trong nhiệm kỳ đã kiểm tra, giám sát duy trì sinh hoạt chi bộ, việc thực hiện nhiệm vụ Thu - Chi tài chính và kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm, nhắc nhở ngăn chặn kịp thời để hạn chế đảng viên bị xử lý kỷ luật. Từ năm 2001 đến 2015, Đảng bộ đã xử lý kỷ luật 33 cán bộ, đảng viên bằng các hình thức: khai trừ khỏi Đảng 8 đồng chí do vi phạm về quản lý xây dựng, quản lý tài chính, cờ bạc; cảnh cáo 11 đồng chí và khiển trách 14 đồng chí do vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, buông lỏng quản lý đất đai, bán đất trái thẩm quyền cho 182 hộ, 24.700m2 để xây nhà văn hóa, làm đường giao thông theo kết luận thanh tra số 114/TNMT ngày 17-10-2007 . Ngoài ra, cho rút khỏi Đảng 1 đồng chí do hoàn cảnh gia đình khó khăn và xóa tên 22 đảng viên đi lao động ở nước ngoài bỏ sinh hoạt Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức Đảng và đảng viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng còn tồn tại những mặt yếu kém cần phải khắc phục. Trước hết là công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa thực sự sâu rộng, còn mang tính hình thức. Công tác quản lý, rèn luyện đảng viên có lúc, có nơi còn buông lỏng. Tinh thần học tập nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, năng lực công tác của một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Mặt khác, trong sinh hoạt một số bộ phận đảng viên ít tham gia đóng góp xây dựng nghị quyết, tinh thần đấu tranh phê bình, tự phê bình chưa cao, chưa thể hiện được tính chiến đấu, tính giáo dục còn tư tưởng e dè nể nang "Dĩ hòa vi quý" khá phổ biến. Một số cán bộ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm trong quản lý đất đai, xây dựng, dính vào tệ nạn xã hội, vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng phải bị khai trừ ra khỏi hàng ngũ Đảng hoặc cách chức, cảnh cáo, khiển trách. Những tồn tại trên đã làm ảnh hưởng đến uy tín, sức mạnh của Đảng. Nhiều năm Đảng bộ không đạt trong sạch vững mạnh, chỉ ở mức hoàn thành nhiệm vụ, thậm trí năm 2008 còn bị xếp loại yếu kém từng mặt.

Quán triệt sâu sắc quan điểm "Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ", Đảng ủy đã gắn nhiệm vụ xây dựng Đảng với việc củng cố chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy Cẩm Giàng, Đảng bộ đã lãnh đạo các kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thị trấn, bầu trưởng thôn, trưởng khu dân cư, đảm bảo dân chủ, đúng luật, đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu, thành phần đại diện quyền lợi cho các tầng lớp nhân dân.

*Công tác chính quyền ở thị trấn: Chính quyền ở thị trấn Lai Cách gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

- Hội đồng nhân dân thị trấn: gồm các đại biểu HĐND do cử tri thị trấn bầu ra. Trong HĐND có thường trực HĐND gồm 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch hoạt động không chuyên trách. HĐND thị trấn thành lập Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội. Mỗi Ban có 1 Trưởng ban, 1 Phó ban và các Ủy viên ủy ban hoạt động kiêm nhiệm.

Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND thị trấn: Ban hành nghị quyết về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân thị trấn. Quyết định biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong phạm vi được phân quyền; biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân trên địa bàn thị trấn. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thị trấn; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và các Ủy viên Ủy ban nhân dân thị trấn. Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách thị trấn; điều chỉnh dự toán ngân sách thị trấn trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách thị trấn. Quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của thị trấn trong phạm vi được phân quyền. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị trấn; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân thị trấn bầu theo quy định. Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn.

HĐND thị trấn Lai Cách trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới đã nâng cao chất lượng hoạt động theo tinh thần dân chủ mở rộng, công khai. Chất lượng đối thoại và trả lời chất vấn trong các kỳ họp cũng như các buổi tiếp xúc cử tri từng bước được nâng lên. Nghị quyết các kỳ họp Hội đồng nhân dân được chuẩn bị kỹ, sát với thực tế địa phương có tính khả thi cao, đáp ứng tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân. Hội đồng nhân dân đã bàn và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng. Hội đồng nhân dân đã thực hiện có hiệu quả chức năng giám sát hoạt động đối với chính quyền, HTX dịch vụ nông nghiệp, các đoàn thể và đôn đốc UBND, ban quản lý HTX giải quyết những đề nghị, kiến nghị của nhân dân ở các thôn, khu dân cư trước và sau các kỳ họp.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì HĐND thị trấn Lai Cách những năm qua hoạt động còn một số hạn chế, hiệu quả chưa cao; hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Nguyên nhân của tồn tại chủ yếu là do HĐND thị trấn không đủ thẩm quyền để giải quyết tất cả những bức xúc của cử tri.

- Ủy ban nhân dân thị trấn: UBND thị trấn có Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch, 1 ủy viên phụ trách quân sự, 1 Ủy viên phụ trách công an.

Nhiệm vụ quyền hạn của UBND thị trấn là: xây dựng, trình HĐND thị trấn tất cả các lĩnh vực kinh tế; nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng giao thông vận tải; giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thi hành pháp luật; chính sách dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng; thi hành pháp luật v.v...

- UBND thị trấn Lai Cách trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới đã luôn nắm chắc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế ở thị trấn Bám sát Nghị quyết của Đảng ủy, Nghị quyết của HĐND thị trấn, xây dựng đề án và tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, an ninh, quốc phòng. Từ năm 2000 đến năm 2015, căn cứ vào Nghị định số 38-NĐ/CP của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính và pháp lệnh công chức, UBND thị trấn đã xây dựng đề án "Cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa" trên ba lĩnh vực, bước đầu đạt được một số kết quả, tạo môi trường thông thoáng, giảm bớt phiền hà cho người dân đến giao dịch làm việc, từng bước nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý và điều hành của chính quyền cơ sở. Đồng thời duy trì công tác tiếp dân giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo tinh thần Nghị định 29/CP của Chính phủ và Chỉ thị 06-CT/TU của Tỉnh ủy, làm cho chính quyền thực sự là "Của dân, do dân, vì dân".

Trong quản lý xã hội, UBND thị trấn luôn nắm vững yêu cầu quản lý bằng pháp luật của nhà nước và các quy định thể chế hóa pháp luật vào địa phương nên đã thường xuyên tổ chức quán triệt trong đội ngũ cán bộ và thông qua các ngành, đoàn thể làm tốt công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng làm cho nhân dân hiểu rõ về Hiến pháp, Luật đất đai, Luật hôn nhân và gia đình, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Trên cơ sở đó, UBND thị trấn nâng cao hiệu lực điều hành và quản lý xã hội ở địa phương.

Về nhân sự, Ủy ban nhân dân thị trấn thường xuyên bổ sung, điều động, thực hiện công tác cán bộ theo hướng dẫn của Phòng Nội vụ huyện và sắp xếp cán bộ theo Nghị định 21/CP của Chính phủ. Tạo điều kiện cho trưởng, phó thôn; khu dân cư đi học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, tạo cho cán bộ có trình độ năng lực, phong cách tác phong làm việc khoa học và điều hành ngày càng có hiệu lực trên các lĩnh vực. Từ năm 1999 đến năm 2005, UBND thị trấn nhiều năm được Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương công nhận là chính quyền trong sạch vững mạnh, được tặng cờ thi đua.

* Mặt trận Tổ quốc:  MTTQ thị trấn Lai Cách là tổ chức chính trị rộng lớn, tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết xung quanh Đảng, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, thực sự là hạt nhân trong hệ thống chính trị ở địa phương, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, cũng như các quy định của địa phương.

Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Mặt trận luôn giữ vai trò quan trọng trong công tác hiệp thương giới thiệu các ứng cử viên để bầu vào HĐND thị trấn; tham gia tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trong khu vực; bầu trưởng thôn, trưởng khu dân cư, họp hội nghị toàn dân lấy ý kiến tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND bầu. Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc thị trấn thực hiện các cuộc tiếp xúc cử tri nắm bắt ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân phản ánh với Đảng, với HĐND; tham gia đóng góp ý kiến với chính quyền, tuyên truyền, vận động các thôn - Khu dân cư thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng. Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, hòa giải trong cộng đồng và tổ chức ngày hội đoàn kết toàn dân ở thôn, khu dân cư.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ về phát triển kinh tế, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên  của mặt trận thường xuyên động viên nhân dân tích cực tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại phát triển kinh tế gia đình "Xóa đói giảm nghèo", làm giầu chính đáng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho Nhà nước, cho địa phương.

Mặt trận Tổ quốc thị trấn Lai Cách duy trì thường xuyên cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; xây dựng khu dân cư tiên tiến, làng văn hóa, khu văn hóa, “Làng an toàn- khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự" và gia đình văn hóa cùng các phong trào "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền", "Tuổi cao trí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"vv... Mặt trận phối hợp chặt chẽ với Ban văn hóa thông tin, Ban tư pháp, các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, hội Phật tử, nhà thờ Công giáo làm tốt công tác tôn giáo, tự do tín ngưỡng, xây dựng đời sống tâm linh lành mạnh, đúng pháp luật, tổ chức hoạt động lễ hội truyền thống gắn với tu tạo các công trình di tích lịch sử theo sự chỉ đạo của ngành văn hóa, bảo tàng tỉnh, góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân thêm phong phú. Đặc biệt, mặt trận đã phối hợp với các ngành đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; thực hành tiết kiệm; đấu tranh phòng chống tham nhũng, các tệ nạn xã hội; giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Những năm gần đây thực hiện các cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt  Nam", được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực. Xây mới và sửa chữa 25 ngôi nhà, chi phí trên 1 tỷ đồng.

Trong công tác tình nghĩa, nhân đạo, mặt trận kêu gọi, động viên các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo xóa nhà tranh tre vách đất; quyên góp giúp đỡ đồng bào các vùng bị bão lụt... phối hợp Hội Người cao tuổi, chăm sóc các cụ già, nhất là các cụ không nơi nương tựa có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp với trạm y tế khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các cụ và tổ chức chúc mừng thọ tuổi vàng, tuổi bạc cho các cụ từ 70 tuổi trở lên, hàng năm có 150 cụ trở lên được chúc thọ. Từ năm 2000 đến năm 2017 có 08 cụ 100 tuổi được Chủ tịch Nước tặng vải lụa, động viên các cụ tham gia xây dựng quê hương, nêu gương sáng cho con cháu noi theo.

Với những thành tích đã đạt được, từ năm 2000 đến năm 2015 MTTQ thị trấn Lai Cách đã được Trung ương MTTQ Việt Nam tặng 3 bằng khen, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng 2 bằng khen; các thành viên của MTTQ thị trấn cũng được cấp trên tặng bằng khen.

* Đoàn thanh niên: Đoàn thanh niên cộng sản là tổ chức do Đảng trực tiếp sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến tự nguyện phấn đấu thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng, đó là những đoàn viên cộng sản trẻ tuổi, nguồn bổ sung quan trọng, đảm bảo cho Đảng phát triẻn không ngừng. Đoàn thanh niên cộng sản hồ Chí Minh là tổ chức chính trị- xã hội của thanh niên, do thanh niên và vì thanh niên.

Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thị trấn Lai Cách là lực lượng trẻ, khỏe, có trình độ. Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, đoàn thanh niên thị trấn Lai Cách thực hiện 3 mục tiêu, 6 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành người sản xuất, kinh doanh giỏi . Kế tục phong trào "Thanh niên lập nghiệp", "tuổi trẻ giữ nước", tuổi trẻ thị trấn lại sôi nổi với phong trào "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc vì cuộc sống cộng đồng", nổi bật là cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ban Chấp hành Đoàn còn có nhiều hoạt động hướng đoàn viên, thanh niên vào công việc cụ thể của đời sống như: Thi đua lao động sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế, trong đó có mô hình làm nấm mỡ xuất khẩu, đoàn kết giúp nhau vượt khó làm giàu chính đáng. Trong công tác xã hội, tham gia tích cực đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm, xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đoàn còn là lực lượng đi đầu thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng an ninh, hăng hái luyện tập quân sự, xung kích trong phong trào bảo vệ an ninh, phòng chống lụt bão...

Trong các hoạt động của mình, Ban Chấp hành Đoàn luôn quan tâm tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, thanh niên sống và làm việc theo pháp luật; tích cực học tập nâng cao trình độ năng lực không để tụt hậu và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, sống có hoài bão, có lý tưởng cao đẹp. Đoàn viên, thanh niên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ và tích cực tham gia phong trào văn hóa, các buổi hội diễn văn nghệ chào mừng những ngày lễ lớn ở địa phương. Đoàn kết hợp chặt chẽ với nhà trường tổ chức hoạt động hè cho học sinh như: cắm trại, tập múa hát, thi đấu bóng đá mini. Hằng năm gặp mặt đoàn viên thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Đoàn còn thường xuyên bồi dưỡng kết nạp thanh niên tích cực vào Đoàn, giới thiệu những đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp.

Với những thành tích đã đạt được, đoàn thanh niên thị trấn Lai Cách đã được Trung ương đoàn thanh niên tặng cờ 3 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua tỉnh khối Nông – Lâm - Ngư nghiệp 2001-2003; Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh còn tặng Bằng khen cho đoàn thanh niên thị trấn Lai Cách vào các năm: 2003, 2004, 2006, 09 đồng chí được tặng kỷ niệm chương.

* Hội Phụ nữ: Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp , chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình. Hội liên hiệp phụ nữ thị trấn Lai Cách trong những năm thực hiện công cuọc đổi mới đã phát huy tốt truyền thống "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"; là lực lượng đông đảo trong sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động của Hội luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội, Các phong trào do Trung ương Hội Phụ nữ Việt nam phát động, điển hình là phong trào: "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình" để xóa đói giảm nghèo; phong trào "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan" và các chương trình: "Hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học", "Chương trình y tế cộng đồng". Hiện nay Hội đang thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" và cuộc vận động gia đình "5 không, 3 sạch".

Để tạo điều kiện cho chị em làm kinh tế, trong nhiều năm qua Hội Phụ nữ thị trấn đứng ra tín chấp với ngân hàng chính sách xã hội cho hội viên nghèo vay vốn với số dư hàng chục tỷ đồng. Hội còn phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp, các ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chương trình IPM cho cán bộ, hội viên. Qua đó đã giúp nhiều gia đình phụ nữ thoát nghèo, nhiều chị đạt danh hiệu phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hội Phụ nữ thị trấn luôn là thành viên tích cực, đi đầu trong cuộc vận động sinh đẻ kế hoạch hóa gia đình. Đa số hội viên trong lứa tuổi sinh đẻ đều đăng ký và thực hiện các biện pháp tránh thai, không sinh con thứ 3 trở lên. Phong trào "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Chống bạo lực gia đình", "Bình đẳng giới" được đông đảo phụ nữ thị trấn đồng tình hưởng ứng. Các chi hội đều thành lập câu lạc bộ "Không sinh con thứ 3 trỏ lên", các đội văn nghệ sôi nổi tham gia biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân. Hội đã tổ chức hội thi hát ru, hội thi bé khỏe, đàn hát dân ca... càng làm cho hoạt động của Hội thêm phong phú, thu hút nhiều chị em tham gia, động viên cổ vũ phong trào chung của thị trấn.

Với bản tính "Trung hậu, đảm đang", phụ nữ Lai Cách luôn hăng hái trong công tác tình nghĩa, chăm sóc các gia đình chính sách, giúp đỡ người nghèo, các cháu học sinh, trẻ em và ủng hộ nhân dân các tỉnh bị thiên tai... Hội thường xuyên làm tốt chính sách hậu phương quân đội, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, chăm sóc sức khỏe và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, trẻ em. Tích cực phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; hòa giải trong thôn khu dân cư, xây dựng làng - khu văn hóa, gia đình văn hóa...

Với những thành tích trên, Hội Phụ nữ thị trấn nhiều năm là đơn vị vững mạnh. Từ năm 1992 đến năm 2015, Hội phụ nữ thị trấn đã được trung ương Hội tặng 8 bằng khen; được Hội phụ nữ tỉnh tặng 4 bằng khen; 14 cán bộ Hội viên xuất sắc được Trung ương hội tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

* Hội nông dân: Hội Nông dân Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội của giai cấp nông dân do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo; cơ sở chính trị của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thành viên của MTTQ Việt Nam. Hội Nông dân Việt Nam có vai trò tập hợp đoàn kết nông dân, xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng tin cậy trong khối liên minh vững chắc công, nông, chí, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 Hội nông dân thị trấn Lai Cách trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới đã làm tốt công tác tuyên truyền, tổ chức xây dựng hội, tham gia xây dựng Đảng, Chính quyền và thúc đẩy các phong trào như: "Hộ nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo làm giàu chính đáng", "Nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới," "Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh". Đến năm 2017 hội có 18 chi hội, với 3.272 hội viên. Các chi hội đã tích cực vận động nông dân hăng hái sản xuất, phát triển mô hình kinh tế VAC, mở rộng ngành nghề, kinh doanh, dịch vụ vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó Hội khuyến khích các hộ tập trung vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, nâng cao hệ số sử dụng đất phấn đấu đạt mục tiêu 50 triệu đồng, 100 triệu đồng, 150 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời phát triển chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Nhiều hộ nông dân trong thị trấn đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề theo hướng công nghiệp hóa và các loại hình dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường. Hiện nay có trên 600 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp. Công tác hỗ trợ nông dân những năm gần đây hội đã chủ động liên hệ với các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao khoa học, kỹ thuật, giống cây, con có giá trị kinh tế vào sản xuất, tiếp nhận thực hiện 2 chương trình đồng hành thoát nghèo cho hộ nông dân xây dựng hầm bi ô ga và hướng dẫn nông dân sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Công tác xây dựng quỹ hội đến năm 2017 Hội nông dân thị trấn có trên 302 triệu đồng. Trong đó: BCH quản lý gần 105 triệu, quỹ hỗ trợ nông dân trên 92 triệu, các chi hội quản lý gần 105 triệu. Hội nông dân thị trấn còn nhiệt tình, hăng hái đóng góp xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ người nghèo "xóa nhà tranh tre" và ủng hộ các tỉnh bị lũ lụt: Hội nông dân thị trấn tích cực tham gia các hội thi do tỉnh và huyện tổ chức như Nhà Nông đua tài, liên hoan tiếng hát đồng quê, nông dân với an toàn giao thông, giải bóng chuyền bông lúa vàng đều đạt giải cao.

 Qua bình xét hàng năm có từ 80 đến 85% hộ nông dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa và hội viên gương mẫu. Với những thành tích đã đạt được Hội nông dân thị trấn nhiều năm đạt đơn vị vững mạnh và được Trung ương Hội tặng 2 bằng khen vào năm 1997 và năm 2000; được tỉnh hội tặng 3 bằng khen vào các năm 1995, 1997, 2000; Hội nông dân thị trấn đã bình xét và đề nghị Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng huy chương và kỉ niệm chương vì giai cấp nông dân Việt Nam cho 32 cán bộ hội viên, Hội nông dân thị trấn còn được ủy ban nhân dân huyện và hội nông dân huyện Cẩm Giàng, Đảng uỷ thị trấn tặng nhiều giấy khen.

* Hội Cựu chiến binh: Hội Cựu chiến binh Việt Nam là một đoàn thể chính trị - xã hội, là thành viên của MTTQ Việt Nam, là một cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, một tổ chức trong hệ thống chính trị do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hoạt động theo đường lối, chủ trương của Đảng, hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của hội.

 Hội Cựu chiến binh thị trấn Lai Cách thành lập tháng 8 năm 1990, có 13 hội viên. Từ ngày thành lập đến nay, Hội luôn chú trọng củng cố tổ chức và phát triển hội viên. Đến năm 2015, hội có 20 chi hội, với tổng số hơn 700 hội viên.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về với đời thường, nhiều cán bộ, hội viên mang thương tích, bệnh tật, tuổi cao sức yếu, nhưng được rèn luyện trong đạn bom, gian khổ các cựu chiến binh luôn giữ vững và phát huy bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho phong trào địa phương. Bằng các hoạt động cụ thể, Hội cùng với cán bộ và nhân dân thị trấn vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ do Đảng bộ đề ra cũng như các phong trào của hội, góp phần thực hiện có hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng ở địa phương.

Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình, BCH Hội từ khóa I đến khóa VII luôn chú trọng giáo dục các thế hệ cán bộ, hội viên giữ vững và phát huy truyền thống cách mạng, bản chất "Bộ đội Cụ Hồ" bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, đấu tranh chống âm mưu "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của kẻ thù. Hội triển khai sâu rộng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thi đua làm nhiều việc tốt, phấn đấu trở thành "hội viên gương mẫu". Cùng với nhà trường, Hội tổ chức nói chuyện về lịch sử dân tộc, truyền thống chiến đấu của quân đội, của nhân dân địa phương cho học sinh, để cho thế hệ trẻ Lai Cách nhận thức đúng đắn về giá trị lịch sử. Qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng tự hào dân tộc để thanh, thiếu niên kế tục và phát huy, cống hiến nhiều cho quê hương, đất nước. Hội cựu chiến binh còn là đoàn thể chính trị luôn đi đầu trong công tác xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, động viên thanh niên nhập ngũ, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, tội phạm và các tệ nạn xã hội. Nhiều hội viên được tín nhiệm bầu vào cấp ủy, Hội đồng nhân dân và những vị trí lãnh đạo khác luôn gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đoàn kết giúp nhau làm kinh tế là một nhiệm vụ trọng tâm của Hội đã được các chi hội thực hiện thường xuyên. Mặc dù nhiều hội viên tuổi cao, sức yếu vẫn tích cực lao động, tổ chức cho gia đình làm kinh tế có hiệu quả. Ngoài quỹ hội, BCH còn phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội cho hàng trăm gia đình hội viên vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ năng động, chịu khó lao động sản xuất, số gia đình hội viên giàu tăng nhanh.

Trong các cuộc vận động quyên góp, hầu hết hội viên và gia đình cựu chiến binh tích cực tham gia đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, người nhiễm chất độc da cam, quỹ khuyến học, đóng góp xây dựng Đài tưởng niệm khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ, đồng bào lũ lụt, hoạt động hè của thanh, thiếu nhi... Hội còn gương mẫu thực hiện cuộc vận động xây dựng làng - khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, khu dân cư an toàn. Tham gia nhiệt tình trong phong trào làm đường giao thông, thủy lợi, chỉnh trang đô thị...

Công tác xây dựng hội, được tổ chức chặt chẽ từ phân hội đến BCH cơ sở, trọng tâm là xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh, hội viên gương mẫu. Hàng năm các cán bộ từ phân hội trở lên được đi tập huấn về công tác hội. Ban Thường vụ Hội còn làm tốt công tác giáo dục chính trị cho hội viên thông qua các buổi sinh hoạt, nghe thời sự, đọc báo, Bản tin nội bộ của Hội do Tỉnh hội biên soạn; tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc, của Đảng, ngày thành lập quân đội, ngày thành lập hội, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chiến thắng mùa xuân 1975... gắn với cuộc thi tìm hiểu do các cấp các ngành phát động.

Là những người đã trải qua cuộc chiến tranh giữa cái sống và cái chết, nay được trở về nên nghĩa tình đồng đội giữa các hội viên thật là sâu nặng. Không chỉ đoàn kết giúp nhau làm kinh tế, Hội còn tổ chức thăm hỏi, động viên những đồng chí đau ốm bệnh tật hoặc gặp hoạn nạn; khi có hội viên qua đời thì tổ phúng viếng, tang lễ, tiễn đưa chu đáo thắm tình đồng đội, đồng chí. Hội còn tham mưu và cùng cấp ủy, chính quyền, ngành giới tổ chức lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ thị trấn. Hội Cựu chiến binh là đoàn thể chính trị có tổ chức chặt chẽ, tính kỷ luật cao, hoạt động có hiệu quả, được Đảng bộ, chính quyền tin tưởng, nhân dân yêu mến.

Với những thành tích đã đạt được, từ ngày thành lập đến nay Hội cựu chiến binh thị trấn đã được cấp trên tặng nhiều phần thưởng cao quý: năm 2012 tỉnh Hội tặng cờ thi đua xuất sắc; năm 2016 được tỉnh Hội tặng Bằng khen; năm 2014, năm 2015 và 2016 được huyện hội tặng giấy khen. Đến năm 2016 Hội cựu chiến binh thị trấn đã có 266 đồng chí được trung ương hội tặng kỉ niệm chương

Cùng với các đoàn thể chính trị, theo hướng dẫn của cấp trên; Đảng ủy, UBND và MTTQ thị trấn còn hướng dẫn, thành lập các tổ chức xã hội khác như: Hội người cao tuổi, Hội chữ thập đỏ, Hội Cựu giáo chức, câu lạc bộ cựu quân nhân, ban liên lạc cựu thanh niên xung phong, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội sinh vật cảnh v.v... Trên cơ sở đó các hội đã phát huy được sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng, thực hiện đường lối đổi mới và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên địa bàn thị trấn.

*

*     *

Sau khi nước nhà thống nhất, phát huy thắng lợi trong chặng đường lịch sử đã qua, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách bước vào thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng XHCN và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đặc biệt là từ năm 1986 đến nay ra sức thi đua thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12-1986) đề ra. Sau hơn 30 năm đổi mới, từ một xã thuần nông nghèo nàn, lạc hậu Lai Cách trở thành một thị trấn năng động đang từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với tốc độ tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần, chính trị ổn định, trật tự trị an được giữ vững.

Nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 2015), chúng ta thấy trong bất kỳ hoàn cảnh nào cán bộ và nhân dân Lai Cách đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình. Từ thực tiễn đấu tranh và xây dựng 30 năm qua, Đảng bộ và nhân dân thị trấn đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác tổ chức, lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, mà cụ thể là hoàn thành các mục tiêu do các kỳ Đại hội Đảng bộ đề ra, đó là:

- Phải học tập, quán triệt sâu sắc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng cấp trên; chính sách của Nhà nước. Đề ra phương hướng, nhiệm vụ sát với thực tế ở địa phương.

- Phải giữ vững vai trò lãnh đạo và thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở Đảng.

- Thường xuyên xây dựng chính quyền, MTTQ và củng cố các đoàn thể quần chúng nhân dân.

- Xây dựng khối đoàn kết toàn dân thực sự vững chắc để phát huy sức mạnh nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ.

 

 

 

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN

Đảng bộ và nhân dân Lai Cách trải qua một chặng đường 70 năm xây dựng trưởng thành và phát triển (1947-2017). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Bác Hồ kính mến. Với sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Huyện ủy, Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã chiến đấu không biết mệt mỏi, góp phần giải phóng Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước, viết thêm trang lịch sử truyền thống hào hùng của địa phương và dân tộc.

Ngay từ ngày đầu tiến hành cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, nhân dân Lai Cách dưới sự lãnh đạo của tồ chức Việt Minh huyện, mọi chủ trương của Đảng cộng sản đều được tổ chức thực hiện, xóa bỏ chế độ phong kiến lâu đời, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân ở xã và tham gia giành chính quyền ở huyện Cẩm  Giàng.

Ngày 28-11-1947 Chi bộ Đảng cộng sản xã Lai Cách ra đời, trực tiếp lãnh đạo nhân dân trong xã chiến đấu giải phóng quê hương và xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

Lai Cách với một địa bàn rất quan trọng, nằm trên 2 con đường chiến lược là quốc lộ số 5 và đường xe lửa nối liền giữa thủ đô Hà Nội với thành phố cảng Hải Phòng. Trong những năm thực dân Pháp xâm lược, chúng đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc để đàn áp phong trào; chúng càn đi quét lại, xây bốt lập tề để phong tỏa, o ép nhân dân, với ý đồ tiêu diệt lực lượng kháng chiến. Chi bộ Lai Cách đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với địch, dưới sự lãnh đạo của chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đã đấu tranh liên tục bền bỉ chống giặc, đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng. Mặc dù địch đã giở nhiều thủ đoạn tàn bạo, nhưng cán bộ, đảng viên vẫn bám đất, bám dân, bám cơ sở để lãnh đạo, hướng dẫn quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức, biện pháp làm thất bại mọi mưu đồ của chúng, góp phần đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước.

Hòa bình được lập lại, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân trong xã giải quyết hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, thực hiện cải cách ruộng đất thắng lợi, đưa lại ruộng đất cho dân cày. Tiếp đó, chi bộ lãnh đạo nhân dân trong xã đi vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội: tổ chức tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng từ năm 1957-1958. Sau đó, Đảng bộ Lai Cách được thành lập tiếp tục lãnh đạo nhân dân địa phương xây dựng chủ nghĩa xã hội, kinh tế địa phương từng bước được phát triển và đời sống nhân dân ổn định; chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ quê hương; tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn; cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, chiến đấu bảo vệ tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng.

 Đảng bộ Lai Cách qua rèn luyện thử thách trong chiến đấu và xây dựng phát triển kinh tế ở địa phương, vượt qua được những khó khăn trở ngại để đưa phong trào địa phương ngày càng phát triển đi lên.

  Đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ ngày càng phát triển và trưởng thành. Đảng bộ còn thường xuyên chăm lo củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng trong xã, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục phát triển dân trí, chăm lo sức khỏe và phát triển xây dựng đời sống vật chật, tinh thần văn hóa nhân dân ngày càng phong phú.

   Đảng bộ và nhân dân Lai Cách đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên giành thắng lợi. Đảng bộ và nhân dân trong thị trấn đã tiễn đưa hơn một nghìn con, em của mình lên đường chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; trong đó có 188 đồng chí chiến đấu hy sinh ở các chiến trường và ở tại quê hương được tổ quốc ghi công. Nhiều đồng chí trưởng thành trong chiến đấu trở thành sĩ quan trong quân đội. Có hàng trăm đồng chí được phong hàm từ cấp chuẩn uý đến đại úy, 41 đồng chí là sĩ quan cao cấp trong lực lượng quân đội và công an. Một số đồng chí công tác ở cơ quan Nhà nước, giữ vị trí trọng trách như giám đốc, quản đốc, cán bộ chủ chốt của cơ quan, của nhà máy, xí nghiệp, nông trường. Riêng huyện ủy viên có 4 đồng chí.

Với những thành tích đã đạt được 70 năm qua, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lai Cách đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó: Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 01 Huân chương Chiến công hạng nhất, 01 Huân chương Kháng chiến hạng nhì, 01 Huân chương Lao động hạng ba. Hàng nghìn Huân, Huy chương các loại tặng cho các gia đình và cá nhân; 19 gia đình được thưởng Bảng vàng danh dự, 975 gia đình được tặng bảng gia đình vẻ vang, 63 gia đình được Chính phủ tặng Bằng khen, 188 bằng Tổ quốc ghi công, 16 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng; Được tỉnh và huyện tặng 37 cờ thi đua và 44 bằng khen, 152 giấy khen, nhiều đồng chí được công nhận là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng.

70 năm hoạt động của Đảng bộ và nhân dân Lai Cách so với lịch sử phát triển của dân tộc thì không dài, nhưng đã ghi tiếp vào trang sử hào hùng tô đậm truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và truyền thống xây dựng quê hương của ông cha. Những kết quả Đảng bộ, nhân dân Lai Cách giành được đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm, đó là:

1) Phải luôn tin vào đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước và phải quán triệt, đề ra biện pháp để tổ chức thực hiện.

2) Phải xây dựng được khối đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ và nhân dân; khắc phục mọi khó khăn, giữ vững niềm tin, giúp nhau trong sản xuất, chiến đấu, trong cuộc sống.

3) Phải xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể quần chúng luôn vững mạnh; lãnh đạo, quản lý và vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương; phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng; nâng dần mức sống nhân dân trong thị trấn cả vật chất và tinh thần, xây dựng đời sống văn hóa phong phú và thực hiện tốt chính sách xã hội.

4) Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn và mỗi năm thực hiện nhiệm vụ đều có tổng kết rút kinh nghiệm để làm bài học cho giai đoạn sau.

Đó là những bài học kinh nghiệm được rút ra qua 70 năm; là hành trang để bước vào thời kỳ cách mạng mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

PHỤ LỤC

1.Các mẹ ở thị trấn Lai Cách được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng "Mẹ Việt Nam Anh hùng"

Số

TT

Họ và tên mẹThông tin về liệt sĩQuê quán
Họ tên Liệt sĩQuan hệ
1

Nguyễn Thị Tơ

 

Vũ Trọng An 

Vũ Trọng Dương

con đẻT. Đìa
2

Nguyễn Thị Tý

 

Vũ Hữu Thanh

Vũ Hữu Ngọc

con đẻT. Năm
3

Nguyễn Thị Ngạch

 

Nguyễn Ngọc Dần

Nguyễn Ngọc Mùi

con đẻT. Bễ
4Nguyễn Thị NấngMai Xuân Nhậtcon đẻT. Bầu
5

Đỗ Thị Lấng

 

Vũ Tư Tuân

Vũ Tư Bình

con đẻT. Bầu
6Trần Thị Ngoi

Hoàng Văn Trải

Hoàng Văn Xuân

con đẻT. Gạch
7Nguyễn Thị Chỉ

Hoàng Văn Họa

Hoàng Văn Sản

con đẻT. Doi
8Nguyễn Thị SắcNguyễn Xuân Điềncon đẻT. Lẻ
9Vũ Thị VyNguyễn Văn Tecon đẻ T. Nghĩa
10

Mai Thị Ngọ

 

Nguyễn Văn Bầu

Nguyễn Xuân Diệu

con đẻ

 

T. Nghĩa

11

 

Mai Thị Mọt

 

Nguyễn Văn Năng

Nguyễn Văn Phong

con đẻT. Nghĩa

12

 

Trịnh Thị Cống

 

Nguyễn Bá Nghiệp

Nguyễn Bá Cõn

con đẻT. Nghĩa

13

 

Vũ Thị LiễuĐỗ Văn Ngãicon đẻT. Tiền
14Lưu Thị Ngọt

Nguyễn Văn Chuyền

Nguyễn Văn Kiệm

con đẻT. Tiền
15

Hoàng Thị Yến

 

 Lưu Văn Bích

 Lưu Văn Khuông

con đẻT. Trụ
16

Nguyễn Thị Hiểu

 

Vũ Văn Ban

Vũ Văn Tự

con đẻT. Trằm

 

 

 

2.Một số gia đình ở thị trấn Lai Cách được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương độc lập và bảng vàng danh dự:

 Số

TT

Ông, BàChỗ ởHình thức khen
1Vũ Trọng CúcThôn ĐìaBảng vàng danh dự chống Mỹ
2Vũ Hữu ThuyếtThôn NămBảng vàng danh dự chống Mỹ
3Nguyễn Ngọc KỷXóm BễBảng vàng danh dự chống Pháp
4Nguyễn Đức XeXóm BầuBảng vàng danh dự chống Pháp
5Nguyễn Đức ThànhXóm BầuBảng vàng danh dự chống Pháp
6Vũ Tư SửuXóm BầuBảng vàng danh dự chống Mỹ
7Hoàng Văn ThìnXóm GạchBảng vàng danh dự chống Mỹ
8Hoàng Văn DuyếnXóm DoiBảng vàng danh dự chống Mỹ
9Nguyễn Thị SắcXóm LẻHuân chương độc lập chống Mỹ
10Nguyễn Văn ĐĩnhXóm LẻBảng vàng danh dự chống Mỹ
11Nguyễn Văn GiáXóm LẻBảng vàng danh dự chống Mỹ
12Nguyễn Sĩ ThấmThôn NghĩaBảng vàng danh dự chống Mỹ
13Nguyễn Văn LẵngThôn NghĩaBảng vàng danh dự chống Mỹ
14Trịnh Thị CốngThôn NghĩaBảng vàng danh dự chống Mỹ
15Nguyễn Văn CạuThôn NghĩaBảng vàng danh dự chống Mỹ
16Vũ Văn HảoHoàng ĐườngBảng vàng danh dự chống Mỹ
17Vũ Văn LùnHoàng ĐườngBảng vàng danh dự chống Mỹ
18Đỗ Văn NghịThôn TiềnBảng vàng danh dự chống Mỹ
19Trần Văn ThọThôn TrằmBảng vàng danh dự chống Mỹ
20Trần Văn ViểnThôn TrằmBảng vàng danh dự chống Mỹ

3. Danh sách liệt sỹ  ở thị trấn Lai Cách các thời kỳ

* Liệt sĩ chống Pháp:

STTHọ và tênQuê quánSTTHọ và tênQuê quán
1Vũ Tư ToànT . Đìa24Vũ Đình TỳT . Lẻ
2Vũ Trọng BiênT . Đìa25Nguyễn Văn LựcT. Gạch
3Phạm Phú DậuT . Đìa26Hoàng Văn LượngT . Gạch
4Vũ Trọng ThìnT . Đìa27Vũ Thị LươngT . Gạch
5Vũ Trọng ThanhT. Năm28Hoàng Văn TuyếtT . Doi
6Phạm Văn TrángT . Ngọ29Nguyễn Thị TrònT . Doi
7Nguyễn Văn SảnT . Ngọ30Vũ Xuân XêT. Nghĩa
8Phùng Kim NgọcT . Ngọ31Vũ Xuân HộT. Nghĩa
9Nguyễn Ngọc MùiT . Bễ32Hoàng Văn TươngT. Nghĩa
10Nguyễn Ngọc DầnT . Bễ33Vũ Xuân SiêuT. Nghĩa
11Nguyễn Sĩ MỗT . Bễ34Vũ Xuân ToaT. Nghĩa
12Nguyễn Văn TưởngT . Bễ35Nguyễn Văn TeT. Nghĩa
13Nguyễn Đức ÚcT . Bễ36Vũ Thị ThanhH.Đường
14Nguyễn Văn LiênT . Bễ37Vũ Văn TậpH.Đường
15Nguyễn Văn HòaT . Bễ38Vũ Thị TốtH.Đường
16Nguyễn Đức ĐậuT . Bễ39Vũ Văn NhươngT. Tiền
17Nguyễn Văn ThơmT . Bễ40Nguyễn Văn ChuyềnT. Tiền
18Mai Xuân KệT . Bầu41Nguyễn Văn NgữT. Tiền
19Nguyến Đức ĐàoT . Bầu42Lưu Văn BíchT. Trụ
20Nguyễn Đức NhânT . Bầu43Lưu Văn KhuôngT. Trụ
21Nguyễn Đức BảyT . Bầu44Lưu Văn ThânT. Trụ
22Mai Xuân VịT . Bầu45Trần Văn BènT. Trằm
23Nguyễn Lương ChắcT . Lẻ   

* Liệt sĩ chống Mỹ:

Số

TT

Họ và tênQuê quán

Số

TT

Họ và tênQuê quán
1Vũ Trọng LậmT . Đìa66Vũ Đình SùngT . Lẻ
2Phạm Phú HảiT . Đìa67Nguyễn Quang NguyênT . Lẻ
3Vũ Trọng ChínhT . Đìa68Nguyễn Xuân ĐiềnT . Lẻ
4Vũ Trọng AnT . Đìa69Nguyễn Văn HonT . Lẻ
5Nguyễn Đình HoaT . Đìa70Vũ Đình PháT . Lẻ
6Vũ Trọng ThanhT . Đìa71Nguyễn Lương ThiệpT . Lẻ
7Phạm Phú TrángT . Đìa72Nguyễn Văn DuT . Lẻ
8Nguyễn Văn HùngT . Đìa73Nguyễn Văn SắcT . Lẻ
9Vũ Trọng NhươngT . Đìa74Nguyễn Đình LẫmT . Lẻ
10Đỗ Văn LuânT . Đìa75Nguyễn Xuân ThanhT . Lẻ
11Vũ Trọng DôiT . Đìa76Vũ Xuân TạT . Nghĩa
12Vũ Trọng DươngT . Đìa77Mai Công ThìnT . Nghĩa
13Vũ Trọng VănT . Đìa78Nguyễn Văn PhongT . Nghĩa
14Nguyễn Đình TuânT . Đìa79Trần Quang HốtT . Nghĩa
15Nguyễn Văn TiuT . Năm80Vũ Xuân SứcT . Nghĩa
16Vũ Hữu ThanhT . Năm81Nguyễn Bá NghiệpT . Nghĩa
17Vũ Hữu NgọcT . Năm82Nguyễn Đình SơnT . Nghĩa
18Vũ Hữu LuyệnT . Năm83Vũ Xuân ChiếnT . Nghĩa
19Nguyễn Văn BâmT . Năm84Trần Quang PhấnT . Nghĩa
20Nguyễn Văn HyT . Năm85Nguyễn Quang ThơT . Nghĩa
21Vũ Xuân ViếtT . Năm86Nguyễn Quang TuyếnT . Nghĩa
22Nguyễn Trọng MãoT . Ngọ87Nguyễn Văn MậnT . Nghĩa
23Nguyễn Trọng LanT . Ngọ88Đào Văn HòaT . Nghĩa
24Nguyễn Trọng HùngT . Ngọ89Vũ Xuân ThìnT . Nghĩa
25Nguyễn Hồng SơnT . Ngọ90Mai Công NhauT . Nghĩa
26Nguyễn Văn SứcT . Ngọ91Mai Công HồngT . Nghĩa
27Nguyễn Trọng QuánT . Ngọ92Nguyễn Bá CõnT . Nghĩa
28Phạm Văn BáuT . Ngọ93Mai Công ThảT . Nghĩa
29Nguyễn Đức KhánhT . Bễ94Nguyễn Đình HùngT . Nghĩa
30Vũ Xuân TỳT . Bễ95Nguyễn Bá XuânT . Nghĩa
31Nguyễn Văn HưởngT . Bễ96Nguyễn Sĩ ThápT . Nghĩa
32Nguyễn Sĩ ĐưaT . Bễ97Nguyễn Sĩ TiếnT . Nghĩa
33Nguyễn Văn ƯaT . Bầu98Nguyễn Văn NăngT . Nghĩa
34Nguyễn Sĩ SảngT. Bầu99Nguyễn Văn BầuT . Nghĩa
35Nguyễn Đức HuấnT. Bầu100Vũ Xuân HồH-Đường
36Nguyễn Văn LùnT. Bầu101Vũ Xuân ThanhH-Đường
37Mai Xuân NhậtT. Bầu102Vũ Văn TuấnH-Đường
38Vũ Duy NhậnT. Bầu103Vũ Xuân ThủyH-Đường
39Vũ Tư BìnhT. Bầu104Vũ Xuân DươngH-Đường
40Nguyễn Văn NhậtT. Bầu105Vũ Văn ĐứcH-Đường
41Vũ Tư TuânT. Bầu106Vũ Văn BìnhH-Đường
42Mai Xuân ChiếnT. Bầu107Vũ Văn ThưH-Đường
43Nguyễn Tiến NhượngT. Bầu108Phạm Xuân BáchH-Đường
44Mai Xuân LaiT. Bầu109Vũ Văn BốnH-Đường
45Nguyễn Đức TiếpT. Bầu110Nguyễn Văn KiệmT . Tiền
46Nguyễn Đức BảnT. Bầu111Đỗ Văn NgãiT . Tiền
47Nguyễn Văn ToànT. Bầu112Nguyễn Văn LiễuT . Tiền
48Hoàng Văn TrảiT. Gạch113Lê Văn LuyT . Tiền
49Hoàng Văn XuânT. Gạch114Nguyễn Xuân NguyênT . Tiền
50Trần Văn ThủiT. Gạch115Nguyễn Văn XuấtT . Tiền
51Trần Công SảnT. Gạch116Nguyễn Huy NgàT . Tiền
52Hoàng Văn CúcT. Gạch117Đỗ phương NamT . Tiền
53Hoàng Văn OanhT. Gạch118Nguyễn Văn MứcT . Tiền
54Hoàng Hồng HàT. Gạch119Nguyễn Văn ThườngT . Tiền
55Hoàng Văn SáuT. Gạch120Lưu Văn TưThônTrụ
56Nguyễn Văn ChínhT. Gạch121Lưu Văn DiễmT . Trụ
57Nguyễn Văn LúaT. Gạch122Vũ Văn BanT . Trằm
58Hoàng Văn SắcT . Doi123Trần Văn BôngT . Trằm
59Hoàng Văn HọaT . Doi124Trần Văn HữuT . Trằm
60Nguyễn Văn ĐiếmT . Doi125Lê Huy TậpT . Trằm
61Nguyễn Văn BíT . Doi126Trần Công GiảnT . Trằm
62Hoàng Văn LongT . Doi   
63Hoàng Văn HồngT . Doi   
64Hoàng Văn ĐạoT . Doi   
65Hoàng Văn SảnT . Doi   

* Liệt sĩ bảo vệ tổ quốc:

TTHọ và tênQuê quánTTHọ và tênQuê quán
1Vũ Trọng QuếT. Đìa10Mai Công HuyT . Nghĩa
2Nguyễn Đắc HòaT . Đìa11Vũ Văn NởH- Đường
3Nguyễn Hồng TạoT . Ngọ12Đỗ Văn VẽT . Tiền
4Nguyễn Trọng ThiệnT . Ngọ13Lưu Huy SợiT . Trụ
5Mai Xuân ThảoT . Bầu14Vũ Văn TựT . Trằm
6Hoàng Văn HoaT. Gạch15Trần Văn SongT . Trằm
7Hoàng Văn TuyếnT . Gạch16Vũ Quang HuyT . Trằm
8Trịnh Đức DựcT . Lẻ17Vũ Văn ƯớcT . Trằm
9Nguyễn Văn DiệuT. Nghĩa   

4. Các đối tượng thương Bênh, binh

STTHọ và tênChế độ Thôn, Khu
1Vũ Trọng Giảngb. binh41Thôn Đìa
2Nguyễn Trọng Đạtb. binh41Thôn Ngọ
3Nguyễn Văn Chiếnb. binh41Thôn Ngọ
4Mai Công Tháib. binh41Thôn Nghĩa
5L­ưu Xuân Dũngb. binh41Thôn Trụ
6Đỗ Thạch Thiếtb. binh45Thôn Bễ
7Vũ Xuân Báub. binh45Thôn Nghĩa
8Trần Văn Tínb. binh45Thôn Trằm
9Vũ Xuân Dũngb. binh46Thôn Nghĩa
10Nguyễn Trọng Bínhb. binh47Thôn Ngọ
11Hoàng Văn Đinhb. binh50Thôn Doi
12Vũ Đình Sinhb. binh51Thôn Lẻ
13Vũ Thị Namb. binh51Thôn Nghĩa
14Vũ Hữu Thắngb. binh55Thôn Năm
15Vũ Trọng Thụy b. binh61Thôn Đìa
16Nguyễn Văn Vinhb. binh61Thôn Đìa
17Nguyễn Văn Vinhb. binh61Thôn Ngọ
18Nguyễn Văn Diệub. binh61Thôn Ngọ
19Nguyễn Trọng Namb. binh61Thôn Ngọ
20Nguyễn Văn Cầmb. binh61Thôn Bầu
21Hoàng Văn  Hạnhb. binh61Thôn Gạch
22Đỗ Thạch Hiềnb. binh61Thôn Gạch
23Trần Quang Lư­b. binh61Thôn Gạch
24Nguyễn Kim Bôib. binh61Thôn Lẻ
25Nguyễn Văn Phư­ợngb. binh61Thôn Lẻ
26Nguyễn Đình Sinhb. binh61Thôn Nghĩa
27Nguyễn Quang Hùngb. binh61Thôn Nghĩa
28Trần Quang Hoàb. binh61Thôn Nghĩa
29Mai Xuân Hùngb. binh61T H Đường
30Vũ Xuân Hồngb. binh61T. H . Đường
31Nguyễn Văn Đềb. binh61Thôn Tiền
32Nguyễn Văn Bangb. binh61Thôn Tiền
33Đỗ Xuân Bảngb. binh61Thôn Tiền
34Lư­u Văn Nhàn b. binh61Thôn Trụ
35L­ưu Văn Đốib. binh61Thôn Trụ
36Vũ Quang Phụngb. binh61Khu 14
37Nguyễn Đức Anb. binh61Khu 16
38Nguyễn Sĩ Biênb. binh63Thôn Bầu
39L­ưu Văn Thẩnb. binh64Thôn Trụ
40Nguyễn Văn Tuânb. binh65Thôn Năm
41Nguyễn Văn Tháib. binh65Thôn
42Nguyễn Thanh Xuânb. binh66Thôn
43Trần Văn Ấmb. binh68Thôn Trằm
44Nguyễn Thanh Quangb. binh71Thôn Bễ
45Mai Xuân Duậtb. binh71Thôn Bầu
46Nguyễn Văn Tấtb. binh71Thôn Doi
47Nguyễn Văn Việtb. binh71Thôn Nghĩa
48Nguyễn Văn Mừngb. binh71Khu 16
49Lê Phư­ơng Longb. binh75Khu 14
50Hoàng Văn Trọngb. binh80Thôn Gạch
51Vũ Trọng ĐoanQĐ142 Thôn Đìa
52Nguyễn Trọng Say QĐ142 Thôn Ngọ
53Đỗ Thạch TiếnQĐ142 Thôn Gạch
54Đỗ Xuân Vư­ng QĐ142 Khu 16
55Nguyễn Ngọc Hải T.binh21Thôn Đìa
56Nguyễn Trọng SắcT.binh21Thôn Ngọ
57Nguyễn Đức ĐịnhT.binh21Thôn Bầu
58Nguyễn Sĩ Có T.binh21Thôn Bầu
59Nguyễn Văn LiênT.binh21Thôn Gạch
60Hoàng Văn VânT.binh21Thôn Gạch
61Nguyễn Khánh HoàT.binh B21Thôn Gạch
62Nguyễn Đức ThắngT.binh21Thôn Doi
63Nguyễn Văn ChâuT.binh21Thôn Lẻ
64Vũ Đình PhấnT.binh21Thôn Lẻ
65Hoàng Công ThànhT.binh21Thôn Lẻ
66Nguyễn Thanh TuyênT.binh21Thôn Lẻ
67Nguyễn Văn TuyểnT.binh21Thôn Lẻ
68Vũ Xuân HuỳnhT.binh21Thôn Nghĩa
69Nguyễn Đình D­ươngT.binh B21Thôn Nghĩa
70Vũ Hồng XâyT.binh21T  H Đường
71Đặng ToanT.binh21T H Đường
72Nguyễn Xuân Hư­ớngT.binh21Thôn Tiền
73Nguyễn Văn VầnT.binh21Thôn Tiền
74Nguyễn Văn ĐọcT.binh21Thôn Tiền
75Trần Văn GiảngT.binh21Thôn Trằm
76Nguyễn Văn SơnT.binh21Thôn
77Nguyễn Văn LộcT.binh21Khu 16
78Tạ Thanh LùngT.binh21Khu 17
79Vũ Ngọc BaT.binh22Thôn Đìa
80Nguyễn Đình QuảngT.binh22T. H . Đường
81L­ưu Văn Nguyên T.binh22Thôn Trụ
82Nguyễn Trọng LânT.binh23Thôn Ngọ
83L­ưu Văn SỏiT.binh23Thôn Trụ
84Nguyễn Quang ĐiệtT.binh24Thôn Nghĩa
85Vũ Xuân OanhT.binh B24Thôn Nghĩa
86Mai Xuân Linh T.binh25Thôn Bầu
87Vũ Xuân ThếT.binh25Thôn Lẻ
88Mai Công ĐiềuT.binh25Thôn Nghĩa
89Nguyễn Đình XuấtT.binh25Thôn Nghĩa
90Nguyễn Văn HiệuT.binh25Thôn Tiền
91L­ưu Văn Liệu T.binh25Thôn Trụ
92Nguyễn Văn HoaT.binh26Thôn Ngọ
93Trần Công TrảnT.binh26Thôn Trụ
94Lê Phư­ơng LongT.binh26Khu 14
95Nguyễn Đình QuyếtT.binh31Thôn Đìa
96Nguyễn Văn Thuỷ T.binh31Thôn Đìa
97Đào Văn DầnT.binh31Thôn Năm
98NguyễnThanh TặngT.binh31Thôn Gạch
99Nguyễn Văn ThanhT.binh31Thôn Nghĩa
100Nguyễn Văn NhẽT.binh31Thôn Nghĩa
101L­ương Nguyên HồngT.binh31Khu 17
102Nguyễn Văn NghịT.binh32Thôn Bễ
103Hoàng Văn Sư­uT.binh32Thôn Doi
104Hoàng Văn LànhT.binh32Kh 16
105Mai Công AnT.binh34Khu 16
106Nguyễn Trọng CảnhT.binh35Thôn Ngọ
107Hoàng Thanh HáchT.binh35Thôn Gạch
108Hoàng Văn TuânT.binh35Thôn Doi
109Nguyễn Quang HảiT.binh41Thôn Bễ
110Nguyễn Sĩ KhangT.binh41Thôn Bầu
111Nguyễn Đình BíchT.binh41Thôn Nghĩa
112Vũ Xuân HànhT.binh41Thôn Nghĩa
113Vũ Xuân YếnT.binh41Thôn Nghĩa
114Lư­u Văn SâmT.binh41Thôn Trụ
115Đinh Quang TuyênT.binh41Khu 16
116Hoàng Ngọc KỷT.binh44Thôn Gạch
117Nguyễn Văn ChămT.binh45Khu 15
118Lư­u Văn H­ưởngT.binh47Thôn Trụ
119Nguyễn Ngọc TuyếnT.binh49Khu 17
120Vũ Xuân NhạnT.binh51Thôn Ngọ
121Nguyễn Đức Năm  T.binh51Thôn Bễ
122Nguyễn Văn BiểuT.binh52Thôn Tiền
123Nguyễn Văn ThoạT.binh53Thôn Tiền
124Vũ Bá SinhT.binh61Thôn Đìa
125Nguyễn Đức BùiT.binh61Thôn Năm
126Hoàng Văn T­ường T.binh61Thôn Gạch
127Vũ Văn VũT.binh61T. H Đường
128Nguyễn Văn DiêmT.binh61Thôn Tiền
129Nguyễn Văn LanhT.binh61Thôn Tiền
130Nguyễn Văn ThoãnT.binh61Thôn Tiền
131Lê Xuân ViệtT.binh61Khu 16
132Nguyễn Minh PhứcT.binh61Khu 16
133Nguyễn Văn BặngT.binh64Thôn Lẻ
134Đỗ Xuân V­ưngT.binh64Kh 16
135Nguyễn Đức HùngT.binh65Thôn
136Nguyễn Ngọc TiếnT.binh81Thôn Gạch
137Nguyễn sỹ SinhT.binh81Khu 18
138Vũ Trọng QuạtTù đày Thôn Đìa
139Nguyễn Đình AnTù đày Thôn Đìa
140Vũ Xuân LộcTù đày Thôn Năm
141Nguyễn Đình KiệmTù đày Thôn Ngọ
142Nguyễn Hồng KhanhTù đày Thôn Ngọ
143Phạm Văn DỵTù đày Thôn Ngọ
144Phạm Thị HuêTù đày Thôn Ngọ
145Hoàng Văn T­ườngTù đày Thôn Gạch
146Nguyễn Ngọc TiếnTù đày Thôn Gạch
147Vũ Xuân HànhTù đày Thôn Nghĩa
148Vũ Xuân ĐỗTù đày Thôn Nghĩa
149Nguyễn Văn BàoTù đày Thôn Nghĩa
150Vũ Xuân CộngTù đày T . H. Đường
151Nguyễn Văn ThanhTù đày Thôn Tiền
152Tạ Thanh NùngTù đày Khu 17

5. Số lượng Đảng viên trong Đảng bộ  Lai Cách đã được tặng Huy hiệu Đảng đến năm 2017:

Tính đến đầu năm 2017, Đảng bộ thị trấn có 362 đồng chí được tặng huy hiệu Đảng, trong đó: huy hiệu 30 năm: 198 đ/c, 40 năm: 45 đ/c, 45 năm: 53 đ/c, 50 năm: 54 đ/c, 55 năm: 05 đ/c ,60 năm: 04 đ/c, 65 năm: 03 đ/c.

 

6. Các kỳ Đại hội Đảng bộ xã - thị trấn Lai Cách (1960-2015)

TT ĐH

Thời gian

Đại hội

(Nhiệm kỳ)

Họ tên BCH hoặc      Ban Thường vụ Đảng ủyChức vụ
ĐH1

08/1960

(1960 -1962)

1. Mai Xuân Làm

2. Lưu Văn Hoạt

3. Hoàng Văn Nhã

4. Vũ Trọng Văn

5. Nguyễn Văn Trường

6. Vũ Văn Nghiệp

7. Vũ Văn Toàn

8. Nguyễn Trọng Điền

9. Nguyễn Đình Dần

Bí thư

Ủy viên TV

Ủy viên TV

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

ĐH2

01/1963

(1963 -1966)

1. Lưu Văn Hoạt

2. Nguyễn Trọng Điền

3. Hoàng Văn Nhã

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

ĐH3

11/1966

(1966-1968)

1. Nguyễn Đình Dần

2. Vũ Văn Toàn

3. Mai Xuân Diến

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

ĐH4

01/1969

(1969-1970)

1. Vũ Văn Toàn

2.........................

3...........................

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

ĐH5

12/1970

(1970-1972)

1. Vũ Văn Toàn

2.........................

3...........................

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

ĐH6

01/1973

(1973-1973)

1. Mai Xuân Diến

2. Nguyễn Văn Mậu

3. Nguyễn Thị Xuyền

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

ĐH7

01/1974

(1974-1975)

1. Nguyễn Văn Mậu

2. Lưu Xuân Hiên

3. Nguyễn Đức Lộc

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

ĐH8

01/1976

(1976-1979)

1. Nguyễn Văn Mậu

2. Lưu Xuân Hiên

3. Nguyễn Đức Lộc

4. Nguyễn Văn Tâm

5. Nguyễn Thị Thận

6. Hoàng Văn Quyết

7. Vũ Đình Vãng

8. Nguyễn Thanh Bảo

9. Nguyễn Trọng Chén

10. Mai Công Thái

11. Nguyễn Thị Nghị

12. Hoàng Văn Thiệp

13. Vũ Thị Minh Huệ

Bí thư

CT UBND

Phó bí thư

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

Ủy viên  BCH

ĐH9

08/1979

(1979-1981)

1. Nguyễn Văn Mậu

2. Nguyễn Trọng Chén

3. Nguyễn Đức Lộc

4. Nguyễn Văn Tâm

5. Nguyễn Thị Thận

6. Vũ Ngọc Ba

7. Hoàng Văn Quyết

8. Vũ Đình Vãng

9. Nguyễn Thanh Bảo

10. Lưu Văn Hiên

11. Mai Công Thái

12. Nguyễn Thị Nghị

13. Hoàng Văn Thiệp

Bí thư

Ủy viên TV

Uỷ viên TV

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH10

08/1981

(1981-1982)

1.Nguyễn Trọng Chén

2. Hoàng Văn Quyết

3. Nguyễn Đức Lộc

4. Mai Công Thái

5. Nguyễn Thanh Bảo

6. Trần Ngọc Đang

7. Lưu Thị Ninh

8. Nguyễn Văn Chính

9. Vũ Trọng Thọ

10. Nguyễn Văn Tâm

11. Nguyễn Thị Thận

12. Hoàng Văn Thiệp

13. Lưu Thị Chanh

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH11

12/1982

(1982-1984)

1. Nguyễn Trọng Chén

2. Nguyễn Đức Lộc

3. Hoàng Văn Quyết

4. Mai Công Thái

5. Trần Ngọc Đang

6. Nguyễn Thanh Bảo

7. Nguyễn Văn Tâm

8. Lưu Thị Ninh

9. Hoàng Văn Thiệp

10. Nguyễn Thị Thận

11. Lưu Thị Chanh

12. Vũ Trọng Thọ

13. Nguyễn Sĩ Thoi

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH12

02/1984

(1984-1986)

1. Nguyễn Trọng Chén

2. Nguyễn Đức Lộc

3. Hoàng Văn Quyết

4. Mai Công Thái

5. Trần Ngọc Đang

6. Nguyễn Thanh Bảo

7. Nguyễn Thị Thận

8. Hoàng Văn Thiệp

9. Nguyễn Văn Tâm

10. Lưu Thị Ninh

11. Lưu Thị Chanh

12. Nguyễn Sĩ Thoi

13. Mai Công Vạn

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH13

08/1986

(1986-1988)

1. Nguyễn Đức Lộc

2. Mai Công Vạn

3. Trần Ngọc Đang

4. Mai Công Thái

5. Nguyễn Thanh Bảo

6. Vũ Ngọc Ba

7. Lưu Thị Ninh

8. Lưu Thị Chanh

9. Hoàng Thị Sinh

10. Vũ Thị Minh Huệ

11. Nguyễn Sĩ Thoi

12. Nguyễn Văn Mùa

13. Nguyễn Văn Lanh

14. Vũ Văn Ngữ

15.Nguyễn Trọng Thanh

16.Nguyễn Đình Ngọc

17. Vũ Xuân Việt

18. Nguyễn Văn Tâm

19. Hoàng Văn Điển

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH14

10/1988

(1988-1991)

1. Mai Công Thái

2. Trần Ngọc Đang

3. Mai Công Vạn

4. Vũ Ngọc Ba

5. Nguyễn Thanh Bảo

6. Nguyễn Đình Ngọc

7. Vũ Xuân Việt

8. Hoàng Văn Điển

9. Nguyễn Văn Mùa

10. Lưu Thị Ninh

11. Lưu Thị Chanh

12. Trần Xuân Triệu

13. Nguyễn Văn Lanh

14. Hoàng Thị Sinh

15. Nguyễn Sĩ Thoi

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH15

04/1991

(1991-1993)

1. Mai Công Thái

2. Mai Công Vạn

3. Vũ Ngọc Ba

4. Nguyễn Văn Mùa

5. Hoàng Văn Điển

6. Nguyễn Văn Khuê

7. Nguyễn Trọng Luân

8. Nguyễn Văn Lanh

9. Lưu Thị Ninh

10. Nguyễn Văn Quảng

11. Hoàng Thị Sinh

12. Vũ Xuân Việt

13. Trần Xuân Triệu

14.Nguyễn Trọng Thanh

15. Lưu Quốc Huy

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH16

12/1993

(1993-1996)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

12/1994

(1994-1995)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1. Vũ Ngọc Ba

2. Nguyễn Văn Mùa

3. Nguyễn Văn Lanh

4. Hoàng Văn Điển

5. Trần Xuân Triệu

6. Nguyễn Văn Quảng

7. Nguyễn Văn Khuê

8. Lưu Thị Ninh

9. Vũ Xuân Việt

10. Hoàng Thị Sinh

11. Mai Xuân Lợi

12. Nguyễn Sĩ Dẻo

13. Mai Xuân Mạnh

14. Hoàng Khôi Nguyên

15. Lưu Quốc Huy

Bí thư

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên TV

Uỷ viên TV

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

1. Nguyễn Văn Mùa

2. Vũ Ngọc Ba

3.Nguyễn Văn Lanh

4. Hoàng Văn Điển

5. Trần Xuân Triệu

6. Nguyễn Văn Quảng

7. Nguyễn Văn Khuê

8. Lưu Thị Ninh

9. Vũ Xuân Việt

10. Hoàng Thị Sinh

11. Mai Xuân Lợi

12. Nguyễn Sĩ Dẻo

13. Mai Xuân Mạnh

14. Hoàng Khôi Nguyên

15. Lưu Quốc Huy

Bí thư

PBT-CTUBND

Ủy viên TV

Uỷ viên TV

Uỷ viên TV

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH17

01/1996

(1996-2000)

1. Nguyễn Văn Mùa

2. Vũ Ngọc Ba

3. Trần Xuân Triệu

4. Hoàng Văn Điển

5. Lưu Thị Ninh

6. Nguyễn Văn Lanh

7. Nguyễn Văn Khuê

8. Mai Xuân Lợi

9. Vũ Xuân Việt

10. Hoàng Thị Sinh

11. Nguyễn Văn Quảng

12. Lưu Ngọc Thuân

13. Mai Xuân Mạnh

Bí thư

Chủ tịch UBND

Ủy viên TV

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH18

09/2000

(2000-2005)

1. Vũ Ngọc Ba

2. Trần Xuân Triệu

3. Vũ Xuân Việt

4. Nguyễn Văn Lanh

5. Mai Xuân Lợi

6. Hoàng Văn Điển

7. Hoàng Thị Sinh

8. Lưu Ngọc Thuân

9. Lưu Thị Ninh

10. Nguyễn Trọng Thanh

11. Nguyễn Văn Quảng

12. Mai Xuân Quyền

13. Nguyễn Văn Khuê

14. Mai Công Sinh

15. Mai Xuân Hùng

Bí thư

Phó BT-CTUBND

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên TV

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH19

09/2005

(2005-2010)

1. Vũ Ngọc Ba

2. Trần Xuân Triệu

3. Nguyễn Trọng Thanh

4. Nguyễn Văn Lanh

5. Mai Xuân Lợi

6. L­u ThÞ Ninh

7. Hoµng V¨n §iÓn

8. NguyÔn V¨n Qu¶ng

9. L­­u Ngäc Thu©n

10. Vò Xu©n Lõng

11. Vò Xu©n ViÖt

12. Hoµng ThÞ Sinh

13. Hoµng V¨n Tuyªn

14. Mai Xu©n QuyÒn

Bí thư

Phó BT, CT

Phó BT.TT

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH20

06/2010

(2010-2015)

1. Nguyễn Trọng Thanh

2. Vũ Ngọc Ba

3. Nguyễn Văn Lanh

4. Mai Xuân Lợi

5. Mai Xuân Quyền

6. NguyÔn §×nh Ngäc

7. L­­u Ngäc Thu©n

8. NguyÔn V¨n Qu¶ng

9. NguyÔn V¨n Minh

10. Hoµng V¨n Tuyªn

11. NguyÔn §×nh H­ng

12. NguyÔn §øc Th¾ng

13. NguyÔn Träng M¹c

14. NguyÔn Träng Kú

15. Vò ThÞ ThuÊn

16. Hoµng ThÞ Sinh

Bí thư

Phó BT, CT

 Phó BT. TT

Ủy viên T.V

Ủy viên T.V

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

ĐH21

05/2015

(2015-2020)

1. Nguyễn Trọng Thanh

2. Nguyễn Đình Hưng

3. Nguyễn Đức Thắng

4. Nguyễn Đình Ngọc

5. Nguyễn Trọng mạc

6. Nguyễn Văn Minh

7. Nguyễn Trọng Ky

8. Hoàng Văn Tuyên

9. Vũ Thị Thuấn

10. Lưu Xuân Hinh

11. Nguyễn Đức Tương

12. Vũ Văn Tĩnh

13. Lưu Văn Thuỳ

14. Nguyễn Văn Quảng

Bí thư

Phó BT. TT

Phó BT.CT

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

Uỷ viên BCH

 

6. Danh sách các đồng chí Bí thư chi bộ và Bí thư Đảng bộ xã - Thị trấn Lai Cách (1947-2017)

STTHọ và tênThời gianNơi sinh
1Nguyễn Văn Tần11/1947- 6/1948Thôn Bễ
2Vũ Xuân Chiêm7/1948 - 8/1949Thôn H-Đ
3Nguyễn Trọng Hoàn9/1949 - 01/1950Thôn Ngọ
4Vũ Trọng Nhàn02/1950 - 6/1951Thôn Đìa
5Vũ Trọng Quý7/1951 - 12/1951Thôn Đìa
6Nguyễn Văn Đệ12/1951 - 04/1952Thôn….
7Hoàng Văn Long05/1952 -01/1953Thôn Trụ
8Vũ Trọng Quý02/1953-6/1954Thôn Đìa
9Nguyễn Trọng Điền7/1954 - 6/1955Thôn Ngọ
10Vũ Văn Nghiệp7/1955- 6/1956Thôn H-Đ
11Nguyễn Trọng Điền7/1956 - 12/1957Thôn Ngọ
12Mai Xuân Làm

01/1958 - 8/1960

8/1960 - 12/1964

Thôn Bầu
13Lưu Văn Hoạt01/1965- 11/1967Thôn Trụ
14Nguyễn Đình Dần11/1967 - 12/1968Thôn Nghĩa
15Vũ Văn Toàn 01/1969- 12/1972Thôn H-Đ
16Mai Xuân Diến01/1973- 03/1974Thôn Bễ
17Nguyễn Văn Mậu04/1974 - 10/1981Thôn Năm
18Nguyễn Trọng Chén11/1981 - 9/1984Thôn Ngọ
19Nguyễn Đức Lộc10/1984 - 9/1988Thôn Bầu
20Mai Công Thái10/1988-11/1993Thôn Nghĩa
21Vũ Ngọc Ba12/1993-12/1994Thôn Đìa
22Nguyễn Văn Mùa01/1995-9/2000Thôn Gạch
23Vũ Ngọc Ba10/2000-6/2010Thôn Đìa
24Nguyễn Trọng Thanh7/2010- 2017Thôn Ngọ

 

 

 

7. Danh sách các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND xã - Thị trấn Lai Cách (1989-2017)

 

STTHọ và tênNơi sinhThời gianGhi chú
1Lưu Thị NinhThôn Trụ1989-1994UVTK HĐND
2Nguyễn Văn MùaThôn Gạch1994 - 1999CT  HĐND
3Lưu Thị NinhThôn Trụ1994-1999PCT  HĐND
4Nguyễn Văn MùaThôn Gạch1999–2001CT  HĐND
5Vũ Ngọc BaThôn Đìa2001- 2004CT  HĐND
6Lưu Thị NinhThôn Trụ2001-2004PCT  HĐND
7Vũ Ngọc BaThôn Đìa2004- 2010CT  HĐND
8Lưu Thị NinhThôn Trụ2004-2010PCT  HĐND
9Nguyễn Trọng ThanhThôn Ngọ2010-2011CT  HĐND
10Nguyễn Đình NgọcThôn Đìa2010-2011PCT  HĐND
11Nguyễn Trọng ThanhThôn Ngọ2011-2016CT  HĐND
12Nguyễn Đình NgọcThôn Đìa2011-2016PCT  HĐND
13Nguyễn Trọng ThanhThôn Ngọ2016-2017CT  HĐND
14Nguyễn Đình NgọcThôn Đìa2016-2020PCT HĐND

 

8. Danh sách các đồng chí Chủ tịch UBND xã - thị trấn Lai Cách (1945 - 2017)

 

TTHọ và tênNơi sinhThời gianGhi chú
1Nguyễn Đức ThiềuT. Năm 1945 - 04/1946CT Lâm thời xã Lai Cách
2Vũ Văn ĐượcT H-Đg1945 - 04/1946CT Lâm thời Xã Vũ Xá
3Nguyễn Đức ThiềuT . Năm04/1946 – 12/1947CT UBHC xã Lai Cách
4Vũ Xuân TrángT. Nghĩa 01/1948 – 05/1949CT UBKC-HC
5Nguyễn Văn GiaoThôn Bễ6/1949 – 12/1949CT UBKC-HC
6Nguyễn Văn ĐệThôn…01/1950 – 6/1950CT UBKC-HC
7Nguyễn Văn MiênT . Tiền 7/1950 – 12/1953CT UBKC-HC
8L­ưu Văn HoạtThôn Trụ01/1954 - 11/1957CT UBKC-HC
9Hoàng Văn NhãThôn Doi12/1957 – 12/1961CT UBHC
10Lưu Văn HoạtThôn Trụ01/1962 – 9/1965CT UBHC
11Nguyễn Đình DầnT. Nghĩa10/1965 - 10/1966CT UBHC
12Vũ Văn ToànThôn H-Đường11/1966 – 03/1968CT UBHC
13Mai  Xuân DiếnThôn Bễ04/1968 – 04/1970CT UBND Xã
14Nguyễn Văn MậuTh. Năm05/1970 – 9/1974CT UBND Xã
15L­ưu Văn HiênThôn Trụ10/1974 – 10/1981CT UBND Xã
16Hoàng Văn QuyếtThôn Doi11/1981 – 9/1986CT UBND xã
17Trần  Ngọc  ĐangTh. Trằm10/1986 – 03/1991CT UBND Xã
18Mai Công VạnThôn Bầu04/1991 – 11/1993CT UBND Xã
19Vũ Ngọc BaThôn Đìa

12/1993 – 9/1998

10/1998- 01/2001

CT UBND Xã

CT UBND TT

20Trần Xuân TriệuTh. Trằm02/2001 – 02/2007CT UBND TT
21Hoàng Văn ĐiểnThôn Doi03/2007 – 01/2008PCT– Phụ trách UBND thị trấn
22Nguyễn Trọng ThanhTh  Ngọ02/2008 – 7/2010CT UBND TT
23Vũ Ngọc BaThôn Đìa8/2010 – 03/2014CT UBND TT
24Mai Xuân LợiThôn Bễ04/2014 – 7/2014PCT– Phụ trách UBND thị trấn
25Nguyễn Đức ThắngThôn Doi08/2014 – 2017CT UBND TT

 

9. Danh sách các đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã - thị trấn  Lai Cách (1945 - 2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Lưu Văn HoạtThôn Trụ9/1948 – 11/1949
2......................................Thôn…12/1949 – 8/1956
3Lưu Văn HoạtThôn Trụ9/1956 – 6/1959
3Vũ Văn NghiệpThôn H-Đ7/1959 – 11/1962
4Hoàng Văn NhãThôn Doi12/1962 – 03/1963
5Nguyễn Đình DầnThôn Nghĩa04/1963 – 7/1965
6Mai Xuân DiếnThôn Bễ8/1965 – 12/1967
7Nguyễn Văn MậuThôn Năm01/1968 – 6/1971
8Lưu Văn HiênThôn Trụ7/1971 – 12/1974
9Vũ Đình VãngThôn Gạch01/1975 – 12/1981
10Trần Ngọc ĐangThôn Trằm01/1982 – 12/1985
11Nguyễn Thanh BảoThôn Doi01/1986 – 10/1991
12Hoàng Văn ĐiểnThôn Doi11/1991 – 04/2013
13Trần Xuân TriệuThôn Trằm01/1994 - 9/1995
14Nguyễn Trọng ThanhThôn Ngọ9/2004 – 8/2005
15Vũ Xuân LừngThôn Nghĩa03/2008 – 6/2010
16Mai Xuân LợiThôn Bễ7/1910 – 10/2015
17Nguyễn Đình HưngThôn Nghĩa8/2014 - 6/2015
18Nguyễn Văn MinhThôn Lẻ10/2015 – 7/2017
19Nguyễn Trọng MạcThôn Ngọ7/2016 - 7/2017

 

 

 

 

10. Danh sách chủ tịch MTTQ xã - thị trấn Lai Cách (1946 - 2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Vũ Văn VânThôn Tiền1946-1947
2Vũ Trọng NhànThôn Đìa1948-1949
3Nguyễn Đình TháiThôn Nghĩa1948-1950
4Hoàng Thái LongThôn Trụ 1950-1951
5Nguyễn Văn LụcThôn Năm1951-1952
6Nguyễn Đình GiảnThôn Nghĩa1953-1965
7Nguyễn Đình ChúcThôn Nghĩa1966-1976
8Nguyễn Văn MẽThôn Nghĩa1977-1985
9Vũ Hữu HởiThôn Năm1986-1990
10Nguyễn Quang HoaThôn Lẻ1991– 11/1992
11Nguyễn Sĩ ThoiThôn Bễ12/1992-1995
12Vũ Xuân ViệtThôn Nghĩa1996-2000
13Nguyễn Trọng ThanhThôn Ngọ2001-2005
14Vũ Xuân ViệtThôn Nghĩa2005-2013
15Nguyễn Trọng KyThôn Ngọ2013-2017

 

11. Danh sách Bí thư Đoàn Thanh niên xã - thị trấn Lai Cách (1946- 2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Vũ Xuân ChiêmT. H.Đường1946
2Vũ Trọng NhànThôn Đìa 
3Nguyễn Đình TháiThôn Nghĩa 
4Vũ Trọng QuýThôn Đìa 
5Vương Đức ToànQuý Dương 
6Vũ Văn ThọThôn H-Đ 
7Phạm Văn LợiThôn Ngọ 
8Nguyễn Đình HàoThôn Nghĩa 
9Võ Đức ThườngThôn……  
10Đỗ Văn BẩyThôn Tiền 
11Nguyễn Văn ThưởngThôn Tiền1957 - 1958
12Hoàng Văn ThiệpThôn Trụ1959 - 1960
13Nguyễn Quang Thự Thôn Nghĩa1961 - 1965
14Vũ Trọng Thọ Thôn Đìa1965 - 1966
15Hoàng Thị VớiThôn Trụ1967 - 1968
16Nguyễn Văn PhượngThôn Bầu1969     
17Hoàng Văn ThiệpThôn Trụ02/1970–11/1971  
18Nguyễn Thanh BảoThôn Doi12/1971–12/1980
19Nguyễn Văn ChínhThôn Bễ01/1981-10/1981
13Lưu Thị NinhThôn Trụ11/1981- 5/1987
14Nguyễn Văn KhuêThôn Bễ6/1987 – 9/1988
15Nguyễn Văn MùaThôn Gạch10/1988 – 9/1991
16Nguyễn Văn KhuêThôn Bễ11/1991 – 04/ 2002
17Mai Xuân QuyềnThôn Bầu05/2002 – 9/2010
18Nguyễn Văn MinhThôn Lẻ10/2010 – 01/2016
19Nguyễn Đức TươngThôn Năm02/2016 – 04/2017
20Lưu Văn ThuỳThôn TrụTừ tháng 05/2017

 

12. Danh sách Chủ tịch Hội Phụ nữ xã - thị trấn Lai Cách (1948 - 2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Nguyễn Thị KhiểnThôn …..1848 - 1949
2Nguyễn Thị BéThôn Bầu1949 - 1950
3Đào Thị NụThôn Năm1950 - 1951
4Nguyễn Thị CậyThôn …..1951 - 1952
5Vũ Thị ThờiThôn ……1953 - 1954
6Đào Thị NămThôn Năm1954 - 1955
7Vũ Thị LiệuThôn 1955 - 1956
8Phùng Thị ĐàoThôn Năm1957 - 1960
9Nguyễn Thị Thận Thôn Bầu1961 - 1974
10Đào Thị CậnThôn Nghĩa1975 - 11/1988
11Lưu Thị ChanhThôn Trụ12/1988- 10/1990
12Hoàng Thị SinhThôn Ngọ11/1990 - 6/2015
13Vũ Thị ThuấnThôn H-Đg7/2015- 2017

 

 

 

13. Chủ tịch Hội Nông dân xã - thị trấn (1948 - 2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Đỗ Văn CốcThôn Tiền1948-1949
2Nguyễn Trọng ĐiềnThôn Ngọ1950-1951
3Nguyễn Văn TrungThôn Ngọ1952
4Mai Xuân LàmThôn Bầu1953-1954
5.........................Thôn1955 - 1975
6Nguyễn Thị XuyềnThôn Lẻ01/1976-12/1984
7Nguyễn Quang HoaThôn Lẻ01/1985 -12/1990
8Nguyễn Sĩ ThoiThôn Bễ01/1991- 03/1993
9Vũ Thị HuệThôn Gạch04/1993- 03/1997
10Nguyễn Văn ChínhThôn Bễ04/1997- 6/2013
11Hoàng Văn TuyênThôn Gạch7/2013 - 2017

 

14. Danh sách Chủ tịch Hội Cựu chiến Binh xã - thị trấn Lai Cách (1990-2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Vũ Công NgọtThôn Gạch8/1990 – 3/2001
2Vũ trọng Huân Thôn Đìa04/2001-7/2001
3Đỗ Thạch ThuầnThôn Gạch7/2001-11/2006
4Vũ Hữu HườngThôn Năm11/2006-12/2011
5Lê Văn SảnhThôn Trụ01/2012-03/2017

 

15. Danh sách Chủ tịch Hội chứ thập đỏ xã - thị trấn Lai Cách (1993-2015)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Vũ Ngọc BaThôn Đìa1993 - 1994
2Nguyễn Văn MùaThôn Gạch1995 - 2000
3Vũ Xuân ViệtThôn Nghĩa2001 - 2004
4Nguyễn Trọng BínhThôn Ngọ2004 – 2017

 

 

 

 

16. Danh sách Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã – thị trấn Lai Cách (1996-2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Nguyễn Quang HoaThôn Lẻ1996 – 2016
2Vũ Xuân ViệtThôn Nghĩa2016 – 2017

 

17. Danh sách Trưởng Công an xã - thị trấn Lai Cách (1946 - 2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Nguyễn Trọng CẩnThôn Ngọ1946 - 1949
2Vương Văn ThườngThôn ….1950 – 1952
3Vũ Trọng QuýThôn Đìa1953- 9-1954
4Mai Xuân LàmThôn Bầu10/1954- 10/1955
5Lưu Văn ĐảmThôn Trụ11/1955- 02/1956
6Hoàng Văn NhãThôn Doi03/1956–11/1957
7Lưu Văn HoạtThôn Trụ 12/1957–02/1961
8Hoàng Văn NhãThôn Doi03/1961–2/1963
9Nguyễn Đình DầnThôn Nghĩa03/1963–7/1964
10Mai Xuân DiếnThôn Bễ8/1964–7/1966
11Hoàng Văn NhãThôn Doi 8/1966–03/1967
12Nguyễn Trọng PhiếmThôn Ngọ 4/1967–12/1971
13Lưu Văn Hiên Thôn Trụ01/1972-12/1974
14Vũ Đình VãngThôn Gạch01/1975-12/1980
15Trần Ngọc ĐangThôn Trằm01/1981–12/1985
16Nguyễn Thanh BảoThôn Doi01/1986–10/1991
17Hoàng Văn ĐiểnThôn Doi

11/1991–9/1998

10/1998-12/2000

18Mai Xuân LợiThôn Bễ01/2001–7/2010
19Mai Xuân QuyềnThôn Bầu8/2010–7/2012
20Lưu Ngọc ThuânThôn Trụ11/2012–01/2015
21Lưu Xuân HinhThôn Trụ5/2014–04/2017

 

 

 

18. Danh sách Xã Đội trưởng xã - thị trấn Lai Cách (1946 - 2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Nguyễn Văn CứThôn …1946 – 1947
2Nguyễn Văn NgưỡngThôn…….1948-1949
3Nguyễn Văn LiênThôn …..1949-1950
4Nguyễn Sĩ TruyềnThôn…….1950-1951
5Mai Xuân DiệnThôn Bầu1951-1952
6Nguyễn Đức ĐậuThôn Bễ1952 – 10/1953
7Nguyễn Đình ThưThôn Nghĩa11/1953 – 7/1954
8Nguyễn Văn MẽThôn Nghĩa8/1954 – 12/1954
9Đào Văn TháiThôn Nghĩa1955-1960
10Nguyễn Đình ChúcThôn Nghĩa1961 – 2/1963
11Hoàng Văn NhãThôn Doi03/1963 – 3/1964
12Vũ Trọng VănThôn Đìa04/1964 - 10/1967
13Nguyễn Văn TấtThôn Lẻ11/1967 – 2/1969
14Vũ Đình VãngThôn Gạch03/1969 – 12/1970
15Nguyễn Đình ChúcThôn Nghĩa1971 – 1974
16Hoàng Văn GiaoThôn Doi1975 – 01/1978
17Vũ Trọng ThọThôn Đìa02/1978-12/1978
18Nguyễn Văn TâmThôn Bầu01/1979 – 9/1989
19Hoàng Văn ĐiểnThôn Doi10/1989 – 10/1991
20Trần Xuân TriệuThôn Trằm11/1991 – 12/1993
21Mai Xuân LợiThôn Bễ01/1994 – 12/2000
22Lưu Ngọc ThuânThôn Trụ01/2001 – 12/2012
23Nguyễn Trọng MạcThôn Ngọ01/2013 – 2014
24Lưu Văn ThuỳThôn Trụ2015 – 2017

 19. Danh sách các thầy cô làm hiệu trưởng trường Tiểu học (cấp I) Lai Cách 1 (1955- 2017)

 

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Nguyễn Thanh QuangHà Nội1955 - 1957
2Nguyễn Văn ThảoHà Nội1957 - 1960
3Đỗ Thanh ChấtBình Giang1960 - 1964
4Phạm Văn VinhCao An1964 - 1968
5Hoàng Thị ThanhThôn Doi1968 - 1973
6Lê Văn QuỳnhCẩm Đông1973 - 1978
7Phạm Quốc ĐịnhHưng Yên1978 - 1990
8Trần Văn TàiThôn Bầu1990 - 1999
9Đinh Quang ĐộThôn Gạch1999 - 2009
10Hoàng Thị ĐiệpThôn H Đường2009 - 2017

20. 19. Danh sách các thầy cô làm Hiệu trưởng trường Tiểu học (cấp I) Lai Cách  2 (1999-2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Vũ Thị Khung Hải Dương10/1999 – 7/2007
2Nguyễn Thị ThiêmHải Dương8/2007 – 7/ 2015
3Hoàng Thị Minh TâmHải Dương8/2015 – 2017

               

21. 19. Danh sách các thầy cô làm Hiệu trưởng trường THCS (cấp II) thị trấn Lai Cách (1960-2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Hứa Văn HuânThôn1960 - 1962
2Bùi ĐảngHà Nội1962 - 1975
3Nguyễn Sỹ NghệThôn Nghĩa1975 - 1977
4Trần Văn TàiThôn Bầu1977 - 1990
5Trần Quang ĐứcHải Dương1990 - 1997
6Phạm Huy ỨngKhu 191997 - 2006
7Giang Thị LýHải Dương2007 - 2017

 

22. 19. Danh sách các thầy cô làm Hiệu trưởng trường mầm non xã - thị trấn Lai Cách (1977-2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Mai Thị ÁnhKhu 161977 - 1984
2Hoàng Thị VânThôn Tiền1985 - 8/2004
3Trần Thị DungThôn9/2004 - 02/2006
4Nguyễn Thị ThảoThôn03/2006-02/2015
5Nguyễn Thị TuyếtThôn04/2015 - 2017

 

 

23. Danh sách Trạm trưởng trạm Y tế xã - Thị trấn Lai Cách (1957 - 2017)

TTHọ và tênNơi sinhThời gian
1Hoàng Văn XếThôn Gạch12/1957 - 12 /1977
2Vũ Tư TuấnThôn Bầu01/1978 - 12/1985
3Mai Công VạnThôn Bầu1986 - 1990
4Nguyễn Sĩ HóaThôn Nghĩa1991 - 1995
5Lưu Thị TáoThôn Trụ7/1996 - 8/1999
6Mai Xuân MinhKhu 189/1999 - 8/ 2002
7Nguyễn Thị VócKhu 189/2002 - 2017

24. Danh sách Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, HTX dịch vụ nông nghiệp ở Lai Cách (1958-2015).

TT Tên HTXThành lậpHọ và tên Thời gian CN 
*Theo xóm  và thôn (1958 và 1960) 
1 Bầu10/1958Mai Xuân Làm10/1958-02/1961 
2 Đìa02/1959Vũ Trọng Nghi02/1959-02/1961 
3Đìa1961Nguyễn Đình Kiệm1961-1963 
4Nghĩa Đông02/1959Nguyễn Đình Dần02/1959-02/1960 
5Nghĩa Giữa02/1959Vũ Xuân Hành02/1959-02/1960 
6Năm02/1959Nguyễn Hữu Thẳng02/1959-02/1961 
7Ngọ Trong02/1959Phạm Văn Lợi02/1959-02/1961 
8Ngọ Ngoài02/1959Nguyễn Trọng Điền02/1959-02/1961 
9Bễ02/1959Nguyễn Văn Thành02/1959-02/1961 
10Lẻ02/1959Nguyễn Văn Hội02/1959-02/1961 
11Doi02/1959Hoàng Văn Dền02/1959-02/1961 
12Gạch12/1959Vũ Đình Quỳnh12/1959-02/1961 
13Hoàng Đường02/1959Vũ Văn Toàn02/1959-02/1961 
14Tiền02/1959Nguyễn Văn Hách02/1959-02/1961 
15Trụ02/1959Lưu Văn Hoạt02/1959-02/1961 
16Trằm02/1959Trần văn Phương02/1959-02/1961 
* HTX nông nghiệp liên thôn và tách liên thôn (1961 và 1962)

An Nghĩa

 (Nghĩa Đông,

 Nghĩa Giữa)

02/1960Nguyễn Đình Dần02/1960-02/1961
1Vũ Trụ (Tiền, Trằm, Trụ, Hoàng Đường)02/1961Vũ Văn Toàn02/1961-10/1967 
2

Vũ Trụ (Tiền, Trằm, Trụ,

 Hoàng Đường)

02/1961Vũ Văn Toàn02/1961-10/1967 
3An Hóa (Bầu, Bễ, Lẻ, Gạch, Doi, An Nghĩa)02/1961Mai Xuân Làm02/1961-10/1975 
4Liên Trung (Đìa, Năm, Ngọ)02/1961Nguyễn Trọng Điền02/1961- 02/1962 
5Năm - Đìa02/1962NguyễnVăn Mậu02/0962-10/1967 
 Ngọ 02/1962..........................02/1962- 10/1967 

 

 

 

* Tách HTX nông nghiệp liên thôn (1962, 1967 và 1971)

TT Tên HTXHọ và tên Thời gian
1HTX Vũ TrụNguyễn Văn Hách1964-1966
  Lưu Văn Thể1967 – 10/1970
  Nguyễn Văn Thiết9/1971-10/1975
2HTX Đìa - NămNguyễn Văn Mậu02/1962–9/1967
3HTX Ngọ 02/1962- 9/1967
4

HTX Liên Trung

(Đìa -Năm- Ngọ)

Nguyễn Đình Kiệm9/1967- 10/1970
5HTX Bản HoáMai Xuân Làm02/1961-10/1975

 

* HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp toàn xã (1975 - 1993)

TT Họ và tên Thời gian Ghi chú
1Nguyễn Đức Lộc,10/1975-1978HTX NN toàn xã
2Hoàng Văn Quyết1978-05/1981HTX NN toàn xã
3Mai Công Thái6/1981-10/1988HTX NN toàn xã
4Vũ Ngọc Ba10/1988-11/1993HTX NN toàn xã
5Nguyễn Văn Lanh11/1993-2008HTX dịch vụ NN
6Nguyễn Văn Quảng2008-2015HTX dịch vụ NN
7Nguyễn Văn Liên01/2016- 5/2016PCN-Phụ trách HTX dịch vụ NN
8Nguyễn Văn Khuê2016-2017Giám đốc HTX dịch vụ NN

 

25. Danh sách Chủ nhiệm HTX mua bán xã Lai Cách (1958- 1993)

TT Họ và tênNơi sinhThời gian
1Mai Xuân ThínhThôn Bễ10/1958 - 5/1964
2Vũ Văn ToànThôn H Đường1965 - 9/1966
3Nguyễn Trọng ChénThôn Ngọ10/1966 - 7/1967
4Nguyễn Thị XuyềnThôn Lẻ8/1967- 12/1969
5Nguyễn Trọng DoanhThôn Ngọ1970- 1971
6Nguyễn Huy TrịchThôn Tiền1983 - 1984
7Vũ Văn NgữThôn H Đường03/1985 - 8/1993

                        26. Danh sách Chủ nhiệm HTX Tín dụng xã Lai Cách (1958 -1991)

TT Họ và tênNơi sinhThời gian
1Hoàng Văn TúyThôn Gạch10/1958 - 01/1962
2Nguyễn Văn HáchThôn Tiền1963 - 1966
3Nguyễn Trọng PhiếmThôn Ngọ03/1967 - 9/1969
4Nguyễn Tuấn LệThôn Nghĩa1970 - 1973
5Hoàng Văn TúyThôn Gạch1974 - 12/1976
7Vũ Hữu HởiThôn Năm01/1977- 05/1985
8Nguyễn Văn LanhThôn Tiền6/1985- 04/1991

27. Con em thị trấn Lai Cách trưởng thành trên mọi miền đất nước

* Cán bộ cao cấp trong quân đội

TTHọ và tênHàm, vịSinh quánTrú quán
*Đã nghỉ hưu
1Nguyễn Đình TámĐại táThôn ĐìaThôn Đìa
2Nguyễn Đức TườngĐại táThôn BễThôn Bễ
3Nguyễn Trọng ToànĐại táThôn NgọHải Dương
4Nguyễn Đức VĩĐại táCẩm HoàngKhu 15
5Nguyễn Trọng TóanThượng táThôn NgọThôn Ngọ
6Vũ Trọng ĐứcThượng táThôn ĐìaThôn Đìa
7Phạm Xuân VõThượng táCao AnThôn Gạch
8Hoàng Hồng HàThượng táThôn DoiThôn Doi
9Trần Quang HườngThượng táThôn NghĩaThôn Nghĩa
10Nguyễn Văn ĐạoThượng táThôn NghĩaTPHCM
11Nguyễn Quang MiênThượng táCẩm HoàngKhu 14
12Trần Văn QuyếnThượng táCẩm Đoài//
*Còn đang công tác
13Nguyễn Văn SoáiĐại táThôn NămHà Nội
14Lưu Văn TúĐại táThôn TrụThôn trụ
15Nguyễn Toàn ThắngĐại táKhu 14Khu 14
16Nguyễn Văn TuyếnĐại táThôn LẻThôn Lẻ
17Vũ Trọng SôngThượng táThôn ĐìaHà Nội
18Nguyễn Văn ĐấuThượng táThôn NămThôn Năm
19Nguyễn Văn ChanhĐại táThôn NămThôn Năm
20Mai Xuân GiangThượng táThôn BễThôn Bễ
21Nguyễn Văn NamThượng táThôn NgọThôn Ngọ
22Nguyễn Văn ChuyênThượng táThôn BầuThôn Bầu
23Nguyễn Văn TuyểnThượng táThôn DoiTPHCM
24Hoàng Văn TâmThượng tá// Hà Nội
25Nguyễn Văn ToảnThượng táThôn LẻThôn Lẻ
26Nguyễn Văn ThụThượng táThôn LẻThôn Lẻ
27Nguyễn Quang LợiThượng táThôn NghĩaTPHCM
28Nguyễn Bá NghịThượng táThôn NghĩaNha Trang
29Trần Văn HồngThượng táThôn TrằmThôn Trằm
30Nguyễn Văn TuyếnTiến sĩ, Đại táThôn Lẻ 
31Mai Xuân ĐộTiến sĩ, Thượng táThôn Bầu 

 

* Cán bộ cao cấp trong ngành Công an

TTHọ và tênHàm, vịSinh quánTrú quán
*Đã nghỉ hưu
1Nguyễn Văn LậpThượng táThôn GạchTPHCM
2Hoàng Văn BộiThượng táThôn DoiThôn Doi
3Nguyễn Văn ChắcThượng táThôn TiềnHà Nội
4Bùi Văn HàoThượng táKim GiangKhu 18
5Nguyễn Đình ĐĩnhThượng táThanh HàT. Gạch
6Đào Văn HoànThượng táHưng YênKhu 16
*Đang công tác
7Mai Xuân OanhThượng táThôn BễHải Dương
7Đỗ Thạch BịchThượng táThôn Gạch

Tỉnh

Gia Lai

9Nguyễn Văn KhiêmThượng táThôn GạchTPHCM

 

  * Đảng, chính quyền thị trấn huyện ủy viên đã nghỉ hưu   

TTHọ và tênHàm, vị
1Hoàng Văn QuyếtHuyện ủy viên, Chủ tịch UBND xã Lai Cách ( Khóa 1981 – 1986)
2Mai Công TháiHuyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Lai Cách (Khóa 1988-1993)
3Nguyễn Văn MùaHuyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã và thị trấn Lai Cách (Khóa 1995-2000)
4Vũ Ngọc BaHuyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lai Cách (2000-2010)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 



([1]) Là xóm Mơ Động thôn Quý Dương xã Tân Trường ngày nay

([2]) Làng Hương Phú bị Nhà Thanh tàn phá, huỷ diệt nay chỉ còn di tích ngôi đình Nội.

([3]) Bằng Sectipica ngang với bằng tốt nghiệp Tiểu học, Díp lôm ngang với bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở hiện nay.

([4]) Những người ửng hộ vàng: Bà Mai, bà Xâm , bà Chiêm, bà Ly, bà Tòng (thôn An Nghĩa); ông Được, ông Bốc (thôn Hoàng Đường); ông Xước (thôn Tiền)

([5]) 3 mục tiêu: 1 lao động, 2 con lợn, 5 tấn thóc 1 ha. 5 cao điểm, phát triển lúa, mầu, cây, cá, lợn.

([6]) Đại hội Đảng bộ Lai Cách lần thứ V vào ngày 22-12-1970. Đồng chí Vũ Văn Toàn được bầu lại làm Bí thư

([7]) Đại hội Đảng bộ xã Lai Cách lần thứ VII, diễn ra vào ngày 02-01-1974. Ban Thường vụ khóa VII có 3 đồng chí; đồng chí Nguyễn Văn Mậu làm Bí thư, đồng chí Lưu Xuân Hiên và Nguyễn Đức Lộc là Ủy viên Thường vụ

[8] Đại hội Đảng bộ xã Lai Cách lần thứ IX vào ngày 15-8-1979. Đại hội bầu 13 đồng chí vào Ban chấp hành, trong đó 3 đồng chí Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Mậu được bầu lại làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Chén và Nguyễn Đức Lộc là Ủy viên Thường vụ.

(1) Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV bầu 14 đồng chí vào BCH. Đồng chí Mai Công Thái làm Bí thư, các đ/c: Trần Ngọc Đang, Mai Công Vạn, Vũ Ngọc Ba, Nguyễn Thanh Bảo là Ủy viên Ban Thường vụ.

(1) Đại hội XV bầu 15 đồng chí vào Ban chấp hành, BCH bầu 5 đồng chí vào Ban thường vụ. Đ/c Mai Công Thái được bầu lại làm Bí thư.

(1) Trước năm 1992 số hộ nợ đọng lên tới 22.548 kg thóc.

(1) Đại hội Đảng bộ thị trấn Lai Cách lần thứ XXI  bầu 14 đồng chí vào BCH (thiếu 1 ủy viên); Ban chấp hành họp phiên đầu tiên bầu 3 đồng chí thường vụ. Đồng chí Nguyễn Trọng Thanh được bầu lại làm bí thư, đồng chí Nguyễn Đình Hưng làm Phó bí thư thường trực, đồng chí Nguyễn Đức Thắng làm phó bí thư, Chủ tịch UBND thị trấn. ​