Đăng nhập

Cổng TTĐT Thị trấn Lai Cách - Huyện Cẩm Giàng

23/4/2023  |  English  |  中文

Giới thiệu tổng quan - Thị trấn Lai Cách

​​

Thị trấn Lai Cách là vùng đất được hình thành từ thời Hùng Vương. Những người đầu tiên về đây khai phá đất hoang, sinh cơ lập nghiệp cách ngày nay  hàng nghìn năm. Khi mới mở đất, chỉ có một số hộ về đây sinh sống. Sau đó nhiều hộ thuộc các dòng họ ở mọi miền đất nước lần lượt về lập ra các trại ấp, làng xã. Đến ngày nay thị trấn Lai Cách có nhiều dòng họ khác nhau sống trong một cộng đồng cư dân, đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, chiến đấu.

Thời Thực dân - Phong kiến thị trấn Lai Cách  còn là hai xã: Cách Chỉ Trang và Vân La Xã thuộc tổng Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Sau đó xã Cách Chỉ Trang đổi thành xã Lai Cách, xã Vân La Xã đổi thành xã Vũ Xá. Xã Lai Cách có 6 thôn: Thôn An Nghĩa, thôn Bản Hoá “Gồm có 6 xóm: Lẻ, Gạch, Doi, Bầu, Bễ" (Khải đễ); thôn Đìa (Trung Đàm), thôn Năm, thôn (Ngũ Lộc), thôn Ngọ (Ngũ Mã), thôn Lỗ Măng ([1]). Xã Vũ Xá có 5 thôn: Thôn Trằm (Nhu Trạch), thôn Trụ (Thiên Trụ), thôn Tiền, thôn Hoàng Đường (Làng Vàng), thôn Hương Phú (Làng Nội)([2]).​

([1]) Là xóm Mơ Động thôn Quý Dương xã Tân Trường ngày nay

([2]) Làng Hương Phú bị Nhà Thanh tàn phá, huỷ diệt nay chỉ còn di tích ngôi đình Nội.​

 Cách mạng tháng 8/1945 thành công, căn cứ vào tình hình đặc điểm, dân số, ruộng đất của xã Lai Cách và xã Vũ Xá, Chính phủ quyết định sáp nhập hai xã Lai Cách và Vũ Xá thành một xã, lấy tên là xã Lai Cách. Khi mới sáp nhập, xã Lai Cách có diện tích tự nhiên khoảng 10 km2, phía Đông giáp xã Tứ Minh, phía Nam giáp xã Cẩm Đông và xã Cẩm Đoài, phía Tây giáp xã Tân Trường, phía Bắc giáp xã Cao An và xã Cẩm Định.

 Cuối năm 1968, huyện lỵ Cẩm Giàng chuyển từ thị trấn Cẩm Giàng về xã Lai Cách. Từ đó xã Lai Cách trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả huyện Cẩm Giàng. Được Huyện ủy, HĐND, UBND và các ngành đoàn thể trong huyện quan tâm, xã Lai Cách có điều kiện phát triển trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng.

Ngày 24/9/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 74-NĐ/CP về việc thành lập thị trấn Lai Cách trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Lai Cách là đô thị loại V nằm ven quốc lộ số 5 và đường 394. Thị trấn Lai Cách, phía Đông giáp thành phố Hải Dương, phía Tây giáp xã Tân Trường, phía Nam giáp xã Cẩm Đoài và Cẩm Đông, phía Bắc giáp xã Cao An và xã Cẩm Định.

 Đến năm 2017, diện tích tự nhiên của thị trấn Lai Cách còn 750 ha, có 3.800 hộ, 14.000 khẩu; Cư trú ở 13 thôn: Đìa, Năm, Ngọ, Bễ, Bầu, Gạch, Doi, Lẻ, An Nghĩa, Hoàng Đường, Tiền, Trụ, Trằm và 7 khu dân cư là: 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20. ​

Về đường xá, sông ngòi: Từ xa xưa vùng đất này đã có con đường cái quan từ cầu Cẩm Khê (Tứ Minh) chạy qua cửa chùa thôn Trụ, cửa đình thôn Hương Phú (Làng Nội), cửa chùa vàng (Hoàng Đường), thôn An Nghĩa về quán Xanh, đến bờ giếng thôn Đìa vòng lên Cống Mỏ. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, người Pháp bắt dân ta làm 2 con đường chiến lược nối thành phố Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội: Đường quốc lộ số 5 nằm trên địa phận xã Lai Cách dài hơn 4 km và đường xe lửa nằm ở phía bắc xã. Sau đó người Pháp bắt dân ta làm thêm 2 con đường chạy ngang qua xã: Một đường nối từ bến Cậy chạy qua quốc lộ số 5 đến xã Cẩm Vũ (gọi là đường 194) và một đường từ quốc lộ số 5 nối với ga Cao Xá. Các làng, xóm trong xã đều có đường qua lại nối với quốc lộ số 5 và đường xe lửa, việc đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn.

 Lai Cách còn có 3 con sông nhỏ nối với sông Thái Bình và sông Cậy đó là sông Đìa, sông Cầu Gỗ, sông Trụ. Đây là nguồn nước tưới cho đồng ruộng và sinh hoạt của nhân dân địa phương.

Do bình diện địa lý ở Lai Cách không bằng phẳng và không đều nhau, nên có khu cao, khu trũng. Về mùa mưa khu trũng thường bị ngập úng phải đi thuyền, đi mảng như thôn Trằm, thôn Trụ. Do vậy ngày xưa nhân dân địa phương có câu ca “Trăm cái tội không bằng cái lội làng Trằm".

Về sản xuất nông nghiệp: Diện tích gieo trồng hàng năm hầu hết là đất thịt pha cát, chân ruộng 2 vụ lúa rất ít, chủ yếu chỉ gieo cấy vào vụ mùa dựa vào nước mưa. Vì vậy khi vào mùa mưa bão hay bị úng ngập, có năm mất tới 50% diện tích hoặc có thu hoạch cũng không đáng kể, mỗi sào chỉ thu được từ 30 kg đến 40 kg. Còn vụ chiêm chỉ cấy được một số diện tích, đa số phải bỏ hoang vì không có nước.

Về dân số: Lai Cách là một xã có số dân đông. Năm 1930 mới có 624 hộ và 2.534 khẩu, năm 1945 có 725 hộ và 3.404 khẩu, năm 1998 (thành lập thị trấn) tăng lên 2.938 hộ, 11.693 khẩu, đến năm 2017 thị trấn Lai Cách đã có 3.929 hộ, 14.162 khẩu. Nhân dân trong xã đa số là dân tộc Kinh, trên 90% số dân theo đạo phật, số dân theo đạo thiên Chúa ở xóm Ngọ Ngoài khoảng 1.5%. Nguồn sinh sống chính của nhân dân xã Lai Cách chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, gieo trồng lúa, mầu và một số ngành nghề phụ như: Trồng dâu nuôi tằm, đan chài lưới, đánh bắt cá.​